16.06.2017

Công An và Tù Nhân tại Việt Nam

Chuyện Công An và Tù Nhân tại Việt Nam


Thêm 1 người treo cổ trong đồn công an


Thêm một trường hợp bị công an thông báo tự tử bằng cách dùng dây thun quần thắt cổ ở đồn công an. Ông Ngô Chí Tâm (SN 1977, ngụ đường số 13, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) được công an đến nhà để yêu cầu về trụ sở Công an P.Tam Bình, Q.Thủ Đức để làm việc. Sáng hôm sau, gia đình được công an thông báo nạn nhân đã tử vong.


Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức xác nhận tin này vào sáng ngày 14 tháng 6.

Khi gia đình ông Tâm đến bệnh viện thì ông Tâm đã tử vong.

Ngô Từ Cẩm Tú - con gái của nạn nhân cho biết, khoảng 20h tối ngày 13/6, khi ba em đang ở nhà, phụ mẹ giặt quần áo thì có công an phường Tam Bình đến mời lên Trụ sở Công an phường làm việc. Công an mời nhưng chẳng có giấy mời hay bất cứ lệnh gì cả.

Đến khoảng 7h30 phút sáng ngày 14/6/2017 thì gia đình được công an xuống mời lên phường. Tại đây, công an thông báo cho biết ba em đã chết.
Phía công an nói rằng ba em “thắt cổ tự tử bằng giây thun luồn quần”. Và lúc đó ở trụ sở công an “không có ai trực nên không phát hiện kịp thời”.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Văn Lâu, cha của nạn nhân, cho hay ông được mời đến nhận mặt con trước khi pháp y mổ và: “Lúc đó, tôi thấy mắt con tôi tụ máu, có chảy máu miệng và mặt sưng.”

Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn, trưởng công an quận Thủ Đức, chỉ cho biết, “Đã nhận được thông tin về vụ việc. Hiện công an Sài Gòn đang điều tra nên công an quận Thủ Đức chưa thể cung cấp thông tin gì thêm.”



Đổi tội danh Nguyễn Văn Hóa thành vi phạm điều 88 BLHS
Anh Nguyễn Văn Hóa.  Courtesy photo

Thanh niên làm truyền thông tự do về thảm họa môi trường Formosa cùng những hoạt động liên quan, Nguyễn Văn Hóa, bị chuyển tội danh từ ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, công dân…’ theo điều 258 sang tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ thành điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Luật sư Hà Huy Sơn, người theo dõi vụ việc của anh Nguyễn Văn Hóa và được gia đình anh này mời bào chữa cho biết:

“Theo thông báo của cơ quan an ninh điều tra Hà Tĩnh cho gia đình biết và rồi họ nói lại với tôi. Tôi chỉ biết chuyển sang điều 88 thôi chứ còn không biết gì hơn. Lý do hiện nay vẫn còn trong giai đoạn điều tra và tôi vẫn chưa được cấp giấy bào chữa cho Hóa, cũng như chưa được tiếp cận hồ sơ của Hóa.

Trong việc thay đổi tội danh thì gia đình có ý định mời tôi làm luật sư cho Hóa. Còn từ trong trại giam Hóa có nhờ luật sư hay không thì chưa biết.”

Anh Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, ở xã Kỳ Khang, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị bắt vào ngày 11 tháng giêng vừa qua khi đang đến tại tòa án thị xã Kỳ Anh.

Phía chính quyền cho phát một băng ghi hình anh này nhận tội tại nơi bị giam giữ; trong khi đó thân nhân cho rằng những hoạt động tường trình biểu tình cũng như đời sống của người dân chịu tác động bởi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên không có gì là vi phạm.


Gia hạn tạm giam blogger Mẹ Nấm
Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.  Courtesy photo

Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được biết đến qua biệt danh blogger Mẹ Nấm, bị gia hạn điều tra thêm và gia đình tiếp tục không được thăm gặp.

