„…Việt Nam dù có lợi thế 40 năm hòa bình
sau năm 1975 vẫn hãnh diện trở thành một quốc gia…không chịu phát triển!..“
„Ngân sách nhà nước cứ “bình tĩnh” bội
chi từ năm này qua năm khác…“
Có
thật Hà Nội đang khó khăn ngân sách?
Phạm Nhật Bình
Nhà cầm quyền CSVN đang báo động tình trạng thiếu hụt
ngân sách. Nhưng tình trạng ngân sách thu không đủ bù chi này không chỉ mới xảy
ra mà đã kéo liên tục nhiều năm qua. Cách giải quyết của Hà Nội chỉ nằm trong
sự vá víu tạm thời như bán công khố phiếu, tăng thu thuế, lập thuế mới và đặt
ra nhiều loại phí, lệ phí để moi tiền người dân. Tất cả nhằm bù đắp cho một nền
kinh tế đầy bất trắc kéo dài trong bất lực của nhà nước độc quyền chính trị.
Ngoài ra đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế tài chính, vay nợ nước
ngoài là biện pháp được ưa thích nhất.
Ngân sách nhà nước cứ “bình tĩnh” bội chi từ năm này
qua năm khác là một sự thật mà những người lạc quan nhất cũng không thể chối
cãi. Tình trạng này được ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh nói
công khai tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 22/10: “Ngân sách hiện còn 45.000 tỷ đồng. 45.000 tỷ đồng này không biết phải
làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì
cả.”
Theo báo chí trong nước, khi nghe báo cáo của Bộ
trưởng Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “tỏ ra bất ngờ” vì
mục tiêu đặt cho giai đoạn từ 2016 đến 2020 là kinh tế phải “phát triển bền
vững”.
Ông Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra bất ngờ cũng không làm ai
bật cười, vì lâu nay cũng như các lãnh đạo cộng sản khác ngồi trên cao chỉ được
nghe những báo cáo đường mật của cán bộ cấp dưới. Thành quả kinh tế năm sau cao
hơn năm trước, thu ngân sách vượt chỉ tiêu trên giao. Mãi đến khi ông nghe một
con gà phải gánh 14 thứ phí và lệ phí ông cũng chỉ biết thở dài và than “trời
ơi” để tỏ ra đồng cảm với… bầy gà.
Bên cạnh tình trạng ngân sách lâm vào cảnh bi đát, con
số nợ công càng ngày càng tăng cao tiềm ẩn thêm nhiều mối nguy khác. Ngay cả
hai con số thống kê về nợ công của hai cơ quan nhà nước cũng lập lờ không phù
hợp nhau.
Viện Nghiên cứu chính sách thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư
đưa ra con số
nợ công hiện nay 66,4% GDP, trong lúc Bộ Tài chính báo cáo một con số thấp hơn
nhiều: 59,4%
GDP. Điều không đáng vui nếu con số nợ công so với GDP là 66,4%, nó đã vượt
qua mức 65% mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cũng như vượt mức cho phép của
quốc hội. Hiện
nay mỗi người Việt Nam đã mang nợ 1016 đô-la, và nếu tiếp tục tăng trong tương lai
cũng chẳng làm ai trong chính phủ quan tâm.
Sự không đồng nhất giữa hai báo cáo cho thấy khuynh
hướng giấu giếm hoặc hạ thấp nợ công của giới chức trách nhiệm không ngoài mục
đích để chính phủ tiếp tục vay nợ nước ngoài, giải quyết khó khăn ngân sách.
Tuy nhiên những diễn biến bi đát ấy cũng chưa làm mất sự lạc quan cố hữu của
các viên chức nhà nước.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khi biện hộ cho quyết định
vay 3 tỷ đô-la bằng trái phiếu quốc tế, đã khẳng định diễn biến của ngân sách
cuối 2015 “hoàn toàn không ngoài dự tính vì các kịch bản đã được tính toán từ
đầu năm”. Xem ra cái kịch bản mà chính phủ tính trước ấy cũng không ngoài bài
bản quá quen thuộc: vay nợ sau trả nợ trước của các kinh tế gia hạng bét.
