14.10.2016

Nhận định về một bài viết của Ts Hà Sĩ Phu

Nhận định nhơn đọc bài viết của Ts Hà Sĩ Phu : „Hán Văn Là Một Bộ Phận Cấu Thành của Tiếng Việt


Ts Phan Văn Song

Tuần qua, chúng tôi nhận được một bài viết từ một người bạn chuyển đến, nói rằng rất xúc động và bất mãn khi thấy một người từng được xem là một « nhà đấu tranh dân chủ » đã từng viết những bài nghiên cứu hay nhận định có giá trị thuyết phục rằng lý thuyết Cộng sản hoàn toàn sai trái, thế mà ngày nay trong cái không khí nhà cầm quyền cộng sản Hà nội ra tay bán nước rõ ràng bằng buộc các con em Việt Nam phải học và nói tiếng Tàu thành thạo, lại viết một bài tiếp tay với đảng cộng sản cầm quyền. Phải ! Tiếng Tàu từ nay được dạy ngay từ cấp Tiểu Học, nghĩa là từ nay tiếng Tàu không còn xem như một ngoại ngữ nữa (dixit Hà sĩ Phu) mà là một tiếng gốc của tiếng Việt Nam.


Dưới đây xin mời quý bà con đoạn vài đoạn chánh do chúng tôi trích dẫn:

Hán văn là một bộ phận cấu thành của tiếng Việt (Hà Sĩ Phu) :

„… Để góp thêm, mở đầu, tôi xin lấy vài ví dụ vui để thấy chữ Hán đã dính chặt vào dân tộc Việt Nam như thế nào, người mù chữ Nho tuyệt đối cũng đang dùng chữ Nho một cách tự nhiên, vô thức. Không phải là chuyện vay mượn vài chữ như vay mượn tiếng Anh, tiếng Pháp, mà người Việt dùng chữ Nho tự nhiên, tuôn chảy như viết, như nói tiếng mẹ đẻ của mình. ….

- Có thể đâu đó đã xuất hiện những tấm biển quảng cáo thế này:
Kinh doanh quần áo các loại - hoa quả thời vụ - tạp hóa tổng hợp”.
“Phục vụ học sinh : sách giáo khoa, bút mực, dụng cụ thủ công, truyện cổ tích thế giới
”.

Chẳng mấy ai bảo các tấm biển kia đã dùng chữ Hán. Nhưng xin thưa đó là ngôn ngữ Hán học hay Nho học trăm phần trăm, thuần Nho, không lẫn một chữ thuần Việt nào hết. Bạn có thể nghĩ “quần áo” hay “hoa quả” là tiếng thuần Việt chứ gì, không đâu, quần áo là hai chữ Nho
裙襖, đúng cả về phát âm và ngữ nghĩa. Quần là cái quần, áo là cái áo, cứ tra từ điển Hán Việt Đào Duy Anh thì biết. Hoa quả 花果 cũng vậy, vốn là chữ Nho. Cũng hai ký tự ấy nhưng người Tàu Bắc Kinh phát âm hơi khác, người Tàu Quảng Đông phát âm hơi khác mà thôi (nên mặc dù là tử ngữ nhưng bằng chữ Hán người Việt và người Tàu có thể bút đàm) …

- Không phải chỉ những câu ngắn mà có thể cả một buổi thuyết trình một ông cán bộ Việt mù chữ Nho có thể dùng toàn ngôn ngữ Hán, vốn chỉ là “tử ngữ” (mà không lẫn một chữ thuần Việt nào mới khiếp!), chẳng hạn ông ấy nói thao thao bất tuyệt như sau: “Các đồng chí cán bộ chính trị, cán bộ quân đội, sĩ quan công an cần đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, kính trọng nhân dân, đề cao tinh thần trách nhiệm, phục tùng ý kiến đa số, bảo lưu ý kiến thiểu số, vận động các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công đoàn tích cực đấu tranh, bài trừ nạn tham ô, hối lộ, trấn áp quần chúng…

Chẳng hạn câu đầu tiên “Các đồng chí cán bộ chính trị, cán bộ quân đội, sĩ quan công an cần đề cao tinh thần phục vụ nhân dân…”sẽ ghi ra giấy thành
各同志幹部政治, 幹部軍隊,士官公安勤提高精神服務人民, 敬重人民…, đọc lên cũng y như đọc bản quốc ngữ vậy, bảo rằng thuyết trình viên đã nói tiếng Việt hay đọc “Hán văn” đều đúng… »

- Trong những cuộc thảo luận của giới trí thức hiện nay, cả người thân Tàu hay ghét Tàu cũng có thể nói toàn chữ Hán:

Ví dụ ông Cộng sản thân Trung Quốc thì giữ lập trường “Độc quyền lãnh đạo, kiên trì định hướng Xã hội chủ nghĩa
獨權領導,堅持定向社會主義. Toàn chữ Nho! ...Ông Dân chủ tiên tiến không biết mặt một chữ Nho nào cũng “Quyết tâm thực hiện Dân chủ đa nguyên Pháp trị决心實現民主多元法治. Cũng toàn chữ Nho!..
(Ngưng trích)

***

Đọc xong, tôi rất bực bội. Xin được trả lời. Bài nầy tôi viết trong bực bội. Có lời gì khiếm nhã, xin quý bà con thông cảm.

Thưa quý bà con,
Thưa ông Hà Sĩ Phu,

Tiếng Việt Ta Vẫn Trong, Sáng, Giàu Có, Do Âm Điệu Dân Tộc Việt Đầy Nhạc Lý!

Dĩ nhiên sau trên 1000 năm hoàn toàn bị đô hộ, và dù tuy được 1000 năm độc lập, nhưng vì các Vua Việt Nam ta lo mở mang bờ cỏi, cũng cố giòng họ, sợ chiến tranh, muốn dỉ hòa vi quý với người láng giềng phương bắc to bự, nguy hiểm, nên khôn ngoan, nhịn nhục tiếp tục đi sứ cầu hòa. Vì quen bị ăn hiếp trong suốt 1000 năm đô hộ, vì tiếp tục vẫn bị ảnh hưởng văn hóa Tàu, vì vẫn tưởng rằng văn hóa và văn minh là một và vẫn tiếp tục lẫn lộn gốc gác, nên vẫn dùng suy nghĩ chia cách Bắc Nam. 7 lần bị xâm lược, 4 lần bị xâm chiếm đô hộ, vẫn không tưởng xem Tàu với Ta chỉ là tình Bắc Nam một nhà. Vốn liếng 1000 năm văn hóa Tàu quá nặng, nên vẫn cứ xem Tàu « chỉ » là người anh em phương Bắc. Văn hóa Tàu, truyện Tàu tuy có nước Yên, nước Sở, nước Việt, … với các nhà Tần, nhà Hán, nhà Ngô…nên các Vua Việt ta cũng xem Nhà Vua của ta chỉ là một vương tước trong các Vương tước Tàu đó thôi ! Không, ngàn lần không, không (dám) rõ ràng nghĩ người Tàu hoàn toàn khác chúng ta, là Hán tộc, một dân tộc khác, là khác hẳn với chúng ta là Việt tộc. Chỉ có Vua Quang Trung (thế kỷ thứ 18), người lãnh đạo duy nhứt, là rõ ràng. Vua Quang Trung tổ chức đưa chữ Nôm vào Văn Kiện Hành Chánh và có chương trình đòi lại Lưỡng Quảng là hai tỉnh thuộc đất Đại Việt xưa của ta ! Nhưng, chuyện chưa thành Ngài đã mất. Nhà Nguyễn, nếu Vua Gia Long, có tài ngoại giao, biết nhờ ngoại bang thống nhứt lại đất nước. Trái lại, các hậu duệ lại quá nhu nhược, bắt đầu từ Vua Minh Mạng đều là những vị vua bị nhồi sọ bởi văn hóa Tàu, bị các quan chức Tống Nho giáo dục nên biến thành những tay phục tùng đắc lực nhứt của nền văn hóa Hán Tộc, tuy được che dấu dưới bảng hiệu Nho Giáo. Điển hình là Vua Tự Đức, dám hãnh diện là tay làm thơ làm phú Tàu, Tự Đức với tội phạm to lớn nhứt là đã làm mất nước Việt Nam ! Tự Đức là tay độc tài nhứt, với tội giết anh để giựt ngai, với tội giết, hành dân để xây lăng cho mình. Khác chi Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành! 

Cái tội lớn nhứt là các quan lại hủ nho, suốt đời nầy đến đời khác, suốt bao thế hệ, bao thế kỷ, là không đủ tình Yêu Nước để dứt bỏ văn hóa Tàu, bỏ hẳn chữ Nho. Dám bỏ văn hóa Nho Giáo, đi tìm một văn hóa, văn minh, truyền thống hoàn toàn Việt nam, đi tìm một lối chữ viết hoàn toàn Việt nam (như các trí thức quan lại Hàn quốc đã tìm ra chữ viết Hàn hangul).  Thật vậy ! Các quan lại Việt Nam hủ nho không đủ lòng Yêu Nước để đi tìm một sự độc lập về văn hóa, một độc lập về suy nghĩ, một độc lập về tư tưởng mà cứ bám riết vào cái văn hóa Khổng tử, Mạnh tử, gọi là Thánh hiền của Tàu. Tại sao chỉ có Tàu mới có Thánh Hiền ? Ông bà Việt Nam ta không phải là Thánh Hiền sao ? Văn hóa đình làng với ông Bụt, Ông Thần cây Đa, ông Chìa Vôi … những tục những lệ làng không được xem là văn hóa thật Việt nam ta là văn hóa đúng mức sao ! Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay, cũng vậy, không đủ lòng yêu nước để đi tìm một hướng đi độc lập với Đảng Cộng Sản Tàu vậy !

Không phải người Việt chúng ta không có chữ riêng, ngôn ngữ riêng. Chúng ta có tiếng nói riêng, có cái phát biểu riêng. Ta nói Con Ngựa Trắng, Tàu nói Bạch Mã. Tàu nói ngược với ta ; Ta để tỉnh từ sau danh từ, Tàu để trước.
Như tiếng Pháp với tiếng Anh Pháp Cheval Blanc, Anh White Horse.

Bằng chứng, năm 771, khi Phùng Hưng, trong thời gian Việt Nam ta bị Nhà Đường của Tàu đô hộ, đã lãnh đạo dân Việt ta nổi dậy giành Độc lập, trong vòng 7 năm, có một vùng đất hoàn toàn Việt: đất Phong Châu – vùng Ninh Bình ngày nay?  Ngài lên ngôi, tự xưng mình là « Bố Cái Đại Vương » - Bố và Cái đều hai từ ngữ hoàn toàn Việt Nam. Đại Vương mới là chữ Hán Việt.

Ông Hà Sĩ Phu đã lầm tiếng nói (ngôn ngữ) và chữ viết (chuyển âm thành văn bút, phương tiện truyền thông ghi âm). Dĩ nhiên vì Hán thuộc, dĩ nhiên vì bị đô hộ phương tiện truyền thông ghi âm người Việt ta lúc bấy giờ phải mượn cách viết của nhà cầm quyền Hán Tàu, dùng chữ Tàu, làm phương tiện truyền thông để ghi âm. Nhưng các quan dân người Việt lúc ấy đều phát « âm Việt » cả, vì vậy, chữ viết ấy, với âm Việt ấy được gọi là Hán Việt. Hán Việt là viết, ghi âm bằng chữ Hán những âm Việt. Và phát âm cũng là Việt. Đó cũng là cái may mắn cho dân Việt vì vậy không bị mất giống, không bị diệt chủng.  Khi ta đọc tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức ta đều phát âm tiếng Pháp, tiếng Anh tiếng Đức chớ có phát âm Việt đâu ?  Nhưng ngày nay đảng cộng sản Hà nội đương quyền đang độc tài Bán Nước đang buộc con dân Việt Nam Ta học Tiếng Trung Ngay Từ Tiểu Học. Khi nói Học Tiếng Trung là Nói Tiếng Trung Hoa Bắc Kinh, tiếng nói âm thoại của bọn cầm quyền Trung Hoa ngày nay. Nhà cầm quyền công sản Bắc Việt Hà Nội ngày nay hơn cả thời Tàu đô hộ ta ngàn năm. Lúc ấy người Việt ta còn nói âm Việt, tiếng Việt. Tương lai tiếng Việt sẽ mất, chỉ còn tiếng Bắc Kinh thôi !

Từ ngày lập nước, người Việt chúng ta đã có tiếng nói riêng của người Việt chúng ta. Cả những lúc bị đô hộ, chúng ta tiếp thu và hội nhập thêm được tiếng Hán Việt, nhờ vậy tiếng Việt giàu hơn tiếng Tàu. Chúng ta có hai âm để chỉ một vật, ta có thể đếm một hai ba … (hoàn toàn chữ việt âm việt toàn Việt), và ta cũng có thể đếm nhứt, hay nhất, nhì tam … (chữ hán, nhưng âm hán việt) …Và cả hai đều là chữ và âm Việt thuần túy. Tiền nhơn ta, những người yêu nước, yêu tiếng Việt, ngôn ngữ Việt, âm Việt thuần túy đã phát minh ra cách viết chữ Nôm, để phát biểu tư tưởng viết chữ việt ngữ hoàn toàn, đọc âm việt ngữ. Dĩ nhiên, vì bị ảnh hưởng Tàu, khó bỏ, nên các tiền nhơn yêu nước chúng ta phải dùng một thủ thuật là phải cộng hai chữ Hán, một chữ về nghĩa một chữ về thanh, để phát biểu, ghi âm ngôn ngữ Việt nam thuần túy… Thí dụ muốn nói Năm (năm tháng) phải ráp chữ niên (Hán là năm) + với chữ Hán ngũ (là số năm).

