10.11.2015

Harald Jaeger, người sỹ quan An ninh Stasi đã đi vào lịch sử như thế nào - Xuân Thọ

Harald Jaeger, người sỹ quan An ninh Stasi đã đi vào lịch sử như thế nào

Xuân Thọ

Trong những ngày này, khi nước Đức kỷ niệm 25 năm phá bỏ bức tường Berlin, người ta thường nhắc đến một số quan chức cao cấp và sỹ quan của bên „thua cuộc“ bằng những cái nhìn rất nhân văn, rất tôn trọng lịch sử. Đó là những thước phim nói về cá nhân ông Guenther Schabowski, ủy viên bộ chính trị đảng SED, bí thư thành ủy Berlin, người đã thay mặt đảng tuyên bố cho phép công dân CHDC Đức (ngay lập tức) được tự do đi lại sang miền Tây. Đó là bộ phim „Cuộc đời của những người khác“ nói về đại úy an ninh quốc gia (Stasi) Wiesler đã vì đồng cảm với những 

anh lính biên phòng Jaeger

nạn nhân của mình mà phải hy sinh sự nghiệp „còn đảng còn mình“ đang sáng ngời.

Đặc biệt bộ phim „Phố Bornholmer“ (Bornholmer Strasse) do kênh truyền hình ARD chiếu tối hôm 05.11.14 đã thu hút một lượng khán giả lớn đến mức có thể coi là „phim làm đường phố vắng tanh“ (Strassenfeger). Bộ phim truyện này được ARD dựng lại theo đúng các sự kiện diễn ra tại cửa khẩu Đông-Tây Berlin ở phố Bornholmer, có sự tham gia và góp ý của những nhân chứng 25 năm trước đây. Chốt biên phòng này đã đi vào lịch sử nước Đức và Châu Âu như là điểm đột phá cho sự sụp đổ của bức tường Berlin, và người đóng vai trò quan trọng nhất trong diễn biến không đổ máu tại chốt này lại chính là trung tá an ninh quốc gia Harald Jaeger (tên thật trong đời, Harald Schaefer là tên trong phim).

Tại CHDC Đức mỗi chốt biên phòng dọc theo bức tường Berlin và dọc theo biên giới Đông-Tây Đức đều được các đơn vị của Bộ tư lệnh Biên phòng, quân đội CHDC Đức (Grenztruppe der NVA) quản lý. Bên cạnh đó còn có các đơn vị phối thuộc của Hải quan, Kiểm dịch và Cảnh sát Nhân dân (Volkspolizei). Nhưng tất cả các lực lượng này bao giờ cũng nằm dưới sự chỉ huy của các sỹ quan thuộc bộ An ninh Quốc gia (MfS hay Stasi*). Do đó trung tá Harald Jaeger, tuy thuộc Stasi, nhưng là người chỉ huy cao cấp nhất của lực lượng biên phòng Đông Đức tại chốt Bornholmer Strasse trong thời điểm lịch sử đó.

Sau khi ông Guenther Schabowski**, không hiểu cố tình hay sơ ý, thay mặt đảng và chính phủ CHDC Đức tuyên bố trong cuộc họp báo lúc 19 giờ ngày 09.11.1989 là „ngay tức khắc, công dân CHDC Đức được tự do đi lại quan biên giới“ thì hàng trăm, rồi hàng ngàn người dân Đông Berlin, vốn sống trong cảnh „cá chậu chim lồng“, ào ào kéo nhau đến tất cả các cửa khẩu sang Tây Berlin để mong đươc thực hiện cái quyền hiến định của mình bị cướp mất lâu nay. Không khí tại tất cả các cửa khẩu đều rất căng thẳng, một bên là tầng tầng lớp lớp nhân dân chỉ muốn sang bên Tây Berlin để thỏa trí tò mò, một bên là các đơn vị biên phòng được trang bị tốt và có kỷ luật cao vẫn chưa nhận được lệnh cho dân được tự do đi lại.

Thời đó chưa có internet cũng như điện thoại di động nên phương tiện truyền tin duy nhất là phát thanh và truyền hình, mà các kênh Tây Đức lại là món hàng chuộng bên miền Đông. Khi đài ARD từ Munich đưa tin một cách lửng lơ là chính phủ CHDC Đức đã cho phép công dân của họ được tự do đi lại (dựa vào tuyên bố Schabowski) thì người dân Đông Berlin lại hiểu lầm là „thành đã mở“…và làn sóng người đi bộ cộng với xe Trabi đã lên đến hàng chục ngàn đổ về các cửa khẩu. Nhân dân hô vang các khẩu hiệu đòi mở thành, bộ đội biên phòng và công an ngoắc tay nhau dàn hàng ngang. Sự căng thẳng đã lên đến cao điểm. Tại cửa khẩu lớn nhất là cổng Brandenburg, phóng viên phương tây có cảm giác là sắp có đổ máu.

Trong khi đó trung tá Jaeger, chỉ huy cửa khẩu Bornholmer Strasse lại đang phải chịu đựng hai nỗi đau: Đau bụng vì căn bệnh kinh niên và đau đầu vì hoàn toàn bị cấp trên bỏ rơi trong vòng vây của hàng ngàn đồng bào đang đòi lai cái quyền mà theo anh ta là không hề tồn tại: Tự do đi lại.

Trong nội bộ các sỹ quan biên phòng thuộc cấp, đã có ý kiến dùng vũ lực giải tán đám đông. Nhưng viên sỹ quan an ninh Jaeger lại bác bỏ ngay từ đầu mọi ý đồ dùng súng đạn. Đơn giản vì anh ta có lối sống rất Đức: kỷ luật. Anh luôn nhắc thuộc cấp phải chấp hành nội quy sử dụng vũ khí: Chỉ khi nào tính mạng bị đe dọa. Điều trớ trêu cho mấy viên sỹ quan chủ trương dùng bạo lực là: quần chúng không hề bạo động, chỉ hô vang khẩu hiệu „Mở cổng ra, chúng tôi đi rồi sẽ trở về!“.

Sau những trao đổi với một vài đồng bào, Jaeger nhận thấy lý do muốn sang bên kia bức tường của họ hoàn toàn đời thường như cuộc sống phải có, không liên quan gì đến những lý luận ý thức hệ mà các sỹ quan an ninh luôn bị nhồi nhét. Nhưng ý thức đảng viên lại buộc anh phải chấp hành nội quy của đảng. Anh lại phone cho xếp, xếp lại ậm ừ vì chính ông ta cũng đang hoang mang và bị bỏ rơi.


Harald Schaefer do diễn viên Charly Hübner đóng trong phim Bornholmer Strasse

Trong giây phút định mệnh đó, Jaeger quyết định quay thanh chắn, mở cửa cho dòng người đầy tiếng cười và nước mắt ào ào đi qua trước mặt mình. Nhiều người đã ôm hôn anh, một sỹ quan cao cấp của bộ máy mật vụ khủng khiếp nhất châu Âu hồi đó. Jaeger không hề ý thức được là mình đã làm một việc tạo nên lịch sử. Anh chỉ cảm nhận sự trống trải ê chề giữa không khí sống động đó.

Hành động của Jaeger xảy ra đúng vào lúc tại cửa khẩu Brandenburger Tor sự căng thẳng giữa nhân dân và lực lượng An ninh đã lên đến mức có thể xảy ra thảm sát. Tin „vỡ đê Bornholmer“ được các phóng viên phương Tây đưa lên truyền hình trực tiếp, đã tạo ra hiệu ứng Domino. Lần lượt binh sỹ các cửa khẩu đều buông xuôi và bức thành Berlin bị xóa sổ từ lúc đó. Ngày nay ai cũng rùng mình khi nghĩ đến câu hỏi: Lịch sử sẽ ra sao, nếu Jaeger hạ lệnh nổ súng?

Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các nhân chứng lịch sử của 25 năm trước, hôm nay khi gặp lại ông già 71 tuổi Harald Jaeger, đều rất cảm phục sự bình tĩnh và cách cư xử rất thượng võ của anh sỹ quan năm xưa. Phóng viên tạp chí Spiegel, Georg Mascolo, có mặt tại cửa khẩu lúc đó, nói rằng ông phân biệt được những phẩm chất của Jaeger so với các sỹ quan An ninh ở các nơi khác. 

Harald Jaeger sinh ngày 27.4.1943 tại Bautzen, đông nam nước Đức, trong một gia đình công nhân xây lò sưởi. Năm 1961 anh gia nhập quân đội CHDC Đức và làm việc trong lực lượng biên phòng đến năm 1964 thì chuyển sang làm sỹ quan An ninh. Từ 1976 đến 1979, anh học trường Đại học luât của Bộ An ninh Quôc gia và từ đó thăng tiến liên tục lên đến chức trung tá An ninh (khác với trung tá công an).