Thông thường các quốc gia kém phát triển hoặc mới
thoát khỏi sự tàn phá chiến tranh muốn xây dựng lại đất nước và muốn có tài
chính để đầu tư kinh tế, nhất thiết đều phải đi vay nơi các định chế tài chính
quốc tế hoặc các nước phát triển cao. Nhưng Việt Nam dù có lợi thế 40 năm hòa bình sau
năm 1975 vẫn hãnh diện trở thành một quốc gia…không chịu phát triển! Với nguồn
tiền dồi dào hàng trăm tỷ Mỹ kim thế giới đổ vào, Việt Nam vẫn chưa chịu rời bỏ
chương trình “xóa đói giảm nghèo”.
Lý giải nguyên nhân khiến ngân sách cạn kiệt cuối năm
2015, ông Ninh nói là “do giá dầu giảm quá mạnh so với dự kiến”, khiến các
khoản thu liên quan đến dầu thô trong năm 2015 giảm 63.000 tỷ đồng.
Đây là một kiểu ngụy biện dựa vào giá dầu thô trên thế
giới diễn biến bất thường, vì Việt Nam không nằm trong những số nước sản xuất
dầu mỏ cao để trông chờ vào tài nguyên này.
Không chỉ có Việt Nam mới chịu thiệt hại do giá dầu mà
còn nhiều nước khác trong tình trạng tương tự. Phải chăng nếu đã nói “hoàn toàn
không nằm ngoài dự tính” thì đổ cho giá dầu thô làm ngân sách kiệt quệ là lối
nói dối trá không ngượng miệng.
Trong bức tranh đầy màu sắc ảm đạm ấy, con số còn lại
45.000 tỷ của ngân sách quốc gia 2 tháng cuối cùng của năm 2015 cũng chưa đủ
làm dư luận choáng váng. Chỉ khi Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng
trao đổi về chính sách mới trong quản lý xe công tiết lộ, cả nước đang quản lý
40.000 xe công, người ta mới bật ngửa.
Chi phí hàng năm chính phủ phải bỏ ra để “nuôi” số xe
công này là 12.800 tỉ đồng, chiếm hơn 1/4 số tiền còn lại mà Bộ trưởng Bùi
Quang Vinh báo cáo. Nếu tính cả chi tiêu cho xe quân sự và xe của hàng ngàn
doanh nghiệp nhà nước, người ta mới hiểu phần nào lý do tại sao công nợ ngày
càng chất chồng.
Nhưng sự phung phí trong chi tiêu không dừng lại ở đó.
Hiện nay các tỉnh tiếp tục thi đua bỏ tiền ra xây các tòa nhà hành chánh “hoành
tráng, hiện đại” để khuếch trương thanh thế tỉnh nhà. Nhà nước vẫn chấp thuận
cho xây tượng đài 1.400 tỷ ở Sơn La, cũng như bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng khác tổ
chức rình rang đại hội đảng bộ các cấp trên 53 tỉnh thành nhằm phục vụ đại hội
đảng.
Trong lúc ấy sắp tới đây “viện phí” sẽ tăng từ 2 đến 7
lần và đổ lên đầu người dân. Nó cũng tô đậm thêm bức tranh ảm đạm của một cung
cách quản lý kinh tế bất tài nhưng giàu kiến thức tham ô, được sinh ra từ chế
độ độc quyền chính trị.
Bất chấp ngân sách quốc
gia đang cạn kiệt, công nợ chất chồng Việt Nam tiếp tục hãnh diện là nước
“nghèo mà xài sang” bên cạnh danh hiệu “quốc gia không chịu…phát triển”.
Chắc đây lại là “lỗi hệ thống” và “tại dầu thô sụt
giá”.
Phạm Nhật Bình