-Nhờ thế mà đại văn hào Nguyễn Du viết ra bản Kim Vân Kiều bất hủ toàn bằng chữ Nôm. Thử đọc to để cảm hứng cái linh hồn Việt. Thơ là một bài hát, với vần với âm, với nhịp, với cắt khoảng, với hơi thở. Vậy thì ta phải đọc to. Thơ không phải một bức tranh mà ta nhìn vào nét vẽ, kiểu chữ !

“…Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng, bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh… ”

Tả cảnh chia ly giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều, tuyệt vời ! Hồn thơ, hơi thơ hoàn toàn Việt. Có gì là chất Tàu đâu?

-Nhờ thế mà bà Đoàn Thị Điểm đã dịch được Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn từ Hán tự Đường Thi sang chữ Nôm với âm điệu hoàn toàn Việt nam. Hãy đọc to, để nghe Bà tả tất cả những tâm sự ai oán của một người vợ thời chinh chiến. Bài của Đặng Trần Côn mấy người biết và thưởng thức?

“ …Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm giường đã có đèn biết chăng ?
Đèn có biết giường bằng chẳng biết ?
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương! ... “

Hoàn toàn chất Việt, hồn Việt ! Không thấy Hán Tàu đâu ? Còn hỏi thử bao nhiêu chữ gốc Tàu bao nhiêu chữ gốc Việt ? Người đọc tôi không cần biết ! Đối với tôi tất cả là Việt ! Như trong một câu thơ tiếng Pháp, tiếng Anh, bao nhiêu từ gốc La tinh, bao nhiêu gốc từ Hy lạp.

-Nhờ thế mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết những bài thơ âm Việt nhiều ẩn ý, rất Việt tánh, để đời:

  …Hai Xe Hà Chàng Gác Hai Bên,
Thiếp Sợ Bí Thiếp Bèn Ngẩng Sĩ… “
 (Đánh Cờ).

Bản chất Tàu ở đâu?

-Nhờ thế mà đại văn hào Nguyễn Đình Chiểu cũng với chữ Nôm viết Truyện Dài bằng Thơ Nôm, Lục Vân Tiên, với tất cả âm điệu miền nam Việt nam, với âm giai, điệu thơ, đọc như « kể chiện », như kiểu nói bình dân của dân Nam kỳ Lục tỉnh.

“ … Trước xe quân tử tạm ngồi
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa …”

Hay:
“…Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô…
Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang…”

Tàu đâu ? Hán đâu ? Hay là đúng dân Nam kỳ của chúng tôi!

Nhưng các quan lại hủ nho Việt ta, cứ khư khư bám vào cái chữ Tàu, bám vào cái văn hóa Khổng tử, sợ rằng sang chữ Nôm, các lão sẽ mất ghế, mất danh tiếng, mất hiểu biết. Đảng Cộng sản ngày nay, ôm một lô « chữ nghĩa khẩu hiệu, lý thuyết cũng vì sợ mất ghế… mất Đảng, mất ăn nhậu… » Lại còn bày đặt ra những bằng cấp, ngành học, nào lý luận Mác Xít, nào Tư Tưởng Hồ Mao, nào chủ nghĩa Mác Lê… với các trường Đại Học chuyên ngành Cộng Sản, Trường Đảng, với những bằng cấp « to đùng » cường điệu: Tiến sĩ, phó Tiến sĩ, Giáo sư, phó Giáo sư… 

Mẹ! Giáo sư là thấy dạy học. Nghề Thầy giáo, một ngày đi dạy cũng là Thầy giáo. Phó Thầy Giáo là cái gì? Dạy học nửa ngày hay sao?

Ngôn ngữ theo nghĩa Hán Việt là tiếng nói (ngôn) Như vậy tiếng Việt nam là tiếng nói, là nói tiếng Việt Nam. Ông Hà Sĩ Phu bảo người Việt ta đọc một câu giống như người Tàu đọc. Thử dùng một câu ngắn thôi ! Anh đi đâu ? Nị hui pín tù ? (Quảng Đông). Nói tiếng Quảng Đông, Cỏn Qwang Tung Hỏa Hay Shua Qwang Túng dù (Bắc Kinh). 

Như vậy, về mặt ngôn ngữ, các âm điệu hoàn toàn không giống nhau. Còn nói về viết thì nếu viết toàn bằng chữ Tàu, thì giống nhau thôi. Những thí dụ ông Hà Sĩ Phu kể trong bài viết của ổng chỉ là cái văn hóa Tàu hóa ngày nay ở Hà nội Cộng sản đó thôi. Tôi nghĩ rằng người Việt Nam bình thường sẽ nói khác, sẽ đượm chất Việt Nam ta hơn.

Chúng ta có cái may mắn gặp các vị cố đạo giòng tên đã dùng ký âm a b c để tạo chữ quốc ngữ cho chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng có cái may mắn là đã có những tiền nhơn đầy lòng yêu nước, dám quảng bá và thông dụng hóa, truyền bá chữ viết với ký âm la tinh abc. Nhờ chữ quốc ngữ với ký âm a b c chúng ta đã dễ dàng truyền bá quốc ngữ và dẹp được nạn mù chữ và mở mang trí tuệ cho người dân Việt nam.

Đấy là một tiện lợi ! Còn về văn hóa ! Vì ngoại hình chúng ta giống Tàu, vì bị ảnh hưởng văn hóa Tàu, chúng ta phải cảnh giác và chống Tàu nhiều hơn các dân tộc khác ! Vì càng giống nhau, càng láng giềng nhau, chúng ta càng dễ bị Tàu xâm chiếm. Dân Do Thái Hébreu và dân Ả rập đều là cùng một chủng tộc sémite, cùng văn hóa sémite. Cả hai đều chào mở đầu câu chuyện bằng Salom (Do Thái), Salam (A rập). Hai tay nầy thù nhau đến giết nhau. Tàu với Ta, bên Nị Hảo, bên Mạnh Giỏi thì thù nhau là cái chắc ! Người Tàu chỉ tử tế với Ta khi người Tàu bị thất thế, tỵ nạn ở Việt Nam. Người anh em phương Bắc tỵ nạn miền Nam sẽ là những người phương Nam tốt Phan Thanh Giản, Mạc Cửu là những thí dụ.

Ít hàng nói hết, mong chia sẻ cùng quý bà con. Mất lòng ai thì đành chịu vậy ! Đừng để mất lòng tin, mất định hướng. Tiếng Việt thuần túy của ta, phải được bảo vệ, còn có bao nhiêu gốc Hán, gốc Tàu, hãy để cho mấy ông trí thức bán nuớc ca tụng phân tách ! Quý bà con nào động lòng trắc ẩn vì có bà con người Hoa tui đây đôi lời xin lỗi.

(PVS - Hồi Nhơn Sơn, những ngày đầu Thu 2016)



Nhân đọc bài của Ts Hà Sĩ Phu

Nguyễn Thị Cỏ May

Xin thưa Cỏ May tôi xưa nay vẫn giữ riêng đối với Tiên sinh Hà Sĩ Phu sự kính trọng và cảm tình thật lòng bởi đã từ sớm lần bước theo Tiên sinh “Dắt tay nhau đi dưới những tầm bảng chỉ đường trí tuệ ” . Tâm đắc nhứt với Tiên sinh, đại ý “... đảng cộng sản là người dẫn đường mà không có bản đồ nên đoàn người đi theo bị lọt xuống vực thẳm, cố trèo lên được, cùng nhau hô thắng lợi . Và cứ như vậy, họ đưa nhau đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác …”

Nhận xét của Tiên sinh thú vị lắm . Cùng ý đó, gần đây, Hàn lâm Học sĩ D’Ormesson của Pháp nhận xét đảng xã hội Pháp (Parti Socialiste), một cách dí dỏm tuyệt vời bởi làm bộc lộ rõ đặc tính và khả năng lãnh đạo đất nước của đảng xã hội vốn cùng ông tổ Karl Marx với cộng sản, tuy là kẻ thù không khoan nhượng của cộng sản . Ông dịch nghĩa ” GPS “, máy định vị dành cho người lái xe, như sau: G = Guide, hướng dẫn, P=Parti, đảng, S=Socialiste, Xã hội chủ nghĩa. Tuyệt chưa?

Thật vậy. Ở Pháp, cho tới nay, sau hơn 4 năm cầm quyền, dân vẫn không biết ông Tổng thống François Hollande (cựu Tổng Bí thư đảng PS) muốn đưa mình đi tới đâu và hiện đang ở đâu nhưng ông vẫn kêu gọi nhân dân Pháp hãy chờ ngày mai này kinh tế sẽ tăng trưởng, thất nghiệp sẽ giảm, ….mà chỉ còn mấy tháng nữa, ông mãn nhiệm kỳ . Ông nhiều lần cam kết nếu thất nghiệp không cải thiện, ông sẽ không tái ứng cử . Thực tế hoàn toàn khác hẳn vì ngày càng thấy tình hình nước Pháp càng thêm thảm hại: nợ vẫn tràn ngập, kinh tế không tăng trưởng, xã hội thường xuyên bị khủng bố hăm dọa, thất nghiệp tháng 8/16 tăng 50 000 người, .. .Nhưng ông vẫn can đảm chuẩn bị sẽ ra tranh cử Tổng thống kỳ tới nữa! Vì ông thấy nhơn dân cần ông lãnh đạo. Phải người xã hội chủ nghĩa mới có lý luận . Cũng giống như ông Nguyễn Phú Trọng ở Hà nội .

Mạn phép vài dòng giao duyên với Hà Tiên sinh. Giờ đây Cỏ May tôi bắt đầu thưa chuyện với Tìên sinh.

Tìên sinh viết “Với Việt Nam, Hán văn là một bộ phận cấu tạo nên tiếng Việt, nên dạy Hán văn cũng là dạy một phần của tiếng Việt chứ không phải dạy một ngoại ngữ như Trung văn, Anh văn, Pháp văn… Để có cốt cách Việt cần trau dồi Việt văn, Hán văn, đồng thời để hòa nhập tốt với thế giới thì cần giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp….“ .

Rất đúng nhưng cần phân biệt rõ «Hán văn» với «Sinh ngữ tàu» của chương trình giáo dục hiện nay . Trước 30/04/75, hai Trung tâm Đại Học Sài gòn và Huế đều có dạy Hán văn, môn học bắt buộc cho sinh viên Cử nhân Việt Hán . Sau đó, ai học lên có thể chọn chuyên sâu Hán văn (Cổ văn) . Trưa kia, hồi còn thi Văn bằng Cao Tiểu (DEPSI), từ Đệ Nhứt niên tới Đệ Tứ niên (1ère Année – 4è Année), chương trình có môn Hán vằn . Cả Lớp Nhì, lớp Nhứt cấp Tiểu học cũng có tuần 2 giờ Hán văn . Riêng ở Đại Học Huế, còn có Ban Hán văn ròng dành cho sinh viên chọn ngành khảo cổ, ngoại vụ hoặc thư viên sau văn bằng Cử nhân Hán văn . Hiện nay, ở hải ngoại còn khá nhiều người đã học và tốt nghiệp Ban Hán văn hay Việt Hán . 

Mãi tới khi chương trình Hán văn ở Trung học hoặc Ban Hán học ở Đại Học Huế bị bải bỏ, Cỏ May không hề nghe thấy có ai phản ứng và đặt thành vấn đề như hiện nay khi được tin nhà cầm quyền cộng sản Hà nội sẽ đưa môn «Hán văn» vào chương trình Trung học và có những lớp Tiểu học, Mẫu giáo dạy tiếng Tàu do cô giáo, thầy giáo người Tàu phụ trách. Như vậy, phản ứng của người dân trong và ngoài nước chắc không nhằm ở việc học Hán văn,càng không phải ở vai trò chữ Hán/chữ Nho trong tiếng Việt mà phải ở chỗ khác hơn.

Vậy Hán văn là một bộ phận cấu thành tiếng Việt, như Tiên sinh nói, tưởng sẽ không còn cần thiết bởi đó là thực tế trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam rồi . Tuy nhiên, nếu nói lại xem có rõ hơn không: chữ Hán góp phần làm cho chữ/tiếng Việt thêm phong phú  hay nó phải là một bộ phận cấu thành? Chúng ta thử nhìn lại phải chăng người Vìệt Nam đã có thứ tiếng Việt tinh ròng mà ngày nay chúng ta còn giữ ít nhiều câu ca dao. Bên cạnh đó, chúng ta có thêm dòng «bác học » với tìếng Hán pha trộn để diển đạt những vấn đề trừu tượng. Như vậy, có thể nói tiếng Việt tinh ròng đã có từ trước khi có chữ viết và dĩ nhiên, trước khi có chữ Hán tới . Nhận xét này sẽ làm rõ thêm sự kiện khi ông cha ta, duới sự đô hộ nặng áp lực Hán hóa của Tàu, học chữ Tàu mà vẫn đủ sức bảo vệ sự độc lập dân tộc nên mới có chữ « Hán Việt và Việt Nho » . Không nói tiếng Tàu thay tiếng Việt .

Tiếp tục tinh thần giữ độc lập dân tộc này, ông cha ta lại một lần nữa sáng tạo ra chữ Nôm để sẽ thay thế chữ Hán/chữ Nho . Nhưng các quan nhà ta quá nặng đầu óc bảo thủ, phản đối để bảo vệ hia mão của mình nên hai lần chữ Nôm ra đời đều không sống thọ. Sau này, con cháu biết được giá trị chữ nôm nhờ ở những tác phẩm văn học chữ nôm để lại .

Vận nước vẫn bị hắc ám theo đuổi. Tây tới. Nhà truyền giáo dùng chữ La-tinh ghi tiếng Việt. Chúng ta nhờ đó có thêm tiếng Việt thuận tiện sử dụng nhờ tính đơn giản của nó . Nên nhớ là các nhà truyền giáo sáng tạo ra chữ quốc ngữ để họ dùng trong việc truyền đạo Thiên chúa cho dễ, chớ hoàn toàn không vì để giúp dân Việt nam có thứ chữ tiện lợi . Nhưng chúng ta đã sử dụng hằng trăm năm nay thì nó là thật sự của chúng ta . Không ai tranh cãi được, mặc dầu có dẩn chứng « quyền lịch sử » đi nữa .

Có cái lợi to lớn thì cũng có cái bất lợi liền đó . Kể từ lúc có chữ quốc ngữ lưu hành rộng rãi thì không thấy xuất hiện những tác phẩm văn chương lớn như Truyện Kiều, Chinh phụ, thi ca như của Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Lục vân Tiên của nguyễn Đình Chiểu, những bài thơ yêu nước, . ..nữa . Dĩ nhiên, nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là muốn xóa bỏ quốc ngữ, lấy lại Hán/Nôm, mà phải biết mang trọng ơn đối với người đã sáng tạo ra quốc ngữ .

Thưa Hà Sĩ Phu Tiên sinh,

Cỏ May tôi xin nhắc lại một kỷ niệm nhỏ để chia sẻ với Tiên sinh về những thí dụ « chữ Việt thuần Hán  » do Tiên sinh dẫn chứng:

Cách nay hơn mươi năm, lần đầu tiên, tới chợ Đồng Xuân ở Đông Bá-linh, đọc khẩu hiệu viết chữ đỏ trên nền vàng „Phong phú mặt hàng phục vụ khách hàng“ treo trước cửa hàng thực phẩm và tạp hóa «  Nông Ích Quân  » (nghe giới thiệu là cháu họ của Nông Đức Mạnh), Cỏ May tôi cũng một lần bàng hoàng muốn xỉu .

Vào năm 76, lối 10 giờ sáng, tôi ngồi lề đường Lê Quí Đôn, ngang hông Trường Lê Quí Đôn, dưới bóng mát hàng me, uống cà-phê . Bỗng một người lối bốn mươi đi vespa tới, kéo chiếc ghế đẩu thắp, ngồi chung bàn một cách tự nhiên . Người khách mới tới ăn mặc khá Sài gòn, mang xăng-đan da chớ không dép râu nên tôi thấy dễ cảm tình . Tôi bèn bắt chuyện . Nửa giờ sau, tôi đứng dậy đi thì người này vừa bắt tay từ giã tôi, vừa hỏi  tôi đang «  công tác » ở đâu? Tôi giựt mình, vội thót lên xe Honda đi, vừa bảo thầm «Bố tiên sư . Nãy giờ mình nói chuyện với một tên Vc mà không biết. Cũng may mình không nói gì bậy bạ để có thể bị học tập mút mùa»

Thưa Hà Tiên sinh,

«Công tác» trong câu nói này có thật sự là một «bộ phận cấu thành tiếng Việt» không? Nếu không có nó thì có tiếng Việt không? Hay nó thể hiện một bản chất lệ thuộc Tàu từ sự lệ thuộc chánh trị tự nguyện «môi hở răng rụng»?. 

Ở Miền Nam trước 75, «công tác » vẫn phổ thông . Khi một nhân viên lãnh một công việc đặc biệt, trong một thời hạn qui định, ở một địa điểm khác hơn nhiệm sở hằng ngày thì mọi người sẽ nói nhân viên đó «đi công tác » . Còn làm việc hằng ngày, dù công việc lớn hay nhỏ, quan trọng hay không, mọi người đều nói «đi làm, đi làm việc, làm việc » . Dân Nam kỳ nói mộc mạc hơn « Đi mần, Đi mần ăn, Mần việc » .

Ở Miền Bắc xhcn đều nói «công tác» vì mọi sanh hoạt của dân chúng đều bị chế độ hoá nên không còn việc làm nào là không phải việc công . Hơn nữa, chủ trương dùng chữ hán việt để phân bìệt người của cách mạng, nay phải khác hơn khi anh ta thiến heo, sửa ống khóa dạo . Vì lúc đó thì làm gì biết nói «công tác», nói «phục vụ», …

Nhưng tiếng Việt mà Tiên sinh trích dẫn qua các thí dụ trong bài viết của Tiên sinh chỉ có trong ngôn ngữ tuyên truyền chánh trị của chế độ. Trong sách vở biên khảo văn học, cả trong các bài viết của Tiên sinh, cũng không thấy thứ  «tiếng Việt » quá nặng mùi xì dầu đó nữa. Chúng ta cứ nhìn lại sách vở, báo chí trước 54 ở Miền Bắc cũng không có thứ tiếng Việt đó . Hiện tượng nô dịch này xuất hiện sau khi Hồ Chí Minh vâng lịnh Mao tiến hành cải cách ruộng đất, cố vấn Tàu ra lịnh tiêu diệt từng lớp trí thức yêu nước tiểu tư sản đi theo Cách mạng chỉ vì lòng yêu nước để chỉ còn lại lớp bần cố nông không biết chữ, dễ cho Tàu đào tạo trở thành cán bộ cách mạng nồng cốt .

Dân miền nam sau 30/04/75 đều ngỡ ngàng trước những khẩu hiệu, tên cửa hàng, ngôn ngữ của cán bộ . Như «Công ty cung tiêu than củi », «  xưởng đẻ  » …Lúc này, đảng Lao động đang lên do lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến thần thánh nên từ ngữ «lao động» thay thế hầu hết những tiếng có nghĩa tương tự. Và cũng như vậy, tìếng «tốt» thay thề « giỏi », «hay», … 

Nhu cầu chánh trị đã làm nghèo đi tiếng Việt .

Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại sách vở, báo chí Miền Nam trước 30/04/75 đều tiếp nối nhuần nhuyễn dòng ngôn ngữ và văn học từ lúc có chữ quốc ngữ, từng bước cải thiện cho nó trong sáng hơn, hoàn thiện hơn, không bị gián đoạn như ở Miền Bắc . Ngày nay, nhìn lại một ít sách vở ở Việt nam – báo còn dưới sự kiểm soát gắt gao của đảng cs – thấy có nhiều nét mới, văn chương, chữ nghĩa trong sáng hơn, nhẹ nhàng hơn những sản phẩm trước đây . Phải chăng nhờ ảnh hưởng Miền Nam, tuy đó là điều chế độ không muốn . Nhưng là cái may của đất nước  ! Hãy nhìn qua kinh nghiệm thống nhứt của nước Đức để thấy ngày nay tại sao Đức chỉ giữ lại 1 km bức tường làm kỷ niệm nển văn hóa xhcn một thời .

Thưa Hà Tiên sinh,

Cách giải bày của Tiên sinh «Hán văn là một bộ phận cấu thành của tiếng Việt » dễ làm cho nhiều người đọc qua không kịp thấy «Hán văn là một bộ phận do ông cha ta tiếp thu » đề làm phong phú tiếng Việt, nhưng rất bác học, rất chuẩn xác, chớ hoàn toàn không phải thứ tiếng việt đặc sệt xì dầu của chế độ cộng sản Hà Nội như Tiên sinh trích dẫn. Cái tai hại có thể có là lập luận của Tiên sinh sẽ làm cho một bộ phận lớn cán bộ cộng sản vỡ lẽ ra là tiếng Tàu và tiếng Việt không thể tách rời thì mai này Việt Nam có sáp nhập vào Tàu là tất yếu lịch sử . Vì văn hóa ngôn ngữ đã vậy rồi .

Tuy nhiên, Tiên sinh đã cảnh cáo ở kết luận:  «Nhưng nay, trong tình huống quan hệ Việt Trung đang gặp thử thách sống còn thì đặt vấn đề chữ Hán lúc này là không đúng lúc, phải đối phó với sự lợi dụng và sự nghi ngờ, nếu tiến hành càng phải thận trọng, từng bước thăm dò và cảnh giác. Cùng một việc nhưng hiệu quả sẽ tốt hay xấu phụ thuộc vào con người: ai chủ trương, bộ máy nào thực hiện, thực hiện với động cơ gì? Văn hóa không thể tách rời chính trị, và đấy mới là ẩn số lớn nhất, quyết định việc dạy chữ Nho rộng rãi cho học sinh nên bắt đầu lúc nào và tổ chức thực hiện ra sao » .


Hà Tiên sinh ơi,

Tiên sinh đã hơn một lần can đảm „chia tay ý thức hệ“ thì nay còn tiếc gì nữa mà không rũ bỏ luôn cái "não trạng xã hội chủ nghĩa" để dứt khoát hơn trong tư tưởng .