'Tập Cận Bình của Việt Nam' sẽ đưa quan hệ Việt-Mỹ về đâu?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ 2 từ trái) bắt tay Tổng thống Barack Obama (thứ 2 từ phải) tại cuộc gặp mặt ở Nhà Trắng ở Washington hôm 7/7/2015. Có những thông tin ông Trọng sẽ tới thăm Nhà Trắng lần 2 trong nay mai.
Sau khi ‘nhất thể hóa’ hai chức danh cao nhất, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giờ đây đã trở thành Tập Cận Bình của Việt Nam. Tuy nhiên với một lãnh đạo ‘thân’ Trung Quốc như ông Trọng, đã xuất hiện những lo ngại liệu mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ ra sao trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đặt “nước Mỹ trên hết.”
Ông Trọng là tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ năm 2011 và chính thức kiêm nhiệm chức chủ tịch nước sau khi được gần 99,8% số phiếu thuận của Quốc hội nghị gật hôm 23/10.
Vị tân chủ tịch nhậm chức chỉ một tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Việt Nam lần 2 giữa những thông tin không chính thức về chuyến thăm của Chủ tịch Trọng tới Nhà Trắng trong nay mai.
Thân Bắc Kinh
Theo nhận định của các nhà quan sát chính trường Việt Nam, ông Trọng có nhiều mối quan hệ mật thiết với Bắc Kinh. Bản thân tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc cũng cho rằng ông Trọng là một nhân vật theo đuổi các chính sách thân Bắc Kinh nên Mỹ và các nước phương Tây lo ngại “các thành phần thân Trung Quốc có quan điểm trung hòa” sẽ chi phối chính sách đối ngoại Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, các chuyên gia mà VOA tiếp xúc nhận định rằng ông Trọng sẽ rất thận trọng trong việc cân bằng các mối quan hệ với hai siêu cường thế giới.
“Khó lòng mà một lực lượng chính trị nào ở tại Việt Nam mà lộ mặt rõ để (ngả) hẳn về phía Trung Quốc. Nếu họ ngả hẳn về phía Trung Quốc thì coi như bản án tử hình về mặt chính trị của họ. Có thể có một số thành phần nào đó trong Đảng muốn nhưng lòng dân Việt Nam đang hướng về thế giới (phương Tây),” theo Luật sư Vũ Đức Khanh, hiện đang là phó tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam.
“Không ai ở Việt Nam ủng hộ Trung Quốc,” giáo sư người Úc chuyên theo dõi về Việt Nam Carl Thayer nhận định.
Tư tưởng chống Trung Quốc tăng cao kể từ khi Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014 và sau đó là các hành động quân sự hóa trên biển Đông cũng như ép buộc Việt Nam trong các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi. Các cuộc biểu tình của người dân nổ ra trong năm qua đều để phản đối các chính sách có liên quan tới Trung Quốc.
Duy trì ổn định sẽ là ưu tiên hàng đầu của vị tân chủ tịch nước, theo nhận định của các chuyên gia.
“Ông ấy được cho là sẽ tiếp tục cân bằng các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ,” Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về châu Á của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết. “Ông ấy sẽ hướng về Trung Quốc vì thương mại và đầu tư và hướng về Washington vì sự ủng hộ về an ninh khi Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn trên Biển Đông.”
Trung Quốc vừa trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào tháng 2 năm nay nhưng tranh chấp trên Biển Đông giữa hai quốc gia chung đường biên giới lại ngày càng trở nên căng thẳng. Trong khi đó mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ phát triển mạnh mẽ hơn với những chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cao nhất của bộ quốc phòng hai nước. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng qua, Bộ trưởng Mattis đã tới thăm Việt Nam hai lần với lần gần đây nhất là vào 16-17/10.
Nhận định từ Singapore, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS lại cho rằng “xu hướng đối ngoại của ông Trọng không hẳn là thân Trung Quốc.”
“Trong những năm dưới nhiệm kỳ (tổng bí thư) của ông Trọng, rõ ràng Việt Nam ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc so với trước đây. Và song song với đó có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang xích dần hơn về phía Mỹ để đối trọng lại với áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông.”
Thăm Nhà Trắng
Ông Trọng trở thành vị tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tới thăm Nhà Trắng khi ông gặp mặt Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du Mỹ năm 2015.
Theo nguồn tin vận động hành lang của LS Khanh, ông Trọng có thể sẽ tới thăm Mỹ trong thời gian gần đây trên tư cách chủ tịch nước. Hiện chưa có thông tin chính thức nào từ cả hai chính phủ về chuyến thăm này.
Theo LS Khanh, nếu chuyến đi xảy ra, đây sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam thay đổi khi ông Trọng có cơ hội trực tiếp gặp gỡ Tổng thống Trump để bàn về việc tăng cường mối quan hệ với Mỹ trong nhiều mặt.
“Trải qua những đời tổng thống từ Cộng hòa tới Dân chủ thì chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vẫn trước sau như một, tức là muốn tiếp cận với Việt Nam và muốn giữ Việt Nam trong một chừng mực mà có thể bảo vệ được thế giới phương Tây.”
Chính phủ đầu tiên lên tiếng chúc mừng việc ông Trọng được bầu làm chủ tịch nước là Mỹ thông qua vị đại sứ của họ ở Hà Nội, Daniel Kritenbrink hôm 23/10. Trung Quốc là nước thứ hai gửi lời chúc mừng tới việc bổ nhiệm tân chủ tịch nước Việt Nam bằng một thông điệp từ Chủ tịch Tập chỉ vài giờ sau đó.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ tới Chủ tịch Trọng để tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ Đối tác toàn diện Mỹ-Việt,” Đại sứ Kritenbrink viết trong thông cáo chúc mừng ông Trọng.