05.10.2015

Chẳng lẽ nào năm 2015 lại là năm mà Trung Cộng phá sản? - Gordon Chang

Chẳng lẽ nào năm 2015 lại là năm mà Trung Cộng phá sản?

Gordon Chang  
Nguyễn Trọng Dân  lược dịch


 - Vào hôm thứ Sáu (31 tháng 8), tạp chí Financial Times đưa ra nghi vấn có thể nào dự trữ ngoại tệ của Trung Cộng sẽ bị cạn kiệt hoàn toàn do phải dùng ngoại tệ để chống đỡ trước sự tuột giá thảm hại của Nhân Dân tệ. Cách tính toán và dữ kiện đưa ra thì hoàn toàn đúng nhưng dự đoán cảnh báo của tạp chí này còn quá hết sức lạc quan! Trung Cộng sẽ bị phá sản trong vài tháng tới mà thôi-tức là cho đến cuối năm 2015 cho dù đang có trong tay lượng dự trữ ngoại tệ nhiều nhất trên thế giới.

Trong tình huống chảy máu tiền tệ nguy hiểm như thế mà Trung Cộng lại còn ráng bơm tiền để giữ giá chứng khoán, nhất là trực tiếp mua lại những cổ phần chứng khoán đang sụt giảm thê thảm. Cố gắng của Bắc Kinh ráng trợ giá chứng khoán và ráng giữ giá tiền tệ cùng một lúc làm cho tình hình tài chánh & dự trữ ngoại tệ của Trung Cộng nhanh chóng bị suy kiệt nghiêm trọng.


Căn nguyên khủng khoảng kinh tế Trung Cộng đã có từ lâu nhưng lộ ra rõ rệt hơn vào mùa xuân năm nay, khi mà chỉ số chứng khoán tại thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến rớt thảm hại từ 12 tháng Sáu. Vào đầu tháng Bảy, Bắc Kinh buộc phải ra tay can thiệp bằng cách bỏ tiền mua lại những cổ phiếu tụt giá.

Dường như nỗ lực chấp vá của Bắc Kinh không đem lại hiệu quả! Bằng chứng là khởi đầu vào ngày thứ Hai (24 tháng Tám) cũng như hai ngày liên tiếp sau đó, giá cổ phiếu tại Trung Cộng vẫn rớt thê thảm đến nỗi cả thế giới đặt cho cái tên lóng là "China Black Monday ” tức là "Ngày Thứ Hai Xúi Quẩy ở Trung Cộng.” Thị trường chứng khoán tại Thượng Hải hôm thứ Tư (26 tháng Tám) rớt 43,3% nếu so sánh với chỉ số chứng khoán của thị trường này vào ngày 12 tháng Sáu.

Bất ngờ cho thị trường chứng khoán ở Trung Cộng vào ngày thứ Năm (27 tháng Tám), giới cầm quyền Cộng Sản nhảy vào can thiệp chấm dứt năm ngày tuột giá thảm hại. Trung Cộng tung tiền toàn lực mua lại cổ phần đang bị rớt giá của các đại công ty vào cuối giờ làm chỉ số chứng khoán đang rớt thảm hại bỗng miễn cưỡng tăng lên 5,3% vào cuối ngày đóng cửa.

Hãng tin Bloomberg cho rằng giới lãnh đạo Cộng sản Trung Hoa phải hành động như thế vì ngày lễ kỷ niêm đánh dấu 70 năm chiến thắng Đế Quốc Nhật Bản đã gần kề (tức là vào ngày 3 tháng Chín và 4 tháng Chín năm 1945).

Vào thứ Sáu cuối tuần (28 tháng Tám), Bắc Kinh lại tái diễn trò thu mua ồ ạt chứng khoán vào cuối giờ khiến thị trường Thượng Hải miễn cưỡng lên được 4,8%. Vào thứ Hai đầu tháng Chín, trò thu mua cổ phiếu vào cuối giờ này lại được thi hành nhưng lần này không còn đủ mạnh để vãn hồi sự tuột dốc thảm hại của chỉ số chứng khoán xảy ra trong ngày.

Làm như vậy là hay lắm sao? Một năm trước, giới cầm quyền Cộng sản Trung Hoa tạo ra sự bộc phát leo thang giá cả cổ phiếu chỉ bằng cách thu mua ồ ạt. Bởi không thèm dựa vào những quy luật kinh tế căn bản, trong đó, giá cổ phiếu trên thị trường phải dựa trên tình hình phát triển kinh tế và thu nhập của các công ty có cổ phần trên thị trường, thị trường chứng khoán của Trung Cộng đương nhiên là sẽ tuột dốc không tránh khỏi trừ phi Cộng Sản Trung Hoa lại phải tung tiền cứu vãn. Hệ thống kinh tế quốc doanh của Trung Cộng là những tay mua cổ phiếu duy nhất trên thị trường chứng khoán ở nội địa  hiện nay.

Cho dù ngân khoản để dành trợ giá chứng khoán của Trung Cộng có to tát cỡ nào đi chăng nữa (từ 322 tỷ Mỹ kim đến 807 tỷ Mỹ kim), thì cũng lần hồi mà cạn kiệt nếu cứ tiếp tục vun tiền qua cửa sổ không tiếc tay để mua ồ ạt và liên tục hết lần này đến lần khác cổ phiếu đang rớt giá như thế!

Goldman Sachs cho rằng Trung Cộng đã tung gần 800-900 tỷ Nhân Dân tệ (khoảng 144 tỷ Mỹ kim) để thu mua giữ giá chứng khoán, Christopher Balding của đại học Peking về ngành Kinh Doanh- Tài Chánh thì cho rằng Bắc Kinh đã tốn 1,3 ngàn tỷ Nhân Dân tệ (209 tỷ Mỹ kim) để vãn hồi giá cả cổ phiếu trong tháng Tám vừa qua.

Trên lý thuyết, Trung Cộng có thể dùng bao nhiêu tiền Nhân Dân tệ cũng được để mua chứng khoán vì Nhân Dân tệ là do chính mình in ra. Tuy có nhiều quy luật kinh tế không cho phép hành động mua cổ phiếu bừa bãi này của Trung Cộng, nhưng tổng số tiền lớn lao tung ra không phải là lý do chính. Trong một nền kinh tế không lạm phát, chính phủ có thể in bao nhiêu tiền cũng được để mua cổ phiếu nhằm trợ giá thị trường nếu chính phủ muốn làm như vậy.

Thế nhưng Trung Cộng lại không có điều kiện tốt đẹp nêu trên khi đưa ra kế hoạch in thêm tiền để trợ giá thị trường chứng khoán trong khi chính phủ còn đang cố gắng can thiệp nhằm cứu vãn trị giá Nhân Dân tệ (đang bị sút giảm thê thảm). Vào ngày 11 tháng Tám, ngân hàng trung ương của Trung Cộng - Poeple Bank of China (PBOC) đã cho hạ giá Nhân Dân tệ và cho phép tiếp tục rớt giá vào những ngày kế tiếp. Cũng cùng lúc đó, PBOC cho phép thị trường tự điểu chỉnh tỉ giá trao đổi tiền tệ giữa Nhân dân tệ và Mỹ kim mà không can thiệp.

Lời hứa hẹn không can thiệp vào thị trường trao đổi tiền tệ được PBOC giữ được trọn vẹn đúng có hai ngày. Qua đến ngày 14 tháng Tám, còn hai mươi phút cuối trên thị trường trao đổi, PBOC ra lệnh cho hai ngân hàng chính phủ bán ồ ạt dollar Mỹ ra để giữ giá Nhân Dân tệ. Trong những ngày kế tiếp, PBOC vẫn tiếp tục hành động này.

Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi từ 14 tháng Tám đến nay, POBC đã tốn gần 200 tỷ Mỹ kim để giữ giá Nhân Dân tệ. Con số này cho thấy tổn thất ngoại tệ của Trung Cộng gia tăng đến mức kinh khiếp sau khi Nhân Dân tệ bị mất giá-có thể lên đến 10 tỷ Mỹ kim mỗi ngày!

Tỉ lệ tổn thất ngoại tệ nêu trên chỉ có tăng đến chóng mặt chứ không có giảm trong bối cảnh khủng hoảng hiện giờ ở Trung Cộng. Không còn nghi ngờ gì nữa, Bắc Kinh buộc phải tung ngoại tệ nhiều hơn mức tổn thất hiện tại rất nhiều để giữ giá Nhân Dân tệ nếu niềm tin của thị trường vào Nhân Dân tệ cứ ngày càng sụt giảm trong những tháng tới đây. Hơn nữa, PBOC còn phải chi ngoại tệ ra ồ ạt nếu Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ tăng qui định tiền lời vào tháng tới, và biết đâu chừng, Bắc Kinh lại còn bị buộc phải bán thêm ngoại tệ khi giữ giá Nhân Dân tệ vì lạm phát kinh khiếp do chính phủ in thêm tiền đến quá mức cho ngân sách chi tiêu-mà tỉ lệ tổn thất dự trữ ngoại tệ có thể lên đến 70 tỷ Mỹ kim cho mỗi tháng.

Nếu thật sự là như vậy thì dự trữ ngoại tệ của Trung Cộng chỉ đủ để cứu vãn tình thế trong một năm, như tạp chí Financial Times cảnh báo, bất chấp lượng dự trữ này dồi dào đến bao nhiêu như ngân hàng trung ương của Trung Cộng loan báo! 

Bắc Kinh đâu thể nào để cho dự trữ ngoại tệ của mình lao xuống hố nhanh đến thế để thành trắng tay! Thứ trưởng tài chánh Trung Cộng, ông Zhu Guangyao (Trương Quang Dao?) thừa nhận trên đài CNN là: "chúng tôi cần phải có biện pháp" nếu mà "nguy cơ bất ổn đè lên nền tài chánh một cách có hệ thống"

Và những biện pháp của Bắc Kinh sẽ ra sao? Trong quá khứ, Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt đã ban hành lệnh đóng cửa các ngân hàng vào tháng Ba năm 1933 và chính phủ Hồng Kông đã ra lệnh đóng cửa thị trường chứng khoán vào năm 1987, cho nên Chủ Tịch Trung Cộng là Tập Cận Bình cũng có thể ra lệnh ngưng trao đổi tiền tệ và chứng khoán cùng một lúc. Nghe thì thấy có vẻ khó xảy ra nhưng việc thứ trưởng bộ Tài-Chánh là ông Trương phài lên tiếng trước báo chí phương Tây một cách công khai về nguy cơ bất ổn tài chánh có hệ thống mà Trung Cộng đang vướn phải thì đủ biết tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng đến cở nào .

Trước mắt, lời trấn an của Thủ-tướng Trung Cộng là Lý Khắc Cường, cũng như thông báo của Quốc Vụ Viện chỉ vài giờ sau lời tuyên bố của Trương thứ Trưởng trước giới truyền thông phương Tây, đã cho thấy những bất đồng gay gắt trong nội bộ của giới cầm quyền Cộng Sản Trung Hoa. Căn nguyên khủng hoảng kinh tế ở Trung Cộng không phải do nội dung truyền tải các thông điệp chính trị, nhưng những thông điệp chính trị trái ngược nhau từ giới cầm quyền chỉ làm cho tình hình càng thêm tồi tệ.

Trước sự ương ngạnh của Trung Cộng bấy lâu, Arthur Kroeber, thành viên sáng lập của tổ hợp chuyên nghiên cứu tư vấn kinh tế của Trung Cộng có tên là Gavekal Dragonomics, thừa nhận là: "Tình hình thị trường cũng như các chính sách của Trung Cộng đã thật sự phản ánh thực tế bi quan của nền kinh tế và rõ ràng là có sự bế tắc trong trao đổi hợp tác giữa Bắc Kinh với cả thế giới bên ngoài."

Nói một cách ngắn gọn, giới cầm quyền Cộng Sản Bắc Kinh xem thường mọi thành phần kinh tế (tư nhân) tham gia vào thị trường - trong cũng như ngoài nước. Sẽ chẳng bao giờ có kết quả tốt đẹp nếu điều hành kinh tế dựa theo quan điểm này.

Và đương nhiên, chẳng có tia sáng hy vọng nào cho tình hình hiện tại. Trước ngày 11 tháng Tám hạ giá Nhân Dân tệ và quyết định can thiệp vào thị trường, Trung Hoa lục địa được giới thượng tầng ở Bắc Kinh gọi là một một đất nước có nền kinh tế an toàn cho đầu tư- “con gà đẻ trứng vàng của đồng đô la”, ngân hàng trung ương không cần can thiệp nhiều, nhưng bây giờ, sau khi phạm từ sai lầm này qua sai lầm khác, ngân hàng trung ương buộc lòng phải can thiệp.

Ngay cả khi khủng hoảng chưa xảy ra, dự trữ ngoại tệ của Trung Cộng cũng đã suy sụp. Cơ quan kiểm soát hối đoái của chính phủ đã thừa nhận trong vòng bốn quý vừa qua, dự trữ ngoại tệ đã sút giảm 299,4 tỷ Mỹ kim.

Mặc dù dự trữ ngoại tệ của Trung Cộng bị sa sút rõ ràng như thế, các phân tích gia lại phủ nhận khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn. Ấy thế mà tỉ lệ bán ngoại tệ của Trung Cộng lại cho chúng ta thấy giới cầm quyền ở Bắc Kinh không còn nhiều lựa chọn nữa, và lựa chọn nào còn lại nếu có cũng làm cho tình hình tan nát thêm.

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao)