05.02.2016

Thủ đoạn bành trướng tinh vi của Bắc Kinh

Thủ đoạn bành trướng tinh vi của Bắc Kinh

Ngày 31-1, Hãng AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Đại Lợi Marise Payne bày tỏ sự ủng hộ trước việc tàu chiến Mỹ USS Curtis Wilbur (DDG 54) tuần tra Biển Đông hôm 30-1 và coi đây là hành động nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế.

Ông Harris phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 27-1

Bà Marise Payne cũng khẳng định, Úc sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực này. Bà nhấn mạnh, khoảng 60% xuất khẩu của Úc đi qua Biển Đông, do đó Canberra có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực này; đồng thời tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.


Tự lừa dối bản thân

Ngày 31-1, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung cộng Dương Vũ Quân cho rằng, việc Mỹ điều tàu chiến USS Curtis Wilbur (DDG 54) đi vào “phạm vi 12 hải lý” quanh đảo Tri Tôn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép từ năm 1974, là “vi phạm luật của Trung Hoa, đe dọa an ninh trên biển”. Đồng thời nhấn mạnh, hành động của Mỹ “có thể gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm”, do đó “lực lượng vũ trang Trung Hoa sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết” để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và an ninh” tại vùng biển này. Nhưng trong thông báo trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, việc tuần tra được tiến hành không gặp trở ngại hay phản ứng nào từ Trung cộng, tuy nhiên ông Dương Vũ Quân vẫn tuyên bố, Trung cộng đã “cảnh báo và xua tàu Mỹ đi ra một cách nhanh chóng”.

Theo phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Đại tá Jeff Davis cho biết, không một tàu nào của quân đội Trung cộng bám theo tàu USS Curtis Wilbur. Đại tá Jeff Davis còn nhấn mạnh, việc Mỹ điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur đi qua “khu vực 12 hải lý” là nhằm thách thức việc Trung cộng đưa ra yêu sách yêu cầu các tàu đi qua các đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép hoặc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền, phải xin phép trước. Ngày 30-1, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain cho biết, ông cảm thấy mình được “khích lệ” bởi thông tin này. Đồng thời khẳng định, việc điều tàu chiến và máy bay tuần tra ở Biển Đông là nhằm thách thức “tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung cộng ngăn cản quyền tự do đi lại của Mỹ”.

Washington coi đây là động thái nhằm thách thức những hạn chế về quyền và tự do hàng hải trên Biển Đông, mà Bắc Kinh đang cố tình tạo ra. Trước đó (24-1), trong một thông điệp rõ ràng gửi tới Trung cộng, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, tất cả các quốc gia cần tuân thủ các quy định chung theo luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải ở Biển Đông. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ thể hiện quan điểm phản đối các nỗ lực hạn chế quyền tự do hàng hải trong khu vực bằng hành động cụ thể bởi hồi tháng 10-2015, hải quân Mỹ từng điều tàu chiến đi vào “khu vực 12 hải lý” của một trong các đảo mà Trung cộng bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cách đây không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã chính thức giải thích rõ sự thật về chiến dịch tuần tra của khu trục hạm USS Lassen hôm 27-10-2015 tại “khu vực 12 hải lý” là nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Giới bình luận cho rằng, sau khi Trung cộng công khai mưu đồ đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Mỹ cũng thể hiện rõ ràng thái độ phản đối và có những hành động nhằm chứng minh “không nói suông”.

Thiếu kiến thức lịch sử

Ngày 28-1, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung cộng Dương Vũ Quân tuyên bố, những phát ngôn về Biển Đông của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris, là thiếu kiến thức lịch sử! Bởi khi phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) hôm 27-1, Đô đốc Harry Harris tuyên bố, theo quan điểm cá nhân của ông, những hòn đảo và bãi đá mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép tại Biển Đông không thuộc về Trung cộng. Đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động bảo vệ tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông – trong tương lai, cộng đồng quốc tế sẽ nhìn thấy nhiều hơn các hành động như tuần tra của tàu khu trục USS Lassen tuần tra bên trong “khu vực 12 hải lý”. Ngoài ra, Đô đốc Harry Harris còn cho biết, Mỹ sẽ đưa các phi cơ chiến đấu F-35, khu trục hạm  DD-1000, hàng không mẫu hạm loại Ford thứ hai, phi cơ vận tải cánh xoay nghiêng V-22 Osprey và phi cơ tuần tra săn tàu ngầm P-8A Poseidon ở khu vực Thái Bình Dương.

Ngày 30-1, tờ Vượng báo của Đài Loan cho rằng, tuyên bố “các hòn đảo ở Biển Đông không thuộc về Trung cộng” của Đô đốc Harry Harris có liên quan tới vụ kiện “đường lưỡi bò” và Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc ở The Hague (PCA) chuẩn bị ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan từng tuyên bố, việc Mỹ duy trì một lực lượng hải quân mạnh để răn đe Trung cộng là cần thiết.

Tờ Sputnik vừa dẫn tuyên bố của Tham mưu trưởng lực lượng hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson về kế hoạch gồm 4 phần đối với hải quân Mỹ nhằm duy trì sự kiểm soát toàn cầu của Washington tại các vùng biển trong thế kỷ XXI. Dư luận cũng quan tâm tới thông tin cho rằng, 4 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (Chuck Hagel, William Cohen, William Perry và Harold Brown) vừa đề nghị Mỹ nên tăng cường trao đổi quân sự với Trung cộng như một động thái cải thiện mối quan hệ song phương. Giới quân sự từng cảnh báo, đối đầu Trung – Mỹ sẽ biến Biển Đông thành thùng thuốc súng mới ở châu Á. Tờ South China Morning Post vừa dẫn lời giới chuyên gia quốc phòng và quân sự của Mỹ và Trung cộng cho rằng, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ có chuyến thăm Mỹ thứ hai trong vòng chưa đầy 1 năm để tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Washington vào tháng 3 tới.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2016 Trung cộng

Ngoại giao USD

Ngày 28-1, tờ South China Morning Post cho rằng, kế hoạch lớn đằng sau chiến lược ngoại giao USD của Trung cộng là nhằm chuyển bớt căng thẳng kinh tế trong nước ra bên ngoài, tạo thế cạnh tranh vị trí siêu cường với Mỹ. Và điều này được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung cộng Tập Cận Bình thực hiện tích cực – thông qua hàng chục chuyến công du nước ngoài, ký các hợp đồng trị giá hàng tỉ USD và đây được coi là nỗ lực “dùng tiền kết bạn” mà Bắc Kinh đang tiến hành. Bởi Trung cộng có tiền (hơn 3 ngàn tỉ USD dự trữ ngoại hối) và có động lực để tiêu tiền. 2015 là một năm đặc biệt bận rộn đối với ông Tập Cận Bình – tới thăm 14 quốc gia, cùng cam kết đầu tư trực tiếp, vốn vay và viện trợ trị giá hàng trăm tỉ USD. Và đây là cách mở rộng ảnh hưởng của Trung cộng – thông qua các hợp đồng thương mại và đầu tư với các nước để có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách của thế giới. Benjamin Herscovitch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Trung cộng nhận định, sử dụng ngoại giao kinh tế là phương cách Trung cộng sử dụng để giảm bớt căng thẳng kinh tế trong nước.

Ngày 30-1, tờ Nhân dân nhật báo Trung Hoa đăng bài “Nói xấu Trung Hoa chỉ tự mình lừa dối mình mà thôi” của ông Hà Chấn Hoa. Trong đó tác giả cho rằng, nhiều người ghen tị với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung cộng – chỉ vài chục năm đã đi hết chặng đường phát triển mà các nước phát triển phải mất hàng trăm năm mới đạt được, nên đã tạo ra “thuyết Trung cộng sụp đổ” và “mối đe dọa từ Trung cộng”, để nói xấu và tiên đoán “nên kinh tế Trung cộng sẽ hạ cánh cứng”…

Trong khi đó, ông Dan Katz, cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm quân đội Mỹ và hiện là Chủ nhiệm Phân tích quốc phòng của Hãng Aviation Week cảnh báo, Trung cộng đang tham gia vào một chiến dịch bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông khá tinh vi. Và để chống lại việc này, Washington nên tối đa hóa các hỗ trợ ngoại giao cho một thỏa thuận thương lượng về các thực thể có tranh chấp và vùng biển xung quanh, nhằm ngăn chặn Trung cộng giải quyết vấn đề thông qua cưỡng ép kinh tế hoặc đe dọa quân sự với các bên hữu quan.

Tạp chí The National Interest từng dẫn lời Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu John Harvey cho rằng, nước này có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng không mẫu hạm trong năm 2016. Bởi số lượng hàng không mẫu hạm đang hoạt động của Mỹ trong những năm gần đây đã giảm còn 10 chiếc, trong khi theo luật của Mỹ, hải quân nước này cần ít nhất 11 chiếc. Gần 2 tháng trước (12-12-2015), khu trục hạm loại Arleigh Burke có tên Ralph Johnson, mang ký hiệu DDG114, trang bị hỏa tiễn hành trình, đã được hạ thủy. Đây là khu trục hạm loại Arleigh Burke thứ 64 của Hải quân Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã ký thông qua khoản ngân sách chính phủ năm 2016 gồm 1.100 tỉ USD, trong đó 1 tỉ USD dành cho chương trình khu trục hạm.


Trang mạng Sputniknews.com cho rằng, Hải quân Trung cộng nhiều khả năng sẽ triển khai một hàng không mẫu hạm (tự đóng) hoạt động thường xuyên tại Biển Đông. Ngày 28-1, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, chiến đấu cơ J-20 mới nhất (số hiệu 2101) không có thay đổi rõ rệt về thiết kế so với phi cơ nguyên mẫu số hiệu 2017 xuất hiện hồi đầu năm nay. Được biết, từ năm 2011 đến nay, Trung cộng đã chế tạo 10 phi cơ chiến đấu J-20. Và tính năng của chiến đấu cơ J-20 có thể sẽ vượt chiếc T-50 của Nga và F-22 của Mỹ. Dự kiến, Trung cộng cần sản xuất 150 phi cơ J-20 trong 5 năm, tức 30 chiếc/năm mới có thể duy trì cân bằng cơ bản so với các đối thủ. Theo giới truyền thông, từ giữa tháng 1-2016, không quân Mỹ đã triển khai chiến đấu cơ F-16 tới đảo Guam, để cảnh cáo Trung cộng nên từ bỏ mưu đồ độc chiếm Biển Đông.