Tranh
chấp Biển Đông thu hút sự chú ý của cả thế giới
Gia
Minh, (RFA)
Trung cộng đưa thêm chiến đấu cơ tới
đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, hình ảnh vệ tinh của ImageSat International
chụp được hôm mùng 7 tháng 4 và được các viên chức quốc phòng Hoa Kỳ chứng thực
ngày hôm 12/4/2016.
Biển Đông tiếp tục thu hút chú ý không chỉ của những quốc gia có tranh
chấp chủ quyền trong khu vực mà có thể nói của cả thế giới. Một số động thái
gần nhất trong khu vực và hàm ý của chúng được nhận định ra sao?
Trung - Mỹ “lời qua - tiếng lại”
Trung cộng chính thức xác nhận vào ngày chủ nhật 17 tháng tư vừa qua về
việc đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay lập tức
sau đó, Hoa Kỳ lên tiếng.
Bắc Kinh cho rằng máy bay phản lực được đưa đến để làm nhiệm vụ nhân đạo
cấp cứu đưa ba công nhân bị ốm về đảo Hải Nam. Tuy nhiên phát ngôn nhân Ngũ
Giác Đài, đại úy Jeff Davis, trong văn bản trả lời hãng thông tấn CNN thắc mắc
sao Trung cộng lại sử dụng máy bay quân sự cho một dịch vụ dân sự như thế.
Ngay sau đó Bộ Quốc Phòng Trung cộng lên tiếng phản bác cho rằng trong
trường hợp có công dân cần cấp cứu trên đất Hoa Kỳ thì phía Mỹ có sử dụng máy
bay quân sự không. Ngoài ra Bộ Quốc phòng Trung cộng nhắc lại Bắc Kinh có chủ
quyền không thể tranh cãi tại khu vực Biển Đông và Hoa Kỳ không được quyền bình
luận gì về hoạt động xây dựng những công trình của Bắc Kinh tại đó.
Chuyện lời qua tiếng lại đối với việc Trung cộng đưa chiến đấu cơ ra đá
Chữ Thập nơi có đường băng mới xây dựng diễn ra chẳng bao lâu sau khi bộ trưởng
quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter công du Phi Luật Tân nhân đợt diễn tập quân sự hỗn
hợp thường niên giữa đôi bên, rồi lên thăm hàng không mẫu hạm USS John C
Stennis vào lúc đang có mặt ở Biển Đông.
Trong khoản cùng thời gian, phía Trung cộng loan tin phó chủ tịch quân
ủy trung ương Phạm Trường Long cũng có chuyến thăm đến khu vực Trường Sa; cũng
như Bắc Kinh tiến hành thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo tầm xa tại Biển Đông.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Khoa
Sử- Đại học Maine ở Hoa Kỳ có nhận định về những hoạt động liên tục lâu nay của
Trung cộng tại khu vực Biển Đông như sau:
“Đã từ lâu rồi Trung cộng muốn quân sự hóa cả Biển Đông. Kể từ khi chiếm
được đảo Phú Lâm thì họ cho rằng có thể chặn được Mỹ và các nước khác. Đó là
yết hầu của Biển Đông; nhưng sau này khi tham vọng của họ ‘lớn lên’, họ đánh
chiếm thêm các đảo ở Trường Sa nữa. Thế nhưng rồi họ thấy vẫn chưa đủ nên đánh
thêm Scaborough. Họ chặn hết tất cả những đường từ phía nam lên phía bắc.”
Tiến sĩ Trần Công Trục, một
nhà nghiên cứu Biển Đông tại Việt Nam cũng có ý kiến:
“Tôi nghĩ chuyện Trung cộng tìm mọi cách và mọi hoạt động để thực hiện
cho được, bằng được chính sách chiến lược của họ là khống chế và độc chiến Biển
Đông. Dùng Biển Đông để vươn lên trở thành một siêu cường quốc tế trong việc
cạnh tranh với vị trí siêu cường của Hoa Kỳ. Đó là điều không bao giờ thay đổi.
Điều đó thể hiện qua những điều họ đã làm trong thực tế. Và cho đến bây giờ,
mặc dù họ có những tiến bộ ngoại giao, những hoạt động ngoại giao; họ nói với
thế giới họ rất ‘thiện chí, rất biết điều, làm này nọ …’; nhưng trong thực tế
họ hoàn toàn ngược lại. Đó là điều mà không ai mà có thể nhầm tưởng nữa. Chính
những động thái vừa rồi càng chứng tỏ Trung cộng quyết tâm thực hiện, rút ngắn
khoảng cách để họ có thể thực hiện tiến lên làm chủ Biển Đông theo chiến lược
của họ.”
Thêm phương tiện, vũ khí
Ngoài những diễn tiến như vừa nêu, hai phía Mỹ - Trung còn có nhiều hoạt
động khác như Hoa Kỳ thông báo cùng Phi Luật Tân tuần tra chung thường xuyên
hơn tại Biển Đông. Washington cung cấp cho Manila khinh khí cầu trinh sát có
gắn radar giúp thu thập thông tin và phát hiện biến động ở Biển Đông.
Truyền thông Bắc Kinh
cho biết từ ngày 7 tháng tư vừa qua, Trung cộng cũng tiến hành tập trận tại khu
vực Biển Đông với phương pháp mới như thực tập trong môi trường điện tử.
Trên đảo Phú Lâm mà Trung
cộng gọi là Vĩnh Hưng thuộc Hoàng Sa, hình ảnh vệ tinh mới nhất được hãng Fox
News công bố vào ngày 13 tháng tư thì một phi đội 16 chiến đấu cơ J-11 của Trung
cộng được đưa đến đảo này. Trên đảo còn có hệ thống radar và dàn phóng tên lửa
đất đối không.
Nhận định của giáo sư
Ngô Vĩnh Long về việc Trung cộng tăng cường xây dựng căn cứ và đưa các loại vũ
khí đến những nơi được cải tạo, xây dựng ở Biển Đông như sau:
“Một khi thấy có cớ là
họ làm tới, làm tới bởi vì đứng về mặt lịch sử và luật pháp mà nói thì họ (Trung
cộng) không có gì có thể biện minh cho sự chiếm đóng của họ được hết. thành ra
họ phải dùng sự có mặt về quân sự của họ. Tất nhiên họ phải đưa vũ khí, đưa máy
bay quân sự đến (để) họ cho đó là một sự đã rồi. Thành ra khi ‘sự đã rồi’ thì
thế giới phải đương đầu với họ mà họ nghĩ thế giới không dám! Đây có thể gọi là
một ‘game of chicken’, một cách nói ‘tao ngang như vậy thì làm gì tao!’
Thế nhưng theo tôi nghĩ
về lâu về dài, vấn đề này sẽ bất lợi cho Trung cộng vì đến một lúc nào đó thế
giới cũng phải nghĩ cách đương đầu với Trung cộng như thế nào.”
Khả
năng đụng độ
Chuyên gia Carlyle
Thayer thuộc Học viện Quốc Phòng Úc, từ khi tình hình Biển Đông trở nên căng
thẳng, từng đưa ra hình ảnh so sánh khu vực như một chiếc bồn tắm, những vũ khí
thả xuống đó như đồ chơi thì thế nào chúng cũng đụng nhau.
Một số ý chuyên gia đưa
ra nhận định nếu trong thời gian tới khi Tòa Trọng tại Thường trực Liên Hiệp
Quốc tại La Haye đưa ra phán quyết cho vụ kiện đường đứt khúc 9 đoạn và bất lợi
nghiêng về phía Trung cộng thì Bắc Kinh sẽ cho tuyên bố vùng nhận dạng phòng
không tại khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên theo người
chuyên nghiên cứu vấn đề Biển Đông như giáo sư Ngô Vĩnh Long, thì Bắc Kinh chắc
hẳn sẽ ra tay trước khi có phán quyết của tòa quốc tế:
“Tôi nghĩ Trung cộng có
làm gì thì làm trước chứ không phải sau khi có phán quyết (của tòa). Nếu làm
sau thì có vẻ thách đố luật pháp quốc tế quá; cho nên làm trước như là một sự
đã rồi. Cho nên từ đây đến khi có phán quyết, Trung cộng sẽ gia tăng sự hiện
diện của họ tại Trường Sa; cũng như đưa vũ khí thêm vào Hoàng Sa để đe dọa.
Nhưng tôi nghĩ sau khi có phán quyết rồi thì thế cờ sẽ thay đổi.
Đặc biệt Việt Nam sau
khi có phán quyết sẽ ủng hộ phán quyết và ủng hộ Phi Luật Tân, rồi cùng Phi
Luật Tân lên tiếng mạnh thì Trung cộng phải giữ gìn một chút chứ nếu Trung cộng
thách thức quá thì sẽ bất lợi cho Trung cộng.”
Truyền thông Trung cộng
vào ngày 18 và 19 tháng tư vừa qua loan tin về chuyến thăm Nga của ngoại trưởng
Trung cộng Vương Nghị. Hai viên chức đứng đầu ngành ngoại giao của chính quyền
Moscow (Moskau) và Bắc Kinh lặp lại kêu gọi không quốc tế hóa tranh chấp tại
khu vực Biển Đông. Tờ South China Morning Post nói rõ là Bắc Kinh tìm kiếm sự
ủng hộ của Nga trong việc chống lại phán quyết của tòa án quốc tế về vụ Phi
Luật Tân kiện đường đứt khúc 9 đoạn của Trung cộng trên Biển Đông.
Trong cùng thời gian,
quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Đông Á của Bộ Ngoại giao Anh, ông Hugo Swire, lên tiếng cho rằng Trung
cộng cần phải tuân thủ phán quyết của tòa quốc tế trong vụ bị Phi Luật Tân
kiện. Theo ông này thì đây là cơ hội để Manila và Bắc Kinh tái tục đối thoại về
tranh chấp tại khu vực Biển Đông.
Có thể nói không phải
đến lúc này mà kể từ khi vẽ ra bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn hối năm 1947 Trung
cộng thể hiện rõ mưu đồ chiếm Biển Đông. Những động thái ngày càng trở nên
quyết đoán khi nền kinh tế của Hoa Lục vươn lên vị trí hạng nhì thế giới chỉ
sau Hoa Kỳ. Mọi động thái liên tục của Bắc Kinh trong thời gian qua theo giới
chuyên gia đang là nỗ lực muốn chứng tỏ khả năng quân sự mạnh như khả năng kinh
tế mà Trung cộng đã tạo ra được cho đến lúc này.
__._,_.___