18.02.2017

Khó Khăn trong Kinh Doanh tại Việt Nam (18.02.2017)

Khó Khăn trong Kinh Doanh tại Việt Nam


Tự do, bình đẳng trong kinh doanh tại Việt Nam chỉ là khẩu hiệu
Thanh niên và sinh viên tại một văn phòng hỗ trợ tìm việc làm. (Hình: 24h.com.vn)

Những hứa hẹn, cam kết về cải tổ chính sách để thúc giục tư nhân mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của chính quyền Việt Nam vừa bị Bộ Công Thương vô hiệu hóa.

Bộ này vừa công bố dự thảo của một nghị định, trong đó qui định 20 lĩnh vực mà chỉ doanh nghiệp nhà nước mới có quyền sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ.


Hai mươi lĩnh vực này là:

Sản xuất và cung cấp dịch vụ phục vụ quốc phòng, an ninh.
Sản xuất, mua bán, xuất – nhập cảng vật liệu nổ công nghiệp.
Sản xuất vàng miếng. 
Xuất – nhập cảng vàng nguyên liệu.
Phát hành vé số.
Nhập cảng thuốc lá.
Dự trữ quốc gia. In, đúc tiền. 
Phát hành tem.
Sản xuất, mua bán, xuất – nhập cảng, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan.
Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân.
Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng. 
Quản lý, vận hành, khai thác các đài thông tin duyên hải.
Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm – cứu nạn.
Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển.
Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng.
Xuất bản, cung ứng dịch vụ công ích trong phát hành báo.
Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng.

Dự thảo nghị định vừa kể đã khiến các chuyên gia và doanh nhân chưng hửng. Họ xem dự thảo nghị định này là sự phủ nhận những hứa hẹn, cam kết sẽ thúc đẩy bình đẳng và tự do kinh doanh.

Trong khi Bộ Công Thương khăng khăng khẳng định, dự thảo nghị định qui định về những lĩnh vực mà chỉ doanh nghiệp nhà nước mới có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ là nhằm cụ thể hóa các quy định hiện hành liên quan đến thương mại và các cam kết quốc tế thì nhiều chuyên gia khẳng định ngược lại rằng dự thảo vừa vi hiến, vừa vi luật.

Ông Trần Du Lịch, một cựu đại biểu của Quốc hội Việt Nam, nhấn mạnh, dự thảo nghị định vừa kể trái với tinh thần Hiến pháp mới được thông qua năm 2013. Theo đó, công dân có quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực luật không cấm. Nghị định là văn bản dưới luật nên không tùy tiện đặt định cấm sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo lời ông Lịch thì dự thảo nghị định mà Bộ Công Thương mới đệ trình Thủ tướng Việt Nam còn vi phạm một số luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Luật Đầu tư đã xác định rõ ràng về điều kiện để hoạt động trong những lĩnh vực liên quan tới bảo vệ an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, trật tự xã hội… Nghị định không thể tùy tiện cấm hoặc gây thêm khó khăn.

Tương tự, Luật Doanh nghiệp từng khẳng định sẽ bảo vệ sự bình đẳng, không phân biệt các thành phần kinh tế song nội dung dự thảo nghị định vừa kể lại vi phạm tinh thần này.
Bộ Công Thương của chính quyền Việt Nam còn chống chế rằng, 20 lĩnh vực được đề cập trong dự thảo nghị định mà họ soạn đều đang là những lĩnh vực mà trước nay, các doanh nghiệp nhà nước vẫn độc quyền nhưng ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, không tán thành. Ông Tuấn dẫn một qui định trong Luật Thương mại, theo đó, độc quyền dành cho doanh nghiệp nhà nước là độc quyền “có thời hạn” chứ không phải không xác định thời hạn như dự thảo nghị định mà Bộ Công Thương vừa công bố.

Khi trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, lưu ý, dự thảo nghị định qui định về những lĩnh vực mà chỉ doanh nghiệp nhà nước mới có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ là một nỗ lực ngược trào lưu. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố sẽ tự do hóa khu vực dịch vụ công, mở rộng mọi cửa cho tư nhân tham gia. Thay vì tham gia thuyết phục tư nhân, Bộ Công Thương lại dùng dự thảo nghị định vừa kể để gieo bất an cho giới này. (G.Đ)


Thuyết phục tư nhân đầu tư là thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam

Đó là nhận định của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (DEPOCEN) trong Báo cáo về Kinh tế Việt Nam 2017.
Kiểm tra hàng đan lát để xuất cảng. Việt Nam hiện có hàng trăm ngàn doanh nghiệp mà qui mô thuộc loại siêu nhỏ, rất dễ bị tổn thương. (Hình: Báo Công Thương)

Trong bối cảnh ngân sách thiếu hụt, đầu tư ngoại quốc suy giảm, không còn được hưởng ưu đãi khi vay ODA, vốn của khu vực tư nhân sẽ trở thành hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Tuy Quốc hội Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm nay là 6,7%, giữ lạm phát ở mức 4% nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, mức độ tăng trưởng GDP của kinh tế Việt Nam trong năm nay chỉ có thể đạt tỉ lệ 6,3% và lạm phát có thể lên tới 4,5% vì nhiều lý do: Giá cả trên thị trường thế giới gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, giá thực phẩm tại Việt Nam tăng do ảnh hưởng của thiên tai,…

DEPOCEN khuyến cáo chính phủ Việt Nam không nên chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội Việt Nam đã đề ra. Thay vào đó nên dành ưu tiên cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn. Thuyết phục khu vực tư nhân gia tăng đầu tư được nhấn mạnh là “vô cùng cần thiết”.

Tháng trước, khi được hỏi về viễn cảnh của kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận định, năm năm qua đã khó song năm năm tới còn khó hơn!

Trong một cuộc trao đổi với tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Thiên nhấn mạnh, phải thay đổi cách nhìn về phát triển, không nên bận tâm đến tỷ lệ tăng trưởng GDP là bao nhiêu phần trăm nữa mà phải dồn sức tái cơ cấu nền kinh tế, gia tăng nội lực để có thể đứng vững khi hội nhập càng lúc càng sâu, càng rộng.

Ông Thiên không đồng tình với ý tưởng tái cơ cấu nền kinh tế để “tháo gỡ khó khăn” vì chỉ “tháo gỡ” thì không giải quyết được vấn đề. Thực chất của tái cơ cấu nền kinh tế là thay đổi mô hình tăng trưởng thành ra nếu chỉ “tháo gỡ khó khăn” sẽ chẳng làm được gì.

Ông Thiên lập lại hai vấn nạn mà rất nhiều chuyên gia đã khuyến cáo.

Vấn nạn thứ nhất là tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long. Nước ngọt giảm dần, nước biển càng ngày càng lấn sâu vào đất liền có thể phá vỡ toàn bộ cấu trúc ở đồng bằng sông Cửu Long. Đó không phải là thiên tai đơn thuần mà là vấn nạn càng ngày càng lớn. Vấn nạn này tác động đến cả kinh tế lẫn xã hội. Ông Thiên lưu ý, ở miền Bắc hay miền Trung, đói khổ đến đâu thì người ta cũng ráng chịu để trụ lại nhưng ở miền Nam, đói khổ có thể sẽ khiến cả làng bỏ xứ… Do vậy, tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long đòi phải suy tính về điều kiện, cách thức phát triển của cả một khu vực lâu nay vốn rất trù phú.

Vấn nạn thứ hai là qui mô doanh nghiệp Việt Nam càng ngày càng nhỏ và yếu. Năm ngoái, có khoảng 110.000 doanh nghiệp ra đời nhưng lại có 64.000 doanh nghiệp phá sản. Tại Việt Nam, hiện có 70% doanh nghiệp vận hành theo dạng gia đình, mục tiêu chỉ nhằm kiếm sống chứ không phải làm giàu. Lẽ ra khi qui mô càng nhỏ – ông Thiên ví von là “li ti như cám” – thì doanh nghiệp phải liên kết với nhau theo chuỗi để mạnh dần nhưng ông Thiên than rằng “doanh nghiệp của chúng ta thì không”.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam liên tục lập đi lập lại rằng, “nếu không lựa chọn một phương thức phát triển khác”, Việt Nam sẽ tiếp tục thụt lùi. (G.Đ)


Người Việt