27.02.2017

Kiến tạo xã hội với những gánh hành rong

„…nó không chỉ là kế sinh nhai của hàng triệu người nghèo mà nó còn là một nét đẹp văn hoá riêng biệt của người Việt.“

Kiến tạo xã hội với những gánh hành rong

Một chị phụ nữ với gánh hàng rong. Nguồn: Trịnh Kim Tiến/ internet

Hàng rong, dẹp hay giữ là một chủ đề khó trong quá trình kiến tạo xã hội ở Việt Nam. Bởi nó không chỉ là kế sinh nhai của hàng triệu người nghèo mà nó còn là một nét đẹp văn hoá riêng biệt của người Việt.


Tôi mê mệt những gánh hàng rong từ khi còn bé xíu, thế hệ trước tôi và chính tôi đã được nuôi lớn nhờ những gánh hàng đơn sơ ấy. Tôi từng bực lắm khi thấy cảnh dân phòng và công an kéo lê những quẩy hàng trên phố, từng chửi thề khi thấy những người đàn bà khốn khổ sấp ngửa chạy hàng và đau khổ cầu xin, giành giật từng quả cam, cái ghế. Họ bị xua đuổi, đối xử như những con ghẻ của xã hội vì chính sách công muốn hướng đến sự hiện đại và người ta cho rằng những gánh hàng ấy là hiện thân của sự nghèo nàn, lạc hậu và nhếch nhác.

Ghiền hàng rong nhưng tôi cũng thích sống trong một môi trường tiện nghi và sạch sẽ. Mơ ước được như Singapore là một mơ ước chính đáng của người Việt. Là con người ai mà không muốn được sinh sống ở một xứ sở xanh sạch và an toàn? Tôi có được quyền tham lam, đòi hỏi cả 2 điều ấy?
Nhân việc ông phó Chủ tịch quận 1 muốn giải tỏa trắng vỉa hè và đọc được những quan điểm khác nhau về sự kiện, tôi lại nghĩ về sự tham lam trong mong muốn của mình và chính sách cấm hàng rong của nhà nước.

Đứng ở những vị trí khác nhau chúng ta có những góc nhìn khác nhau và dĩ nhiên những gì tôi đang viết cũng chỉ là quan điểm chủ quan của cá nhân mình.

Tôi cho rằng xã hội Việt Nam bê bối và lộn xộn như hôm nay là nguyên nhân chính là do chính thể, chính sách sai và những kẻ nắm quyền nhưng lạm quyền. Khi những người điều hành không có đủ khả năng nhưng lại thừa sự bạo ngược thì điều hiển nhiên là đất nước đó sẽ ngày càng thụt lùi so với thế giới thay vì phát triển. Giáo dục xã hội sai lệch dẫn đến ý thức sống của nhiều thế hệ bị xuống cấp nghiêm trọng. Việc nhìn vào những bê bối trước mắt để cho rằng những gánh hàng rong là nguyên nhân gây nên sự bẩn thỉu và phức tạp trên đường phố là một cái nhìn thiển cận. Trong xã hội cũ, dù nghèo nàn và lạc hậu nhưng việc buôn bán hàng rong không hề gây ra sự chướng mắt như quang cảnh trên đường phố của xã hội sau đổi mới hôm nay.

Nếu như bên Thái họ thu hút thế giới với những sạp hàng lung linh trên hè phố thì Việt Nam có hình ảnh người đàn bà nhẹ nhàng với những gánh hàng rong nặng trĩu. Không chỉ từng tạo dựng tương lai của nhiều thế hệ người Việt, hai chiếc sọt, một đòn gánh, vài chiếc mẹt và ghế nhựa tạo nên một nét đặc sắc riêng biệt trong văn hoá sống của người Việt.

Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để kiến tạo lên một nơi chốn đáng sống mà “public spaces”, một quyển sách nổi tiếng trong giới kiến trúc đô thị đề cập chính là “hồn” của nơi chốn đó. Tôi cho rằng cần giữ lại những gánh hàng rong trong công cuộc kiến tạo đất nước thay vì cấm bỏ nó hoàn toàn bởi nó là một phần của “hồn” Việt. Trong đầu nảy sinh ra những ý tưởng điên rồ, tôi hỏi mình, liệu chúng ta có thể tạo ra những con phố chỉ bán hàng rong như những con phố đi bộ chúng ta từng tạo để thu hút du lịch hay không?

Để xây dựng được một xã hội trật tự ngăn nắp như người ta mà không phải dẹp bỏ những giá trị văn hoá xưa cũ thật sự khó trong bối cảnh xã hội hiện nay nhưng không phải là không thể. Chúng ta có một bề dầy lịch sử thăng trầm, những dấu ấn rất riêng biệt. Chúng ta có địa thế, có tài nguyên, có nhân lực nhưng lại không thể kiến tạo một không gian đáng sống như Singapore?

Chúng ta hoàn toàn có thể và còn có thể làm tốt hơn, nhưng phải xác quyết rằng việc kiến tạo đất nước đòi hỏi nhiều chủ thể phải tham gia đóng góp, từ ý kiến cho đến chuyên môn và trách nhiệm chứ không chỉ riêng một thành phần nào trong xã hội. Và trách nhiệm cao nhất trong việc không thể kiến thiết Quốc gia phải thuộc về những người cầm quyền. Nếu họ vẫn vì quyền lợi riêng mà bỏ lơ cái chung. Trong khi phác ra đủ các dự án, đề xuất, họ vẫn tiếp tục cho phép những cơ sở trông giữ xe chiếm dụng vỉa hè, vẫn nhận tiền để những biển quảng cáo khổng lồ ngốn hết mặt tiền hè phố, cố vơ vét bằng quyền lực trong tay, không phân bổ cơ sở hạ tầng giao thông hợp lý, hăm hở bòn rút từ những công trình công và chỉ chăm chăm đuổi dẹp những gánh hàng rong nhỏ bé không có tiền “làm luật” thì chúng ta không nên hoang tưởng về một xã hội trật tự và ổn định rồi ngẩn ngơ trong sự thất vọng.

Đọc thêm: