27.01.2017

Các tổ chức quốc tế kêu gọi Việt Nam thả những người phê phán nhà nước

Các tổ chức quốc tế kêu gọi Việt Nam thả những người phê phán nhà nước

Nguyễn Văn Oai@anhbasam

Hai tổ chức quốc tế Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch và Ủy ban bảo vệ Nhà báo Commitee to Protect Journalist kêu gọi chính quyền Việt Nam  trả tự do ngay lập tứccho blogger Trần Thị Nga và phóng viên độc lập Nguyễn Văn Oai cũng như một loạt blogger khác bị bắt từ tháng 9/2016, chỉ vì vận động cho các quyền tự do cơ bản nhất được tôn trọng.


Trong thông cáo báo chí đề ngày 27/01/2017 từ New York, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch HRW tố giác « một đợt bắt giữ mới những người phê phán chính phủ », ba người trong vòng 10 ngày. HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà họat động nhân quyền Trần Thị Nga, bị bắt ngày 21/01/2017 tuy còn hai đứa con thơ 7 và 4 tuổi, hủy bỏ mọi cáo buộc có động cơ chính trị như "tuyên truyền chống nhà nước".

Tổ chức nhân quyền Mỹ đặc biệt chú ý đến trường hợp của 9 nhà họat động khác như cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Oai, bị công an Nghệ An bắt lại vào ngày 19/01/2017, và thanh niên Công giáo Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, bị bắt ngày 21/01. Hai thanh niên này tham gia vào cuộc vận động phản đối công ty thép Formosa xả chất độc xuống biển gây thảm nạn môi trường tại bốn tỉnh miền Trung.

Trong những tháng cuối năm 2016, chính quyền Việt Nam cũng đã bắt một loạt blogger bị xem là phê phán chính phủ như Nguyễn Danh Dũng , tháng 12/2016, bác sĩ Hồ Hải vào tháng 11, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tháng 10 và bốn người Thượng, tín đồ Tin lành ở Gia Lai vào tháng 9.

Ông Brad Adams, giám đốc phân ban Á Châu của Human Rights Wath, chỉ trích chuyện Việt Nam coi việc truy cập Internet và đăng tải quan điểm có ý phê phán là một tội hình sự là một điều khôi hài. Ông nói các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần nói thẳng và rõ ràng rằng họ sẽ xem lại quan hệ đối với Việt Nam nếu chính phủ nước này tiếp tục bỏ tù những tiếng nói ôn hòa. Ôngkêu gọi Việt Nam hãy « gia nhập thế kỷ 21, loạt bỏ những đạo luật hình sự hà khắc, lỗi thời ».

Cùng ngày, một tổ chức quốc tế khác là Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ cũng lưu ý trường hợp hai blogger Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Hóa, nói về những hoạt động thông tin của họ và hành động trấn áp của chính quyền.
CPJ yêu cầu chính quyền Việt Nam nhanh chóng thả bà Trần Thị Nga và thanh niên Nguyễn Văn Hóa vô điều kiện và không nên cư xử với nhà báo như kẻ phạm tội hình sự.

Giám đốc CPJ, bà Courney Radsch, nói rằng những nhà  báo được nêu tên đang bị giam giữ theo các  điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia hoặc luật chống khủng bố trong lúc họ thực sự  chỉ là những phóng viên chứ không phải những kẻ khủng bố.

Steven Butler, điều hợp viên chương trình của Tổ Chức Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) , cho biết thêm:

Mục đích chính của CPJ là nhắc đến những nhà báo trên thế giới đang bị cầm tù vì không muốn tên tuổi những người này bị chìm vào quên lãng, cũng đồng thời muốn tăng cường áp lực để nhà cầm quyền trả tự do cho họ.
Bà Trần Thị Nga tham gia nhiều cuộc biểu tình về môi trường và chống Trung cộng

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), trụ sở tại Pháp ngày 25/01/2017 cũng đã lên tiếng tố cáo các vụ bắt giữ « để phòng ngừa » mà chính quyền Việt Nam vừa tiến hành, nhắm vào ba blogger và nhà báo trong những ngày trước Tết. Phóng Viên Không Biên Giới đã kêu gọi trả tự do tức khắc cho những người bị bắt, và hủy bỏ mọi cáo trạng nhắm vào họ.

Trong một bản thông cáo báo chí, Phóng Viên Không Biên Giới cho biết 3 người bị bắt mới đây nhất là nữ blogger nổi tiếng Trần Thị Nga, bị bắt tại nhà riêng ở tỉnh Hà Nam ngày 21 tháng Giêng. Nạn nhân thứ hai là ông Nguyễn Văn Oai, một « nhà báo công dân » từng bị tù trong quá khứ. Ông bị bắt ngày 19 tháng Giêng tại tỉnh Nghệ An với tội danh chống lại cảnh sát và rời khỏi nhà trong thời gian bị quản chế. Người thứ ba là nhà báo công dân Nguyễn Văn Hòa, đã bị bắt ngày 11 tháng Giêng và  bị buộc tội theo Điều 258, trừng phạt việc « lạm dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước ».

Phóng Viên Không Biên Giới cho rằng những người bị bắt chỉ « bảo vệ lợi ích chung », nhưng lại bị chính quyền Việt Nam « chụp mũ » là « tuyên truyền chống nhà nước ». RSF yêu cầu cộng đồng quốc tế gây sức ép trên Việt Nam để trả tự do cho các blogger và nhà báo công dân nói trên.

Tin RFA, RFI, VOA