15.11.2016

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 15.11.2016)

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông 
và Trung Cộng (ngày 15.11.2016)

Hoa Kỳ: Trump và cộng sự nghĩ gì về an ninh hàng hải ?
Chiến hạm Mỹ USS Bonhomme Richard (LHD 6) hoạt động ở Biển Đông. Ảnh ngày 06/10/2016. Reuters

Trong một bài viết ngày 10/11/2016 đăng trên trang web thông tin của Học Viện Hải Quân Mỹ USNI News, tác giả Megan Eckstein đã tìm cách phác họa một số nét chỉ đạo về hướng giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh trên biển sắp tới đây, dựa trên phát biểu của chính ông Trump và hai nhân vật trong đảng Cộng Hòa, có lẽ sẽ nắm những chức vụ trọng yếu trong chính quyền mới.


Ngoài ông Trump, hai nhân vật được trích dẫn là ông Randy Forbes, người rất có thể sẽ được đề cử vào chức vụ bộ trưởng bộ Hải Quân và thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người từng làm cố vấn về các vấn đề đối ngoại cho ông Trump trong suốt thời gian tranh cử.

Trump: Phát triển Thủy Quân Lục Chiến và Hải Quân

ông Trump đã khẳng định rõ ràng là Mỹ vẫn cần đến sức mạnh quân sự để răn đe, tránh né và dự phòng tranh chấp.

Sức mạnh quân sự đó, theo ông Trump, sẽ có được thông qua việc tăng cường tầm vóc của hai lực lượng Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến.
Thủy Quân Lục Chiến, từ 182.000 người hiện thời, yểm trợ cho 24 tiểu đoàn bộ binh, quân số có thể được tăng lên để có thể yểm trợ cho 36 tiểu đoàn.

Riêng về Hải Quân, trong bài phát biểu, ông Trump cho biết là ông muốn có một lực lượng gồm 350 tàu, so với hiện nay là 308 chiếc và nỗ lực hiện đại hóa toàn bộ số 22 tuần dương hạm mà ông gọi là  „nền tảng khả năng phòng chống tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Châu Âu, Châu Á và Trung Đông“.

Về đối ngoại, ông Trump ghi nhận rằng : „Trung cộng đã trở thành hung hăng hơn, Bắc Triều Tiên nguy hiểm và hiếu chiến hơn, trong lúc Nga thì vẫn thách thức Mỹ.“

Randy Forbes, bộ trưởng Hải Quân tiềm năng : Phải chống Trung cộng ở Biển Đông

Nếu quan điểm của ông Donald Trump mang tính chất tổng quát, thì lập trường của người rất có thể được chọn là bộ trưởng Hải Quân Mỹ Randy Forbes lại hết sức cụ thể : Mỹ phải tăng cường lực lượng Hải Quân và đưa đến Biển Đông để đối phó với Trung cộng.

Randy Forbes, hiện là chủ tịch tiểu ban Hải Lực (Seapower) trong Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện Mỹ, đã từng nói rõ là ông rất quan tâm đến việc tăng cường lực lượng Hải Quân và đưa sức mạnh Mỹ đến Biển Đông.

Mới tháng 9 vừa qua, ông Forbes đã cho rằng về mặt quân sự, Mỹ cần phải có một thái độ mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Mở đầu một phiên điều trần về Biển Đông, ông xác định : „Cần phải có nhiều hơn là lời nói cửa miệng để tạo nên sự đối trọng với sức mạnh đang tăng và thái độ quyết đoán của Trung cộng“.

Ông nhắc lại là vào năm ngoái, cùng với chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thornberry và 27 dân biểu khác, ông đã ký một lá thư đưa lên tổng thống và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ yêu cầu phải có thái độ mạnh mẽ hơn ở Biển Đông, tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực nhạy cảm này, gia tăng các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng biển đang tranh chấp.

Theo ông, „Trung cộng vẫn đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển, tiếp tục các công trình bồi đấp đảo nhân tạo mà đa phần lộ rõ mục tiêu phục vụ quân sự. Lực lượng quân sự và bán quân sự Trung cộng vẫn tăng cường sự hiện diện và hoạt động trong vùng, kiểm soát trên thực tế vùng biển trọng yếu này.“

Biển Đông cần uy lực Mỹ để luật pháp được tôn trọng

Với chính quyền Obama trong giai đoạn mãn nhiệm kỳ, ông Forbes quan ngại là chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình sẽ xem những tháng cuối của tổng thống Obama như một cánh cửa sổ mở để thiết lập Vùng nhận dạng phòng không bao trùm bãi Scarborough, đẩy mạnh việc quân sự hóa các đảo đã bồi đắp hay có những hoạt động khác nữa để thử quyết tâm của Mỹ. Ông Forbes cho là phải cần ngăn chận các hành động này của Trung cộng trong những tháng tới đây.

Trước đó, vào tháng 7, ông Forbes cũng kêu gọi phải có sự hiện diện quan trọng của Mỹ ở trong vùng, vì nếu Trung cộng tiếp tục xem thường luật pháp quốc tế và dư luận thế giới, thì cách bảo đảm nhất để tránh không cho chiến tranh tàn phá vùng Châu Á Thái Bình Dương là Mỹ phải duy trì sự hiện diện, và có sức mạnh quyết định trong vùng.

Do vậy, ông Randy Forbes chủ trương tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong vùng, cũng như tăng tần suất của những chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải.



Ông Trump sẽ hành động cứng rắn và nhanh chóng đối với vấn đề Biển Đông
Tuần duyên Trung cộng tiếp cận ngư dân Phi Luật Tân gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, 23/9/2015.

Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump không xem vấn đề Biển Đông là vấn đề trọng điểm trong chiến dịch bầu cử, và biện pháp giải quyết các tranh chấp chủ quyền ngày càng gia tăng ở châu Á vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia dự đoán rằng ông Trump sẽ thực hiện một ít các hành động quân sự cứng rắn chống lại Bắc Kinh để chứng tỏ lập trường của Hoa Kỳ và sau đó Hoa Kỳ lui lại để tập trung vào phát huy mối quan hệ thương mại với Trung cộng.

Chính sách Biển Đông của Trump

Những chuyên gia theo dõi chính sách về Châu Á của Hoa Kỳ dự báo rằng ông Trump sẽ thực hiện một hành động quân sự chóng vánh. Ông Sean King, phó chủ tịch cao cấp của Park Strategies, cơ quan tư vấn các vấn đề chính trị có trụ sở ở New York cho biết rằng có thể Hoa Kỳ sẽ cho một loạt tàu hải quân tuần tra vào khu vực biển 3,5 triệu km vuông, đây là khu vực mở cửa cho tất cả các quốc gia lưu thông, nhưng Trung cộng đã tuyên bố chủ quyền toàn bộ khu vực này.

Các chuyên gia cho rằng một hành động quân sự sẽ hỗ trợ cho chính sách chống Bắc Kinh của ông Trump như đã nêu trong các bài diễn văn vận động tranh cử, giúp ông bày tỏ thái độ cứng rắn hơn so với tổng thống đương nhiệm Barack Obama của đảng Dân chủ. Một số quan chức trong chiến dịch tranh cử của ông Trump nhận thấy rằng khi Phi Luật Tân, một nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cũng là một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, lại có quan hệ thân mật hơn với Trung cộng từ tháng Sáu, sẽ là một tổn thất cho Hoa Kỳ.

Phó giáo sư về chính sách công Eduardo Araral của Đại học quốc gia Singapore cho biết: “Ông Trump sẽ phải phô trương sức mạnh của Hoa Kỳ, và phải nói với cử tri rằng ông sẽ giành lại Phi Luật Tân từ tay Trung cộng. Do đó ông cần phải cho cử tri biết ông chiến thắng, còn ông Obama đã thất bại.

Ông Trump chưa đưa ra chính sách nào về vấn đề Biển Đông. Hoa Kỳ cũng không nằm trong các quốc gia có tranh chấp chủ quyền, nhưng ông Obama đã lên tiếng cảnh báo và đã cho thực hiện tuần tra quân sự định kỳ để ngăn chặn Trung cộng, một quốc gia có sức mạnh quân sự lớn nhất trong số các nước có tranh chấp.

Nhà tỷ phú bất động sản New York cho biết trên trang web vận động tranh cử rằng hành động quân sự cứng rắn hơn của Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ ngăn chặn sự hung hãn của Trung cộng khi Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng. Ông Trump cũng chỉ trích Trung cộng đã chiếm các hải đảo đang có tranh chấp và giành chủ quyền các hải đảo khác.

Các nhà phân tích nhận định rằng sau khi chứng tỏ sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, chính phủ của ông đương nhiên sẽ giảm bớt hành động quân sự vì lợi ích trong quan hệ thương mại với Trung cộng.



Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Nha Trang

Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại thành phố Nha Trang, Việt Nam hôm 14/11/2016.   Courtesy khanhhoa.com.vn

Ngày 14.11.2016, tại Nha Trang, Hội thảo Quốc tế lần thứ tám về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức đã khai mạc. Đây là lần thứ 8 những đơn vị này tiến hành hội thảo quốc tế về Biển Đông.

Gần 200 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có gần 60 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, cùng hơn 20 đại diện của 15 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và 35 phóng viên thuộc hơn 30 hãng tin trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

Chủ đề kỳ hội thảo lần này là ‘Biển Đông: Hợp tác vì anh ninh và phát triển khu vực’. Có 30 tham luận được trình bày tại hội thảo.


Căng thẳng Biển Đông sẽ đi đến đâu?

Các học giả tại hội thảo. Ảnh Dân Trí

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông trong năm qua có nhiều diễn biến mới đáng chú ý, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần này là cơ hội để các học giả nghiên cứu Biển Đông hàng đầu trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin và đánh giá về các diễn biến gần đây và những hệ lụy ở khu vực Biển Đông, đồng thời thảo luận các khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Gần 30 tham luận sẽ được các đại biểu trình bày trong hai ngày hội thảo gồm 7 phiên: (1) Nguồn gốc của tranh chấp Biển Đông: Khía cạnh lịch sử; (2) Căng thẳng Biển Đông sẽ đi đến đâu? (3) Luật pháp quốc tế và Biển Đông (4) Kinh tế chính trị của Biển Đông: Vấn đề và triển vọng; (5) An ninh, chính trị và ngoại giao; (6) Tương tác và phối hợp trên biển; và (7) Cơ chế quản lý căng thẳng ở Biển Đông.

Các diễn giả dự kiến sẽ thảo luận tình hình trên Biển Đông ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ chính trị, ngoại giao tới luật pháp, nhằm tìm kiếm các cơ hội và ý tưởng thúc đẩy hiểu biết và hợp tác ở Biển Đông trên tinh thần các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đặc biệt, Hội thảo lần này lần đầu tiên tổ chức một phiên riêng (phiên 6) dành cho đại diện hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển các nước chia sẻ các biện pháp tương tác và phối hợp trên thực địa nhằm tránh các tình huống va chạm bất ngờ và thúc đẩy hợp tác trên biển.

Bên cạnh chương trình chính, Hội thảo lần này cũng tiếp tục tổ chức Chương trình Các nhà Lãnh đạo trẻ (YLP) tập hợp 8 nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh tiến sỹ từ 7 quốc gia với mục tiêu xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ về Biển Đông và thảo luận về các ý tưởng và sáng kiến hợp tác mới vì hòa bình và phát triển ở Biển Đông.

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, PSG.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, trong năm qua, căng thẳng ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do các vụ va chạm, các thay đổi nguyên trạng trên thực địa vẫn tiếp diễn. Vẫn còn nhiều vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven Biển Đông ở gần khu vực Trường Sa và đặc biệt là Hoàng Sa, chưa kể nhiều vụ đối đầu giữa máy bay Mỹ và Trung cộng trong khu vực. Tình hình cải tạo đảo và quân sự hoá ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, tình trạng môi trường biển khu vực tiếp tục xuống cấp với tốc độ đáng báo động.

Ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chia sẻ, tình hình Biển Đông thời gian qua có những biểu hiện đáng lo ngại, cạnh tranh nhiều khi lấn át hợp tác, luật pháp quốc tế có lúc có nơi không được tôn trọng, làm suy giảm lòng tin giữa các dân tộc trên Biển Đông. “Hơn lúc nào hết, tình hình Biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực này cũng như các cơ chế cần thiết để duy trì trật tự và pháp luật trên biển. Ở Biển Đông, không chỉ có vấn đề hòa bình, ổn định, mà cả những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, sinh kế của các cộng đồng ven biển, và tính bền vững của hệ sinh thái đại dương” ông Lê Thanh Quang lập luận.

Với những đánh giá về tình hình khu vực, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng nêu rõ, tinh thần thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị đã trở thành ngôn chỉ của chuỗi hội thảo này trong suốt 8 năm qua. “Thông qua hội thảo này, chúng ta hy vọng có thể đưa ra những kiến nghị tích cực và xác đáng, giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì mục tiêu cải thiện môi trường an ninh-phát triển chung, nhất là các đề xuất nhằm xây dựng, củng cố và tận dụng các cơ chế an ninh khu vực trong việc quản lý tranh chấp và giải quyết hoà bình các vấn đề phức tạp ở Biển Đông,


TC: Trump nên công nhận lợi ích hợp tác kinh tế Mỹ-Trung

Ông Jonathan Spangler, nhà nghiên cứu Biển Đông ở Đài Loan cho rằng các “chi tiết về chính sách Châu Á Thái Bình Dương của ông Trump hiện nay rất ít, và nhiều bài phát biểu không chuẩn bị trước của ông cũng không cho thấy rõ chính phủ của ông sẽ thực thi chính sách này như thế. Nếu như bà Clinton thắng cử thì chắc chắn bà sẽ tiếp tục ưu tiên khu vực châu Á Thái Bình Dương.”

Spangler dự đoán: “Trung cộng sẽ tìm thấy ở ông Trump, một nhà lãnh đạo kinh doanh, một cách gây ảnh hưởng dễ dàng hơn so với nhà lãnh đạo chuyên về chính trị và tư tưởng Clinton.

Các nhà phân tích cho biết, ông Trump có quan điểm coi nhẹ tự do mậu dịch, một phần quan trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung cộng hiện nay. Ông gọi Trung cộng là “rẻ tiền”, là “kẻ đầu cơ tiền tệ”. Nhưng cốt yếu ông muốn thiết lập quan hệ với nhà lãnh đạo Cộng sản Trung cộng là vì lợi ích của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, biết rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ phụ thuộc vào thị trường và là cơ sở sản xuất lớn nhất châu Á này.

Lin Chong-pin, một giáo sư đã về hưu các vấn đề chiến lược ở Đài Loan cho biết, ông Trump có thể sẽ cắt giảm ngân sách quân sự để tập trung vào chính sách nội địa, hạn chế hành động quân sự ở Biển Đông.

Lin Chong-pin nói: “Khi ông Donald Trump gần đến ngày làm tổng thống, việc ông sẽ xem xét giảm sự hiện diện quân sự ở Biển Đông là điều chắc chắn. Và đương nhiên, Bắc Kinh sẽ lặng lẽ mỉm cười.”

Trung cộng tố cáo Brunei, Mã Lai, Đài Loan, Việt Nam và Phi Luật Tân đã cho tàu thuyền đi qua vùng đặc quyền kinh tế cách đất liền 200 hải lý (tức 370 km) và chiếm các quần đảo ở khu vực này.

Bắc Kinh tuyên bố chiếm giữ khoảng 95% diện tích biển từ Đài Loan đến Singapore, hành động này bắt đầu rõ nhất từ 2010, bành tướng khu vực biển giàu trữ lượng hải sản, khí đốt, dầu mỏ, và là nơi giao thương hàng hải.


Theo tin VOA, RFA,RFI, Dân Việt