20.07.2017

Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông lần thứ 7

Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông lần thứ 7

Mỹ cần đóng vai trò tích cực hơn ở biển Đông
Các chuyên gia trình bày tại buổi Hội thảo quốc tế biển Đông lần thứ 7 tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington DC hôm 18 tháng 7.  Ảnh: RFA

Hội thảo quốc tế biển Đông lần thứ 7 vừa diễn ra tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington DC hôm 18 tháng 7. Hội thảo lần này tập trung chủ yếu vào những diễn biến gần đây trên biển Đông, một năm sau phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) về biển Đông, và vai trò của Mỹ ở biển Đông.


Lo ngại về vai trò của Mỹ ở biển Đông

Thượng Nghị sĩ Mỹ Cory Gardner, Chủ tịch tiểu ban Đông Á thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, mở đầu buổi hội thảo quốc tế về biển Đông ở trung tâm CSIS hôm 18/7 với khẳng định rằng biển Đông là một phép thử đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.

TNS. Cory Gardner: Chủ đề biển Đông tại hội thảo hôm nay đã nổi lên thành một trong các thách thức về an ninh quốc gia gây tranh cãi nhất đối với Mỹ và khu vực. Nó là một phép thử về luật pháp quốc tế, vai trò lãnh đạo và cam kết của Mỹ với một khu vực của thế giới nơi mà các quốc gia Châu Á khác không thể chấp nhận các vấn đề an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao trở thành một thứ được Trung cộng dùng như độc quyền.

Ông nhìn nhận chính phủ mới của Mỹ trong thời gian qua đã có những bước đi cho thấy mối quan tâm đến khu vực thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao đến các nước châu  Á. Tuy nhiên, theo ông như vậy vẫn chưa đủ.

Thượng nghị sĩ Gardner nói đến 3 thách thức lớn nhất của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương là vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn, tranh chấp biển Đông và khủng bố. Về vấn đề biển Đông, ông kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện chương trình tự do hàng hải FONOPs được bắt đầu từ thời của Tổng thống Barack Obama, giúp trang bị năng lực cho các nước trong khu vực để đối phó với sức ép từ Trung cộng, thực hiện tuần tra chung ở biển Đông với các nước Nhật bản, Úc và Anh, tăng cường hợp tác với Phi Luật Tân là nước đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á.

Thượng Nghị sĩ Mỹ Cory Gardner. Ảnh: RFA

Theo Thượng Nghị sĩ Gardner, Trung cộng trong thời gian qua đã hành động đơn phương và dựa vào sức mạnh của mình để lấn át các nước yếu thế khác trong khu vực, và vì vậy đã đến lúc chính phủ Hoa Kỳ cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn trong khu vực này để trấn an các đồng minh của mình trong khu vực. Thượng nghị sĩ Gardner nói ông sẽ giới thiệu một dự luật mới có tên là Asia Reassurance Initiative Act (gọi tắt là ARIA), theo đó Mỹ sẽ phải tham gia tích cực hơn vào khu vực không chỉ về mặt an ninh quốc phòng mà còn cả vấn đề kinh tế, dân chủ và nhân quyền.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu biển Đông của Việt Nam, một diễn giả tại hội thảo cho biết có những lo ngại trong khu vực về sự không chắc chắn về chính sách ở khu vực biển Đông của chính quyền Mỹ bất chấp những hoạt động FONOPs của tàu và máy bay Mỹ trong khu vực trong vài tháng qua.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy lo ngại vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với Trung cộng ở biển Đông vì Trung cộng là nước có ảnh hưởng quan trọng có thể gây sức ép lên Bắc Hàn.
Chuyên gia Ely Ratner thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ thì cho rằng Mỹ phải xác định rõ mục tiêu của mình là ngăn chặn Trung cộng ở biển Đông, mà để làm được điều này thì các hoạt động trong chương trình FONOPs mà Mỹ vẫn thực hiện vẫn chưa đủ. Mỹ cần phải chấp nhận rủi ro, phải chấp nhận hợp tác kinh tế đa phương chứ không chỉ song phương như chủ trương của Tổng thống Donald Trump, tăng chi tiêu hỗ trợ cho các nước trong khu vực. Ông cũng nói có thể Hoa Kỳ sẽ phải chấp nhận đứng về một phía trong tranh chấp ở biển Đông như đã làm với quần đảo Senkaku của Nhật Bản thay vì luôn duy trì quan điểm trung lập không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông như từ trước đến nay.

