Viễn ảnh nhân quyền Việt Nam 2017 vẫn xám màu
VOA
Từ
trái sang, ông Đinh Đăng Định, Nguyễn Đan Quế, Đinh Nhật Uy, Phạm Chí Dũng, Phạm
Bá Hải và vợ ông Định – bà Đặng Thị Dinh, ngày 16.2.2014. Courtesy Photo
Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Ân xá Quốc
tế, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong năm 2016 vẫn tồi tệ về nhiều mặt. Đảng
Cộng sản tiếp tục duy trì độc quyền chính trị, không cho phép bất cứ thách thức
nào đe dọa hay “bôi bẩn” các vị lãnh đạo.Việt Nam hạn chế gắt gao các quyền tự
do phát biểu, lập hội và hội họp ôn hòa.
Các nhà tranh đấu cho quyền con người và các blogger
bị sách nhiễu, đe dọa, hành hung và giam tù. Nông dân tiếp tục mất đất cho các
dự án phát triển mà không được đền bù thỏa đáng; công nhân không được phép
thành lập công đoàn độc lập. Trong năm 2016, bất chấp những khó khăn, nhiều nhà
hoạt động và blogger công khai lên tiếng đòi các quyền tự do và dân chủ.
Bác
sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng ở
Sài Gòn cho VOA biết Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam trong rất nhiều vấn đề, từ việc tuần
tra ở Biển Đông đến việc trang bị các tàu tuần dương, xóa bỏ lệnh cấm vận vũ
khí sát thương, nhưng Việt Nam đã đáp lại không tương xứng, mà còn mạnh tay đàn
áp, bắt giữ các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền, và các blogger trong năm
2016. Hơn nữa, Hoa Kỳ vẫn chưa mạnh mẽ lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền
và tự do tôn giáo ở Việt Nam, điển hình như vụ cưỡng chế chùa Liên Trì ở thành
phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 9. Bác sĩ Quế nói điều này đã giúp Việt Nam giảm
bớt áp lực từ bên ngoài và do đó chính quyền cứ tiếp tục gia tăng đàn áp nhân
quyền trong năm 2016, đặt biệt là sau khi được Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận vũ khí
sát thương. Bác sĩ Quế cho biết thêm:
“Tổng quát thì đến cuối năm đã có những
sự gia tăng việc đàn áp dưới nhiều hình thức. Ví dụ gần đây nhất là vụ xử
trung tá Trần Kim Anh 13 năm tù và Lê Thanh Tùng 12 năm tù, với tội danh ‘lật đổ
chính quyền theo điều 79’, bắt giữ một số blogger như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ
Nấm), Bác sĩ Hồ Hải, blogger trẻ nói lên sự thật của xã hội như Nguyễn Phúc Gia
Huy, và mới đây nhất là blogger Nguyễn Danh Dũng ở Thanh Hóa. Nói chung tình trạng đàn áp, khống chế
người tranh đấu và cả gia đình họ trong năm 2016 có gia tăng.”
Vị bác sĩ từng bị giam cầm hơn 20 năm dưới chế độ cộng
sản dự báo rằng vi phạm nhân quyền sẽ tiếp tục chuyển
biến theo hướng xấu trong năm 2017 khi nhiều quan chức nhà nước bất mãn chế độ,
những người Hà Nội gọi là “tự diễn biến, tự chuyển hóa,” sẽ mạnh dạn lên tiếng
đòi dân chủ:
“Sang đến năm 2017 thì tôi thấy rằng đặc
biệt nhất chưa bao giờ lòng dân bất mãn như ngày hôm nay. Đó là một yếu
tố quan trọng. Hiện nay những người đang ở trong bộ máy cầm quyền và đặc biệt
là những vị cách mạng lão thành, về hưu hay không ra làm việc nữa, đã mạnh dạn
lên tiếng đòi tự do dân chủ, tố cáo thẳng thậm chí thật sự hối tiếc vì đã cống
hiến những năm tháng trai trẻ cho chính thể mà bây giờ chính thể đó quay ra đàn
áp dân, hèn với giặc, ác với dân.”
Bất chấp áp lực và đàn áp trong năm 2016, các tổ chức
xã hội dân sự vừa thành lập như Green Trees, Hội Giáo chức Chu Văn An, Hội Bảo
vệ Nạn nhân bị Tra tấn, Hội Bảo vệ những Người Tranh đấu cho Nhân quyền… hoạt động
rất hữu hiệu. Nhiều hội đã nỗ lực đồng hành với các nạn nhân của Formosa, giúp
họ mạnh mẽ lên tiếng phản đối việc gây ô nhiễm môi trường. Các tổ chức xã hội
dân sự cũng đồng loạt lên tiếng phản đối luật tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam,
và gần đây là phản đối bản án của Trần Kim Anh và Lê Thanh Tùng.
Bác sĩ Quế cũng tự tin khi ngày
càng nhiều người trẻ có ý thức với phong trào đấu tranh dân chủ. Ông nhấn
mạnh đến các hoạt động đào tạo chuyên môn cho các nhà hoạt động trẻ, nhất là
đào tạo kỹ thuật thông tin:
“Trước trào
lưu nhiều anh em trẻ tham dự, chúng tôi có tổ chức huấn luyện khá qui mô. Đó là
những anh em trẻ, giỏi về kỹ thuật số và đồng thời biết đối phó với chính quyền
cộng sản. Nói chung là số người hoạt động gia tăng, cũng như kỹ thuật hoạt động
và kỹ thuật đối phó được đào tạo quá qui mô.”
Bác sĩ Quế cho rằng những chuyển biến của tình hình
quốc tế hiện nay, cùng với sự trì trệ của Hiệp định Thương mại Đối tác Thái
Bình Dương (TPP), chính phủ mới của Hoa Kỳ do ông Donald Trunp làm tổng thống,
việc mất đoàn kết của Liên Minh châu Âu, và tính hung hăng bá quyền của Trung cộng
sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với các nước về nhiều phương diện
và đương nhiên các mối quan hệ quốc tế này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tình
hình nhân quyền Việt Nam. Nhìn chung, viễn cảnh nhân quyền Việt Nam trong năm
2017 vẫn xám màu.