08.01.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông (08.01.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông
(08.01.2016)
Biển Đông : Anh Quốc kiên quyết chống hạn chế tự do lưu thông hàng hải, hàng không.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond được Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosano tiếp đón tại Sở Ngoại Vụ ở thành phố Pasay, phía nam Manila, ngày 7/1/2016.  Ảnh: Reuters/Czar Dancel

Ngoại trưởng Anh Quốc mạnh mẽ tuyên bố bất kỳ âm mưu nào cản trở quyền tự do lưu thông của ngành hàng hải-hàng không trên Biển Đông sẽ bị xem là hành động nguy hiểm.


Phát biểu nhân chuyến công du Phi Luật Tân ngày 7/1, Ngoại trưởng Philip Hammond nhấn mạnh “Quyền tự do hàng hải và hàng không là không thể thương lượng. Đối với chúng tôi, đó là ‘báo động đỏ’.”

Tuy nhiên, ông không nêu rõ sẽ đáp trả thế nào một khi có ‘báo động đỏ,’ chỉ cho biết Anh sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do lưu thông của mình trong khu vực.

Phát biểu trong cùng buổi họp báo với Ngoại trưởng Anh, người đồng cấp phía Philippines, ông Albert del Rosario, nói ông lo rằng các chuyến bay thử nghiệm ra Đá Chữ Thập trong tuần này sẽ lót đường cho Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông, tương tự như hành động trước đó ở Biển Hoa Đông.

Ngoại trưởng Philippines nói ‘Nếu hành động này không bị thách thức, Trung Quốc sẽ tiến tới việc ban hành vùng nhận dạng ADIZ, và hành động này đối với chúng tôi, cho dù là trên thực tế hay chính thức, cũng không thể nào chấp nhận được.’

Manila đang chờ phán quyết cuối cùng từ Tòa trọng tài Liên hiệp quốc trong vụ Philippines kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Rosario khẳng định dù thắng hay thua, Philippines sẽ tuân thủ luật lệ và kỳ vọng Bắc Kinh cũng hành xử như thế.

Ngoại trưởng Anh cho biết London công nhận Tòa trọng tài và sẽ công nhận quyết định của tòa, đồng thời thúc giục các bên tranh chấp giải quyết bất đồng theo luật quốc tế.

Theo AFP, SCMP

Vấn đề Biển Đông và chính sách đối ngoại-quốc phòng Hoa Kỳ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) thăm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông. (Ảnh ngày 5/11/2015).

Vấn đề Biển Đông đã được đề cập đến trong cuộc họp báo thường lệ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 5/1, một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama là đã trì hoãn hoạt động tuần tra trên Biển Đông, nêu bật tầm quan trọng cao hơn của cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông trên chính trường Mỹ.
Trong cuộc họp báo thường lệ chiều hôm 5/1, Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook tái khẳng định chính sách của Washington, nói rằng các cuộc tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết qua đường lối ngoại giao, và ‘bất cứ hành động nào thách thức điều đó, làm leo thang căng thẳng trong Biển Đông, đều không có ích gì’. Ông Peter Cook nhấn mạnh đó là một khu vực quan trọng của thế giới, một khu vực quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, và cho nước Mỹ nói chung.
Trả lời câu hỏi về liệu Bộ Quốc phòng Mỹ có một vai trò trong việc đảm bảo Biển Đông vẫn là một vùng lãnh hải quốc tế? Ông Peter Cook nói rằng “Như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng một vai trò thiết yêu tại khu vực đó của thế giới để bảo đảm ổn định khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, và chính sách xoay trục sang Châu Á thể hiện lập trường đó”.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý rằng quân đội Mỹ đã duy trì sự ổn định và an ninh trong khu vực từ lâu, và vai trò đó cũng đó là lý do quân đội Mỹ bấy lâu nay hiện diện trong khu vực và xa hơn thế nữa.
Trong một diễn biến khác liên quan tới Biển Đông, Thượng nghị sĩ John McCain, hôm 4/1 đã lên tiếng chỉ trích chính phủ của Tổng thống Obama là đã trì hoãn, không tiếp tục các hoạt động tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung cộng xây ở Biển Đông, để khẳng định quyền tự do hàng hải và đi lại trên vùng biển quốc tế này.
Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain chỉ trích chính phủ của Tổng thống Obama là đã trì hoãn, không tiếp tục các hoạt động tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung cộng xây ở Biển Đông.

Ông McCain, nhà lập pháp rất có thế lực trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng việc Hoa Kỳ có thái độ do dự, không quyết đoán đã cho phép Trung cộng tiếp tục các hành động hung hăng hơn để áp đặt chủ quyền ở Biển Đông. Hành động mới nhất, theo ông McCain, là Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hoá các đảo tân tạo và hôm 2/1 đã cho đáp thử máy bay trên các phi đạo mới xây trên đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của mình.

Thượng nghị sĩ McCain nói việc chính phủ Mỹ không thực hiện các chuyến tuần tra vào cuối năm 2015 như dự định trước đó là một điều "đáng thất vọng" nhưng không làm ông ngạc nhiên.
Từng là đối thủ tranh giành chức Tổng Thống với ông Obama, Thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích chính phủ do ông Obama lãnh đạo là "hoặc không có khả năng giải quyết những sự phức tạp trong quan hệ hợp tác liên cơ quan trong tiến trình làm quyết định về vấn đề an ninh quốc gia, hoặc là có thái độ quá e dè, sợ rủi ro nên đã không thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ trật tự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên luật pháp quốc tế”.
Hôm thứ Hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng việc Trung cộng lần đầu tiên đáp máy bay trên một hòn đảo trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông làm ‘tăng căng thẳng và đe doạ sự ổn định khu vực.’
Các nhà phân tích nói rằng sự hiện diện quân sự ngày càng được củng cố của Trung cộng trong vùng rốt cuộc sẽ dẫn tới quyết định của Bắc Kinh thiết lập một khu nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.  
Trung cộng đang hoàn tất một loạt các cảng biển cùng các kiến trúc trên các đảo nhân tạo và trong tương lai sẽ đặt những trạm radar cảnh báo sớm và trạm thông tin liên lạc quân sự tại các đảo mới xây ở quần đảo Trường Sa.
Giáo sư Ian Storey, một chuyên gia khu vực nói rằng một khi các cơ sở này đi vào hoạt động, máy bay quân sự và dân sự của các nước khác sẽ bị cảnh cáo thường xuyên hơn, và đó là “tiền thân của một vùng nhận dạng phòng không trên thực tế, nếu không phải là một vùng nhận dạng phòng không chính thức. Nếu xảy ra thì căng thẳng sẽ leo thang hơn nữa tại Biển Đông”.
Theo DOD, Reuters.
Thêm hai phi cơ hàng không dân dụng Hoa lục đáp xuống Trường Sa

Ngày 06/01/2016, lại có thêm hai phi cơ hàng không dân dụng của Trung cộng đáp xuống một đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

Theo Tân Hoa Xã, hai chiếc phi cơ nói trên đã cất cánh từ sân bay Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam và đã đáp xuống sân bay mà Trung cộng đã xây dựng trên Đá Chữ Thập, mà Bắc Kinh gọi là Vĩnh Thử tiêu, rồi sau đó đã bay trở về Hải Khẩu trong buổi chiều.

Tân Hoa Xã cho biết: “ Chuyến bay thử nghiệm thành công này chứng minh là phi trường có đủ khả năng bảo đảm hoạt động an toàn cho các loại phi cơ dân dụng cỡ lớn ”.

Hôm thứ Bảy tuần trước, lần đầu tiên, Trung cộng đã cho một phi cơ dân dụng đáp xuống sân bay trên Đá Chữ Thập “ nhằm xác định xem phi trường này có phù hợp tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không ".

Hà Nội đã lên tiếng phản đối vụ bay thử nghiệm nói trên, xem đây một hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phản đối của Hà Nội, cho rằng hoạt động này " hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc ".

Trung cộng: Trạm vệ tinh Ấn Độ ở VN khuấy động thêm rắc rối Biển Đông
Ấn Độ chi 23 triệu đôla cho chương trình xây dựng trạm vệ tinh ở Việt Nam

Một viện nghiên cứu chiến lược của Trung cộng chỉ trích trạm vệ tinh Ấn Độ lắp đặt ở Việt Nam để theo dõi Biển Đông là âm mưu khuấy động thêm rắc rối tại khu vực.

Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã thiết lập trạm vệ tinh tại Sài Gòn để thu nhận, theo dõi, và điều khiển dữ liệu từ xa với kinh phí xây dựng khoảng 23 triệu đô la.

Báo chí Ấn Độ trong tuần cho hay trạm này sẽ sớm đi vào hoạt động và kết nối với một trạm khác ở Nam Dương để thu thập thông tin, hình ảnh liên quan đến Biển Đông.

Ấn Độ cũng có một trạm theo dõi khác từ vệ tinh đặt tại Brunei.

Nhà nghiên cứu Gu Xiaosong thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quảng Tây được tờ Global Times ngày 7/1 trích thuật nhận định rằng ‘Ấn Độ không có tranh chấp chủ quyền với Trung cộng ở Biển Đông, chỉ muốn khuấy nhiễu rắc rối trong vùng vì mục đích riêng nhằm đối trọng lại sự ảnh hưởng của Trung cộng.’

Vẫn theo nhà nghiên cứu Xiaosong, hành động này chứng tỏ mưu đồ của Ấn muốn phức tạp hóa tranh chấp khu vực.

Ấn Độ lâu nay kêu gọi cho quyền tự do hàng không-hàng hải ở Biển Đông và cổ súy một giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, New Dehli đã chọc giận Bắc Kinh khi tiếp tục gia hạn dự án hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông bất chấp sự phản đối gay gắt của Trung cộng.

Theo giới phân tích, trạm thu tín hiệu vệ tinh đặt tại Việt Nam là cơ sở chiến lược quan trọng của Ấn Độ bên trong và xung quanh Biển Đông, giúp New Dehli mở rộng vai trò ở Đông Nam Á giữa chính sách ‘Hành động Hướng Đông’ trước sự trỗi dậy ‘hung hăng’ của Trung cộng.

Bắc Kinh một mực đòi giải quyết song phương với từng nước có tranh chấp ở Biển Đông và tố cáo rằng sự can thiệp từ các nước thứ ba làm cho tình hình căng thẳng hơn.


Theo PTI, Deccan Herald