Biển Đông không yên lặng

Hội thảo quốc tế về biển Đông năm nay diễn ra cũng là dịp để các chuyên gia quốc tế nhìn lại tình hình biển Đông một năm sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế (PCA) liên quan đến vụ kiện giữa Phi Luật Tân và Trung cộng về biển Đông và những ảnh hưởng của phán quyết này lên hành động của các nước.

Học giả Xue Chen thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, Trung cộng tiếp tục khẳng định lập trường của Trung cộng đối với phán quyết của tòa PCA, đó là lập trường 4 không: không chấp nhận, không tham dự, không thừa nhận và không chấp hành. Học giả Trung cộng bác bỏ phán quyết của tòa về đường đứt khúc 9 đoạn của Trung cộng. Tòa PCA hôm 12 tháng 7 năm ngoái đã bác bỏ hoàn toàn tính pháp lý về đường đứt khúc 9 đoạn của Trung cộng. Học giả Xue Chen cũng đề cập đến những sức ép về quốc tế đối với Trung cộng trong việc phải làm rõ những yêu sách cụ thể của nước này đối với đường đứt khúc 9 đoạn, nhưng theo ông việc Trung cộng không làm rõ yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn trên thực tế sẽ không có lợi cho các nước khác cũng có đòi hỏi về chủ quyền ở biển Đông.

Học giả Xue Chen cũng lên án các hoạt động thuộc chương trình FONOPs của Mỹ và gọi đây là các hành động nhằm cho các nước khác trong khu vực thấy Mỹ đang đe dọa Trung cộng chứ không phải nhằm mục đích khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy. Ảnh: RFA

Tiến sĩ Trần Trường Thủy cho rằng phán quyết của tòa PCA đã làm rõ hơn vấn đề yêu sách của các nước đối với các thực thể ở Trường Sa và Hoàng Sa, theo đó các thực thể này không phải là đảo và do đó không có một thực thể nào đang tranh chấp giữa Trung cộng và một số nước khác trong khu vực có được vùng lãnh hải lớn hơn 12 hải lý. Theo Tiến sĩ Trần Trường Thủy, phán quyết này của tòa do đó cũng giúp giảm khu vực tranh chấp và khả năng cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu phát triển.

Học giả Việt Nam cũng nhìn nhận tình hình biển Đông 1 năm sau phán quyết của tòa PCA là khá bình lặng, quan hệ giữa Trung cộng với các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, là những nước có tranh chấp với Trung cộng cũng được cải thiện. Ngoài ra ASEAN và Trung cộng cũng đã đồng ý một bộ khung bản thảo cho một bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC). Theo ông có những một số nhân tố ảnh hưởng bao gồm việc Trung cộng muốn đẩy mạnh sáng kiến vành đai con đường với các nước châu Âu và châu Á, phán quyết của tòa khiến Trung cộng phải tính toán lại các bước đi của mình và sự khó đoán trước về chính sách của Mỹ trong khu vực cũng làm Trung  Quốc phải chần chờ trong các hành động.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Trần Trường Thủy, ý định của Trung cộng ở biển Đông là không thay đổi và sức mạnh của nước này thì vẫn ngày một lớn, vì vậy biển Đông có thể yên lặng trên bề mặt nhưng không hề yên lặng phía dưới và do đó người ta có thể sẽ trông đợi những bất ngờ trong tương lai.

Theo RFA


20 câu hỏi của GS Carl Thayer dự định đưa ra tại hội nghị Quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 của CSIS

Carl Thayer
Song Phan
dịch
GS Carl Thayer tại CSIS

Do tôi sẽ không tham dự hội nghị, nếu dự, tôi nghĩ tôi sẽ hỏi 20 câu hỏi này tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 của CSIS-DAV về biển Đông (*):

Câu hỏi 1: Sự phát triển kinh tế của Phi Luật Tân phụ thuộc vào việc bảo đảm nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch từ bãi Recto tới mức độ nào? Sự phát triển kinh tế Phi Luật Tân có đang bị những lời đường mật của TC sẽ không khoan và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân giữ làm con tin hay không?

Câu hỏi 2: Cơ sở pháp lý cho những lời cảnh báo của Trung cộng đối với máy bay và tàu chiến của nước ngoài khi đi ngang qua các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông là gì? Trung cộng chưa công bố bất kỳ đường cơ sở nào như đòi hỏi đối với lãnh hải. Cơ sở luật pháp quốc tế nào cho các cảnh báo của Trung cộng là các máy bay nước ngoài đang xâm nhập vào “vùng cảnh báo quân sự”?

Câu hỏi 3: Hồi tháng 5 năm nay, theo tường thuật “Hệ thống dàn phóng tên lửa phòng thủ chống người nhái 55mm Norinco CS / AR-1 với khả năng khám phá, nhận diện và tấn công các lính lặn của đối phương đã được lắp đặt trên đá Chữ Thập ở Quần đảo Trường Sa.” Những hoạt động nào của “lính lặn của đối phương” đã dẫn tới phản ứng này? Việc đặt tên lửa trên đá Chữ Thập có vi phạm điều khoản về tự kiềm chế trong Tuyên bố Ứng xử của các Bên trên biển Đông (DOC) năm 2002 không?

Câu hỏi 4: Khi Toà Trọng tài công bố phán quyết vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sẽ đưa ra một tuyên bố phán quyết này. Có tuyên bố nào như vậy đã được đưa ra chưa? Nếu chưa thì tại sao?

Câu hỏi 5: Những yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa chính xác là gì? Đặc biệt, Việt Nam có yêu sách tất cả các thể địa lý (đảo nhân tạo) bị Trung cộng chiếm không? Nếu không thì Việt Nam yêu sách những thể địa lý nào? Việt Nam có yêu sách thể địa lý nào mà Phi Luật Tân cũng đòi chủ quyền là của Phi không? Nếu có thì đó là những thể địa lý nào?

Câu hỏi 6: Năm ngoái có tin rằng Việt Nam đã triển khai các thiết bị phóng cho các pháo tên lửa phòng thủ tầm mở rộng (EXTRA) do Israel sản xuất, trên một số thể địa lý ở Trường Sa. Các tin này có chính xác không và quý vị có cho rằng đây là vi phạm điều khoản về tự kiềm chế trong Tuyên bố Ứng xử của Các bên trên biển Đông năm 2002 hay không?

Câu hỏi 7: Các hoạt động của lực lượng đặc công của Việt Nam (Trung cộng gọi là lính lặn đối phương) đã dẫn tới việc Trung cộng lắp đặt một hệ thống tên lửa phòng thủ trên đá Chữ Thập là gì?

Câu hỏi 8: Điều gì đã thúc đẩy sự quyết đoán của Trung cộng trong việc phản đối việc thăm dò dầu mỏ của Phi Luật Tân tại bãi Recto và các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong lô 118 và lô 136-03 ngoài khơi bờ biển của họ?

Câu hỏi 9: Có phải Phán quyết của Tòa Trọng tài “đã chết chìm” (không hiệu lực) do Trung cộng từ chối tuân thủ và quyết định của Tổng thống Duterte gác nó lại hay không?
Điều này sẽ không làm suy yếu một trật tự khu vực dựa trên luật lệ hay sao?

Câu hỏi 10: Các chuyên gia và các học giả pháp lý Trung cộng đã phải sửng sốt trước quyết định thống nhất của Toà Trọng tài. Việc đánh giá lại nếu có xảy ra ở Trung cộng là gì? Có phải Trung cộng đang dần dần thúc đẩy một cơ sở pháp lý mới cho các yêu sách của mình ở Biển Đông hay không?

Câu hỏi 11: Trung cộng đã bị Tòa án Trọng tài lên án thẳng thừng vì gây hư hại lớn đối với hệ thống san hô và không bảo vệ môi trường biển. Những hậu quả của việc tiếp tục không để ý và không hành động gì đối với vấn đề này là gì?

Câu hỏi 12: Tại sao Trung cộng và các nước thành viên ASEAN không bắt đầu hợp tác trong năm lĩnh vực được đề cập trong DOC 2002? Trung cộng có còn nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả DOC là một điều kiện tiên quyết cho một bộ Quy tắc Ứng xử (COC)?

Câu hỏi 13: Dường như có ít nhất hai trở ngại lớn đối với bộ Quy tắc Ứng xử của ASEAN – Trung cộng ở biển Đông – phạm vi địa lý và tính chất ràng buộc pháp lý. Khu vực địa lý nào mà COC phải bao gồm? Và liệu quốc hội các nước sẽ phê chuẩn COC và sẽ nộp lưu chiểu với Liên Hợp Quốc hay không?

Câu hỏi 14: Có phải cán cân sức mạnh hải quân ở biển Đông đang nghiêng về phía Trung cộng? Nếu thế thì không phải 7 căn cứ đảo nhân tạo của Trung cộng là sự đã rồi hay sao?

Câu hỏi 15: Để Hoa Kỳ thực hiện ảnh hưởng có hiệu quả của cường quốc biển đối với sự phát triển ở biển Đông, việc sử dụng (luân phiên hay cách khác) các căn cứ và phương tiện ở Phi Luật Tân quan trọng như thế nào?

Câu hỏi 16: Khi Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ Quy chế buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR hoặc cấm vận vũ khí) đối với Việt Nam, ông nói, “Cũng như tất cả các đối tác quốc phòng của chúng tôi, việc buôn bán sẽ vẫn cần phải đáp ứng những đòi hỏi nghiêm ngặt, bao gồm cả những đòi hỏi liên quan đến nhân quyền“. Chính sách này có còn áp dụng dưới thời Tổng thống Donald Trump hay không?

Câu hỏi 17: Các hành động của Chính quyền Trump ở biển Đông như tiến hành các chuyến tuần tra tự do đi lại trên biển, máy bay ném bom và máy bay tuần tra hàng hải bay ngang trên không và các cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản thì đầy “âm thanh và cuồng nộ mà không có ý nghĩa gì“, có phải không?

Câu hỏi 18: Chính quyền Trump có thể tập hợp được một liên minh các nước sẵn sàng hoặc có cách nghĩ tương tự để chống lại sự quyết đoán của Trung cộng ở Biển Đông hay không? Nếu vậy thì ai sẽ là thành viên của liên minh này và cụ thể họ sẽ chống lại như thế nào?

Câu hỏi 19: Trung cộng lập luận rằng khi Hoa Kỳ chưa phê chuẩn UNCLOS thì thực sự không có chỗ đứng tranh chấp biển ở biển Đông. Ví dụ, nếu Trung cộng can thiệp vào việc tuần tra tự do hàng hải của Hoa Kỳ ở quần đảo Trường Sa thì Mỹ sẽ không thể tận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS được. Hoa Kỳ không nên tiến hành tuần tra tự do hàng hải với các nước như Úc và Nhật Bản đã phê chuẩn UNCLOS? Sự đe dọa có hành động pháp lý có thể ngăn cản sự quyết đoán của Trung cộng hay không?

Câu hỏi 20: Tình trạng (status) của Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ được Quốc hội Hoa Kỳ uỷ thác là gì? Chiến lược này nên bao gồm những gì? Điều tiếp theo, các thành phần thiết yếu của Chiến lược Hàng hải Hoa Kỳ mới là gì?

Carl Thayer