28.07.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 28.07.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 28.07.2016)

Biển Đông: Bắc Kinh thuê biển quảng cáo ở Times Square (NY) để tuyên truyền

Trọng Nghĩa (RFI)
Màn hình quảng cáo tại Times Square, New York, ngày 19/11/2014. Ảnh minh họaREUTERS/Lucas Jackson
Theo một trang mạng Hồng Kông hôm nay, 27/07/2016, từ ngày 23/07 vừa qua, những ai đi qua quảng trường Times Square nổi tiếng ở New York đều không thể không để ý đến một đoạn video quảng bá lập trường Biển Đông của Trung cộng, được chiếu liên tục trên một tấm biển quảng cáo điện tử khổng lồ tại nơi này. Đây được xem là chiêu mới nhất trong cuộc chiến tranh tuyên truyền do Bắc Kinh khởi động để chống lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.

Theo trang web ejinsight.com, đoạn video dài 3 phút 12 giây, mang nội dung giải thích lịch sử Biển Đông và tính đúng đắn của các yêu sách chủ quyền của Trung cộng. Trong video, có những đoạn ghi lại phát biểu của một số chuyên gia bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh và đả phá phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Tấm biển quảng cáo rộng 240 mét vuông, đã được công ty Trung cộng Xinhua Gallery Media (tại Bắc Kinh) thuê dài hạn. Video về Biển Đông được chiếu trên màn hình này cho đến ngày 03/08, với nhịp độ là 120 lần mỗi ngày.
Theo Tân Hoa Xã, đoạn video « làm rõ sự thật đằng sau những trò hề của thủ tục trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông », nhưng không cho biết công ty sản xuất là ai. Hãng tin chính thức của Trung cộng không ngần ngại khoe rằng đoạn quảng cáo đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người.

Nghị sĩ Anh bực tức vì bị Trung cộng đưa vào video tuyên truyền Biển Đông ở Mỹ
Hình ảnh bà West xuất hiện trong đoạn video tuyên truyền của Trung cộng. Ảnh chụp màn hình
Nữ nghị sĩ Anh Catherine West vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình xuất hiện trong video tuyên truyền về lập trường Biển Đông của Trung cộng ở Quảng trường Thời đại, Mỹ.

Khi phóng viên của Quartz gọi điện cho nữ nghị sĩ Anh Catherine West, ngoại trưởng thuộc Công đảng trong nội các đối lập Anh, thông báo rằng bà vừa xuất hiện trên đoạn video tuyên truyền của Trung cộng về cái họ gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông trên Quảng trường Thời đại tại New York, bà West đã vô cùng sửng sốt.
Trong đoạn video dài 3 phút 12 giây này, Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch của Viện Quốc gia Trung cộng về Nghiên cứu Biển Đông, ngang nhiên nói rằng Bắc Kinh có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và có cơ sở lịch sử và pháp lý để chứng minh. Trung cộng trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia và quan chức quốc tế mà họ cho là ủng hộ lập trường của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong đó có bà West.
Bà West xuất hiện từ phút 2:25, dường như đang trả lời phỏng vấn của phóng viên Trung cộng. “Tôi nghĩ đàm phán là rất quan trọng. Và đó là lý do chúng ta cần lưu tâm rằng phải giải quyết mọi việc theo khu vực, và có hướng đi chín chắn tới đối thoại”, bà nói.
Theo bình luận viên Steve Mollman, nếu chỉ nghe những lời bà West được trích trong đoạn video về Biển Đông này, người xem có thể dễ dàng suy nghĩ rằng nữ nghị sĩ Anh ủng hộ việc đàm phán song phương để giải quyết mọi tranh chấp. Quan điểm đó trùng với lập trường của Trung cộng trong vấn đề Biển Đông, khi Bắc Kinh khăng khăng không chấp nhận phán quyết của tòa quốc tế, mà chỉ muốn đàm phán song phương với các nước có tranh chấp trên Biển Đông.
Có vẻ như đoạn video trên cũng là một phần trong chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn đó. Video được phát trên màn hình quảng cáo cao 19 m, rộng 12 m chuyên hiển thị hình ảnh của Trung cộng kể từ năm 2011, được phát sóng 120 lần một ngày từ 23/7 cho đến ngày 3/8. Ước tính video tiếp cận khoảng 500.000 người qua lại mỗi ngày.
Bà West rất bất bình vì phát ngôn của mình bị bóp méo một cách nghiêm trọng. Nữ nghị sĩ khẳng định những câu nói mà Trung cộng trích ra trong đoạn video hoàn toàn sai lệch so với ngữ cảnh, và không thể hiện quan điểm của bà đối với vấn đề Biển Đông.
Thư ký báo chí của bà West cho biết có thể những câu nói trên của nữ nghị sĩ được cắt ra từ đoạn phỏng vấn giữa bà với các phóng viên nước ngoài ở Bắc Kinh bên lề Diễn đàn Chính đảng Cấp cao Trung cộng – châu Âu diễn ra hồi tháng 5.
Trong một email gửi tới Quartz sau đó, bà West giải thích rõ hơn về lập trường của mình: “Tôi bảo lưu quan điểm rằng đối thoại là rất quan trọng để đảm bảo hòa bình trong khu vực, và tiến trình trọng tài ở The Hague (nơi có trụ sở của Tòa Trọng tài Thường trực) là một trong những cơ hội như vậy để giải quyết các tranh chấp một cách chín chắn”.
Bà West cho biết sau khi xem đoạn video, bà cảm thấy bối rối và bất bình với những giọng điệu mà Trung cộng thế hiện trong đó, đồng thời khẳng định không hề biết rằng những lời bình luận trong cuộc phỏng vấn bên lề của mình lại được sử dụng theo cách này. 
Dù tôi vui lòng trả lời phỏng vấn về những nỗi quan ngại của mình về quá trình quân sự hóa Biển Đông và nhu cầu hợp tác để đảm bảo một giải pháp hòa bình, tôi không hề vui khi hình ảnh đó được sử dụng theo cách như thể tôi ủng hộ hướng đi hiện nay của Trung cộng đối với các đảo nhân tạo”, bà viết.
Bà khẳng định rằng các hồ sơ lưu trữ tại Quốc hội Anh đều thể hiện việc bà thường xuyên nêu quan ngại về hoạt động xây đảo nhân tạo và triển khai quân sự phi pháp của Trung cộng trên Biển Đông. Bà đã hối thúc chính phủ Anh làm tất cả những gì có thể để đảm bảo luật pháp quốc tế được tôn trọng, có những bước đi cần thiết để ngăn chặn tình trạng quân sự hóa khu vực.
Đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông là vấn đề mà tôi rất quan tâm. Tôi đã nêu vấn đề này với đoàn đại biểu Trung cộng tại hội nghị, và đặc biệt tôi đã bày tỏ lo ngại rằng hoạt động xây đảo và triển khai lực lượng quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông là mối quan ngại lớn đối với Anh và các nước châu Âu, cũng như các bên bị ảnh hưởng ở Biển Đông”, bà nhấn mạnh.


Tổng thống Phi Luật Tân sẽ áp dụng phán quyết quốc tế về Biển Đông

Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đọc diễn văn trước Quốc Hội ở Manila ngày 25/07/2016.REUTERS/Erik De Castro
Trong các cuộc đàm phán với Trung cộng về Biển Đông, Phi Luật Tân vẫn sẽ viện đến phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực mà Bắc Kinh phủ nhận. Tân tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã chính thức xác định trở lại điều này vào hôm qua, 25/07/2016 tại Manila.
Trong bài diễn văn đầu tiên trước Quốc Hội Phi Luật Tân, tổng thống Duterte cho biết : « Liên quan đến Biển Tây Phi Luật Tân (tên Manila đặt cho Biển Đông), chúng ta khẳng định mạnh mẽ và tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực trong tư cách là một đóng góp quan trọng vào nỗ lực đang thực hiện nhằm xử lý và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp ».
Theo phân tích của chuyên gia Ramon Casiple, thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Trị ở Manila, thì phát biểu của ông Duterte cho thấy chính quyền Phi Luật Tân muốn giải quyết tranh chấp với Trung cộng một cách hòa bình : « Ông (Duterte) sẽ thương lượng và sử dụng phán quyết như một bản hướng dẫn, nhưng sẽ không đòi hỏi là Trung cộng phải công nhận phán quyết ».
Nhà phân tích này còn lưu ý là vấn đề phán quyết đã được đề cập ngắn gọn trong một phát biểu dài hơn một tiếng đồng hồ. Điều đó cho thấy thái độ thận trọng của Manila không muốn phô bày chiến lược của mình trước công chúng.
Thoạt đầu bị đánh giá là có thái độ mềm yếu hơn người tiền nhiệm Aquino – đã kiện Trung cộng ra trước Tòa án Quốc tế năm 2013 - ông Duterte đã có những tuyên bố cứng rắn hơn, cho thấy là Phi Luật Tân cũng không khoan nhượng trên vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Tuyên bố chính thức về phán quyết Biển Đông của tân tổng thống Duterte được xem là một tín hiệu tích cực, trước cuộc gặp với ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã rời Vientiane vào tối nay để đến Manila trong một chuyến công du chớp nhoáng. Ngoại trưởng Mỹ sẽ là quan chức Mỹ cao cấp nhất tiếp xúc với tân tổng thống Phi Luật Tân từ sau khi ông Duterte chính thức nhậm chức ngày 30/06 vừa qua.

 

Việt Nam muốn đàm phán song phương với Trung cộng về Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị (trái) bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh của Việt Nam (phải) tại Hội Nghị ASEAN tại Vientiane hôm 25/7/2016.   AFP photo


Việt Nam đặt mục tiêu giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng ở Biển Đông thông qua đàm phán song phương, cho dù sẽ không loại trừ việc áp dụng luật pháp quốc tế như Phi Luật Tân đã từng thực hiện.
Đó là câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung với hãng thông tấn AP bên lề  Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Vientiane.
Hãng thông tấn AP trích dẫn nguyên văn lời của Thứ trưởng Bộ ngoại giao rằng "Yếu tố quan trọng là cần phải có thiện chí, và cần phải đặt vấn đề tranh chấp trên nền tảng luật pháp quốc tế có liên quan.
Trong những phát biểu của mình, ông Lê Hoài Trung đề cập đến các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp và công ước Liên Hiệp Quốc và cho biết Việt Nam đặt sự quan tâm nhiều vào con đường đàm phán song phương, xem việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở hoà bình là tối quan trọng.
Tiếp tục hòa giải với Trung cộng có thể thấy là nội dung chủ yếu trong ý kiến của ông Thứ trưởng Bộ ngoại giao khi ông liên tục nói rằng "Chúng ta nên sử dụng tất cả mọi thứ để thúc đẩy tình hữu nghị và thúc đẩy đàm phán. Đừng nhìn vấn đề như việc thắng hay thua, còn hay mất. Nên cố gắng tự kềm chế để có thể cùng tiến về phía trước với tinh thần xây dựng tích cực cho tình bạn.”
Phi Luật Tân  là quốc gia duy nhất trong những quốc gia tham gia tranh chấp ở Biển Đông đã đệ đơn lên toà trọng tài quốc tế khởi kiện Trung cộng và được phán quyết thắng kiện.
Hai ngày trước đây, Hội nghị ngoại trưởng các quốc gia Đông nam Á ASEAN đã kết thúc tại thủ đô Vientiane của Lào với bản tuyên bố chung, trong đó không đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài thường trực quốc tế về biển Đông.
Trung cộng và Việt Nam đã kéo dài tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Căng thẳng tăng vọt trong năm 2014 sau khi Trung cộng di chuyển một giàn khoan vào quần đảo Hoàng Sa.
RFA
Bắc Kinh đả kích tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc tại hội nghị ASEAN
Ngoại trưởng Trung cộng phát biểu bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN, 26/07/2016.
Trung cộng tiếp tục lớn tiếng đả kích tất cả các nước dám kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Trong một thông báo công bố hôm nay, 27/07/2016, ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị (Wang Yi) đã đả kích bản tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc về Biển Đông vừa được đưa ra sau cuộc họp tay ba, bên lề các hội nghị ASEAN tại thủ đô Lào.
Theo hãng tin Mỹ AP, ngoại trưởng Trung cộng đã cho rằng bản tuyên bố nói trên chỉ có tác dụng « thổi bùng ngọn lửa » gây căng thẳng trong khu vực, vào lúc mà các nước có liên can đã đồng ý hạ nhiệt.
Ông Vương Nghị cho rằng động thái của ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Úc không hợp thời, cũng như không mang tính chất xây dựng. Đối với Bắc Kinh, « Bây giờ là lúc trắc nghiệm» xem ba nước nói trên là những người « kiến tạo hòa binh » hay là kẻ « gây rối ».
Trong bối cảnh khối ASEAN – vì chia rẽ nội bộ – đã không ra được một tuyên bố mạnh mẽ phản đối các hành động quá đáng của Trung cộng tại Biển Đông, đặc biệt là không nói gì đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Trường Trực La Haye được đánh giá là tối quan trọng cho an ninh khu vực, ba ngoại trưởng Kerry của Mỹ, Kishida của Nhật và Bishop của Úc đã họp lại với nhau tại Vientiane và thông qua một tuyên bố chung.
Văn kiện này đã thể hiện lập trường hậu thuẫn mạnh mẽ cho các quốc gia Đông Nam Á, như Phi Luật Tân và Việt Nam đang bị Trung cộng thúc ép trên vấn đề Biển Đông, khi kêu gọi Bắc Kinh không tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng tiền đồn quân sự tại vùng biển đang tranh chấp.

Hải quân Mỹ nói với Trung cộng: chúng tôi vẫn hoạt động ở Biển Đông
Đô đốc Mỹ John Richardson (trái) bắt tay Tư lệnh Hải quân Trung cộng Ngô Thắng Lợi tại trụ sở của Hải quân Trung cộng ở Bắc Kinh, ngày 18/7/2016.

Tư lệnh Hải quân Mỹ Đô đốc John Richardson hôm 26/7 tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động vì tự do hàng hải ở Biển Đông, vào lúc các nước trong khu vực tiếp tục có những động thái liên quan đến phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài ở La Haye về các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển có nhiều tranh chấp. Việt Nam, Trung cộng và Phi Luật Tân là các bên tranh chấp chính ở Biển Đông.
Phát biểu với báo giới tại Ngũ Giác Đài, Đô đốc Richardson nói chính quyền của Tổng thống Obama đã nói “cực kỳ rõ ràng” với Trung cộng rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động trên không và trên biển trong vùng có tranh chấp, bất chấp các phản đối của Bắc Kinh.
Tư lệnh Hải quân Richardson vừa trở về Mỹ sau chuyến thăm Trung cộng kéo dài 5 ngày. Ông nói ông cũng đã nói rõ với người đồng nhiệm Trung cộng rằng bất cứ nỗ lực nào của Trung cộng nhằm tuyên bố vùng nhận dạng phòng không, gọi tắt là ADIZ, ở bên trên Biển Đông, hay các nỗ lực xây đảo nhân tạo ở bãi Scarborough trong vùng biển có tranh chấp với Phi Luật Tân đều “được xác định một cách rõ ràng là những mối quan ngại” đối với Mỹ.
Vị đô đốc Mỹ cũng nhận xét rằng các vụ tàu chiến Mỹ và Trung cộng tiếp cận nhau rất gần hiện diễn ra thường xuyên hơn, mặc dù vậy, các thủ tục về các cuộc chạm trán như vậy đã có hiệu quả trong việc tránh leo thang và hiểu nhầm. Đánh giá tổng thể, ông nói: “Tôi thấy quan hệ có tiến bộ thay vì bị bế tắc”.
Theo CNN, FP.
Tin tổng hợp từ RFA, RFI, VOA, BBC