„Do đó chuyện cấp bách của dân tộc, của các
lực lượng dân chủ bao gồm hơn 30 tổ chức xã hội dân sự, cùng các tổ chức… là
rất nên phát triển tổ chức vững mạnh có phẩm chất, để cùng tính chuyện
kết hợp lại, thành lập một hay vài tổ chức chính trị trẻ khỏe, trong sáng, mang
truyền thống dân tộc và tư duy thời đại, thành lực lượng đối lập bán chính thức
với Đảng CSVN.“
Qua chuyện người,
nói chuyện ta
Bùi Tín
Dàn
'Tứ trụ' mới (từ trái): Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Thế là xong, những ngày sôi nổi của Đại hội XII, đại hội của người ta,
không phải của chúng ta. Chúng ta xem như một cuốn phim thời sự loại bình
thường, với những pha giật gân cho những người trong cuộc, có những cảnh bi
thảm mang kịch tính cao, như xem đấu vật giữa hai võ sĩ hạng xoàng, anh này đè
anh nọ, rồi lật ngược lại, để cuối cùng anh tuổi hạng trung bị anh già vỗ bụng
- một kết quả biết trước do trọng tài đã bị mua với giá khá cao.
Có những chuyện ngây ngô, buồn cười. Cánh dân chủ cần tránh vết chân của
họ, như là lẽ ra phải để thời gian nghiên cứu, tranh luận về học thuyết, đường
lối, chính sách nhiều, còn chuyện bầu bán chỉ cần một buổi là xong, vậy mà
chuyện nhân sự lại chiếm nguyên 3 cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương kéo dài
hơn 10 ngày, rồi ra đại hội lại chiếm đến 5 trên 8 ngày, cứ như chuyện việc
làng của các kỳ mục hủ lậu ngày xưa, họp ngoài đình toàn cãi nhau chí chết
chuyện chia phần ăn uống, phân chia ngôi thứ, sôi nổi nhất là khi chia phần con
lợn quay hay chú bò thui.
Chuyện của ta, chớ bao giờ trưng ra những hình ảnh lạc hậu đã thuộc về quá
khứ, như 2 cụ râu xồm phương Tây, chưa hề đặt chân đến châu Á, rồi cả lá cờ búa
liềm cũ kỹ, từng bị châm biếm, lưỡi liềm để cắt cổ nông dân, còn chiếc búa để
đập vỡ đầu trí thức và lao động.
Theo nhiều bình luận sâu sắc đã được đăng tải trên các mạng, đây có thể là
đại hội đảng CS cuối cùng của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), một đảng đã tỏ ra
không ngang tầm lãnh đạo đất nước, không bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, không
xây dựng nổi một nền giáo dục và y tế phục vụ xã hội, không giữ gìn nổi tài sản
công, để thất thoát cơ man nào là tiền bạc, tài sản xã hội vào túi các quan lại
tham ô, do đó không còn mảy may uy tín và uy quyền là lực lượng lãnh đạo đất
nước. Đã đến lúc Đảng CSVN phải rút lui, hay chí ít cũng phải chịu tranh đua
với các đảng phái dân tộc khác sẽ xuất hiện theo Luật lập hội, như Hiến pháp
thừa nhận nhưng bị Đảng CSVN trì hoãn quá lâu vì sợ mất độc quyền để thủ lợi.
Đại hội XII đã thất bại thảm hại, chia rẽ đến độ thù nghịch nhau, hạ bệ nhau
bằng những biện pháp gian manh, chà đạp Điều lệ là đạo luật cao nhất của đảng
chỉ để giữ chức vụ, địa vị.
Anh chị em dân chủ không nên đặt cược ở “anh Lú” hay “anh X”, để tránh bị
vỡ mộng, vì cả hai đều quá đát, đều là quá khứ không chịu ra đi. Ông tổng bí
thư 72 tuổi suốt đời chỉ biết toan tính lầm lẫn, lẩm cẩm cần hiểu rằng trên đời
này không một ai là không thể thay thế. Trong nhiệm kỳ hai ông cần biểu thị
thật rõ ông không còn lú lẫn, nhu nhược như trước.
Do đó, vấn đề cần theo dõi kỹ là sau khi trúng cử nhiệm kỳ hai, ông Trọng
có thay đổi gì không trong đường lối, quan điểm chính trị, có bớt giáo điều,
cực đoan, bảo thủ hay không, có còn vô cảm khi các chiến sĩ dân chủ vẫn bị đàn
áp tàn bạo và bị giam cầm dài hạn mà mãi không xét xử hay không, có còn dè dặt
chống tham nhũng vì diệt chuột mà còn sợ vỡ bình hay không?
Phải chăng trước đây ông còn bị vướng víu vì chưa nắm được đa số trong Bộ
Chính trị, nay ông được tự do hơn, ông có mạnh mẽ lên đôi chút khi dám ngả dần
về khối dân chủ quốc tế như đa số dân mong muốn hay không? Nhiều người mong ông
sẽ là một ông Trọng mới, mang tinh thần đổi mới thật sự.
Nếu không được như thế, thì sẽ có những cuộc sát phạt, trả thù nhau giữa
các phe nhóm diễn ra khốc liệt, phơi bày thêm thảm trạng suy thoái thối nát đến
cùng cực của Đảng CSVN. Lòng dân sẽ càng thêm phẫn nộ, khinh miệt nhóm lãnh đạo
mới cực kỳ bảo thù, giáo điều, cá nhân chủ nghĩa, đòi hỏi đảng CS phải rút lui
và chí ít là phải chia quyền lãnh đạo với đảng khác thì may ra mới tiếp tục
hoạt động được, như một bộ phận trong lực lượng lãnh đạo đất nước gồm nhiều
thành phần.
Do đó chuyện cấp bách của dân tộc, của các lực lượng dân chủ bao gồm hơn 30
tổ chức xã hội dân sự, cùng các tổ chức Hội Nhà báo Độc lập, Văn đoàn Độc lập,
Hội Khuyến học Độc lập, Hiệp hội các Luật gia vì Công lý, Hiệp hội Dân Oan
trong cả nước và các địa phương, Hội Lao động Tự do, Hội Phụ nữ Nhân quyền, các
tổ chức tôn giáo... là rất nên phát triển tổ chức vững mạnh có phẩm chất cao,
để cùng tính chuyện kết hợp lại, thành lập một hay vài tổ chức chính trị trẻ
khỏe, trong sáng, mang truyền thống dân tộc và tư duy thời đại, thành lực lượng
đối lập bán chính thức với Đảng CSVN.
Đây mới là nhân tố hệ trọng, là động lực cho đổi mới toàn diện có tính chất
quyết định vận mệnh nhân dân Việt Nam. Đây là nguyện vọng cháy bỏng của toàn
dân trong và ngoài nước để thực hiện, cũng là sự chờ đợi của bạn bè dân chủ
quốc tế của nhân dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.
* Bài viết của nhà báo Bùi Tín đã
được đăng trên trang mạng VOA Tiếng Việt.