Ba mùa thu
Tuệ Quang Tôn-thất Tuệ
Từ cuối thập niên 40 tôi rời nơi cư trú ở vùng
bất an , về thành phố Huế ăn nhờ ở đậu, sống bằng việc dạy kèm .
Năm
1952 tôi đỗ Tú Tài phần thứ nhất tại Huế . Năm đó một số trường trung học
mới được thiết lập tại nhiều thành phố . Nghe tin trường Trung Học Võ
Tánh được mở ở Nhatrang , tôi muốn xin tới đó dạy học , để dành lợi tức ,
vài năm sau đi học trở lại . Khổ thay , lúc ấy tôi chưa tròn mười tám tuổi , mẹ
tôi lại không đành lòng thấy con bị gián đoạn việc học. Bởi vậy, tôi không thực
hiện được dự tính này .
Năm
1955 , đang học tại Saigon , gặp lúc quân chính phủ đụng độ với lực lượng Bình
Xuyên , tôi bị mất trọn áo quần , sách vở . Vô kế khả thi , tôi về Huế xin dạy
học . Không đến được Võ Tánh khi trường này mới mở, nhưng hình như tôi có
tiền duyên với loại trường tân lập , nên lần này được bổ nhiệm làm “ giáo sư
Trung Học Đệ Nhất Cấp khế ước” tại trường Trung Học Thành Nội mở ở Quốc Tử Giám
trong kinh thành Huế . Về sau trường đổi tên là Trung Học Hàm Nghi ( danh xưng
này do tôi đề nghị trong phiên họp giáo sư chọn đặt tên chính thức cho trường,
theo chỉ thị của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, vào năm 1956).
Thu hân hoan
Thực
hiện đúng ý định của mình , năm 1958 tôi nghỉ dạy ,trở lại theo học ngành
Sư Phạm và Văn Khoa . Sau khi tốt nghiệp tôi được bổ nhiệm về chính nơi mình đã
chọn lựa ngày trước là trường Trung Học Võ Tánh ở Nhatrang , phụ trách môn Sử Địa
.
Đến
Nhatrang vào một sáng mùa Thu 1961 bằng đường xe lửa , lòng tôi rộn rã niềm vui
với thiên chức “Nghề Thầy”. Tại đây , vị hiệu trưởng vừa là thầy cũ dạy tôi môn
toán ở trường Khải Định, vừa là thượng cấp cũ khi tôi dạy học ở trường Hàm Nghi
. Đó là giáo sư Lê Nguyên Diệm . Là thầy rồi là cấp điều khiển , cụ Diệm hiểu
rõ cá nhân tôi . Từng được thụ giáo rồi được cộng sự với cụ suốt mấy năm ở Huế
, tôi cũng hiểu rõ về Cụ . Chuỗi ngày dạy học của tôi ở miền đất duyên hải này
trôi qua êm đềm , bình thản , phẳng lặng . Bởi yêu mến trường Võ Tánh, quyến
luyến thành phố Nha Trang, tôi từ chối các chức vụ điều khiển giáo dục mấy lần
được bổ nhiệm ở vài địa phương khác . Thích cuộc sống bình thản , tôi
không gia nhập một đảng phái chính trị nào.
Trường
Võ Tánh nói riêng , thành phố Nhatrang nói chung đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn
đẹp , nhiều kỷ niệm trân quí : thân ái với học sinh , giao hảo cùng phụ huynh ,
hòa đồng với đồng nghiệp . Ngoài thời gian phục vụ ở nhiệm sở Võ Tánh , tôi được
nhiều tư thục ưu ái kêu gọi hợp tác , mỗi trường một số giờ hàng tuần : Hưng Đạo
, Văn Học , Hàn Thuyên , Văn Hóa Quân Đội … Qua mỗi niên khóa , tôi hân hoan
trang trải tâm tình cùng các thế hệ đàn em về niềm tự hào của
lịch sử tổ quốc , về gương sáng của các đấng tiền nhân , về những cuộc chiến đấu
cam go hào hùng để bảo tồn nền tự chủ của đất nước ; chia sẻ cùng giới trẻ
những buồn vui qua quá trình dựng nước , giữ nước chống xâm lược từ các
phương Bắc , phương Tây . Với tôi , lịch sử phải được sử
dụng làm sống lại quá khứ một cách trung thực , khẳng định niềm tự hào dân tộc
, đề cao tình yêu quê hương , tình yêu Tổ Quốc . Lịch sử không thể bị bóp méo
nhằm mục đích tuyên truyền phục vụ một phe phái chính trị nào.
Thu đau xót
Chọn
Nhatrang làm nơi định cư sống trọn cuộc đời, tôi dự tính sẽ xin nghỉ hưu
trước hạn tuổi 55 để đọc sách , nghiên cứu, học hỏi thêm thật thấu đáo rồi viết
lách .
Cuộc
sống đang bình thản trôi xuôi như một dòng suối mát , đột nhiên phũ phàng va chạm
một trở lực khó thể vượt qua .
Còn
gì xót xa hơn khi lịch sử không được trình bày thực hiện theo đúng sứ mạng của
nó. Quá khứ chiến đấu kiêu hùng bằng xương máu của tiền nhân chống kẻ thù xâm
lược truyền kiếp, đã vì một lý do chính trị , chẳng những không được đề cao mà
còn bị che giấu , đến nỗi có tình trạng người dạy sử không biết tướng Trần Bình
Trọng là ai . Câu “ta thà làm quỷ nước Nam , không thèm làm vương đất Bắc”
đã một thời bị không ít kẻ tưởng lầm là luận điệu tuyên truyền chia rẽ Bắc Nam
từ một thế lực thù địch!!!
Còn
gì chua chát hơn khi hào quang chói lọi từ các vĩ nhân xưa như Ngô Quyền , Lý
Thường Kiệt , Trần Quốc Tuấn … bỗng dưng bị lu mờ che khuất đằng sau những ngôi
sao huyền thoại thời thượng như súng trường bắn hạ được máy bay rải thảm ,
thân người đủ sức thay giá súng hay lấp lỗ châu mai …
Không thích nghi được với
“quan niệm lạ” về sử học , mùa thu 1977 tôi ngậm ngùi rời bỏ căn nhà độc
nhất đầy ắp kỷ niệm do chính mình tạo lập trên khu đất tạm chiếm , xót xa
chia tay thành phố biển thùy dương cát trắng hiền hòa .
Trường
Võ Tánh từ ngày thành lập tới nay được tròn một vòng hoa giáp 60 năm , nhưng thực
sự chỉ hưởng được 23 tuổi thọ (1952-1975) và cá nhân tôi chỉ được sống với trường
vỏn vẹn 15 niên khóa (1961-1975)
Hân
hoan đến Nhatrang bằng đường sắt vào một sáng thu thơ mộng rồi ngậm ngùi rời
Nhatrang bằng đường thủy vào một đêm thu se lạnh hạ huyền.
Thu ngậm ngùi
Cả
gia đình tôi do định mệnh an bài , cùng đi du học tập thể ngoài ý muốn tận
một quốc gia miền Bắc Mỹ châu .
Hơn
ba thập niên qua , tôi cật lực vật lộn với cuộc đời . Từ một nhà giáo gần hai
mươi năm trong nghề, tôi quay trở lại đời sống một sinh viên mà các giáo sư giảng
dạy có đôi người ngang tuổi em , tuổi cháu .
Từ
một ngươì dạy sử tôi trở thành chuyên viên kỹ thuật kiểm phẩm ngành chế tạo
máy bay rồi máy giấy . Sống nhờ vả xứ Gia Nã Đại nhưng lại đi làm thuê cho công
ty người Phần Lan . Định mệnh thật trớ trêu kỳ lạ !!!
Thành
phố Montréal của “Canada đất lạnh tình nồng” đã cưu mang gia đình tôi trong hơn
ba thập niên qua . Tôi sống nơi đây lâu hơn bất cứ nơi nào trên quê hương mẹ .
Mỗi độ thu về , nhìn rừng lá đổi màu , ngắm di điểu từng đàn bay về phương nam
trốn lạnh , tôi nghẹn ngào thấy tóc mình pha thêm sắc trắng , để đêm đêm
ngậm ngùi “cử đầu vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố hương” .
Ba
mùa thu đặc biệt đi qua đời tôi : thu 1961 hân hoan , thu 1977 đau xót và thu
2011 ngậm ngùi .
Chiều
thu nay , một mình trên ghế đá công viên, ngắm lá phong úa vàng tơi tả rụng ,
tôi mường tượng thấy lại những cánh lá bàng xào xạc rơi trên đường làng
quạnh quẽ ở quê nhà. Tôi ngẩn ngơ mơ ước một mùa thu thứ tư sẽ đến theo chu kỳ
vần xoay của lịch sử trong tiến trình tạo vật biến thiên để có một ngày đẹp trời
được trở lại nơi xưa . Ngày ấy tôi về , không phải để thỏa mãn ham muốn
những lạc thú riêng tư , cũng không phải để phô trương với bạn bè giúm kiến
thức thô thiển học hỏi ở xứ người hay khoe khoang với xóm giềng chút tiện nghi
vật chất lượm nhặt từ đất khách , mà là để trả về cho Việt Nam , cho Nhatrang ,
cho đất nước … một hình hài , một tâm hồn từ bao lâu nay đã và đang miệt
mài đi kiếm tìm cái mục tiêu thiêng liêng cao quí nhất trong đời , mục
tiêu đó chính là “tình người, tình quê hương , tình dân tộc ” .
Montréal, Thu 2011
Tuệ Quang Tôn-thất Tuệ