11.03.2019

Căn bệnh tham danh!- Kim Triêu

CĂN BỆNH THAM DANH

Để có danh, rồi danh sẽ kèm với lợi, danh kèm với vọng, và danh sẽ tạo nên quyền, chức… không ít quan chức đã cố tình dối trên, lừa dưới, vẽ ra những thành tích ảo, rồi vơ vào đó là công lao của mình…
Sử sách bên Tàu từng ghi lại rằng, thời Ung Chính mới lên ngôi hoàng đế, quốc khố rỗng không, nạn quan lại tham nhũng, áp bức dân đã trở thành mối họa của quốc gia. Một trong những nguyên nhân để quốc khố hết tiền là quan lại từ triều đình tới các địa phương vay tiền, mua ruộng, xây  nhà, ăn chơi xa xỉ. Ung Chính quyết định thực hiện một chính sách cứng rắn là bắt quan lại vay tiền phải hoàn trả trong 2 năm. Và một địa phương ông lấy làm thí điểm là tỉnh Sơn Tây.

Một viên quan có tiếng là thanh liêm tên là Nặc Mẫn được đại thần Long Khoa Đa tiến cử làm tuần phủ Sơn Tây. Nặc Mẫn về nhậm chức ở Sơn Tây và yêu cầu quan lại các phủ huyện phải nộp tiền. Dĩ nhiên là đám ô lại này nghĩ đủ mưu chống lại. Và chính chúng đã bày cho Nặc Mẫn một cách dối vua, ấy là vay tiền từ các nhà buôn giàu có, nộp vào kho bạc, rồi tấu lên Ung Chính là đã thu đủ số nợ hàng trăm vạn lạng bạc chỉ trong thời gian có… nửa năm.
Quá vui mừng, Ung Chính liền ban cho Nặc Mẫn tấm biển “Thiên hạ đệ nhất tuần phủ”, đồng thời ban chiếu ngợi khen và bắt các nơi “học tập gương Nặc Mẫn”.
 Nhưng nhiều đại thần ở triều đình nghi ngờ chuyện này và một trong số đó là Điền Văn Kính. Trước ý kiến của Điền Văn Kính, Ung Chính bèn cử ông làm Khâm sai đại thần đi về Sơn Tây điều tra thực hư… Bằng trí thông minh của mình, Điền Văn Kính đã tìm ra bằng chứng báo cáo láo của Nặc Mẫn. Ung Chính choáng váng và bị mất mặt trước những đại thần, trong đó có một số thân vương là em ruột, đang ngấm ngầm chống đối.
Ông hạ chỉ xử tử Nặc Mẫn bằng hình thức cực kỳ tàn khốc là chém ngang lưng. Ông bắt tất cả quan lại trong triều phải có mặt nơi hành hình Nặc Mẫn để chứng kiến. Trong “bản luận tội” của mình, ông cho rằng “Nặc Mẫn nhà rất nghèo, mẹ 80 tuổi mà không có tiền làm lễ mừng thọ. Con cái thì chưa trưởng thành. Nặc Mẫn không tham tiền, nhưng lại tham danh. Vì tham danh mà đã dùng thủ đoạn để dối vua, lừa dân… Tội tham danh còn nặng hơn tội tham tiền”.
Câu chuyện xưa đó đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, kể cả đối với nước Việt ta.
Cách đây ít hôm, trong Bản tin Tài chính của Đài Truyền hình Trung ương có một phóng sự ngắn về một xã ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn về việc cán bộ thôn, xã đang khốn khổ vì phải giảm hộ nghèo theo chỉ tiêu cấp trên giao xuống.
Rồi một số cán bộ thôn, xã cũng bày tỏ sự băn khoăn, day dứt khi mà cấp trên giao cho họ những chỉ tiêu buộc phải giảm hộ nghèo. Mà họ thừa biết rằng, không thể nào xóa nghèo một cách thực chất cho những hộ này được. Bởi muốn giúp họ xóa nghèo thì phải có nhiều điều kiện khách quan cũng như chủ quan. Mà có những điều kiện, bản thân người dân không thể nào có được như kiến thức làm nông nghiệp, làm kinh tế không có, sinh đẻ lại nhiều, ruộng đất thì ít…
Đó là chưa kể nhà lại có ông bố nghiện rượu, ông con thích hút, bà vợ máu đánh đề… Rồi sự trợ giúp của Chính phủ mười phần, có khi xuống dân chỉ còn một nửa; rồi thiên tai, rồi dịch bệnh… Làm ra được hạt lúa, củ khoai, nuôi được con trâu, con bò… phụ thuộc hoàn toàn vào giời thì thoát được nghèo là cực khó.
Cho nên, muốn giúp người dân xóa đói, giảm nghèo là cực khó và nhiều trường hợp không thể làm được. Và nếu như có làm thì cũng là dối trên, lừa dưới, rồi làm khổ người dân mà thôi. Và chắc chắn những người vẽ ra các chỉ tiêu xóa đói này, cũng là từ căn bệnh tham danh.
Ngẫm cái chuyện tham danh này thì mới thấy rằng, ở nước ta, cái  tham danh cũng lắm chuyện “cười ra nước mắt”. Đặt ra các chỉ tiêu về xây dựng, phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… để phấn đấu thực hiện thì đó là lẽ đương nhiên. Nhưng có những loại chỉ tiêu như cảnh sát giao thông bị giao chỉ tiêu khoán phạt; chỉ tiêu giảm hộ nghèo như ở huyện Chợ Đồn; hoặc chỉ tiêu học sinh đỗ tốt nghiệp, học sinh giỏi v.v... thì đúng là “hết biết”! Mà tất cả những thứ báo cáo láo này, cũng xuất phát từ tham danh?

