17.09.2015

Tâm tình của một người Trưởng - Thiên Nga cương nghị

Tâm tình của một người Trưởng


Vai trò làm Trưởng ngày nay khó hay dễ hơn xưa?

Câu trả lời này làm bận lòng bấy lâu nay mà cho đến bây giờ tôi cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Một người huynh trưởng của các em trong tuổi vị thành niên không phải chỉ là người lãnh đạo đơn thuần "chỉ tay năm ngón" mà còn là người được các em tin tưởng, gần gũi, thân mật, chia xẻ, hiểu biết và cố vấn khi các em cần đến. Là một huynh trưởng nhiệt tình, kiên nhẫn, bền bĩ, thông cảm nhưng hình như có khoảng cách giữa tôi và các em vì cách biệt giữa hai thế hệ rất dễ đưa đến sự khác biệt về thái độ cư xử với nhau.

Tôi được dạy dỗ theo nền giáo dục cổ xưa "đi thưa về trình", cha mẹ có nói điều gì mà tôi cảm thấy không được thỏa lòng cũng phải nghe không được cải. Từ học đường cho đến sinh hoạt hướng đạo tôi đã được huấn luyện theo tinh thần “tôn sư trọng đạo” theo truyền thống văn hóa của người VN.


Ngày nay các em sống và suy nghĩ theo lối sống Tây Phương khác xa hồi tôi bằng tuổi chúng. Nhiều khi tôi khuyên các em theo sự phải trái của thời xa xưa không biết còn thích hợp với thời nay không? Hoàn cảnh và điều kiện sống các em đã khác, đòi hỏi các em suy nghĩ và hành động như tôi đã được dạy dỗ từ thế kỷ trước biết có còn hợp thời không? Có thể những chuyện tôi muốn hướng dẫn các em không phải chỉ chuyện các em không muốn nghe, nhưng những điều tôi dạy chưa chắc đã hợp thời, ngay cả điều đó đúng nhưng nó sẽ tạo lên khoảng cách tôi và các em. Sự khác biệt giữa tôi và các em ngày càng xa nếu tôi muốn các em theo ý mình vì chúng tôi được hấp thụ hai nền văn hóa khác nhau.

Tôi nhớ những tuần lễ đầu tiên khi bắt đầu sinh hoạt HĐ tôi bị bắt phải học hát. Cuốn sổ tay nhỏ của tôi chằng chịt toàn là những bài hát HĐ. Từ đầu giờ họp đoàn đến cuối giờ, các trò chơi đều được xen kẻ với các bài hát. Những bài hát HĐ bình dân, giản dị, dễ thuộc, dễ hiểu tạo lên sự sinh động, gần gũi và nhộn nhịp trong các buổi họp đoàn. Có một kỳ đoàn chúng tôi đi cắm trại ở Vũng Tầu, chúng tôi được huấn luyện đi bộ từ bãi sau ra bãi trước. Mỗi đội phải thay phiên bắt bài hát trong suốt thời gian đi bộ hơn cả tiếng đồng hồ. Đội thua khi về trại phải nấu cơm, rửa chén và xách nước từ một giếng gần cạn cho đội thắng tắm rửa. Nhờ cuốn sổ tay nhỏ chằng chịt những bài hát của tôi mà đội tôi không bị thua. Ngoài những bài hát chúng tôi còn được dạy múa cho các buổi lửa trại. Các màn vũ dân tộc, vũ theo người Chàm, người Thượng đủ kiểu thật là vui. Qua những màn vũ tôi biết thêm về văn hóa của các nước bạn.

Các em bên này là người Mỹ gốc Việt. Dạy các em hát một bài hát ngắn là cả một công trình vì các em hát tiếng Việt như hát tiếng ngoại quốc. Những bài hát ngắn gọn với tôi lại là một cực hình cho các em khi bắt các em học thuộc lòng. Các em học như con vẹt mà không hiểu được nội dung và ý nghĩa của bài hát nói lên điều gì? Một tuần mới họp một lần, có giải nghĩa bài hát thì cũng như nước đổ đầu vịt, các em học trước quên sau! Đòi hỏi các em học thuộc nhiều bài hát như mình ngày xưa có còn hợp thời không? Còn dạy các em những màn vũ thì còn tùy theo thời khoá biểu của các em và các phụ huynh. Dạy vũ bên VN dễ một thì dạy bên này phải cố gắng hơn mười vì các em không có cơ hội tập dợt thường xuyên. Những màn vũ cổ điển với những âm nhạc lạ lẫm cũng không có gì hấp dẫn với các em lắm. Ngày xưa các trưởng dạy gì tôi cũng thi hành, nghe theo không giám cải. Ngày nay nếu các em không thích thì các em chống đối, hoặc tỏ thái độ bất cần, không hợp tác. Các em muốn bình đẳng và tôn trọng, không thích thì không làm. Các em đã được giáo dục bởi một nền văn hóa tây phương rất nặng về tính chất tự lập, tự bày tỏ ý kiến riêng của mình. Mà những cái thích của các em thì chắc chắn không hợp vì chúng tôi sinh ra không cùng thế hệ.

Làm Trưởng bên này không thuần túy đơn giản! Để trở thành một huynh trưởng tốt ngoài việc hy sinh nhiều thì giờ quý báu của chính mình, của gia đình mình và những thú vui khác cho các em, người huynh trưởng còn phải có tình thương, nhiệt huyết, bền bỉ và nhất là quyết tâm dạy cho các em giữ được truyền thống văn hóa của người Việt mà vẫn không làm các em cảm thấy nặng nề, khó chịu. Đó chính là một trọng trách rất quan trọng trong việc đào tạo các em không những thành một công dân hữu ích cho xã hội hiện tại mà cũng không quên nguồn gốc tổ tiên của mình.

Những khó khăn cực nhọc này sẽ không thành công nếu không có sự đóng góp và giúp sức của các phụ huynh là người trực tiếp hổ trợ và giúp đỡ các trưởng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Các phụ huynh nên tạo điều kiện để các em có dịp sinh hoạt thường xuyên, nên coi sinh hoạt đoàn là một sinh hoạt phải có như đi học trong trường, đừng theo thời khóa biểu của mình tiện thì mới đưa các em tới. Về nhà giúp các em học thuộc lòng những bài hát mà các em đã được dạy trong các buổi sinh hoạt. Những bài hát là những bài học quý giá giúp các em dễ học, dễ hiểu và dễ biết tiếng Việt hơn. Những bài hát còn có nhiều ngụ ý dạy các em về luân thường đạo lý theo truyền thống văn hoá của người Việt. Phụ huynh là những người gần gũi đi sát với các em hơn các trưởng. Khi các em tâm tình về những sinh hoạt, thái độ cư xử của các em khác trong đoàn cũng như của các trưởng, phụ huynh nên đóng góp ý kiến với các trưởng để các trưởng thay đổi nếu thấy cần thiết. Việc này sẽ giúp kết tình thân mật và chia xẻ giữa các em và các trưởng, làm khoảng cách giữa hai thế hệ gần lại tạo sự dễ thông cảm nhau hơn. Phụ huynh và các trưởng cùng gắn bó hướng dẫn các em, cùng góp chung niềm vui khi thấy các em dần dần lớn lên trưởng thành trở nên những người công dân tốt đẹp trong xã hội.

Phải chăng những điều này có thể sẽ giúp vai trò làm trưởng dễ hơn xưa?

Thiên Nga Cương Nghị