02.03.2017

Quốc Tế và Nhân Quyền Việt Nam

Quốc Tế và Nhân Quyền Việt Nam

EU ép Việt Nam cải thiện nhân quyền trước FTA
Nông dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài phiên tòa xét xử nhà hoạt động Cấn Thị Thêu ở Hà Nội, 20/9/2016.

Việt Nam đang chịu sức ép từ các nhà lập pháp châu Âu về cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi thỏa thuận thương mại tự do với Liên hiệp Âu châu (EU) được phê chuẩn. Chính phủ cộng sản rất coi trọng thỏa thuận này sau khi hỏng một thỏa thuận lớn do Mỹ đứng đầu.


Các thành viên Nghị viện châu Âu hồi cuối tháng 2 bày tỏ quan ngại về Việt Nam khi Tiểu ban nhân quyền của họ đến thăm quốc gia Đông Nam Á. Tiểu ban khuyến nghị cần có thêm tranh luận ở Việt Nam về quyền chính trị cũng như tự do ngôn luận và tôn giáo.

Châu Âu quan ngại về nhân quyền ở Việt Nam

Vị chủ tịch tiểu ban nói ở Hà Nội rằng nếu không đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt của châu Âu về nhân quyền, việc phê chuẩn hiệp định thương mại sẽ khó khăn. Chính phủ Việt Nam chưa hồi đáp trực tiếp về phát biểu này.

Ông Frederick Burke, luật sư của công ty luật đa quốc gia Baker & McKenzie tại thành phố Sài Gòn, nhận xét: "Họ có một việc rất khó khăn trước mắt là phải đi qua 27 quốc hội mới biết có được phê chuẩn gì không. Để được tất cả những nơi đó phê duyệt là cả một thách thức".

Liên hiệp châu Âu muốn có thỏa thuận thương mại với Việt Nam để các công ty của họ có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu dùng ngày càng giàu có hơn với khoảng 93 triệu dân. Hiệp định này cũng nhắm đến một mục tiêu là cuối cùng sẽ có thỏa thuận thương mại tự do giữa EU với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam muốn có thỏa thuận này, với tư cách là một quốc gia dựa vào xuất khẩu đang phát triển và mong muốn đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào Trung cộng, vốn là một đối thủ chính trị lâu đời.

TPP chết vào thời chính quyền ông Trump

Việt Nam từng là một thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về lý thuyết, hiệp định sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trên thực tế, hiệp định đã “chết” sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra hồi tháng Giêng.

Thương mại EU-Việt Nam đạt khoảng 40,1 tỷ đôla mỗi năm. Việt Nam đánh giá Liên hiệp châu Âu, một thị trường có khoảng 500 triệu dân, là đối tác thương mại thứ 3 của mình sau Trung cộng và Hoa Kỳ.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích Tư vấn và Đầu tư Khách hàng tại Ủy ban Chứng khoán SSI tại Hà Nội, cho biết: "Nếu hiệp định được phê duyệt sớm, sẽ tốt hơn nhiều. Càng sớm càng tốt đối với Việt Nam".

Hiệp định tự do thương mại với châu Âu giúp cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam

Bà Phương nói: "Chắc sẽ không có vấn đề gì vì hiệp định đã được ký kết. Tôi nghĩ rằng mọi người kỳ vọng vào TPP nhiều nhất, nhưng vì TPP đã không được hiện thực hóa, FTA này sẽ có ích. Đối với các ngành như dệt may, chúng tôi xuất khẩu sang châu Âu rất nhiều".

Thỏa thuận này sẽ cắt giảm hầu hết các loại thuế nhập khẩu trong vòng 7 năm và mở cửa của Việt Nam cho các dịch vụ của châu Âu như y tế, đóng gói và tổ chức triển lãm.

Gần một năm trước chuyến thăm Việt Nam của tiểu ban nghị viện, tổ chức Pháp có tên Phong trào Thế giới vì Nhân quyền đã cáo buộc Liên hiệp châu Âu không tiến hành nghiên cứu về tác động đối với nhân quyền.

Có đòi hỏi mạnh mẽ về nhân quyền nhưng từ ngữ không quyết liệt bằng TPP

Trưởng đoàn đàm phán châu Âu Mauro Petriccione cho biết trong một tuyên bố hồi năm ngoái là FTA giữa EU và Việt Nam bao gồm "các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ các quyền cơ bản của con người tại nơi làm việc, nhân quyền của họ trên bình diện rộng hơn, và môi trường".

Nhưng ông Burke nói từ ngữ trong hiệp định của châu Âu không quyết liệt bằng nội dung tương ứng trong TPP.

TPP đòi hỏi về những thay đổi trong luật lao động Việt Nam theo hướng có lợi cho công đoàn nhằm chấm dứt bóc lột lao động, và buộc ngành công nghiệp nặng trả tiền bồi thường nếu việc kiểm soát ô nhiễm kém cỏi gây ra tác động đến thương mại, kèm theo là những kẻ vi phạm phải đối mặt với mức thuế bổ sung.

Ông nói: "FTA EU đã không được soạn thảo rõ ràng như TPP. Bản thân từ ngữ không có ép buộc thực thi như TPP. Nó dựa nhiều hơn vào thiện chí và những người mong muốn thực hiện các việc".



Dân biểu Mỹ thúc đẩy nhân quyền Việt Nam
Dân Biểu Alan Lowenthal phát biểu trong một lần vận động cho nhân quyền Việt Nam. Ảnh minh họa.  RFA

Sáu dân biểu Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 3 cùng ký vào bức thư gửi cho bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, thúc giục Mỹ gây sức ép buộc Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền.

Bức thư viết ‘trong hơn 4 thập niên qua kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc và gần 22 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, Việt Nam vẫn là một nước do một đảng cộng sản lãnh đạo và gần như không chấp nhận những ý kiến trái chiều’.

Trong bức thư, các dân biểu nêu tên 3 nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Việt Nam đang bị cầm tù và quản chế là mục sư Lutheran Nguyễn Công Chính, hòa thượng Thích Quảng Độ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.

Bức thư cũng nói đến thảm họa ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây nên kể từ tháng tư năm ngoái ở Việt Nam và sự chậm trễ của chính phủ Hà Nội trong ứng phó, giải quyết thảm họa. Trong khi đó nhà nước lại ra tay đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Formosa.

Các dân biểu ký tên yêu cầu ngoại trưởng Rex Tillerson phải thúc giục Việt Nam tôn trọng các quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, biểu đạt ý kiến và tự do lập hội. Ngoài ra các dân biểu cũng yêu cầu phía chính phủ Hà Nội phải ngay lập tức thả các tù nhân lương tâm. Theo các dân biểu Hoa Kỳ, đây là những bước cần thiết để Việt Nam có thể tìm kiếm mối quan hệ kinh tế và chiến lược tốt hơn với Hoa Kỳ.

Sáu dân biểu ký tên gồm Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Christopher Smith, Gerald Connolly, Ro Khanna, và Luis Correa.


Tin VOA, RFA