(Thế giới này đang rất cần thay đổi. Đất nước này
đang rất cần thay đổi. Mong
rằng từng người trong các bạn, vừa dưới danh nghĩa cá nhân, vừa đứng bên nhau
thành một tập thể, hãy trở thành chính sự
thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này. Và
hàng ngày, hàng giờ, không ngừng góp nhặt, bằng những hành động nhỏ bé của
mình, để tạo thành một cơn bão lớn đem đến sự đổi thay thực sự cho tương lai
của đất nước.)
Trần Vinh Dự - Bài phát
biểu tại hội thảo UNESCO’s Vietnamese Youth Competence tổ chức ngày 8/8/2015
tại Sài Gòn
Xin cảm ơn ban tổ chức
đã dành cho tôi cơ hội thú vị này để chia sẻ với các bạn.
Chúng ta đang sống trong
một giai đoạn kỳ lạ của lịch sử nhân loại. Toàn cầu hóa đã trở thành sự thực.
Thế giới giờ đây được kết nối với nhau một cách gần như hoàn hảo. Một diễn biến
đơn độc ở một quốc gia sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến cả thế giới rộng lớn. Cuộc
khủng hoảng kinh tế ở Hoa Kỳ năm 2009 đã tạo ra một cơn địa chấn về tài chính
trên toàn cầu. Năm 2014, bệnh dịch Ebola ban đầu bùng nổ ở Tây Phi chỉ cần vài
tháng đã lan khắp thế giới. Thị trường chứng khoán Trung Hoa cộng sản mới chỉ
suy sụp vài tháng trở lại đây đã ngay lập tức đẩy Australia hay New Zealand,
những quốc gia tưởng như chẳng mấy liên quan, vào khủng hoảng kinh tế.
Hàng loạt các thách thức
lớn nhất hiện nay, bao gồm biến đổi khí hậu, dân số tăng, cạn kiệt tài nguyên,
sức khỏe và bệnh dịch, hay hội tụ thông tin… là những vấn đề mang tính toàn
cầu.
Nhìn xa hơn một chút vào
tương lai, chỉ mới 3 tuần trước thôi, các nhà khoa học ở New York đã chế tạo
thành công những robots có khả năng sơ khai về tự nhận thức. Một năm trước, lần
đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một trí tuệ nhân tạo (AI) đã vượt qua khảo
nghiệm Turing (Turing Test). Với các bạn chưa biết Tuning Test là gì, nó là một
khảo nghiệm để xác định xem một trí tuệ nhân tạo có thể giao tiếp với con
người theo cách mà con người không thể nhận biết được nó là AI hay là
người thật. Giờ đây, người ta bắt đầu bàn tán nhiều về thời điểm kỳ dị của công
nghệ (technological singularity) sắp đến gần, một thời điểm mà tương lai của
loài người trở nên khó đoán, thậm chí trở thành một giống loài “lạc hậu” và sớm
bị tuyệt chủng vì máy móc.
Và đối với các fan của
khoa học viễn tưởng, giờ nhiều chuyện không còn là viễn tưởng nữa. NASA vừa mới
tìm ra một “trái đất” mới, một hành tinh rất xa nhưng rất giống với trái đất.
Điều đó làm tăng vọt khả năng có các giống loài thông minh khác đang sống đâu
đó trong vũ trụ.
Rõ ràng là, loài người
đang đứng trước một thời đại kỳ lạ. Chúng ta ngày càng trở thành một. Các thách
thức lớn nhất không còn mang tính địa phương. Chúng ta cùng đối diện nó với tư
cách là một: một loài, một sự tồn tại.
Về mặt địa phương, với
tư cách là một quốc gia, chúng ta cũng đang đối mặt với quá nhiều thách thức.
Tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt nhanh chóng. Biến đổi khí hậu toàn cầu
đang lấy dần đi một phần lớn đất đai nông nghiệp. Nếu các dự báo là đúng, đến
cuối thế kỷ này, khoảng 40% diện tích đất ở miền Nam sẽ bị nước biển xâm nhập
và không thể trồng cấy được nữa. Dân số nước ta vẫn đang tăng. Tỷ lệ thất
nghiệp trong số các bạn trẻ đặc biệt cao, nhất là trong số các bạn có bằng đại
học hoặc cao đẳng. Và với các bạn còn chưa nhận thức được, thời kỳ vàng của dân
số Việt Nam đang qua rất nhanh.Điều đó có nghĩa là dân số VN đang già đi. Chẳng
bao lâu nữa chúng ta sẽ không thể tự hào là một đất nước với dân số trẻ, và
điều đó kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Thêm vào những thách
thức đó, nền kinh tế của chúng ta đang bị mắc kẹt trong bẫy cân bằng thấp. Môi
trường kinh doanh của chúng ta quá thiếu tính minh bạch và bị vấy bẩn bởi thủ
tục hành chính rườm rà và tham nhũng. Hình ảnh quốc gia đang bị hoen ố bởi
chính các hành vi của người Việt chúng ta, từ chuyện nhỏ như quên không nói lời
cảm ơn, không biết xếp hàng, không biết nói nhỏ nơi công cộng, đến những chuyện
tày đình như trộm cắp, buôn lậu, băng đảng nơi xứ người.