Bà Nguyễn thị Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm vào ngày 15 tháng 6 cho Đài Á Châu Tự do biết:

“Khi tôi lên Tòa án để xác nhận hồ sơ đã chuyển đến chưa vì ngày 2 tháng 6 nói chưa có, và ngày 4 tháng 6 tôi đến thì họ nói chuyển rồi theo lời của cô Trịnh Thị Biên, thư ký Tòa án. Tôi hỏi ngay lệnh gia hạn tạm giam sẽ thêm bao nhiêu ngày nữa. Cô ta trả lời 2 tháng 15 ngày. Tôi nộp ngay đơn xin được thăm gặp, và ngày 5 tháng 6 tôi đến trại tạm giam nhưng không được gặp dù theo qui định hết hạn điều tra thì được gặp; nhưng họ từ chối.
Hôm thứ hai đầu tuần (12 tháng 6) tôi lại lên Tòa án xin giấy hỏi ai giải quyết cho tôi việc thăm gặp. Họ lại cho tôi một văn bản nói đó là nơi tạm giam.

Thứ hai ngày 19 tháng 6 tôi sẽ đến trại tạm giam để xin được thăm gặp, gửi đồ nhưng không biết họ lại dùng lý do gì để từ chối nữa.”

Theo lời bà Nguyễn thị Tuyết Lan thì ngay hôm ngày 10 tháng 10 (năm ngoái) khi bị còng tay dẫn đi, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói với bà liên lạc luật sư Nguyễn Hà Luân, Văn Phòng Hưng Đạo Hà Nội bào chữa cho cô này. Ngày 12 tháng 10 bà đã làm bộ hồ sơ xin can thiệp ngay từ đó. Nhưng đến ngày 15 tháng 6, 2017 là  đúng 248 ngày, công an điều tra tỉnh Khánh Hòa không hề trả lời gì cả.

Bà Nguyễn thị Tuyết Lan cho biết tiếp trong ngày 6 tháng 6 bà biết Quỳnh từ trong trại giam có yêu cầu thêm luật sư Đoàn Phú Yên: Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn bào chữa cho cô, ngoài hai luật sư Nguyễn Hà Luân và Lê Văn Luân từ Hà Nội.

Bà cũng cho hay từ khi con gái bị bắt đến nay bà luôn bị theo dõi, chặn đường bởi lực lượng chức năng cũng như người mặc thường phục một cách vô cớ. Theo nhận định của bà thì lý do duy nhất chỉ vì bà là thân mẫu của blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Thông báo của cơ quan chức năng nói họ bắt giam và truy tố blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Trong khi đó bà Nguyễn thị Tuyết Lan và thân hữu cô này chứng minh cho thấy hoạt động của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là chống sự gây hấn, lấn chiếm của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; đấu tranh đòi hỏi quyền con người, môi trường sạch…



Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị chuyển trại
Anh Hoàng Đức Bình (phải) và Bạch Hồng Quyền (trái).  Hình: fb Bạch Hồng Quyền.

Anh Hoàng Bình, nhà hoạt động công nhân và môi trường, ở Nghệ An vừa bị chuyển ra Trại giam B14 ở Hà Nội trong tuần này.

Thông tin từ gia đình của anh Hoàng Bình vào ngày 15 tháng 6 cho biết như vừa nêu sau khi đến Trại tạm giam ở Nghệ An để thăm anh. Gia đình bị từ chối gửi vật phẩm cho anh Hoàng Bình nên gọi điện hỏi thăm luật sư được mời tham gia vụ việc là luật sư Hà Huy Sơn và được xác nhận về tin chuyển trại.

Nhà hoạt động Hoàng Bình tham gia nhóm xã hội dân sự độc lập Lao động Việt và trước khi bị bắt anh giúp những nạn nhân thảm họa môi trường Formosa trong việc khởi kiện đòi bồi thường, chấm dứt hoạt động. Ngoài ra anh này cũng tham gia công tác truyền thông các vấn đề xã hội tại địa phương và trong nước.


Tin RFA, VietBF