Vì  tham danh, vì chủ nghĩa thành tích, vì cấp dưới muốn làm vừa lòng cấp trên hoặc vì muôn vàn những lý do khác mà người ta đã “vẽ” ra những con số đẹp.
Chuyện nực cười nhất là cách đây hơn chục năm, ngành giáo dục nước ta đã “hớn hở” khoe với thế giới rằng, Việt Nam đã hoàn toàn xóa nạn mù chữ.
Giời ơi là giời! Không hiểu bây giờ liệu ngành giáo dục có dám tuyên bố lại như vậy không?!
Từ cách đây gần 60 năm có câu chuyện về tham danh mà đến bây giờ vẫn còn để lại “di chứng”.
Ấy là chuyện cải cách ruộng đất.
Phải khẳng định rằng cải cách ruộng đất đã mang lại ruộng đất cho phần lớn người nông dân mà bao đời nay họ mơ ước. Mục tiêu, ý nghĩa của cải cách ruộng đất là cực kỳ cách mạng và nhân văn.
Nhưng do những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc cải cách này đặt ra chỉ tiêu là phải tìm cho ra được 5% địa chủ, cường hào, phản động… ở mỗi địa phương.
Thế là các đội cải cách đã nghĩ ra đủ trò, đủ kế để có được con số 5%, thậm chí còn vượt. Mà để có được con số “đẹp” ấy, họ chỉ có mỗi cách là dựng chuyện, là vu oan, giá họa cho người khác. Thế là oan sai xảy ra ở khắp nơi khắp chốn. Không biết bao nhiêu cán bộ, đảng viên bị quy cho là địa chủ, cường hào, thành phản động, Việt gian…
Có những người đã bị tử hình, có người chịu không nổi nhục nhã, uất ức phải tự tử và rất nhiều người khuynh gia bại sản; rất nhiều vụ bại hoại luân thường đạo lý như con cái tố cha mẹ, vợ tố chồng…
Thiết nghĩ, bài học về chuyện tham danh ấy đến bây giờ vẫn cần phải nhắc lại.
Việc các cơ quan đặt ra những chỉ tiêu về xây dựng, phát triển kinh tế hoặc các chỉ tiêu theo nhiệm vụ đơn vị mình đang thực hiện, đó là chuyện cần thiết để tạo động lực cho mọi người phấn đấu, đồng thời xây dựng các kế hoạch, biện pháp cần thiết để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đó.
Nhưng, việc cấp trên giao chỉ tiêu cho cấp dưới thực hiện thì quan trọng nhất là phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị và phải căn cứ vào tình hình khách quan để thực hiện chỉ tiêu đó.
Chúng ta chẳng lạ gì chuyện có rất nhiều quan chức quen thói ngồi một chỗ, lãnh đạo theo kiểu chỉ tay năm ngón, xa rời cơ sở, quan liêu, “mơ màng” về thực tế cuộc sống nên đã nghĩ ra những chỉ tiêu, rồi cả những quy định theo kiểu “trên trời rơi xuống”. Rồi để làm “đẹp mặt” địa phương, họ đã đặt ra những chỉ tiêu mà hầu như không có tính khả thi.
Thử hỏi như ở huyện Chợ Đồn, đã có quan chức nào ở tỉnh, ở huyện xuống từng thôn, bản để xem thực trạng người nghèo đang sống như thế nào chưa? Hay là họ cứ áng chừng rằng mỗi năm phải giảm bao nhiêu hộ nghèo để có cái mà báo cáo lên cấp trên?!
Bấy lâu nay người ta hay nhắc câu “Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”. Ấy là nhằm nói đến những chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết thiếu tính khả thi. Thậm chí còn gây phức tạp thêm tình hình xã hội. Và xem ra, càng ngày càng lắm những “quy định” giời ơi ấy. Dĩ nhiên, mỗi khi xuất hiện nhưng loại quy định mới đó, thì không ít điều khoản đã trở thành trò cười cho thiên hạ.
Vậy thì việc giao chỉ tiêu như kiểu giao chỉ tiêu giảm nghèo ở huyện Chợ Đồn cũng là một thực tế.
Nhưng nếu không giao chỉ tiêu để cho mỗi đơn vị, mỗi cá nhân phấn đấu thì cũng lại thiếu động lực để phát triển và chẳng lấy cái gì ra để mà đo đếm.
Vấn đề là, giao chỉ tiêu như thế nào và tính xác thực của nó đến đâu? Để giao được chỉ tiêu cho cấp dưới thực hiện một cách chính xác thì rõ ràng phải chống bằng được căn bệnh quan liêu, chủ nghĩa thành tích và bệnh báo cáo láo… Hay nói một cách giản dị, thì phải chống cho được căn bệnh tham danh.
Để có danh, rồi danh sẽ kèm với lợi, danh kèm với vọng, và danh sẽ tạo nên quyền, chức… không ít quan chức đã cố tình dối trên, lừa dưới, vẽ ra những thành tích ảo, rồi vơ vào đó là công lao của mình… Đấy mới là cái họa.
Cho nên, cần phải sớm trị căn bệnh tham danh.
Kim Triêu