Về mặt cá nhân, người
Việt trẻ cũng đang gặp một thời kỳ gian khó. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ đi
vào kỷ nguyên tự do lưu chuyển lao động trong khối ASEAN. Cuộc cạnh tranh trên
thị trường lao động, vốn đã nghiệt ngã, sẽ còn trở nên nghiệt ngã hơn nhiều.
Trong khi đó, hơn 80% học sinh tốt nghiệp PTTH ở Việt Nam năm nay có điểm tiếng
Anh dưới 5 điểm. Hệ thống đại học và cao đẳng của chúng ta quá lạc hậu và những
sinh viên ra trường hầu như không có kỹ năng gì để bắt đầu ngay vào làm việc
trong một nền kinh tế hiện đại.
Với tư cách là một người
Việt trẻ, các bạn nên làm gì? Tôi muốn có 2 gửi gắm quan trọng muốn chia sẻ với
các bạn.
Gửi gắm thứ nhất là
một câu nói của Mahatma Gandhi thời trước “ be the change you wish to see in the world” –
hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này. Nếu
bạn muốn làm cho Việt Nam tốt lên, thì bạn phải tự mình tốt lên trước đã. Trong
thời kỳ lạ lùng này, thách thức cũng đưa đến nhiều cơ hội. Nhờ có toàn cầu hóa
mà chưa bao giờ trong lịch sử của Việt Nam, thế hệ trẻ có thể dễ dàng đến các
nước phát triển để học tập, kiếm việc trong các tập đoàn toàn cầu, sống và trải
nghiệm các nền văn hóa khác, và khám phá thế giới.
Mới cách đây 2 ngày, tôi
vừa có dịp được tham gia buổi phỏng vấn cấp học bổng của Broward College Việt
Nam cùng với một số giáo sư người Mỹ và Úc. Một trong những ứng viên là một nữ
sinh vừa tốt nghiệp PTTH đến từ Lâm Đồng. Khả năng nói tiếng Anh của cô bé miền
núi có thể nói là hoàn hảo. Bài viết của cô bé cũng hoàn hảo. Thái độ và phong
cách của cô bé cũng đầy tự tin và chân thành. Khi được hỏi bằng cách nào mà cô
bé có thể học được Anh ngữ tốt như vậy, cô bé trả lời rằng mình hoàn toàn tự
học lấy. Cô bé đã được nhận học bổng tới 80% từ Broward College.
Một cô bé miền núi bé
nhỏ có thể nghĩ được như thế, quyết tâm được như thế, thì không có lý do gì các
bạn ngồi đây không làm được. Các bạn là những người trẻ tuổi và tài năng. Các
bạn đừng mất công ngần ngại, đừng nhìn lại, hãy cố gắng, tìm kiếm một cơ hội,
và khi tìm được, hãy nắm chắc lấy nó. Hãy biết nắm bắt lợi thế độc đáo này của
toàn cầu hóa. Không có cách nào tốt hơn để tiến bộ bằng việc trải nghiệm nó
trong những đất nước phát triển hơn, có thể là Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Đức, hay một
quốc gia nào đó khác.
Một điều cần ghi nhớ là
bạn vừa là người Việt, nhưng cũng là một công dân của thế giới. Là một công dân
toàn cầu không phải là việc tự nhiên. Chúng ta phải học. Điều đó là cần thiết
vì các vấn đề toàn cầu không thể được giải quyết bởi các não trạng địa phương
thiển cận. Tuy nhiên, một tầm nhìn toàn cầu không nên chỉ là một lựa chọn có
tính toán, mà nó cần phải đến từ chính trái tim của các bạn, rằng con người, dù
ở đâu, màu da, giới tính,tôn giáo, ngôn ngữ, hay bất cứ thứ gì khác biệt, cũng
đều có quyền được tôn trọng và bình đẳng như nhau.
Gửi gắm thứ hai của
tôi là một chút lý thuyết mà tôi chợt nhớ đến khi nhìn vào biểu tượng của
chương trình ngày hôm nay. Biểu tượng của chương trình này là cánh bướm màu xanh.
Một trong những học thuyết nổi bật được nhiều người nhắc đến của thế kỷ 20 là
lý thuyết về sự hỗn loạn (chaos theory).Theo lý thuyết này, sự khác biệt rất nhỏ tại điểm khởi đầu có thể
dẫn tới những kết quả khác biệt vô cùng lớn. Ví dụ hay được
nhắc tới là sự vỗ cánh của một con bướm nhỏ cũng có thể làm lệch hướng một cơn
bão lớn xảy ra vài tuần sau đó tại một đại lục xa xôi.
Ý tôi muốn nói là gì?
Chúng ta đều muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta thường kỳ vọng
người khác làm hộ chúng ta việc này. Một phần vì chúng ta nghĩ mình là người
bình thường, và một người bình thường thì không thể làm gì ảnh hưởng đến tương
lai của thế giới. Nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng chúng ta không cần phải
làm một vĩ nhân mới có thể thay đổi thế giới. Thế giới luôn luôn được thay đổi
bởi những điều nhỏ bé mà hàng tỷ con người, trong đó có bạn và có tôi, đang
hàng ngày, hàng giờ thực hiện.
Để phụng sự đất nước
này, để giúp nhân loại tồn tại và phát triển, các bạn hãy bắt đầu ngay từ ngày
hôm nay, bằng những việc làm tưởng như đơn giản và tầm thường của mình. Đừng
vội nghĩ đến những chuyện lớn lao, hãy hình thành những thói quen mới và tốt
hơn cho cá nhân mình, hãy dành một chút thời gian nhỏ mỗi ngày nghĩ về các vấn
đề của xã hội, hoặc làm một việc nhỏ gì đó có ích cho cộng đồng. Những việc làm
đó, giống như những cánh bướm bé nhỏ, sẽ có ngày tạo ra cơn bão lớn làm thay
đổi thế giới.
Và điều đó không phải là
một thứ lý thuyết hão huyền. Nó được chứng thực ngay trên đất nước chúng ta.
Không có ai biết rằng sự lên tiếng ban đầu mấy tháng trước của các bạn trẻ, các
bà nội trợ tại Hà Nội trên các mạng xã hội đã khiến thành phố này phải ngưng kế
hoạch chặt hạ hàng nghìn cây cổ thụ ven đường, để giờ đây vào mùa hè, người dân
Hà Nội vẫn còn được tận hưởng bóng mát còn sót lại của các tán cây đã tồn tại
hàng trăm năm.
Hay mới gần đây, câu
chuyện xây tượng đài “nghìn tỉ” trong khi các tỉnh phía Bắc chìm trong ngập
lụt, một số nơi hoang tàn như Quảng Ninh, một biểu hiện nhãn tiền của việc phát
triển không bền vững, trong khi trẻ em còn có trường hợp chết vì đói, hoặc vì
tai nạn khi qua sông đi học mà không có cầu, hoặc không có trường lớp tử tế để
học hành… đã làm cho hàng nghìn, hàng trăm nghìn người phải lên tiếng. Và giờ
đây câu chuyện đó có vẻ như sẽ được tạm dừng.
Hay đơn giản hơn, câu
chuyện những người thợ đào giếng cứu bé gái 7 tuổi bị lọt xuống giếng sâu 8m ở
Bình Dương đã đem lại sự xúc động to lớn đối với cộng đồng người Việt. Hình ảnh
những người thợ lưng trần, miệt mài đào bới trong 9 giờ liên tục để cuối cùng
cứu sống được em bé trong tình huống nghìn cân treo sợi tóc không những là biểu
hiện cao đẹp của nhân tính, mà còn tạo cảm hứng lớn cho những người quan tâm,
theo dõi, để biết cái tốt vẫn còn hiện diện đâu đó, để tự thấy mình xấu hổ và
cần phải sống có trách nhiệm hơn.
Chúng ta cần nhiều hơn
những nỗ lực như thế, dù nhỏ bé, nhưng hàng ngày, hàng giờ đóng góp sức mình,
để cùng nhau tạo nên những thay đổi lớn, để cuộc sống dần tốt đẹp hơn, hướng
thiện hơn. Thế giới này đang rất cần thay đổi. Đất nước này đang rất cần thay
đổi. Mong rằng từng người trong các bạn, vừa dưới danh nghĩa cá nhân, vừa đứng
bên nhau thành một tập thể, hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn
muốn nhìn thấy trên thế giới này. Và hàng ngày, hàng giờ, không ngừng góp
nhặt, bằng những hành động nhỏ bé của mình, để tạo thành một cơn bão lớn đem
đến sự đổi thay thực sự cho tương lai của đất nước.
Xin cảm ơn các bạn đã
lắng nghe và chúc các bạn một cuối tuần thật tuyệt vời.
*Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
*Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học
tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group
Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông. Ông
chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ
và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các
vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu.