Kết thúc đàm phán hiệp định
lịch sử TPP và phản ứng của các nhà lãnh đạo quốc tế.
Vào sáng ngày thứ hai 05.10.2015 tại Atlanta (Hoa Kỳ),
vòng đàm phán giữa Hoa Kỳ và 11 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương về hiệp ước
thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc và đạt được sự thống nhất
trong thỏa thuận. Hiệp định thương mại tự
do đa phương lớn nhất thế giới này (bao gồm 800 triệu dân) sẽ dọn đường cho
việc cắt giảm mạnh, thậm chí là gỡ bỏ trong một số trường hợp, hàng rào thuế
quan xuất nhập khẩu và mở cửa thị trường buôn bán hàng hóa, dịch vụ và cả những
lãnh vực phi thương mại. Các quốc gia thành viên này bao gồm Brunei, Canada,
Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt
Nam.
Sau 5 ngày đàm phán căng thẳng với rất nhiều phiên
thảo luận thâu đêm, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ 3 nút thắt chính
còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ
hàng rào thuế quan đối với mặt hàng phụ tùng xe hơi nhập khẩu vào thị trường
Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand
và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các dược phẩm sinh học thế hệ mới.
Văn bản chính thức công bố sau hội nghị nêu rõ: “Sau
hơn 5 năm đàm phán, chúng tôi vui mừng tuyên bố đã đạt thỏa thuận nhằm hỗ trợ
việc làm, tăng trưởng ổn định, phát triển và thúc đẩy sáng kiến tại khu vực
châu Á-Thái Bình Dương vì lợi ích của người dân. Quan trọng nhất, thỏa thuận đã
đạt được các mục tiêu đề ra”.
Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần
nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu
lực.
Phản ứng từ các đại diện của 12 quốc gia tham gia TPP đa số là tích cực, theo ABC, AFP và Reuters.
Hoa Kỳ (USA):
Việc ký kết thỏa thuận này là một thắng
lợi cho Tổng thống Barack Obama, vì nó thể hiện sự cam kết trước đó của ông:
xoay trục tới lục địa đông dân nhất thế giới.
Trung tâm
của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ hiện nay, tức là chính sách xoay trục Á
châu – sẽ được coi là bước đệm để Hoa Kỳ hướng nhiều sự chú ý cho khu vực châu
Á – Thái Bình Dương về mặt ngoại giao, an ninh và các nguồn lực kinh tế, sau
hơn một thập kỷ chú tâm vào cuộc khủng hoảng Trung Đông, với các cuộc chiến tốn
kém ở Afghanistan và Iraq.
Ông Obama
cho biết thỏa thuận “tăng cường các mối quan hệ chiến lược với các đối tác và
đồng minh của chúng tôi trong một khu vực mà sẽ rất cần thiết cho thế kỷ 21”.
Đối với
Douglas Paal, của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, thỏa thuận hoàn tất hiệp
định thương mại tại Atlanta, Georgia cung cấp “năng lượng mới thực sự” cho việc
tái cân bằng và tăng cường “các hiện diện của Mỹ” ở châu Á.
Phản ứng ban
đầu từ các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, kể cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, dao
động từ thận trọng đến hoài nghi.
Theo luật, Quốc hội Mỹ sẽ có thời hạn 90 ngày để xem
xét và sau đó bỏ phiếu thông qua hoặc bác bỏ hiệp định TPP chứ không có quyền
sửa đổi. Như vậy, TPP chỉ có thể được Quốc hội Mỹ thông qua sớm nhất là vào đầu
năm 2016.
Tân Gia Ba (Singapore):
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công
nghiệp Tân Gia Ba Lim Hing Kiang cho biết TPP thể hiện những gì mà Singapore đã
thấy, tức là châu Á – Thái Bình Dương là khu vực của tương lai, theo Channel
NewsAsia. “Nó yểm
trợ khu vực này bằng cách giảm hàng rào quan thuế và phi ế quan thuế cho cả
hàng hóa và dịch vụ, khuyến khích đầu tư lớn hơn, và giải quyết các thách thức
thương mại mới trong nền kinh tế hiện đại”. “TPP cũng đã được cố tình thiết kế để được toàn
diện hơn, vì vậy mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng đầy đủ lợi ích
của nó.”
Việt Nam:
Những lợi ích bao gồm việc tiếp cận thị trường lớn là
Nhật Bản và Hoa Kỳ, trong đó các ngành hàng được hưởng lợi là dệt may, giày
dép, đồ gỗ và nông sản. Việt Nam cũng như Mễ Tây
Cơ, Mã Lai còn phải cải thiện các điều kiện lao động cho công nhân. Đây là vấn
đề khiến nhà cầm quyền Việt Nam ngần ngại nhất (công đoàn độc lập), nhưng gần đây Hà Nội cũng đã „chấp nhận quy chiếu theo
chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)“ mà Việt Nam là thành viên.
Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt hôm 5/10,
chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: "Rõ ràng Việt Nam chưa đủ
khả năng xâm nhập thị trường nước ngoài trong lúc có nguy cơ thị trường nội
địa bị hàng hóa nước ngoài giá tốt lấn lướt. Doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ
năng lực cạnh tranh cả trên thị trường xuất khẩu và nội địa."
Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh rằng đến nay chưa
thấy nghiên cứu và thống kê về những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt khi vào
TPP ngoài những bài báo bàn về cơ hội và tác động của hiệp định này.
Tân Tây Lan (New
Zealand):
Thủ tướng Tân
Tây Lan John Key cho biết thỏa thuận sẽ cắt giảm trên 93% thuế xuất khẩu của nước
này sang Mỹ, Nhật Bản, Canada, Mexico và Peru.
Tuy nhiên,
ông cũng bày tỏ sự thất vọng khi thỏa thuận này không mang lại nhiều lợi ích cho
ngành công nghiệp sữa – vốn rất quan trọng cho đất nước mình.
“Chúng tôi thất vọng
là không có thỏa thuận để loại bỏ tất cả thuế sữa nhưng tổng thể thỏa thuận là
rất tốt cho Tân Tây Lan,” ông nói.
Ông Key cho
biết, TPP sẽ giúp cho Tân Tây Lan tiếp cận thị trường với 800 triệu khách hàng
trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông ước tính
nó sẽ đem lợi cho nền kinh tế của Tân Tây Lan với ít nhất 2.4 tỷ USD mỗi năm
vào năm 2030.
Bộ trưởng
Thương mại Tim Groser cho biết các nhà đàm phán của Wellington đã nỗ lực cho
đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đàm phán ở Atlanta về vấn đề sữa, nhưng
đồng thời cũng thực hiện một số nhượng bộ để có được một hiệp ước thương mại
tổng thể.
Gia Nã Đại (Canada):
Bộ trưởng Thương mại Canada Ed Fast
nhấn mạnh thỏa thuận thương mại lịch sử này sẽ hỗ trợ quan trọng trong việc
hình thành các quy tắc giải quyết các vấn đề của thế kỷ 21.
Ông cho biết
thỏa thuận này sẽ giúp giảm thiểu đáng kể các rào cản hành chính và quan thuế đối với thương mại và đầu tư giữa 12 quốc gia. TPP “sẽ khiến thương mại liền mạch hơn”.
Chí Lợi (Chile):
Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cho
biết ông hài lòng với kết quả và cho biết thỏa thuận này sẽ cho phép Chile củng
cố mối quan hệ của nó với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. “Chúng tôi sẽ là một
phần [của] mô hình kinh tế lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới,”
ông nói.
Dẫn đầu đoàn
Chile là Thứ trưởng Thương mại Andres Rebolledo, người cũng nhấn mạnh họ đã đạt
được một “thỏa
thuận cân bằng, và nó sẽ mang lại lợi ích cho đất nước của chúng tôi”.
Ông cho biết
một trong những điểm gây tranh cãi nhất là bảo vệ các loại thuốc sinh học. “Chúng tôi tin rằng
Chile, như một nền kinh tế mở mà thích nghi với thay đổi, TPP sẽ mở ra cơ hội
để cải thiện việc tiếp cận của một số sản phẩm chính của mình”.
Peru:
Đại sứ Úc tại Peru Nicholas
McCaffrey cho biết việc hoàn tất TPP sẽ tăng cường thương mại giữa hai nước,
đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp và máy móc chuyên dụng.
“Với kết quả của
TPP, chúng tôi mong đợi sự cải thiện trong các mối quan hệ kinh tế giữa Peru và
Australia, chúng tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ mở rộng thương mại sang các
lĩnh vực mới và gia tăng dòng vốn đầu tư”, ông McCaffrey cho biết
trong một tuyên bố.
“Điều này sẽ mang
lại lợi ích cho người tiêu dùng và nhà sản xuất trên cả hai mặt của Thái Bình
Dương.”
Úc mở Đại sứ
quán tại Lima vào tháng 9 năm 2010, và hơn 80 công ty của Úc đang hoạt động tại
Peru.
Mễ Tây Cơ (Mexico):
Tổng thống Enrique Peña Nieto hoan
nghênh việc kết thúc đàm phán về TPP và cho biết thỏa thuận này sẽ có lợi cho
đất nước trong các cơ hội đầu tư.
Ông tweet “thỏa thuận Đối tác
xuyên Thái Bình Dương sẽ dẫn đến cơ hội đầu tư và người Mexico sẽ được trả
lương cao hơn trong các công việc”.
Thuế quan về
dược phẩm, máy móc, thiết bị cơ khí và điện tử và phụ tùng xe hơi đến Mexico sẽ
được cắt giảm trong vòng 10 năm và thuế đối với hải sản sẽ được cắt giảm trong
vòng 15 năm.
Nhật Bản (Japan):
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho
biết thỏa thuận này là một “kết quả quan trọng” đối với Nhật Bản và tương lai
của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
TPP sẽ cung
cấp cho nền sản xuất xe hơi của Nhật Bản, dẫn đầu là Toyota, một sự tự do đáng kể
để sử dụng các linh kiện, phụ tùng các nước châu Á và thành phẩm sẽ bán tại Hoa
Kỳ. Và Mỹ – thị trường lớn của ngành công nghiệp này có thể giữ mức thuế nhập cảng xe hơi – 2.5% đối với xe chở khách và 25% đối với xe vận tải – trong vòng ít
nhất tử 5 đến 10 năm.
Nhật Bản đã
có những nhượng bộ lớn để giảm thuế và giảm các rào cản phi quan thuế, trước
các nhà xuất cảng thực phẩm lớn như Australia, New Zealand và Hoa Kỳ.
Giới lãnh đạo Nhật Bản xem TPP là yếu tố then chốt cho
các mục tiêu kinh tế và an ninh trong bối cảnh Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng
trong khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á, nơi Tokyo từ lâu đã là nhà đầu tư và
“mạnh thường quân” lớn.
Trung Hoa lục địa
(China):
Một số nhà
phân tích Trung Quốc đã lặp lại các chỉ trích từng đưa ra trước đây, cho rằng
Washington vạch ra TPP nhằm mục đích kìm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
“Liệu Trung Hoa lục địa sẽ tham gia chăng? Liệu TPP do Hoa Kỳ
dẫn đầu có nhằm mục đích kìm hãm Trung Hoa hay không?”, giáo sư Phong Uy thuộc Trường đại học Phục Đán
(China) đặt vấn đề trên trang mạng xã hội Weibo.
Được biết Trung Cộng từng được mời gia nhập TPP, nhưng
Bắc Kinh đã chần chừ trong việc tuân thủ theo nhiều quy định bắt buộc của hiệp
định, chẳng hạn như mở cửa khu vực tài chính. Giới phân tích nhận định do không
tham gia TPP, nên Trung cộng đã bỏ lỡ cơ hội cùng các quốc gia khác định hình
một rường cột quan trọng cho hệ thống giao thương thế giới.
Các nhà phân tích quốc tế còn nhận định rằng việc không
vào TPP cũng đã khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bỏ lỡ cơ hội làm ăn với
nhiều quốc gia tiến bộ vượt bậc về mặt công nghệ tại thời điểm Bắc Kinh đang cố
cổ súy cho các sáng tạo mang tính công nghệ cao.