Nguy cơ khủng hoảng Mỹ - Trung cộng sau tuyên bố của Tillerson về
Biển Đông
Rex Tillerson, cựu lãnh đạo tập
đoàn ExxonMobil, người được Trump chỉ định làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ. REUTERS/Joshua
Roberts/File Photo
Những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định Rex
Tillerson về hồ sơ Biển Đông có thể gây ra khủng hoảng giữa hai cường quốc hàng
đầu thế giới, nếu những tuyên bố này trở thành chính sách ngoại giao của chính
quyền Donald Trump. Đó là nhận
định của tờ New York Times hôm qua, 12/01/2017.
Trong buổi điều
trần ngày 11/01 vừa qua trước Uỷ ban Ngoại giao của Thượng Viện Mỹ, ông Rex
Tillerson đã tuyên bố rằng việc Trung cộng xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là “phi
pháp”, chẳng khác gì việc Nga chiếm vùng Crimée. Cho nên, Ngoại trưởng Mỹ
được chỉ định đã đề nghị Washington phải gửi đến Bắc Kinh một tín hiệu rõ ràng
: Một là phải ngưng ngay việc xây đảo nhân tạo, hai là Trung cộng không được tiếp
cận các đảo đó.
Theo New York
Times, nếu những tuyên bố đó thực sự trở thành hành động sau khi ông Donald
Trump chính thức nắm quyền tổng thống, thì đây sẽ là một thay đổi đáng kể trong
chính sách của Hoa Kỳ về việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, nơi mà
theo một cơ quan tư vấn của Mỹ, có thể sẽ trở thành “sân sau” của
Trung cộng vào năm 2030.
Trung cộng hiện
vẫn khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp phán quyết
của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra tháng 7 năm ngoái, bác bỏ những yêu sách
chủ quyền của Bắc Kinh, cụ thể là “không có cơ sở pháp lý để Trung cộng
yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường
9 đoạn”.”
Chính quyền
Obama cũng đã gián tiếp bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền “quá đáng” của
Trung cộng ở Biển Đông khi đưa các chiến hạm đến tuần tra sát đảo nhân tạo của Trung
cộng. Nhưng hành động này đã không ngăn được Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp và quân
sự hóa các đảo.
Những tuyên bố
nói trên của ông Tillerson hàm ý là Hoa Kỳ có thể sẽ dùng đến sức mạnh quân sự
để ngăn cản Trung cộng tiếp cận các đảo nhân tạo. Cho nên, theo New York Times,
các nhà phân tích ở Trung cộng đã có phản ứng khác nhau.
Một đại tá về
hưu và nay là chuyên gia quân sự cho rằng đó là một tín hiệu báo trước rằng tổng
thống Trump sẽ có lập trường cứng rắn với Trung cộng. Vị chuyên gia này khẳng định
rằng khả năng chiến đấu của Trung cộng nay “cao hơn của Mỹ” nếu
xảy ra chiến tranh giữa hai nước.
Nhưng các chuyên
gia về Biển Đông của Trung cộng được New York Times trích dẫn thì đặt vấn đề về
tính hợp pháp của việc ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo.
Êkíp chuyển tiếp của tổng thống tân cử Donald Trump
đã không trả lời các yêu cầu của báo chí đòi giải thích thêm về các tuyên bố của
ông Tillerson và cũng không nói rõ là những tuyên bố đó có thể hiện chính sách
của chính quyền Trump hay không.
Hiện cũng không rõ là thái độ cứng rắn của ông
Tillerson trên vấn đề Biển Đông có liên quan gì đến kinh nghiệm của ông ở vùng
này vào thời ông là lãnh đạo tập đoàn dầu khí Exxon Mobil hay không. Vào năm
2009, Exxon Mobil đã ký một hiệp định khai thác dầu khí ở Biển Đông với tập
đoàn PetroVietnam. Sau này, người ta được biết là hiệp định đó đã được ký kết một
cách lặng lẽ, vì nơi khai thác dầu khí nằm ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa
Việt Nam với Trung cộng.
Như vậy, sau cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan
Thái Anh Văn, sau những lời đe dọa đánh thuế nặng hàng nhập khẩu Trung cộng, những
tuyên bố của ông Tillerson về Biển Đông phải chăng báo hiệu những thay đổi căn
bản trong chính sách của Mỹ đối với Trung cộng, chính sách mà từ thời Nixon cho
đến nay vẫn được duy trì tương đối ổn định, dù đó là chính quyền Dân Chủ hay Cộng
hòa?