22.11.2015

Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN: Phát biểu của giới lãnh đạo

Hội nghị  thượng đỉnh khối ASEAN: Phát biểu của giới lãnh đạo
Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi ngưng quân sự hóa biển Đông
Thủ tướng Mã Lai kêu gọi thương thuyết hoà bình để giải quyết tranh chấp Biển Đông
Tổng thống Mỹ Barack Obama chụp ảnh với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Kuala Lumpur, Singapore, hôm 21.11.

Ngày thứ Bảy, trong cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Kuala Lumpur, Tổng thống Obama nói: “Tôi đã tiến hành hợp tác sâu rộng hơn với ASEAN vì một tổ chức ASEAN hợp nhất và hữu hiệu tại trung tâm châu Á là một lực lượng của ổn định, thịnh vượng và hòa bình.


Trong một thông cáo chung, các nhà lãnh đạo Tòa Bạch Ốc và ASEAN nói họ đã “nâng cao” các mối quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ với một mục đích chung là thành lập một vùng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.

Tổng thống Obama nói ASEAN đóng một vai trò then chốt trong việc tiến đến một “trật tự căn cứ trên luật pháp” tại châu Á-Thái Bình Dương và đối tác mới giữa Hoa Kỳ và ASEAN sẽ hướng dẫn các mối liên hệ giữa các bên trong “những thập niên tới.”

Ông khuyến khích kế hoạch của ASEAN thiết lập một bộ qui tắc ứng xử quốc tế tại Biển Đông, chủ thể của những tranh chấp trên biển trong những tháng qua liên hệ đến Trung Quốc và các nước khác trong vùng.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã thảo luận về một bộ qui tắc ứng xử với Trung Hoa lục địa cách đây hơn một thập niên, nhưng chưa bao giờ có tính cách ràng buộc đối với các bên liên hệ. Kế hoạch mới được loan báo của ASEAN sẽ xây dựng luật quốc tế và những chuẩn mực cho việc giải quyết hòa bình những tranh chấp trong đó có vấn đề tự do hàng hải và tự do hàng không tại biển Đông.

Tòa Bạch Ốc đã nhiều lần nói là thiết lập một “trật tự căn cứ trên luật pháp” đối với Biển Đông, nơi có một số lượng lớn hàng hóa qua lại tại vùng này, là thiết yếu đối với an ninh vùng và thịnh vượng kinh tế, cả hai đều là cốt lõi trong chính sách của Hoa Kỳ về châu Á - Thái Bình Dương.

Việc tuyên bố chủ quyền của Trung cộng tại Biển Đông đã gây nên căng thẳng với các nước quanh vùng biển này.

Các nước láng giềng nghi ngờ về ý định của Bắc Kinh. Tổng thống Obama nói: “Vì sự ổn định trong vùng, các bên đòi chủ quyền phải ngưng việc lấy đất lấn biển, xây dựng mới, và quân sự hóa các khu vực tranh chấp".

Thứ trưởng Ngoại giao Trung cộng Lưu Chấn Dân tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur. Ông Lưu biện minh rằng các cơ sở là cần thiết để bảo vệ đảo nhân tạo.


Ông Lưu nói cuộc tuần tra của tàu Mỹ “vượt ra ngoài phạm vi tự do hàng hải. Đó là hành vi khiêu khích chính trị với mục đích là thử phản ứng của Trung Hoa”. Ông Lưu còn nói rằng “tự do hàng hải và hàng không chưa bao giờ là vấn đề” tại Biển Đông.

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ hy vọng về “việc sớm chấp thuận một bộ qui tắc ứng xử căn cứ trên đồng thuận” và kêu gọi các bên liên hệ trong cuộc tranh chấp Biển Đông tôn trọng những hướng dẫn được thi hành.

Về Đối tác Chiến lược châu Á-Hoa Kỳ mới, Tòa Bạch Ốc phát họa 5 lãnh vực cam kết ưu tiên. Những lãnh vực này bao gồm tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng hợp tác trên biển, cùng nhau làm việc về những vấn đề xuyên quốc gia như khủng bố, an ninh mạng và biến đổi khí hậu cũng như bồi dưỡng các nhà lãnh đạo đang nổi lên và tạo cơ hội cho phụ nữ.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm nay kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán hoà bình để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Tại cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN ở Kuala Lumpur, nhà lãnh đạo Malaysia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Ông Najib cũng hối thúc các bên tự kiềm chế và không có những hành động làm tình hình trở nên phức tạp hơn hoặc làm leo thang căng thẳng.

Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định “bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN.” Báo chí Việt Nam trích lời ông Dũng nói rằng “việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng qui mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng… và có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hoá và xung đột trên biển…

Phát biểu của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á được đưa ra trong lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông vì Trung cộng hồi gần đây đã xây những hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa -- nơi có tranh chấp giữa Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan.

Theo hãng tin Reuters, ngày 20.11.2015, một sĩ quan hải quân Mỹ cho biết, hải quân Hoa Kỳ sẽ thực hiện một chuyến tuần tra nữa trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp tại Biển Đông.
Quan chức hải quân Mỹ trên cho biết chuyến tuần tra sắp tới trong quần đảo Trường Sa dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 12.

Tin tổng hợp Reuters, VOA