Lữ
Giang
Bài “Cần điều tra làm rõ việc phê duyệt, thẩm định
dự án Formosa” của Báo Công An Nhân ngày 11.7.2016 đã mở đầu bằng lời phát
biểu của ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Nội tại
phiên họp thứ 50 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 11.7.2016 như sau:
“Theo thông tin chúng tôi nhận được, đây là dự án
đầu tư của nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường được
phê duyệt rất nhanh, yêu sách của nhà đầu tư được đáp ứng rất nhanh, và sau đó
thảm hoạ cũng rất nhanh, mặc dù chưa đưa vào sử dụng, chỉ mới trong giai đoạn vận
hành… Cần làm rõ nguyên nhân thì sau này mới có uy tín với cử tri và nhân dân.”
TẠI SAO SỢ SỰ THẬT?
Phái đoàn dân biểu Đài Loan họp báo
Ngày 1.8.2016 bà Tô Trị Phần (Su Chih-fen), một dân biểu Đài Loan, và một phái đoàn
9 người gồm nhiều chuyên gia khoa học và giáo sư về môi trường, đã đến Việt Nam
với mục đích thăm nhà máy Formosa Hà Tĩnh, nhưng họ bị tịch thu hộ chiếu và lưu
giữ 9 tiếng ở sân bay Nội Bài. Bà viết trên Facebook rằng phía Việt Nam yêu cầu
đoàn của bà phải ở lại Hà Nội trong lúc thương thuyết ngoại giao diễn ra. Khi
đoàn của bà có mặt tại Hà Tĩnh để tìm hiểu cặn kẽ tình trạng ô nhiễm môi trường
do Formosa gây ra, họ đã bị bủa vây với nhiều công an chìm theo dõi từng bước
đi, công việc của đoàn. Bà nói: “Nhất cử
nhất động của phái đoàn chúng tôi đã trở nên vô cùng nhạy cảm. Toàn bộ hành
trình đều có nhiều công an Việt Nam mặc thường phục theo dõi, chụp hình. Kể cả
lúc đi ăn cơm, gội đầu cũng cần phải trình báo. Không thể có bất kỳ một sinh hoạt
nào khác ngoài kế hoạch đã định.” Bà nhận xét: “Nói
cho cùng thì hai nước có cái nhìn không tương đồng về dân chủ.”!
Mặc dầu bà Tô Thị Phần cho rằng giữa Việt Nam và Đài
Loan “không tương đồng về dân chủ”, nhưng chúng tôi thấy rằng nhà cầm
quyền Việt Nam đang tìm cách che dấu sự thật, không muốn cho phái đoàn biết, vì
họ đang làm những chuyện mờ ám, gian dối.
ĐỊNH CHƠI TRÒ XẬP XÍ XẬP NGẦU?
Cũng trong ngày 11.7.2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
& Môi trường Trần Hồng Hà đã trình bày về việc kiểm tra và xử lý vụ khu
công nghiệp Formosa như sau:
Hiện Formosa đang trong giai đoạn thử nghiệm trước
khi các cơ quan quản lý Nhà nước vào kiểm tra và cho phép hoạt động. Có 6 nhà
thầu nước ngoài tham gia, liên quan đến chuyển giao công nghệ và lắp ghép các
thiết bị, vận hành xử lý nước thải, 6 nhà thầu này hầu hết đều từ Trung cộng.
Công tác kiểm tra đã phát hiện 53 hành vi vi phạm về hành chính tại Formosa, trong đó liên quan đến quá trình thiết kế, vận hành, xây dựng,
thi công, và phát hiện có dấu hiệu xảy ra sự cố trong triển khai hệ thống xử lý
chưa đúng quy trình và chưa đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt,
có một hành vi nghiêm trọng là tự ý thay đổi công
nghệ xử lý cốc (than cốc) từ khô (thân thiện với môi trường) sang ướt, phát tán
ra môi trường nhiều khí thải… Tuy nhiên việc thay đổi này không liên
quan sự cố môi trường mà liên quan đến việc vi phạm các quy định của ta. Trên thực tế nguồn thải nguy hiểm nhất chính là lò luyện cốc, tại đấy nguồn thải xử lý ra qua trạm sinh hoá thì chỉ mới
chạy ¼ công suất, nên việc ô nhiễm môi trường vừa qua là do sự cố.”(!)
Theo ông, nếu vận hành đúng quy định, triển khai chặt
chẽ thì hoàn toàn có thể kiểm soát được việc xử lý chất thải ra môi trường ở
Formosa. Sau khi họ thừa nhận trách nhiệm, phía Chính phủ đang thực hiện các giải
pháp đồng bộ kiểm soát, giám sát để buộc họ khắc phục hậu quả sự cố…
Bà Nguyễn Kim Ngân, Chủ Tịch Quốc Hội, cho biết hiện
Hiện Quốc hội đang giám sát khắc phục sự cố này và chưa đặt vấn đề thành lập một
Ủy ban lâm thời. Nhưng bà nhấn mạnh: “Giám sát phải làm rõ trách nhiệm,
vì người ta quan tâm trách niệm cuối cùng thuộc về ai. Báo cáo giám sát thì nói
rất nhiều trang nhưng cuối cùng không rõ trách nhiệm của ai thì đại biểu sẽ
không nghe”.
Tố cáo Chính phủ bán VN cho Formosa lấy
500 triệu USD
Bải tường trình nói trên của Bộ trưởng Trần Hồng Hà
đã cho chúng ta thấy rõ đường lối giải quyết vụ Formosa của Đảng và Nhà Nước Việt
Nam, đó là biến nó thành một “SỰ CỐ” hay BIẾN CỐ, rồi tìm cách điều chỉnh lại
và cho xóa sổ vụ án sau khi lấy 500 triệu USD, còn dân sống chết mặc
bây.
Tuy nhiên, khi đưa ra các kế hoạch điều chỉnh “sự cố”,
nhà cầm quyền đã để lộ cho thấy có rất nhiều sai lầm nghiêm trọng mà nhà cầm
quyền và công ty Formosa đã vi phạm không phải do “SỰ CỐ” mà do GIAN Ý, bất chấp
cả luật pháp lẫn các quy định về kỹ thuật vận hành.
“SỰ CỐ” LÀ CÁI QUÁI GÌ?
Danh từ “SỰ CỐ” là tiếng Hán Việt được nhiều
sách Việt ngữ dùng trước năm 1945, được Hán Việt Tự Điển của Đà Duy Anh diễn
nghĩa là “cái cớ sinh ra việc biến”. Chữ này được viết bằng
bộ phác có 4 nét, cộng thêm 5 nét thành 9 nét, có người không biết gọi đó là “tiếng
Việt Cộng”. Sau 1945 người Tàu dùng chữ “BIẾN CỐ” nhiều hơn, nên miền
Nam thường dùng chữ Biến Cố thay Sự Cố. Đào Duy Anh giải thích Biến Cố là “Cái
cớ sự hoạn nạn xảy ra (calamite)”, tức cũng gióng Sự Cố.
Chữ SỰ CỐ hay BIẾN CỐ là chữ người Tàu dùng để dịch
chữ INCIDENT của tiếng Pháp hay tiếng Anh, có nghĩa là “một sự
việc xảy ra mà một dịch vụ hoặc một bộ phận không thể cung cấp một tính năng
hay dịch vụ mà nó được thiết kế để cung cấp” (an occurrence where a
service or component fails to provide a feature or service that it was designed
to deliver). Đặc tính của sự cố hay biến cố là “bất cứ sự kiện nào - dù lớn
hay nhỏ, tốt hay xấu, cố ý hoặc vô ý" (any event – big or small,
good or bad, intentional or unintentional).
Cần phân biệt SỰ CỐ với TAI NẠN (accident). Một tai
nạn là một sự kiện xấu gây ra bởi lỗi hoặc do sự tình cờ. Tai nạn luôn luôn là
không cố ý, và nó thường gây một số thiệt hại hoặc thương tích. (Accidents are always unintentional, and they usually
result in some damage or injury). Ở trong bài phát biểu trên, ông Trần Hồng Hà đã cố ý đồng hóa giữa chữ SỰ CỐ và TAI NẠN
để đánh lận con đen.
Nhìn lại, các biến
cố do công ty Formosa gây ra ở bốn tỉnh miền Trung vừa qua đều là những hành động
có GIAN Ý chứ không phải “SỰ CỐ” hay TAI NẠN: Từ việc đổ nước thải có độc chất
xuống biển một cách vô trách nhiệm đến việc cho đem chôn trên 100 tấn chất thải
tại 9 địa điểm trên đất liền ở Hà Tĩnh và nhiều nơi khác, kể cả tại các trang
trại của tư nhân, các công viên, khu du lịch…, đều là do GIAN Ý.
Theo nguyên tắc,
một SỰ CỐ gây thiệt hại xảy ra phát xuất từ các hành vi sau đây đều bị coi là
có GIAN Ý và phải chịu trách nhiệm: có quyết tâm cao, có nỗ lực tận
tình, có định hướng thông suốt và thực hiện khéo léo; nó biểu hiện
cho sự lựa chọn khôn ngoan giữa nhiều khả năng khác nhau (the result of
high intention, sincere effort, intelligent direction and skillful execution;
it represents the wise choice of many alternatives).
Trong vụ
gây ô nhiễm ở Vũng Áng, công ty Formosa Hà Tĩnh đã sai phạm bằng
những sự tính toán rất kỹ lưỡng nên về phương diện luật pháp, phải chịu
trách nhiệm cả về dân sự lẫn hình sự.
BẰNG
CHỨNG CỦA GIAN Ý
Nhìn lại sự hình
thành và hoạt động của công ty Formosa Hà Tĩnh từ năm 2008 đến nay, chúng ta thấy
toàn là những trò lưng lẹo, gian dối với sự bảo trợ và bao che của của nhà cầm
quyền địa phương cũng như trung ương.
1.-
Đăng ký trụ sở tại đảo Cayman
Công ty TNHH
Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh là một bộ phận của Formosa Plastics
Corporation ở Đài Loan, nhưng khi thành lập năm 2008, công ty này lấy tên là
Formosa Ha Tinh (Cayman) Ltd và đăng ký thành lập tại đảo Cayman, một thiên
đàng thuế ở vùng Caribbean, với mục đích giấu giếm các hoạt động bất hợp
pháp của công ty và trốn thuế.
Việc đăng ký này
đã gây khó khăn khi có tranh tụng. Trên nguyên tắc, các nguyên đơn phải
khỏi tố công ty tại nơi có trụ sở chính của công ty. Do đó, các nạn nhân của vụ
cá chết chỉ có thể kiện công ty Formosa Ha Tinh (Cayman) Ltd hoặc tại Hà Tĩnh
hoặc tại đảo Cayman. Nhưng kiện tòa án tại hai nơi này thì cũng như “kiện củ
khoai” vì Tòa án Hà Tĩnh vừa yếu kém về luật pháp vừa phải tuân hành chỉ thị của
đảng bộ, nên sẽ không thể xử theo luật mà xử theo lệnh. Còn tại Cayman, Formosa Ha Tinh (Cayman) Ltd chỉ là một công
ty ma, chẳng biết kiện ai. Các nguyên đơn không thể kiện Formosa Ha
Tinh tại Đài Loan vì tại đây không có trụ sở hoạt động của công ty.
Rõ ràng là khi
đăng ký tại đảo Cayman, Formosa Ha Tinh (Cayman) Ltd đã tính trước những chuyện
gian dối sẽ làm ở Việt Nam, nên đã dự trù cách tránh né pháp luật.
2.-
Không xét khả năng khi cho dầu tư
Tập đoàn Formosa
Plastic Group Đài Loan chỉ là một tập đoàn chuyên sản xuất các sản phẩm đồ nhựa,
chưa bao giờ sản xuất gang thép. Ấy thế mà ngày 15.1.2008 nộp đơn thì ngày
16.1.2008 đã được đề nghị cấp giấy phép rồi. Chưa đầy 2 tháng sau, ngày
4.3.2008 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký công văn mang số 323/TTg-QHQT đồng ý
cho thành lập Công ty Formosa Hà Tĩnh và khai thác cảng Sơn Dương!
Vì không xét khả
năng của công ty, nên tai họa đã xảy đến. Theo sự tiết lộ của ông Bộ Trưởng Trần
Hồng Hà nói trên, sau khi xảy ra tai họa, chính phủ phải cho 6 nhà thầu nước
ngoài, hầu hết từ Trung Quốc, có liên quan đến chuyển giao công nghệ và lắp
ghép các thiết bị, vận hành xử lý nước thải… đến giúp công ty Formosa thiết kế
lại cơ sở. Đây là một lỗi lầm lớn của các viên chức kiểm tra và cấp giấy
phép. Bây giờ tai họa xảy ra lại đổ cho SỰ CỐ. Quả thật nếu có
"sự cố" thì đó chỉ là SỰ CỐ PHONG BÌ và các viên chức có trách
nhiệm phải bị truy tố chiếu các điều 281, 282, 283 và 285 của Bộ Hình Luật, nhất
là bốn ông Võ Kim Cự, Hoàng Trung Hải, Trần Hồng Hà và Nguyễn Tấn Dũng.
3.-
Không bắt tẩy sạch môi trường và bồi thường dân sự theo đúng luật định
Sau khi vụ cá chết
xảy ra, chính quyền đã giấu giếm kết quả cuộc điều tra và lén lút thương thuyết
với công ty Formosa để nhận một số tiền bồi thường tượng trưng là 500.000 USD.
Khi làm như vậy, chính quyền đã vi phạm hai lỗi lầm quan trọng:
Formosa phải cắt bỏ ống thải nước trái phép
Lỗi lầm thứ nhất
là thay vì bắt công ty Formosa phải tẩy sạch môi trường dưới sự kiểm soát của
chính phủ, chính phủ lại đi nhận một số tiến quá nhỏ bé của công ty để lãnh làm
công việc này.
Lỗi lầm thứ hai
là dám lạm quyền đại diện những người bị thiệt hại để thương lượng và lãnh nhận
số tiến bồi thường quá nhỏ bé rồi "ẵm" luôn. Trong vụ nổ giàn khoan dầu
ở vịnh Mexico, mặc dầu nhỏ hơn vụ Vũng Án nhiều, công ty BP đã phải bồi thường
dân sự khoảng 20 tỷ USD. Tại sao trong vụ này chính phủ chỉ nhận chưa đến 500
triệu USD?
4.- Không truy tố về hình sự
Các điều 183, 184 và 188 của Bộ Luật Hình Sự có quy
định các tội gây ô nhiễm nguồn nước, gây ô nhiễm đất và huỷ hoại nguồn lợi
thuỷ sản, mỗi tội có thể bị phạt tới 5 năm tù, chưa kể phạt tiền. Nhưng
chính phủ không hề cho làm thủ tục điều tra về các vi phạm hình sự và truy tố
các viên chức có trách nhiệm của công ty Formosa.
TẠI
SAO MUỐN CHO CHÌM XUỒNG?
Qua cuộc trình
bày của ông Bộ Trưởng Trần Hồng Hà nói trên, chúng ta thấy chính phủ đã bỏ qua
các vi phạm nghiêm trọng của công ty Formosa Hà Tỉnh, coi đó chỉ là
"SỰ CỐ" và đang giúp công ty này điều chỉnh lại cơ cấu rối cho
hoạt động bình thường, bất chấp sự phản kháng của dân chúng cũng như dư luận quốc
tế. Tại sao? Có ba lý do chính sau đây:
Lý do thứ nhất là Đảng CSVN chủ trương
không bao giờ thỏa mãn những đòi hỏi trực tiếp của một số đông quần chúng mặc
dầu đó là những đòi hỏi chính đáng, vì sợ “được đàng chân lấn đàng đầu”,
thỏa mãn vụ này dân chúng lại đòi vụ khác, làm tình hình mất kiểm soát và sinh
ra biến loạn.
Dân chúng biểu tình ở Xã Đoài, Vinh
Hôm 17.8.2016 khi chủ trì hội nghị trực
tuyến với 63 tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dạy bảo
cán bộ là phải luôn nhớ "3
xin" là xin
chào, xin cảm ơn và xin lỗi. Nhưng trong vụ Formosa Hà Tĩnh, ông chủ
trương nhât định không xin lỗi và ngậm miệng ăn tiền!
Chủ trương này xem
ra có hiệu quả trong thời kỳ khép kín. Nhưng bây giờ là thời kỳ mở cửa và thời
kỳ thông tin điện toán toàn cầu, chủ trương đó không có hiệu quả nữa mà nó sẽ
làm cho các cuộc đấu tranh ngày càng lan rộng hơn và việc gì phải đến rồi cũng
sẽ đến.
Lý do thứ hai là sự sụp đổ của Formosa Hà
Tĩnh sẽ kéo theo sự ra đi của nhiều viên chức quan trọng có liên hệ trong Đảng
và trong chính quyền. Các viên chức này hiện có mặt trong Ban Chấp Hành
Trung Ương Đảng, trong Bộ Chính Trị và trong chính quyền. Chính họ là những người
ngăn cản việc đóng cửa công ty Formosa. Nếu phong trào quần chúng đi lên mạnh, Đảng
và chính phủ bị bắt buộc phải hy sinh đám tham nhũng và lạm quyền này.
Lý do thứ ba là Chính Phủ sợ trục xuất
Formosa Hà Tĩnh sẽ khiến nhiều công ty Đài Loan không dám dầu tư ở Việt Nam.
Thực tế hoàn toàn khác. Tập đoàn Formosa Plastic Group Đài Loan đã gây ra những
sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều nơi, kể cả tại Đài Loan và tại Mỹ.
Chính quyền Đài Loan đang muốn họ rút lui khỏi Việt Nam để các công ty
khác đến làm ăn dể dàng hơn. Vả lại, thời kỳ của ngành sản xuất gang
thép đang đi xuống. Trung cộng chỉ cần phá giá hai lần là công ty Formosa sẽ sập
tiệm.
Sự tồn tại của Formosa Hà Tĩnh sẽ ảnh hưởng
rất lớn đến cuộc sống của dân chúng trong vùng. Vì thế, đồng bào Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình không còn cách nào
khác hơn là đấu tranh một mất một còn với Formosa. Cho đến nay,
dân chúng ba tỉnh này đã tìm ra được phương thức đúng để hành động và được đồng
bào cũng như dư luận thế giới ủng hộ.
Tuy nhiên, có môt điều quan trọng mà chúng tôi thấy
cần lưu ý ở đây là phải cảnh giác "nhóm
trùm mền hô xung phong”. Với đầu óc nông cạn và phiêu lưu hoặc vì muốn
ăn có, nhóm này thường xía vào các cuộc đấu tranh và gây rối loạn. Vậy
phải luôn cảnh giác với nhóm này. Tốt hơn cả là coi họ như không có.
Cùng với sự đồng tình và hợp tác tích cực của đồng
bào trong cũng như ngoài nước, cuộc đấu tranh của dân chúng Nghệ An,
Hà Tĩnh và Quảng Bình chắc chắn sẽ thành công.
Ngày 18.8.2016
Lữ Giang