04.09.2017

Em ơi, khúc hát lưu vong - Trung Bảo

Em ơi, khúc hát lưu vong

Trung Bảo  
Thuyền nhân Việt Nam. Ảnh: internet

Tôi thường cầm lòng không đặng mỗi lần coi lại những thước phim vượt biên của người Việt mình. Những đôi mắt của trẻ thơ trên những chuyến tàu trôi nổi, nụ cười của mẹ cha khi ôm trên tay đứa con nhỏ lúc được tàu lớn cứu vớt hay vừa đến bến bờ, hay nỗi đau không lời của những sinh mạng đã bị vùi dưới biển sâu… thường khiến tôi cay sống mũi.


Kevin năm nay ngoài 40, làm y tá ở một bệnh viện của Mỹ, rất mê đồ điện tử và có thể nói anh đang có một cuộc sống sung túc tại quê hương mới của mình. Có một đêm khuya trên bãi biển Bắc Mỹ An (Đà Nẵng), trong khuôn viên một resort sang trọng và bên chai rượu ngon, anh mới chắp nối lại câu chuyện đi vượt biên của mình và gia đình. Khi đó anh chỉ mới 4 tuổi, đi cùng cả nhà, tàu đi vài ngày từ miền Nam thì gặp hải tặc Thái Lan.

Mấy bà cô lấy dầu máy bôi mặt đen thui khi thấy thuyền hải tặc, hồi đó mình có biết gì đâu nên cười miết. Bà cô hốt hết dây chuyền vàng kêu mình ngậm vô miệng. Tới khi thấy thằng hải tặc đen thui, ốm nhách làm mắc cười quá nhăn răng ra cười làm bụm dây chuyền rớt cái ‘bẹt’, may phước sao có người che nó không thấy”, bây giờ thì Kevin kể lại tôi nghe như một câu chuyện khôi hài, chúng tôi cười vang trong men rượu nhưng cỡ như tôi thì làm sao hình dung nổi sự hung hiểm của thời khắc sống chết đó.

Trong cuốn sách về thuyền nhân của một nữ tác giả – cũng từng là thuyền nhân, sống tại Úc, ước tính cứ trung bình một thuyền vượt biên đi về phía Nam thì bị hải tặc tấn công hai lần. Tác giả này cũng là nạn nhân của hải tặc, cô bị cưỡng hiếp nhiều lần trong chuyến đi của mình cho tới khi đến được đất liền.

Ở Little Saigon (California), có hẳn một hội gồm những người cha đi tìm con thất lạc trên đường đi vượt biên năm xưa. Hôm tôi trở lại Little Saigon, tôi đến gặp ông hội trưởng trò chuyện. Đúng hôm tôi tìm ông thì sáng đó có một người trong hội tìm được con trai mình sau khi thất lạc ở vùng biển Thái Lan 33 năm trước. Còn ông hội trưởng thì vẫn còn miệt mài đi tìm người con gái mình, được 13 tuổi khi bị hải tặc giằng ra khỏi tay ông. Ông nhớ mình bị đâm một dao vào lưng khi cố kéo lại đứa con gái của mình.

Suốt 36 năm, người đàn ông, nay đã là chủ của mấy đại lý phụ tùng xe hơi lớn, vẫn đi tìm người con của mình. Ông in hình, đăng báo, gửi lời nhắn khắp những vùng dọc bờ biển Thái Lan mà ông tin là con mình đang ở đó. Nỗi lòng của người cha và cả lời của những… thầy bói khiến ông tin rằng con mình vẫn còn sống đâu đó.

Ông Phong, ngoài 60 tuổi, nhưng khi nào cũng nghĩ mình mới 30. Không phải vì ông lạc quan tếu mà cuộc sống của ông mãi mãi dừng lại trên chuyến tàu của 30 năm trước. Ông là người Việt Nam tỵ nạn còn ở lại Philippines cùng một người nữa không đi vì quá giàu. Ông Phong sống trong một cơ sở nuôi người tâm thần do các masoeur quản lý. Chuyến tàu năm xưa của ông ra đi có 110 người nhưng đến bờ chỉ còn 52 người sống. Tàu bị hư máy trôi nổi trên biển và người ta ăn thịt nhau để sống sót.

Ông Phong chứng kiến cảnh em trai mình bị giết khi đang hấp hối cho người khác ăn, và cho chính ông ăn. Không một con tàu lớn nào đi ngang qua chịu cứu vớt vì cảnh địa ngục trên con tàu gỗ đó kinh hoàng hơn mọi sự tưởng tượng của con người. Đến được đất liền, ông phải trốn vào cơn điên suốt 30 năm để sống còn. Hỏi đến chuyến tàu năm xưa ông chỉ lắc đầu: “Sóng to gió lớn lắm, chuyện qua rồi, cầu cho tai qua nạn khỏi”. Chuyến tàu của ông được một đạo diễn Việt kiều dựng thành phim tài liệu có tên Bolinao 52.

Viết đến đây, tôi đọc lại, giật mình thấy mình viết đúng kiểu… báo chí quá. Trơn tuột, khô khan và rất… khách quan. Tôi đang kể lại những câu chuyện như đó là nỗi đau của ai ai chứ không phải của những người đồng bào với mình. Ngôn từ như bất lực không thể nào diễn tả nỗi những gì đã diễn ra trên những chuyến tàu lao ra biển bất chấp mạng sống năm xưa. Hoặc vì tôi dở quá.

Thỉnh thoảng, bên bàn rượu người bạn tôi hay cầm đàn hát nhỏ nhỏ những bài ca cũ. Tình cờ, bạn hát bài: “Bên em đang có ta” của nhạc sĩ Trúc Hồ. Tình cờ, tôi nhớ bài: “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Bạn tìm cùng tôi xem có bao nhiêu dân tộc trên trái đất này có những nhạc phẩm kể chuyện lưu vong như vậy giữa thời hiện đại?

“…lời cầu kinh đã có người nghe”, nhưng đâu phải ai đang sống ở tại Việt Nam cũng có thể nghe thấy những khúc hát lưu vong được cất lên từ 20 – 30 năm trước. Cho đến hôm nay, không phải ai từng đi vượt biên cũng muốn kể lại câu chuyện của mình. Cho đến hôm nay, câu chuyện vượt biên vẫn chưa được kể công khai trong nước. Nhưng nếu không được ghi lại thì đến ngày nào đó, người Việt có thể quên mất người Việt từng có những chuyến tàu lênh đênh. Có thể quên mất ánh mắt của những đứa trẻ Việt ngồi túm tụm trên sàn tàu, trên nền xi măng hay sau lưới rào của trại tỵ nạn. Có thể quên mất những năm tháng thảm kịch đầy máu và nước mắt Việt giữa biển khơi.


Đó, em hãy thử nghe những khúc hát lưu vong…

4-9-2017