24.06.2015

Biển Đông : Phải công bố mọi hành vi gây bất ổn của Trung cộng - RFI

Biển Đông : Phải công bố mọi hành vi gây bất ổn của Trung cộng

Ảnh chụp vệ tinh cảnh bồi đắp cát ở bờ phía bắc đảo Mischief Reef, - Tây Palawan, của trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc tế CSIS tại Washington.
REUTERS/CSIS's Asia Maritime Transparency Initiative/Digital Glo

Trong tham luận về Chiến lược hải quân và quân sự của Hoa Kỳ tại Biển Đông (National, Military, Maritime Strategy and the South China Sea) trình bày ngày 17/06/2015 tại Diễn đàn Chiến lược Current Strategy Forum 2015 do Học viện Hải chiến Hoa Kỳ - U.S. Naval War College (Newport, Rhode Island) tổ chức, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã đề xuất một số kế sách cụ thể mà Hoa Kỳ có thể áp dụng để chống lại chiến lược áp đặt chủ quyền mà Trung cộng đang tiến hành tại Biển Đông.


Ngoài các hoạt động cụ thể mà Hải quân Mỹ nên thực hiện trên hiện trường, tức là ngay tại Biển Đông, Giáo sư Thayer còn đề nghị chính quyền Hoa Kỳ đẩy mạnh chiến dịch phản công trên bình diện thông tin và vận động công luận thế giới phản đối các hành vi của Trung cộng.

Tại sao lại phải chú ý đến mảng thông tin ? Đó là vì, theo Giáo sư Thayer, tuyên truyền là một thành tố quan trọng trong chiến lược Biển Đông của Trung cộng, bên cạnh nhân tố quân sự truyền thống.

Ngay trong phần mở đầu tham luận, Giáo sư Thayer đã nhận định rằng chiến lược của Bắc Kinh tại Biển Đông bao gồm nhiều nhân tố mới trong đó có vấn đề  „sử dụng chiến tranh pháp lý, chiến tranh thông tin và sử dụng các công cụ phi quân sự như tàu thực thi pháp luật trên biển (Hải cảnh), tàu đánh cá hoạt động như dân quân của Nhà nước, và những giàn khoan, phương tiện thăm dò của ngành công nghiệp dầu khí.“

Hoa Kỳ cần phải đi đầu trong chiến dịch chống lại  cuộc « chiến tranh thông tin » của Trung cộng.

Trên cơ sở nhận định kể trên, Giáo sư Thayer cho rằng cần phải công bố thường xuyên hơn thông tin tình báo về các hành vi gây mất ổn định của Trung cộng :

« Trung cộng đã thúc đẩy cuộc chiến tranh thông tin trong tư cách là một thành tố của chiến lược khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông. Cần phải phản công lại cuộc chiến thông tin đó. Chuyến bay gần đây của chiếc phi cơ do thám Poseidon 8 của Hải quân Mỹ với nhóm phóng viên CNN là một ví dụ tốt về cách thức phản công ra sao, nhưng chỉ một chuyến bay duy nhất không đủ.

Vào đầu năm nay (2015), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, đã khai trương bộ phận Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á AMTI (Asia Maritime Transparency Initiative). Bộ phận này đã thường xuyên công bố hình ảnh mà vệ tinh thương mại chup được về các hoạt động xây dựng của Trung cộng (và Việt Nam) trong khu vực Biển Đông. Nỗ lực của AMTI cần phải được bổ sung bằng các phân tích chuyên sâu và kịp thời hơn.

Hoa Kỳ cần phải đi đầu trong chiến dịch chống lại cuộc « chiến tranh thông tin » của Trung cộng bằng cách công bố kịp thời chi tiết về các hoạt động đơn phương gây mất ổn định của Trung cộng ở Biển Đông.
Hoa Kỳ nên đưa các thông tin đó ra trong phạm vi công cộng để cho các phương tiện truyền thông, giới học giả, chuyên gia về an ninh, các nhà phân tích khác và các đại biểu dân cử có thể sử dụng.

Có thể theo mô hình của việc công bố loạt nghiên cứu về Sức mạnh Quân sự Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, trong đó nêu rõ, ngoài những điều khác, các chiến dịch Hải quân của Liên Xô  từ Vịnh Cam Ranh ở Việt Nam. »

Theo Giáo sư Thayer, trong thời gian qua, chính quyền Mỹ đã tránh làm rõ nhiều thông tin về Biển Đông mà đáng lý ra cần phải công bố rộng rãi, đặc biệt về các hành vi quá đáng của Trung cộng:

« Vào năm nay chẳng hạn, quan chức Hoa Kỳ đã khẳng định rằng Trung cộng đã đặt pháo cơ động trên một trong những hòn đảo nhân tạo (ở Trường Sa), rồi sau đó đã che giấu hoặc gỡ bỏ đi. Lẽ ra Bộ Quốc phòng Mỹ nên công bố hình ảnh của những vũ khí đó, kèm theo ngày giờ và tên của hòn đảo nơi vũ khí được đặt cũng như tầm bắn của loại pháo đó.

Ngoài ra, còn có một số hành động của Trung cộng không được công bố rộng rãi cho công chúng biết cho dù đáng lý ra phải làm như vậy. Ví dụ như là việc Trung cộng được cho là đã sử dụng biện pháp gây nhiễu sóng điện tử để cản trở hoạt động hợp pháp của tàu thực thi luật biển của Indonesia đã bắt giữ ngư dân Trung cộng đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Indonesia.

Trung cộng đã ra lệnh cho phi cơ quân sự Philippines bay trên vùng Biển Đông (cũng như là chiếc một Poseidon 8 của Hải quân Hoa Kỳ) là phải rời khỏi một « vùng an ninh quân sự » hoặc một « vùng cảnh báo quân sự ». Trung cộng được cho là đã nhổ các cột mốc lãnh thổ Malaysia trên bãi đá Luconia và Erica, và thay thế bằng các cột mốc Trung cộng. »

Trong việc công bố rộng rãi thông tin về Biển Đông, Giáo sư Thayer cũng nhắc tới trường hợp Hoa Kỳ không cho biết thêm chi tiết về lời khẳng định rằng Việt Nam chiếm đóng 48 thực thể ở Trường Sa trong khi Việt Nam chỉ nói đến 21 đảo đá :
Các quan chức Mỹ cũng tuyên bố rằng Việt Nam chiếm đóng 48 thực thể tại Biển Đông. Khi ghé thăm Hà Nội vào đầu tháng 06/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã kêu gọi Việt Nam ngưng vĩnh viễn tất cả các hoạt động cải tạo đất trên các đảo đá đó.

Đồng nhiệm Việt Nam của ông là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã lập luận rằng công việc « cải tạo đất » đã được thực hiện nhằm ngăn chặn việc đất bị xói mòn. Tướng Thanh cũng cho rằng Việt Nam chỉ đóng quân trên chín « hòn đảo nổi » và mười hai « đảo ngầm » hoặc tổng cộng 21 đảo đá.

Hoa Kỳ lẽ ra nên công bố danh sách tất cả 48 thực thể mà họ tuyên bố là Việt Nam đã chiếm đóng. Cũng như vậy, Mỹ lẽ ra cũng nên cung cấp chi tiết cụ thể về quy mô và mục tiêu của việc Việt Nam « cải tạo đất ».

Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ phải báo cáo  thường xuyên hơn và kịp thời hơn về hoạt động của Trung cộng tại Biển Đông

Đối với Giáo sư Thayer, hai bộ Quốc phòng và Ngoại giao phải báo cáo chi tiết hơn, thường xuyên hơn và kịp thời hơn về hoạt động của Trung cộng tại Biển Đông. Bên cạnh đó phải tranh thủ mọi cơ hội để vạch trần mưu đồ của Bắc Kinh :

« Bộ Quốc phòng nên được yêu cầu bổ sung một phần chi tiết về các hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông (như đề cập ở trên) trong bản Báo cáo Thường niên cho Quốc hội : Các diễn biến về quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bản báo cáo này có một đoạn về vấn đề đó, nhưng chỉ ngắn gọn. Phần này cần được mở rộng thêm và lồng vào các bản báo cáo hàng năm cho Quốc hội trong tương lai. Lầu Năm Góc nên công bố thêm nhiều báo cáo khác kịp thời hơn nữa.

Tư lệnh Mỹ vùng Thái Bình Dương phải được yêu cầu báo cáo chi tiết về hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông trong bản phúc trình thường niên của minh trước Ủy ban Quân sự của Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Mỹ nên soạn thảo thường xuyên hơn và kịp thời hơn các báo cáo trong loạt Limits in the Seas của mình để phản bác cách diễn giải đơn phương luật quốc tế của Trung cộng.

Hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng nên cung cấp thêm ngân quỹ, phương tiện và trợ giúp khác cho các cơ quan tham vấn có trụ sở tại Mỹ, (kể cả Viện Nghiên cứu Biển Trung cộng - China Maritime Studies Institute - tại Trường Hải chiến Naval War College, Newport), để nghiên cứu và tường trình về các hoạt động mà Trung cộng đang tiến hành ở Biển Đông, cũng như tác động có thể của các hoạt động đó trên lợi ích của Mỹ và an ninh khu vực. Cần dành ngân sách cho việc tài trợ cho các hội nghị và hội thảo chuyên đề, có mời học giả và quan chức Đông Nam Á tham gia.

Các quan chức Mỹ, khi đi dự các cuộc họp về an ninh của Hiệp hội ASEAN, như Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), và Đối thoại Shangri-La, nên tranh thủ cơ hội để cung cấp thông tin căn bản chi tiết về hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông. Các học giả Mỹ thường xuyên tham gia các hội thảo và hội nghị khu vực trong khuôn khổ Track 1.5 và Track 2 cần được các quan chức Bộ Quốc phòng cung cấp thông tin trên cơ sở tự nguyện.
Mục đích của chiến dịch thông tin này là trực tiếp đối phó với cuộc « chiến tranh thông tin » và những cố gắng tuyên truyền của Trung cộng. Một mục đích khác của chiến dịch là duy trì áp lực không ngừng của công luận trên Trung cộng, buộc họ phải minh bạch hơn về hoạt động của mình và hành xử sao cho phù hợp với chuẩn mực khu vực và luật pháp quốc tế. »