Sau biến cố 1989, nước Đức thống nhất, viên sỹ quan An ninh Jaeger chưa đến tuổi về hưu nên thất nghiệp. Trả lời nhà báo, ông nói một cách hóm hỉnh “chắc ông chưa biết là sỹ quan mật vụ Stasi cũ kiếm việc khó như thế nào“

Ông đã phải trải qua một thời kỳ rất khó khăn, vật lộn với cuộc sống bằng các nghề vặt như lái xe chở hàng, bảo vệ nhà kho, bán báo trong một cái Kiosk nhỏ cho đến năm 65 tuổi mới được hưởng lương hưu. Trong những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, tuy xót xa với số phận của kẻ thua cuộc, nhưng không bao giờ ông hối hận với việc làm của mình trong đêm 09.11.89 tại cửa khẩu Bornholmer. Cũng như ủy viên Bộ Chính trị Guenther Schabowski, ông Jaeger nằm trong số các đảng viên CS của chế độ cũ đã công khai nhìn nhận nước CHDC Đức là một chế độ bất chính. Ngay trong buổi talk show hôm 05.11 vừa qua, câu nói cuối cùng của ông Jaeger là: Ngày nay nhìn lại thì thấy những gì chúng tôi làm hồi đó là bất chính (unrecht)!

Đối với Jaeger, giá trị của cuộc sống không phải là những cái gì ta dành được, mà chính là những gì ta đem lại cho người khác. Trong cái đêm sóng gió mùa thu năm 89 đó, ông đã trả lại cho đồng bào mình quyền tự do mà trước đó, ông không hề biết đến. Quá trình thay đổi nhận thức trong đầu Jaerger không phải chỉ xảy ra trong thời gian từ 20 giờ, khi nhân dân kéo đến cửa khẩu, cho đến 23 giờ 30 cùng ngày, khi ông mở thanh chắn. Hành động đàn áp khốc liệt các cuộc biểu tình ôn hòa của nhân dân Đông Đức suốt mấy tuần qua đã làm cho một sỹ quan có tinh thần thượng võ như ông suy nghĩ rất nhiều. Con trai ông, vốn không khoái gì cái nghề mật vụ của bố, trong những ngày tháng 8 này cũng tranh luận với ông khá căng. Cuối cùng, cái thiện trong con người anh sỹ quan mật vụ Jaeger đã thắng và anh đã góp một phần vào việc đưa nước Đức và châu Âu bước vào một kỷ nguyên mới.

Nếu như đại úy Wiesler trong phim Cuộc đời của những người khác là một nhân vật được hư cấu trong một kịch bản mang tính tiểu thuyết, thì trung tá Harald Schaefer (alias Jaeger) trong phim Bornholmer Strasse là một nhân vật có thật, bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt chúng ta.

Ông Jaeger chụp ảnh trước cầu Bornholmer

Tuy nhiên cả Wiesler và Jaeger đều có một điểm chung: Đó là họ cùng biết đau nỗi đau của đồng loại và vì vậy có khả năng tự thay đổi.

Chính vì bản chất con người đó mà Harald Jaeger đã đi vào lịch sử với những cái tên: „ Người mở cổng thành“ (Der Mann, der die Mauer öffnete)***, hay „Viên sỹ quan thanh chắn“ (der Schlagbaum-Offizier)

Xuân Thọ.
(Tác giả gửi cho Dân Luận)

Chú thích:

* MfS là từ viết tắt của Ministerium für Staatssicherheit (bộ An ninh Quốc gia) . Stasi là từ viết tắt của Staatssicherheit (An ninh Quốc gia)

** Ngày hôm đó, trước sức ép của làn sóng biểu tình, Bộ chính trị đảng SED họp bất thường và ra quyết định nới lỏng luật đi lại cho công dân CHDC Đức. Sau cuộc họp, ông G. Schabowki, một nhân vật có tư tưởng cải cách trong Bộ chính trị được cử ra họp báo công bố quyết định này. Khi bị hỏi dồn là bao giờ quyết định này có hiệu lực, Schabowski lúng túng tìm lại các văn bản, nhưng cuối cùng nói liều: Theo tôi nghĩ thì ngay lập tức. Lúc đó là 19 giờ tối.