13.09.2017

Tệ trạng người Việt nhập cảnh lậu vào Anh Quốc

Tệ trạng người Việt nhập cảnh lậu vào Anh Quốc


Người Việt vượt biên trái phép vào Anh bằng cách nào?

Nhiều người Việt đã phải sống vất vưởng chờ ngày vượt biên trái phép vào Anh. Người già, trẻ em,... sống trong khu trại nằm trong rừng miền bắc nước Pháp. Qua các bức ảnh chưa từng công bố, người ta thấy điều kiện sống tồi tàn của khu trại này.

Mỗi năm, hàng trăm thanh niên Việt Nam chịu đựng cảnh sống cơ cực tại một khu trại tạm ở miền bắc nước Pháp trước khi được các tay buôn người vận chuyển vào Anh để lao động bất hợp pháp như trồng cần sa, làm móng hoặc phục vụ nhà hàng, theo Guardian.

Nằm ẩn trong một cánh rừng, cách thành phố cảng Calais, miền bắc nước Pháp khoảng 100 km về hướng đông nam, ngay cạnh một mỏ than cũ, khu trại được biết đến với cái tên "Vietnam City" (Thành phố Việt Nam). Đây là nơi tạm trú của 40-100 người nhập cư Việt Nam, trong số đó có cả trẻ vị thành niên.

Theo các tổ chức thiện nguyện chống nạn buôn bán người, những người Việt này đang trên đường tới Anh để lao động bất hợp pháp trong các trại cần sa, tiệm làm móng và nhà hàng.

Qua các bức ảnh chưa từng công bố, người ta thấy điều kiện sống tồi tàn của khu trại này. Cư dân của "Thành phố Việt Nam" sinh hoạt, nấu ăn và ngủ trong những ngôi nhà bỏ hoang của thợ mỏ, không lò sưởi với mái nhà mục nát có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Những tay buôn người chọn địa điểm này để dựng khu trại là vì nó gần với một trạm nghỉ chân trên đường quốc lộ. Trước khi lên phà sang Anh, các tài xế xe tải thường dừng tại trạm nghỉ lấy sức. Và an ninh của trạm dịch vụ thường lỏng lẻo hơn tại bến phà, do vậy, dễ lén đưa người nhập cư trái phép trốn trên xe tải.



Khu trại "Thành phố Việt Nam" nằm ẩn trong một cánh rừng, cách thành phố cảng Calais, miền bắc nước Pháp khoảng 100 km về hướng đông nam, ngay cạnh một mỏ than cũ. Ảnh: Guardian.

Dù khu trại này tồn tại ngay ngoài rìa thị trấn Angres suốt nhiều năm qua, cảnh sát Pháp và chính quyền Anh chưa từng nỗ lực phối hợp để dẹp bỏ đồng thời ngăn chặn nạn buôn bán người Việt.

Một nhóm cư dân địa phương hoạt động vì người di cư đã giúp trả tiền gỗ nhóm lò và lắp đặt một máy phát điện trong khu trại. Họ cũng quyên góp đồ ăn, thức uống một hoặc hai lần mỗi tuần. Chính quyền địa phương dẫn nước máy tới trại. Và hàng tuần một tổ chức y tế thiện nguyện của Pháp đến thăm khám cho những người sống ở đây.

Theo một báo cáo của tổ chức France Terre d’Asile, đa số những người ở khu trại này đến từ các vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam, nơi mà thu nhập trung bình mỗi tháng của công việc làm nông chỉ khoảng 113 USD. Họ sẵn sàng trả tới 42.000 USD để có cơ hội tới Anh làm việc. Họ là những đối tượng dễ bị tổn thương, trở thành con mồi cho các đường dây buôn người. Tưởng rằng sẽ có việc làm hợp pháp ở Anh nhưng khi đặt chân đến "miền đất hứa", nhiều người đã rơi vào tình cảnh bị bóc lột.

Trong những năm gần đây, cảnh sát Anh liên tục triệt phá các trang trại trồng cần sa trên khắp đất nước. Những trang trại này chủ yếu thuê thanh thiếu niên Việt nhập cư bất hợp pháp. Đầu năm nay, cảnh sát phát hiện 4 công nhân người Việt bị khóa trái bên trong một trang trại cần sa có quy mô công nghiệp, bên dưới hầm trú ẩn bỏ hoang ở hạt Wiltshire, phía tây nam nước Anh.

Bất chấp những vụ việc phát giác như vậy, cho đến nay chưa một tay buôn người nào bị truy tố, trừ một phụ nữ Anh bị buộc tội tại tòa án hồi tháng trước vì đưa 12 người Việt Nam nhập cư trái phép trên một chiếc xe tải chứa đầy lốp. Khi kiểm tra một chiếc Mercedes Sprinter chạy qua đường hầm eo biển Manche nối giữa Pháp và Anh vào ngày 4/7/2015, cảnh sát biên phòng Anh để ý thấy những cặp chân mặc quần jean lấp ló trong chồng lốp xe. Có 4 người đàn ông, 5 phụ nữ và ba trẻ nhỏ, tất cả đều mang quốc tịch Việt Nam, trên chiếc xe.


Một cư dân "Thành phố Việt Nam" chuẩn bị đồ ăn. Ảnh: Pacific Links Foundation.

"Việt Nam luôn là quốc gia đứng đầu về số lượng người lớn và trẻ em bị buôn lậu vào Anh. 'Thành phố Việt Nam' ở phía bắc nước Pháp, nơi ở tạm của những người Việt trên đường nhập cư trái phép vào Anh, đã được ghi nhận nhưng dường như chính quyền Anh và Pháp đều chưa nỗ lực để ngăn ngừa hoặc triệt phá vấn nạn này", theo Chloe Setter, lãnh đạo tổ chức chống nạn buôn bán trẻ nhỏ ở Anh.

"Sự thụ động này cho thấy cách thức tiếp cận vấn đề nô lệ hiện đại của chính quyền Anh khá hời hợt", Setter nói.

Mimi Vu, làm việc tại tổ chức Pacific Links Foundation chống nạn buôn bán người có trụ sở ở Việt Nam, đã tới "Thành phố Việt Nam" hai lần. Cô cho biết trong chuyến đi hồi tháng 5, khu trại này có 39 đàn ông và một phụ nữ, một vài người trong số đó còn chưa tới tuổi vị thành niên.

"Tất cả mọi người đều dự định sẽ làm việc tại các tiệm làm móng ở Anh dù không một ai có kinh nghiệm hoặc qua đào tạo nghề này", Vu viết trong bản báo cáo sau chuyến đi.

Họ tin rằng "nam nhân viên làm móng tại Anh là điều bình thường và phụ nữ phương Tây quen với việc đàn ông làm móng cho họ". Tất cả đều không tin "khi chúng tôi cố gắng (nhẹ nhàng) thay đổi những hiểu lầm này", báo cáo của cô Vu cho biết ai cũng chắc chắn rằng họ sẽ dễ dàng tìm được việc làm khi đặt chân đến Anh và không ai muốn ở lại Pháp.

Một vài người biết về các vụ bóc lột lao động nhập cư tại các trang trại trồng cần sa ở Anh nhưng không tin rằng điều đó sẽ xảy ra với mình, Vu kể lại. Trong báo cáo, cô Vu đoán rằng khu trại này sẽ tiếp tục tồn tại vì những người ở đây không có ý định lưu trú và tìm việc làm ở Pháp, tức là không tạo ra áp lực tài chính và xã hội cho chính quyền sở tại. Các cư dân của "Thành phố Việt Nam" sẽ rời khỏi Pháp ngay khi họ leo lên được một chiếc xe tải để vào Anh. Và việc đó thường chỉ mất từ một tuần đến hai tháng.

VietBF


Người Việt trả tới hơn 30 ngàn bảng để vào Anh lậu
Bản quyền hình ảnh OTHERS Image caption Nhiều người Việt được đưa lậu vào Anh bị ép làm việc trong các trang trại trồng cần sa
Người Việt trả tới hơn 30.000 bảng Anh cho các đường dây buôn người để vào Anh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống 'vương giả' ở nước này, một báo cáo mới cho hay.
Theo báo cáo của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh Quốc ông Kevin Hyland, có một hệ thống đưa lậu người Việt sang Anh với hai mức giá khác nhau, phóng viên chuyên về nội vụ của Press Association, Hayden Smith viết.
Bài viết mô tả rằng những ai chọn dịch vụ "cao cấp" sẽ phải trả khoảng 33.000 bảng Anh và được hứa hẹn sang Anh với con đường ngắn nhất và mức rủi ro thấp nhất.
Còn những ai chọn dịch vụ "phổ thông" nộp từ 10 nghìn đến 20 nghìn bảng.
Báo cáo này mô tả việc đưa người lậu vào Anh như một ngành kinh doanh lớn, và đưa ra bằng chứng rằng các tổ chức buôn lậu người ở Việt Nam phóng đại về độ tin cậy với dịch vụ của họ và các nguồn lợi ích tài chính có thể kiếm được ở Anh.
Văn bản này dẫn lời của một người được phỏng vấn cho biết cô ta trả 25.000 USD (khoảng 19.000 bảng) cho đường dây buôn người nhưng con đường sang Anh và kết quả "không được như lời quảng cáo".
Người phụ nữ này nói:
"Tôi được hứa hẹn là cuộc sống tương lai sẽ như một bà hoàng ở Anh (a queen in the UK), thức ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhẹ nhàng với mức lương cao."
"Tôi kỳ vọng sẽ có một mức sống cao. Tôi lên máy bay, sau đó lên xe hơi rồi xe tải - nhưng tôi không biết họ đã đưa tôi đi qua những nước nào."
"Tôi đi mất hai tháng. Không có chuyện bạo lực hay bóc lột trên đường nhưng chuyến đi đó rất vất vả. Chuyến đi tốn kém hơn thỏa thuận lúc đầu và tôi không có được công việc mà họ hứa hẹn với tôi."
Nô lệ hiện đại: Đừng nghĩ cuộc sống ở Anh là 'màu hồng'
Kẽ hở thị thực
Báo cáo này cũng nói những kẻ buôn người đang tìm cách khai thác kẽ hở trong quy trình cấp thị thực vào Anh.
Đơn xin thị thực cho người Việt Nam vào Anh được xem xét ở Tòa Đại Sứ Anh tại Bangkok. 
"Những quyết định cấp thị thực được đưa ra dưới sức ép về thời gian. Chúng tôi cho rằng những nhóm buôn người biết điều này và sử dụng dịch vụ thị thực khẩn vì họ nghĩ những đơn xin thị thực loại này sẽ không bị xét kỹ," báo cáo viết.
Bài của Hayden Smith cũng trích lời từ bản phúc trình nói các đường dây buôn người sử dụng các đại lý xin thị thực cho sinh viên sang Anh.
Sau đó các sinh viên này biến mất và các nhóm buôn người sẽ lấy thị thực của họ dùng cho những người trông giống các sinh viên này.
Báo cáo cho thấy người Việt được đưa lậu vào Anh thường làm các công việc lao động chân tay, như trong các tiệm móng chân móng tay và trại trồng cần sa, cũng như trong ngành mại dâm.

Bản quyền hình ảnh OTHERS Image caption Nhiều người Việt làm việc trong các tiệm nail ở Anh quốc
Quản lý chặt nghề làm nail
Báo cáo khuyến nghị chính phủ Anh có các biện pháp quản lý các tiệm móng tay móng chân chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa chuyện các cơ sở này trở thành các điểm lao động bất hợp pháp hay bóc lột lao động.
Một trường hợp mà báo cáo này nêu là một thiếu niên Việt Nam bị bắt làm việc ở hai tiệm nail. Em phải nộp hết thu nhập cho những kẻ buôn người và bị chúng nhốt.
Báo cáo nói những nỗ lực nhằm chống tình trạng bóc lột lao động và nô lệ hiện đại trong ngành làm nail rất "khó khăn".
"Mặc dù các tiệm nail rất được chuộng và có nhiều người làm việc trong nghề này, nghề làm móng chân móng tay vẫn là ngành ít có quy định và những quy định hiện nay dường như chỉ mang tính tự nguyện," báo cáo nói.
Báo cáo kêu gọi Bộ Nội vụ Anh xem xét phương án cấp giấy phép cho các tiệm nail.
Báo cáo cũng nói những người trồng cần sa Việt Nam giờ đã trở nên "tinh vi hơn" và tránh bị phát hiện bằng các biện pháp cản nhiệt.
Nhiều trẻ em và người lớn Việt Nam dễ bị tổn thương được thuê làm những công việc cấp thấp trong các trại trồng cần sa.
"Hình thức nô lệ hiện đại này đang rất phổ biến trong những người Việt Nam," báo cáo viết.
Báo cáo này cũng nói thêm có nhiều trường hợp nạn nhân Việt Nam bị bắt ép trồng cần sa cũng chính là người người đang bị tội phạm hóa "vì những công việc mà họ bị bắt phải làm."

BBC


Vấn nạn nhức nhối mà 2000 người Việt là nạn nhân

Cảnh sát Anh trong năm nay đã có một đợt càn quét các tiệm làm móng ở trên cả nước. Gần 2.000 người Việt nằm trong diện tình nghi buôn người ở Anh. Anh kêu gọi ban hành thêm quy định kiểm soát các tiệm làm móng nhằm ngăn chặn vấn nạn nhức nhối này.

Cảnh sát Anh khám xét một tiệm làm móng của người Việt ở thành phố Reading - Ảnh: TWITTER

Theo báo Independent, ủy viên Kevin Hyland chỉ đạo thực hiện báo cáo về chống nô lệ hiện đại với đối tượng nghiên cứu chính là công dân Việt Nam sau khi chính quyền nhận ra Việt Nam là một trong ba quốc gia có số nạn nhân buôn người đông nhất tại Anh.

"Các biện pháp phải được thực hiện để ngăn chặn nạn bóc lột nô lệ trong ngành làm móng, dựa trên luật và các quy định hiện hành hoặc một kế hoạch cấp phép cụ thể" - ông Hyland kêu gọi.

Vấn nạn nhức nhối

Nhà chức trách phát hiện phần lớn nạn nhân buôn người Việt Nam bị ép lao động cưỡng bức trong các tiệm làm móng hoặc trang trại trồng cần sa trên khắp nước Anh.

"Chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các tiệm làm móng ở Anh nhưng chúng hầu như không bị kiểm tra" - ủy viên Hyland nhận xét.

Trong giai đoạn 2009-2016, có 1.747 công dân Việt Nam được ghi nhận nằm trong diện tình nghi bị buôn người, với số lượng mỗi năm mỗi tăng. Phân tích chi tiết hơn, người ta phát hiện 65% số nạn nhân là đàn ông, phần lớn dưới tuổi vị thành niên.

Một số nạn nhân bản thân có nguyện vọng tìm đường đến Anh, trong khi một số khác bị bắt cóc bởi các tay buôn người.

Với những người tự nguyện, bọn tội phạm đưa ra cái giá từ 10.000 - 33.000 bảng Anh (300 triệu - 1 tỉ đồng VN) cùng lời dụ dỗ rằng họ có thể làm việc và trả lại dễ dàng.

Một khi đặt chân đến Anh, các nạn nhân bị ép làm việc quần quật và chỉ được trả tiền công rất ít ỏi. Trong hầu hết trường hợp, công việc ở Anh không giống với những gì họ được hứa hẹn khi còn ở Việt Nam. Một số còn bị tước hết hộ chiếu, giấy tờ và bị nhốt trong nhà.

Trong những ví dụ cụ thể, theo báo cáo, một nạn nhân bị ép làm việc trong tiệm móng 7 ngày/tuần với đồng lương chỉ 30 bảng (khoảng 900.000 đồng). Một bé trai khác thì bị nhốt suốt trong phòng và chỉ được ra ngoài khi làm việc. Cậu bé phải nộp hết tiền lương 6,5 bảng/giờ (gần 200.000 đồng) cho các tay tội phạm.

Khi kẻ lừa đảo là người hàng xóm

Hoàn cảnh những nạn nhân khác thậm chí bi đát hơn, họ được hứa hẹn công việc làm móng nhưng lại bị ép bán dâm. Một phụ nữ khai với nhà chức trách rằng kẻ dụ dỗ cô là một người hàng xóm ở Việt Nam.

"Ông ta nói nếu tôi muốn đến Anh, ông ta sẽ giúp. Tôi không tin ông ta lắm, tôi chỉ cười, vì gia đình tôi rất nghèo. Ông ta khẳng định một khi tôi qua đây, cuộc sống sẽ tốt hơn. Ông ta có một tiệm làm móng và ông ta sẽ giúp tôi gửi tiền về cho bố mẹ" - nạn nhân kể lại với cơ quan chức năng.

Sau khi đặt chân đến Anh, cô gái Việt Nam bị đưa đến một căn nhà nhỏ, dơ bẩn và bị người hàng xóm ép trở thành nô lệ tình dục kiêm gái bán dâm. 


Bọn tội phạm dùng các tiệm làm móng làm bình phong để bóc lột các nạn nhân buôn người từ Việt Nam - Ảnh: AFP

"Ông ta bạo hành tôi, còn bạn bè ông ta thường xuyên tụ tập xung quanh. Bọn họ uống rượu, xài ma túy và thường đánh đập tôi, bắt tôi phải nghe lời họ" - cô gái nhớ lại ký ức kinh hoàng.

Trong khi phần lớn tội phạm buôn người là người gốc Việt, báo cáo của Anh còn cho thấy người Tàu cộng, Nga, Ba Lan và Anh cũng tham gia dụ dỗ và bóc lột người Việt.

Hành trình từ Việt Nam đến Anh đối với các nạn nhân không phải là một chuyến bay êm ái. Thông thường nó mất đến nhiều tháng ròng và họ phải di chuyển bằng xe tải xuyên rừng trong đêm.

Năm 2016, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo bà quyết định thành lập một lực lượng đặc trách đầu tiên của chính phủ để đối phó với nạn nô lệ hiện đại.


Từ tiệm móng, tiệm rửa xe cho đến nhà kho, con người đang phải chịu đựng những thứ quá khủng khiếp trong sự vô nhân đạo của đồng loại. Đây là vấn đề nhân quyền lớn nhất của thời đại chúng ta. Trong tư cách thủ tướng, tôi quyết tâm biến đây thành một sứ mệnh quốc gia và quốc tế để loại trừ loài quỷ dữ ra khỏi thế giới của chúng ta". Thủ tướng Anh Theresa May


VietBF