24.03.2017

Phật Giáo Hòa Hảo

Phật Giáo Hòa Hảo

Những giáo hội không theo Nhà nước bị bách hại
Hòa Ái (RFA)
Tuyệt thực phản đối lệnh cấm tổ chức lễ kỷ niệm Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt lần thứ 70.  Photo: fb ông Lê Quang Hiển

Các phái quyết giữ giáo lý chánh truyền của hai giáo hội gồm Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài tiếp tục cáo giác nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu, cấm đoán các sinh hoạt tôn giáo của họ cũng như chiếm đoạt tài sản của giáo hội.


Ngày Đức Huỳnh Phú Sổ, người khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo tại Việt Nam, “vắng mặt” vẫn luôn được các tín đồ theo đạo giáo này tổ chức kỷ niệm hàng năm. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, không theo phái Nhà nước lập nên, cho biết vào ngày lễ Đức Thầy vắng mặt 25 tháng 2 âm lịch mỗi năm, chính quyền huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang luôn thông báo hạn chế số người đến địa phương tham dự lễ. Riêng dịp lễ lần thứ 70, nhằm ngày 22 tháng 3 dương lịch năm 2017, chính quyền địa phương ra lệnh miệng cấm không cho tổ chức và ông Hà Văn Duy Hồ, Hội trưởng tỉnh An Giang kiêm Trưởng Ban Tổ chức cuộc lễ, không được ra khỏi nhà trong những ngày này.

Ông Lê Quang Hiển, Chánh Thư ký Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy, đồng thời là Tổng Thư ký Hội đồng Liên tôn Việt Nam, nói với RFA chi tiết của thông báo:

“Trước ngày lễ 10 ngày thì một người tự xưng là Đại úy Việt, an ninh của Công an tỉnh An Giang, lại nói rằng đây là lệnh trên đưa xuống không cho Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy tổ chức lễ Đức Huỳnh Giáo chủ vắng mặt. Vào ngày 18/3, ông Hà Văn Duy Hồ bị chính quyền xã Nhơn Mỹ và chính quyền huyện Chợ Mới mời đến trụ sở để làm việc và ra lệnh cho ông Hồ không được tổ chức, nếu ông Hồ trái lệnh thì sẽ có biện pháp.”

Ông Lê Quang Hiển cho biết thêm, trước lệnh cấm không bằng văn bản đó, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đồng loạt phản đối bằng hình thức tọa kháng tại nhà, tay cầm biển ghi dòng chữ “Tuyệt thực phản đối Cộng sản Việt Nam phá hoại cuộc lễ Đức thầy vắng mặt”. Bên cạnh đó, một số trị sự viên làm lễ kỷ niệm tại tư gia đã bị chính quyền vào đến tận trong sân để giựt các băng-rôn được treo trong lúc cúng bái.

Đài Á Châu Tự Do còn nhận được video ghi lại cuộc đối thoại của bà cụ Trần Thị Xinh, 86 tuổi, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đang cùng người thân trên đường đi đến huyện Chợ Mới trong ngày 21 tháng 3 để dự lễ, bị an ninh mặc thường phục cản trở và hành hung:

“- Chìa khóa của tôi ở trên xe, bị giựt nè, không có sao?
- Ai giựt của mày?
- Không giựt sao liệng lại? Chú nói chuyện cho đàng hoàng. Không phải ỷ làm việc mà nói chuyện với dân rồi chửi thề…
- Ở đây không có ai làm việc hết
- Không làm việc thì ăn cướp hả?
- Ừ, ăn cướp luôn đó. Rồi sao?
- Đất nước Việt Nam này không còn luật pháp nữa rồi.”

Vừa rồi là một số thông tin liên quan lễ Đức Huỳnh Phú Sổ vắng mặt lần thứ 70 bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm tổ chức.

Song song với sự kiện này, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận Thánh thất Cao Đài, tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp bị cưỡng chế.
Chánh Trị sự Dương Ngọc Rể cho biết ông được chính quyền địa phương của ba cấp xã, huyện và tỉnh mời làm việc hai lần, vào ngày 16 và ngày 19 tháng 3, để bàn thảo hợp thức hóa theo Hội đồng Chưởng quản của Giáo hội Cao Đài do Nhà nước quản lý. Ông Dương Ngọc Rể lên tiếng từ chối yêu cầu của chính quyền địa phương và ông Rể khẳng định vẫn trung thành với Giáo hội Cao Đài chân truyền ra đời từ năm 1926.

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20 tháng 3, ông Dượng Ngọc Rể cùng 2 thành viên trong Ban Trị sự chứng kiến cảnh tượng công an, an ninh mặc thường phục lẫn sắc phục kéo đến Thánh thất Cao Đài, được xây hồi năm 1952, dùng kiềm cắt 6 ổ khóa, tràn vô khiêng đồ đạc ra ngoài. Ông Rể kể lại với RFA:

“Tôi hỏi: ‘Nhà cửa của chúng tôi hợp pháp đàng hoàng, tại sao các ông cắt cửa vô? Quý vị làm như vậy là dùng quyền lực đàn áp dn’. Mình nói cứ nói. Họ làm cứ làm. Tôi đi ra trước cửa thánh thất và vọng chuông kêu lên ‘Ngọc hoàng Thượng đế ơi, ngó xuống mà coi bọn này vô đây cướp chùa!”

Vào hôm sau, ngày 21 tháng 3, một lực lượng hùng hậu, khoảng vài trăm người, mà ông Dương Ngọc Rể mô tả là “không thể đếm xuể, tràn vô như nước vỡ bờ” và đọc Huấn lệnh của Ban Chưởng quản rằng ông Nguyễn Văn Thạo, được chọn làm Chánh Trị sự tại thánh thất, thay thế ông Dương Ngọc Rể.

Những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài không theo phái do Nhà nước lập nên đều tuyên bố không khuất phục và đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, yêu cầu nhà nước không được can thiệp, cài cắm người vào giáo hội chánh truyền để lũng đoạn, tiếm quyền kiểm soát, thay đổi giáo lý mà những vị khai đạo truyền ban.


Tín Đồ PG Hòa Hảo Nam Cali kỷ niệm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt

SANTA ANA - Đã 70 năm từ khi biến cố ngày 16 tháng 4, 1947 xảy ra khiến Đức Huỳnh Phú Sổ, Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) không còn hiện hữu bằng xương bằng thịt với tín đồ, nhưng hàng triệu người theo đạo PGHH đến nay vẫn tin rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ chỉ vắng mặt và sẽ xuất hiện trong tương lai. Với niềm tin đó, “Vào khoảng thời gian này hàng năm, tín đồ PGHH khắp nơi trong nước cũng như hải ngoại đều tổ chức tưởng niệm ngày Đức Thầy xa vắng tín đồ và đồng cầu nguyện Ơn Trên, mong Đức Tôn Sư sớm trở lại dìu dắt chúng sanh qua cơn khổ nạn.” (Trích lời phát biểu của đồng đạo Phan Thanh Nhàn). 

Ông Ngô Văn Ẩn, Trưởng Ban Tổ Chức đọc diễn văn khai mạc buổi lễ kỷ niệm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt được tổ chức tại Hội Quán Ban Trị Sự PGHH, Santa Ana sáng Chủ Nhật. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Riêng tại miền Nam California, Ban Trị Sự PGHH đã tổ chức buổi lễ một cách long trọng tại Hội Quán Ban Trị Sự PGHH, 2114 W. McFadden, Santa Ana vào lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017.

Đến tham dự buổi lễ có Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Quyền Đầu Tộc Châu Đạo Cao Đài, Phó Nội Vụ Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ), Giám Sát Viên Andrew Đỗ, Thị Trưởng Trí Tạ, ông Lý Vĩnh Phong (đại diện Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal); BS. Võ Đình Hữu (Chủ Tịch CĐVN Liên Bang Hoa Kỳ), ông Bùi Phát (Phó Thị Trưởng Garden Grove, Chủ Tịch CĐNVQG Nam Cali) và phu nhân, ông Nguyễn Văn Lực (Chủ Tịch CĐVN San Diego), cựu Đại Tá Lê Bá Khiếu nguyên Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Ngãi; ông Trần Trọng Đạt (Chủ Tịch Đại Việt QDĐ), giáo sư Trần Văn Chi (nhân sĩ Phật Giáo) và đông đảo cơ quan truyền thông cùng các tín đồ PGHH.


Sau nghi thức chào cờ, MC Mai Chân giới thiệu ông Ngô Văn Ẩn, Trưởng Ban Tổ Chức buổi lễ. Thay mặt Ban Trị Sự Giáo Hội PGHH miền Nam California và nhân danh Trưởng Ban Tổ Chức, ông Ngô Văn Ẩn chào mừng, cảm tạ quý quan khách, qúy đồng đạo hiện diện trong buổi lễ. 

Các vị chức sắc PGHH cử hành nghi thức tôn giáo PGHH. Ba vị dân cử đứng đằng sau từ bên phải là Giám Sát Viên Andrew Đỗ (Quận Cam), Thị Trưởng Tạ Đức Trí (Westminster), Phó Thị Trưởng Bùi Phát (Garden Grove). (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Sau đó, ông nói, “Hằng năm vào ngày 25 tháng 2 Âm lịch, nơi nào có tín đồ PGHH cư ngụ, anh chị em đều tổ chức Lễ Kỷ Niệm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt. Hôm nay, dù xa cách quê hương ở nơi hải ngoại, nhưng với tinh thần thương Thầy mến Đạo, cùng hòa mình với tất cả tín đồ PGHH trên toàn thế giới, Ban Trị Sự Giáo Hội PGHH Miền Nam California, thành kính tổ chức Lễ Kỷ Niệm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng mặt, để tưởng nhớ đến công đức vô lượng của Ngài, đã dày công khai sáng nền đạo PGHH, hoằng hóa chúng sanh vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) tại làng Hòa Hảo, Quận Tân Châu tỉnh Châu Đốc.”

Ông Ngô Văn Ẩn sau đó nhắc lại sứ mạng của Đức Đức Huỳnh Giáo Chủ và kết luận, “Vì vậy cho nên toàn thể tín đồ PGHH đều có chung một đức tin, Đức Huỳnh Giáo Chủ sẽ trở về để dìu dắt chúng sanh và hoàn thành sứ mạng của Ngài, là đưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc, và đem nguồn sống mới cho nhân loại, để tiến lên cõi đại đồng,” và ông long trọng tuyên bố khai mạc buổi lễ. Sau đó nghi thức tôn giáo PGHH được cử hành trang nghiêm trước bàn thờ và bàn thờ ông Thiên phía ngoài Hội Quán.

Sau nghi thức tôn giáo, đồng đạo Phan Thanh Nhàn đến từ thành phố San Diego lên thuyết trình về “Ý Nghĩa Lễ Kỷ Niệm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt.” Ông Phan Thanh Nhàn đề cập chi tiết về biến cố ngày 16 tháng 4, 1947, trong đó có đoạn nói, “PGHH có khối tín đồ đông đảo, thực lực hùng hậu, tuyệt đối tin vào sự giáo hóa, soi sáng và dìu dắt của Đức Tôn Sư kính yêu, cho nên Cộng Sản đặc biệt nhắm vào để triệt hạ, chúng tin rằng loại được Ngài và khối tín đồ PGHH là Cộng Sản xóa bỏ được nỗi lo âu và chướng ngại lớn lao cho ý đồ, tham vọng khống chế, độc quyền lãnh đạo, thống trị đất nước của họ, đồng thời cũng là một sự cảnh cáo răn đe các nhóm, tổ chức, đảng phái đấu tranh còn lại không theo họ nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.

“Thế nên, sau khi cưỡng chiếm miền Nam tháng 4 năm 1975, Cộng sản thẳng tay đàn áp dã man PGHH như giải tán và chiếm đoạt toàn bộ hệ thống Trị Sự và cơ sở Giáo Hội từ trung ương đến địa phương, tịch thu kinh giảng giáo lý, ngăn cấm sinh hoạt giáo sự, cản trở tín đồ hành đạo, triệt để cấm tổ chức đại lễ 18 tháng 5 kỷ niệm Ngày Khai Đạo thiêng liêng trọng đại, nhứt là Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ bị ám hại 25-2 âm lịch.”

Cuối bài thuyết trình, ông Phan Thanh Nhàn kết luận, “Chúng tôi tin tưởng rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một Bồ Tát hóa thân, Ngài là một Bồ Tát ở một thế giới có một mức độ tâm linh cao hơn thế giới này. Vì thương Việt Nam, Ngài đã giáng sinh là Huỳnh Phú Sổ tại làng Hòa Hảo vào năm 1920, vì duyên nghiệp đến vào năm 1947. Ngài phải xa vắng tín đồ trong một thời gian dài và với lòng yêu thương Việt Nam một cách tràn đầy,với hạnh nguyện cứu khổ vĩ đại, Ngài đã trở về, hóa hiện làm người Việt Nam và hiện Ngài vẫn còn sống và thầm lặng thi hành hạnh Bồ Tát nhập thế cứu đời dưới một hình thức nào đó, như Ngài dạy: Học câu hỷ xả đại từ/ Noi gương nghĩa sĩ dạ tư chớ gần/ Bôn Nam tẩu Bắc tảo tần/ Chúng sanh ráng nhớ thì gần cùng Ta.”
Chương trình được tiếp nối với phần diễn ngâm của cô Nguyễn Kim khiến nhiều đồng đạo không nén được xúc động nỗi lòng thương Thầy mến Đạo.

Tiếp tục chương trình, Ban tổ chức mời Giáo sư Trần Văn Chi, GSV Andrew Đỗ, Thị Trưởng Trí Tạ, ông Phát Bùi và ông Lý Vĩnh Phong lên phát biểu cảm tưởng. Trong đó, GS Trần Văn Chi, một nhân sĩ Phật Giáo, ông sống gần gũi với đồng bào miền Tây, có nhiều kinh nghiệm.

Giáo sư đã đưa ra nhận xét rằng, PGHH là một tôn giáo quần chúng vì rất gần gũi với đời sống người dân. Những lời dạy và thơ văn của đức thầy có âm điệu như những giọng hò, tiếng hát, lời ru của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cách thờ phượng và ăn mặc cũng đơn giản, mộc mạc nên được hàng triệu người dân miền Tây tin theo chỉ trong thời gian rất ngắn.

Chương trình được tiếp nối với phần biểu diễn võ thuật do các em thuộc võ đường Thiếu Lâm Thất Sơn Võ Đạo.

Buổi lễ kết thúc bằng lời cảm tạ của GS Nguyễn Thanh Giàu, và mọi người được mời dùng cơm chay thân mật do Đoàn Phụ Nữ PGHH khoản đãi.

Muốn biết thêm về PGHH xin vào trang Web: http://hoahao.org hoặc: http://tuoitrephatgiao-hoahao.com. 
Liên lạc với PGHH qua email: hoahao@hoahao.org.

Thanh Phong (Viễn Đông)