30.10.2015

Sang trang cho nền Công Lý Mù - Nguyệt Quỳnh

“Ngày nào sức mạnh nằm trong tay Dân, ngày đó Đảng sẽ biết sợ Dân; ngày nào Đảng biết sợ Dân, ngày đó đất nước tiến gần đến một nền dân chủ đích thực.”
Sang trang cho nền Công Lý Mù
Nguyệt Quỳnh

Ngay cả lời nói dối cũng ẩn chứa một sự thật. Do đó, dân ta đọc báo “lề phải” luôn luôn nhìn giữa hai hàng chữ để tìm ra sự thật bên dưới các dữ kiện đã được định hướng. Sáng ngày 11/10, truyền thông trong nước đưa tin rằng Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố bị can Vũ Văn Bình vì tội “cố ý gây thương tích” dẫn đến cái chết của em Đỗ Đăng Dư. Điều người ta đọc được ở đây là sự giận dữ đồng loạt của công chúng đã khiến lãnh đạo CS phải vào cuộc.


Thời nào cũng vậy, dân nghèo, dân dốt chỉ cậy trông vào luật pháp để được bảo vệ. Nhưng đã từ lâu, luật pháp và công đường ở nước ta không phải là chỗ dựa cho dân nghèo - đôi khi còn ngược lại. Chuyện dân chết trong đồn công an, công an đánh chết dân hay dân chết trong lúc bị tạm giam là chuyện xảy ra rất thường. Suốt từ đầu năm đến nay, đã có đến 10 nạn nhân bị chết trong lúc bị công an giam giữ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một vụ tử vong vì bị đánh trong lúc tạm giam lại được khởi tố một cách nhanh chóng. 
Lẽ ra cái chết của em Dư không ồn ào như vậy! Thì cũng chỉ thêm một nạn nhân nữa của cái nền công lý mù tối này. Gần 300 người khác cũng đã chết như em. Điều khác biệt ở đây là sự góp mặt của nhiều văn phòng luật, nhiều luật sư tầm cỡ, và sự lên tiếng của công chúng khắp nơi qua các trang mạng xã hội. 
Phải chăng người dân đã ý thức rằng tai họa có thể xảy đến với chính gia đình họ, con em họ, qua hình ảnh chết dần mỗi ngày của em Đỗ Đăng Dư? Phải chăng Đảng đã bắt đầu biết sợ Dân nên vội vã tìm “dê tế thần” để tránh sức ép của dư luận? Dù sao đi nữa, điểm tích cực ở đây là người dân đã bắt đầu sử dụng sức mạnh của mình. Cái sức mạnh mà tôi tin rằng, không có một chế độ nào, dù hùng mạnh cách mấy có thể cưỡng lại được.
Cho cái chiến thắng tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng này, tôi muốn ghi lại những câu thơ của Thiều Minh mà nhạc sĩ Phan Văn Hưng đã phổ nhạc :

Đừng sợ nữa những con bướm ma
Đừng cho nghi ngại trói linh hồn ta
Đừng buộc chân với những đắn đo
Lê muôn xích xiềng của thời hôm qua
Đừng sợ nữa hỡi ai phẫn nộ

Đừng ngậm im kéo thân trâu ngựa
Đừng làm béo những con sâu bọ
Để quầng đôi mắt gậm nhấm âu lo

(Đừng Sợ Nữa – Thiều Minh)

Con bướm ma
Chỉ cách đây non ba tuần, ở Đăk Lăk ngày 6/10/2015, một vụ ép cung khác của công an đã đem đến cái chết thương tâm của anh Huỳnh Ngọc Lợi. Anh Lợi sinh năm 1984, trú tại thôn 12 xã Hòa Khánh, thành phố Ban Mê Thuột. Vì chuyện ẩu đả với một người tên Việt từ một năm trước, anh Lợi được lệnh lên đồn Công an để lấy lời khai. Sau khi trở về nhà, chiều hôm đó anh uống thuốc cỏ tự tử.

Anh Lợi để lại thư tuyệt mệnh: “Lời cuối cùng tôi mong chính quyền đừng bắt vợ tôi… tôi chân thành van xin đừng bắt vợ tôi, để vợ tôi nuôi con nhỏ”. Cũng qua thơ tuyệt mệnh của anh, người ta nhìn thấy người chồng đáng thương này đã bị ép cung ra sao: “Đừng như anh Công an Nguyễn Việt Anh, dùng sổ tay đánh vào đầu tôi hăm dọa: Mày muốn tao đánh vào mặt mày không? Mày không được rêu rao tao đánh mày. Mày tin tao lấy xe máy mày không, bắt vợ mày đi tù… Tôi quá tuyệt vọng.”

Là người ngoài cuộc, nghe lời van xin mà thương hại anh đã dại dột tự hủy hoại thân mình. Nhìn thấy nỗi sợ của anh đối với những đe dọa của gã công an, chúng ta biết rõ cái điều đáng sợ đó không có thật - tác giả Thiều Minh gọi đó là nỗi sợ những con bướm ma. Nhưng nghiệm lại, dường như, chính chúng ta đa số đều có nỗi sợ y như anh Lợi vậy! Phải chăng đó là bản năng sinh tồn, phản xạ đã điều kiện hoá, hay hiệu ứng của đám đông …
Bao giờ thì chúng ta mới hết sợ những con bướm ma?

Võ An Đôn và bó đũa

Giá trị sống cao đẹp nhất của xã hội loài người là công bằng và bác ái. Cả thế giới đã trải qua bao nhiêu cuộc cách mạng để mưu cầu nâng tầm hạnh phúc cho đám đông dựa trên hai giá trị căn bản này.

Tôi nghĩ đến người luật sư trẻ tuổi Võ An Đôn, người đang cố gắng sống với mục đích đó và nỗi lo sợ của gia đình anh. Nỗi sợ của chị Đôn là nỗi sợ có thật. Làm vợ một luật sư trẻ tuổi không sợ đơn độc. Người dám đứng cùng dân nghèo, đứng cùng công lý giữa một nền luật pháp đầy bóng đêm của nước ta; chị Đôn đã thức trắng nhiều đêm vì lo lắng cho sự an nguy của chồng. 

Mỗi khi được tin Ls Đôn đang nhận miễn phí một vụ án nào đó, tôi lại liên tưởng đến nhân vật Don Quixote của Miguel De Cervantes. Tác giả đã viết một tác phẩm kiệt xuất vào cuối thời đại hiệp sĩ của đất nước Tây Ban Nha. Nhân vật Don Quixote của ông là một nhà quý tộc nghèo, lãng mạn, một hiệp sĩ tưởng tượng. Don Quixote đã rời bỏ quê nhà để lên đường phiêu lưu “trừ gian diệt ác”. Trên cánh đồng mênh mông của vùng Montiel, chàng “giao chiến” với chiếc cối xay gió mà ngỡ rằng ngọn giáo mình đang lao vun vút vào bọn người khổng lồ xấu xa. Mặc dù Cervantes viết tác phẩm này với tính cách châm biếm, nhưng cái gàn dở hão huyền của Don Quixote đã làm cả thế giới say mê và tác phẩm của Cervantes được cho là “tiểu thuyết hay nhất của mọi thời đại”. Qua sự yêu mến của độc giả dành cho một Don Quixote già nua, ảo tưởng với con ngựa gầy ốm; chúng ta nhìn thấy tất cả cái tình thương và niềm khát vọng mãnh liệt của con người về công lý, công bằng và bác ái.


   
 Luật sư Võ An Đôn không phải là một nhân vật tưởng tượng. Anh có vợ và con nhỏ. Tuy nhiên, vì yêu công lý người luật sư trẻ tuổi này đã dám chống lại cả cái hệ thống luật pháp tùy tiện, được chống lưng bởi chính quyền. Không cần có ngòi bút của Cervantes, câu chuyện có thật của người luật sư nông dân này cũng đã quá đẹp. Nó mạnh mẽ, lý tưởng và chan chứa tình thương.
 Đương nhiên, chính quyền địa phương đâu có để yên cho anh. Cả một guồng máy độc tài lồng lộn vào cuộc tìm cách cướp đi ngọn giáo của ls Võ An Đôn. Don Quixote của chúng ta đã bị liên nghành công an, Viện Kiểm Soát Nhân Dân, Tòa Án Nhân Dân thành phố Tuy Hòa đồng kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của anh.  

Ai ai trong chúng ta cũng hiểu ngầm rằng sức mạnh của người dân là sức mạnh vô địch; và nó chỉ thực sự có sức mạnh khi là một bó đũa. Tuy nhiên, điều lầm lẫn tai hại  nhất của dân ta là cứ mãi ngồi chờ cho có bó đũa, mà quên mất chính mình là một thành viên của nó.

Ls Võ An Đôn là một cây đũa đơn chiếc, anh ý thức về sự mong manh của chính mình và biết rất rõ cái thế lực mà anh đang phải đối đầu, anh chia sẻ: Không biết là qua sự kiện này, tôi có còn sống để tiếp tục bào chữa miễn phí cho dân nghèo và người cô thân yếu thế trong xã hội nữa hay không. Từ giây phút này, tính mạng của tôi còn hay mất là do cộng đồng mạng và dư luận xã hội quyết định, chứ tôi không còn biết trông chờ vào ai. Mong cộng đồng mạng hãy bảo vệ tôi và bảo vệ công lý của xã hội”. Hành động dũng cảm của cây đũa đơn chiếc đó đã tạo nên sức mạnh, tạo nên sự góp mặt của những chiếc đũa khác: Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đã vào cuộc với anh. Kết quả, Don Quixote hiền lành, kiên định đã chiến thắng cả cái ban lãnh đạo liên ngành Công an - Viện kiểm sát - Tòa án TP Tuy Hòa.

Khi chúng ta là một bó đũa, những kẻ quyền thế hoặc phải lùi bước hoặc phải ra đi.
***
Trở lại trường hợp của em Dư. Đã có đến ba văn phòng luật và năm luật sư cùng tham gia tố tụng để giúp em đi tìm công lý. Ngoài kia chắc chắn còn có rất  nhiều người đang góp mặt cho phiên tòa của em. Diễn tiến những ngày qua về cái chết của Đỗ Đăng Dư đã cho chúng ta thấy rõ một điều - Ngày nào sức mạnh nằm trong tay Dân, ngày đó Đảng sẽ biết sợ Dân; ngày nào Đảng biết sợ Dân, ngày đó đất nước tiến gần đến một nền dân chủ đích thực.


Giã biệt Đỗ Đăng Dư, để vuốt mắt cho em chúng tôi sẽ cùng sang trang cho nền Công Lý Mù này.