28.02.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (28.02.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (28.02.2016)
Tham vọng Biển Đông của Trung cộng đẩy Úc vào chạy đua vũ trang
Anh Vũ (điểm tin báo chí Pháp)
Trung cộng đòi hỏi chủ quyền trên một khu vực gần chiếm trọn Biển Đông. Trong ảnh, yêu sách đường 9 đoạn của Trung cộng, còn gọi là "đường lưỡi bò".Ảnh : UNCLOS/CIA

Việc chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á Thái Bình Dương là một chủ đề nổi bật trên các báo chí Pháp ra ngày cuối tuần.

Nhật báo Le Monde trở lại với sự kiện Úc vừa công bố Bạch Thư về quốc phòng qua bài viết : « Úc đầu tư vào quốc phòng để kiềm chế Trung cộng ».

 Tờ báo cho biết : « là đồng minh lớn của Hoa Kỳ, Úc đang đầu tư mạnh vào quốc phòng. Chi phí quân sự của nước này trong 10 năm đã tăng gần gấp đôi. Trong Sách trắng quốc phòng vừa công bố, Úc cho biết ngân sách dành cho quân đội trong năm 2016-2017 sẽ lên đến 32,4 tỷ đô la Úc, tương đương khoảng 23 tỷ đô la Mỹ và đến năm 2025-2026, con số này sẽ tăng tới 58,7 tỷ đô la Úc, tức chiếm hơn 2% tổng thu nhập của nước này ».

Theo Bạch Thư trên, lý do để Canberra đầu tư mạnh vào quốc phòng như vậy là vì nước Úc đang phải đối mặt với « môi trường chiến lược biến động và khó khăn nhất » chưa từng có trong thời kỳ hòa bình và  trong vòng 20 năm tới, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ được đánh dấu bằng việc quân sự hóa mạnh mẽ tới mức độ mà nơi đây sẽ tập trung tới « một nửa số tầu ngầm và chiến đấu cơ của cả thế giới ».

Le Monde nhận thấy, thực tế diễn ra trong khu vực này thì chính sự trỗi dậy thành cường quốc quân sự của Trung cộng mới là mối lo ngại chính của Úc. Bởi vậy mà Caberra yêu cầu Bắc Kinh phải minh bạch hơn nữa «trong chính sách quốc phòng, đặc biệt trên Biển Đông », nơi mà Trung cộng đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ và đó cũng vì thế mà làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Theo le Monde, quan điểm của Úc về Biển Đông là rõ ràng. Canberra « phản đối xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông vì mục đích quân sự », nhất là trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung cộng và nhiều nước như Việt Nam và Phi Luật Tân.

Trong bối cảnh có nhiều biến động trong khu vực, chính sách quốc phòng của Canberra chủ yếu tập trung đầu tư vào lực lượng hải quân. Thủ tướng Úc Malcom Turnbull cho biết là hải quân Úc đang được nâng cấp trên quy mô lớn nhất từ « sau thế chiến thứ 2 » đến nay.

Với ngân sách 50 tỷ đô la, từ nay đến năm 2030, hải quân Úc có kế hoạch đặt đóng 12 tàu ngầm. Ngoài ra Úc sẽ trang bị thêm ba khu trục hạm, 9 hộ tống hạm và 12 tuần dương hạm. Trên không thì không quân được tăng cường thêm 72 chiến đấu cơ loại F-35. Quân đội Úc cũng phải tăng 2.500 nâng tổng số lên 62 400 người.

Trung cộng, Hoa Kỳ, Phi Luật Tân khẩu chiến căng thẳng về Biển Đông
Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị. Ông Vương nói quyết định của Manila đệ đơn lên tòa án ở La Haye là ‘vô trách nhiệm đối với người dân Phi và tương lai của đất nước Phi Luật Tân’.

Trung cộng tố cáo Phi có hành động ‘khiêu khích chính trị’ trong vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung cộng lên tòa trọng tài quốc tế.
Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 25/2 nói quyết định của Manila đệ đơn lên tòa án ở La Haye là ‘vô trách nhiệm đối với người dân và tương lai của đất nước Phi Luật Tân’.

Bắc Kinh không chịu tham gia tiến trình vụ kiện. Dự kiến sẽ có phán quyết của tòa trong năm nay sau khi tòa thông báo hồi tháng 10 năm ngoái rằng có thẩm quyền xử lý vụ kiện.

Ông Vương cũng chỉ trích rằng Manila đã đóng sập cánh cửa thương lượng khi đâm đơn kiện mà không có sự ưng thuận của Trung cộng.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung cộng cáo buộc Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương bôi nhọ Bắc Kinh trong lúc tìm cách xin thêm ngân quỹ từ Quốc hội sau khi Đô đốc Harry Harris, tại buổi điều trần trước Quốc hội hôm 23/2, quả quyết rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông và mưu tìm bá quyền ở Đông Á.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung cộng Ngô Khiêm nói: ‘Chúng tôi không can thiệp vào việc quý vị xin ngân quỹ quốc phòng, nhưng quý vị không thể bôi nhọ Trung cộng một cách thiếu cẩn trọng như thế trong lúc xin thêm tài chính’.

Hoa Kỳ  tố cáo Trung cộng quân sự hóa Biển Đông trong khi Bắc Kinh nói Washington cùng các đồng minh, bao gồm Phi Luật tân, đang làm leo thang căng thẳng khu vực.

Theo Sunstar.com, Firstpost.com

Trung cộng cho phép khai thác tài nguyên dưới đáy biển
Một hoạt động dưới đáy biển, ảnh minh họa              AFP photo 
Quốc Vụ Viện Trung cộng vừa thông qua Luật cho phép khai thác tài nguyên dưới lòng đại dương, động thái mới nhất nhằm củng cố quyền lực nước lớn trên biển của Trung cộng.
Bản tin Reuters hôm qua dẫn nguồn Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức Trung cộng, nói rằng những qui định trong luật mới được thông qua sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân cũng như các tổ chức của Trung cộng trong công việc tìm kiếm tài nguyên cũng như thăm dò biển sâu. Việc khai thác và phát triển phải mang tính hòa bình và hợp tác bảo vệ môi trường biển và quyền lợi chung của nhân loại.
Lên tiếng trong buổi họp báo hôm thứ Sáu, ông Tôn Thục Hiền phó Cơ Quan Đại Dương Nhà nước của Trung cộng, nói rằng nhân dân và các tổ chức ở Trung cộng phải tôn trọng Công Ước Quốc Tế Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển mà Trung cộng là một trong những quốc gia đã ký.
Luật mới về khai thác tài nguyên vùng biển sâu, sẽ có hiệu lực ngày 1 tháng Năm. Reuters đặt vấn đề không rõ luật này và Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982 sẽ ảnh hưởng nhau như thế nào.
ASEAN quan ngại tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông
Theo tin RFA

ASEAN quan ngại tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông 
Các quốc gia thành viên khối ASEAN    Asean files photos
Hội nghị thu hẹp của các Ngoại trưởng ASEAN năm 2016 vừa kết thúc hôm qua tại thủ đô Vientiane, Lào sau hai ngày họp. Hội nghị vào ngày 27.02.2016 đã ra thông cáo bày tỏ sự e ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ngày càng tăng do tranh chấp chủ quyền cùng những diễn biến gần đây tại khu vực Biển Đông.
Theo thông cáo của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN thì hoạt động cải tạo các bãi đá và hoạt động leo thang ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng và có thể gây hại đến hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.
Bộ trưởng ngoại giao kiêm phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm nay nói với báo giới sau cuộc họp cùng những người tương nhiệm ASEAN rằng Hà Nội kêu gọi không được quân sự hóa tại Biển Đông.
Bộ trưởng ngoại giao Kampuchia Hor Namhong cũng cho biết ASEAN đồng ý biện pháp có cuộc gặp giữa phía Trung Hoa cộng sản và các bộ trưởng ngoại giao khối này nhằm thảo luận vấn đề Biển Đông cùng nhiều vấn đề khác.
Theo tin RFA

Thế trận mới ở Biển Đông
“Một hệ thống đồng minh mới đang dần nổi lên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nối liền Ấn Độ Dương”

Giữa bối cảnh Trung cộng gần như sẵn sàng cho một hệ thống quân sự để kiểm soát toàn bộ Biển Đông, có chuyên gia cho rằng cần hình thành liên kết diện rộng trong khu vực.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung cộng trên đường băng phi pháp ở đảo Phú Lâm – Ảnh: Sina

Ngày 27.2, về những động thái gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông, giáo sư James Holmes, thuộc Trường chiến tranh hải quân Mỹ, nhận xét: “Các tuyên bố chủ quyền sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu thiếu năng lực quân sự đi kèm. Vì thế, để phục vụ cho tham vọng chủ quyền trên Biển Đông, Trung cộng mưu đồ đạt ưu thế tuyệt đối về quân sự tại đây. Bắc Kinh từng thực hiện ưu thế đó thông qua lực lượng tàu cảnh sát biển và một số tàu mang vỏ bọc phi quân sự và bây giờ là việc đưa chiến đấu cơ, hệ thống phi đạn phòng không HQ-9… để đòi hỏi cái mà họ tuyên bố là chủ quyền. ”.
Từ thực tế đó, giáo sư Holmes dự báo: “Bắc Kinh sẽ dùng quân sự hậu thuẫn cho các chính sách ngoại giao đối với Biển Đông”.

Quả thực, trước đây, sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông chủ yếu chỉ dựa vào các căn cứ hải quân và không quân đóng trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên, lực lượng của Bắc Kinh tại đảo Hải Nam khó đảm nhiệm việc bao phủ toàn bộ Biển Đông bởi vùng biển này trải khá dài. Thế nhưng, Trung cộng nay đã có khả năng kiểm soát không – biển khắp Biển Đông nhờ lực lượng bao phủ rộng hơn.

Cụ thể, các căn cứ không quân và hải quân ở đảo Hải Nam tập trung nhiều loại chiến đấu cơ, máy bay vận tải quân sự, radar, tàu chiến nhiều loại và thậm chí là tàu ngầm hạt nhân. Khu vực này chỉ cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 200 hải lý. Các loại tàu chiến từ Hải Nam chỉ mất khoảng 8 giờ để đến Hoàng Sa, chiến đấu cơ thì tốn chưa đầy 20 phút bay, hệ thống radar đủ tầm bao phủ.

Tiếp nối các căn cứ ở đảo Hải Nam chính là lực lượng được Bắc Kinh dàn trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các tổ chức, cơ quan nghiên cứu quốc tế dẫn nhiều bằng chứng chỉ ra Bắc Kinh đã ngang nhiên đưa chiến đấu cơ J-11, oanh tạc cơ HJ-7, hệ thống phi đạn phòng không HQ-9 cùng nhiều cơ sở được cho là kho chứa vũ khí, nhà chứa phi cơ… cùng đường băng trên đảo Phú Lâm. Vài năm trước, một số hình ảnh cho thấy Bắc Kinh cũng đã triển khai trái phép radar tại đây.

Theo một số chuyên trang quân sự, máy bay tiêm kích J-11 có bán kính chiến đấu khoảng 1.500 km, có thể trang bị nhiều loại bom và tên lửa, đặc biệt là tên lửa đối không. Nhờ đó, J-11 có thể hoạt động khắp vùng trời Biển Đông, kéo dài từ vịnh Bắc bộ đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hỗ trợ đắc lực cho J-11 còn có oanh tạc cơ HJ-7. Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho biết: “JH-7 có một phiên bản tác chiến đa nhiệm là FBC-1 tương tự dòng Tornado (chiến đấu cơ do Anh, Đức, Ý cùng phát triển – NV).  Vì thế, JH-7 hiệu quả hơn J-11 trong việc đối phó với tàu chiến. HJ-7 có khả năng nạp nhiên liệu trên không, được trang bị hỏa tiễn chống hạm, bán kính chiến đấu cũng lớn hơn dòng oanh tạc cơ Q-5 đã lỗi thời. Cùng với hệ thống điện tử tiên tiến hơn, JH-7 sẽ giúp Bắc Kinh sở hữu lực lượng không đối hải đáng lo trên Biển Đông”.

Ngoài ra, Trung cộng cũng thường xuyên điều động tàu chiến hiện diện trong khu vực.

Kết hợp những yếu tố đó, có thể xem đảo Phú Lâm mà Trung cộng chiếm đóng trái phép sẽ giúp Bắc Kinh hình thành một lực lượng tác chiến hùng hậu trên Biển Đông khi chưa thể đưa hàng không mẫu hạm đến khu vực này. Tiến sĩ Collin nhận định: “Khi chưa thể dàn hàng không mẫu hạm, JH-7 và chiến đấu cơ Su-30MK2 sẽ giúp Bắc Kinh triển khai lực lượng tấn công trên biển theo cách mà Anh từng làm trong cuộc chiến Falklands/Malvinas”.
Ở phía nam, các hệ thống radar cao tần mà Trung cộng triển khai trái phép trên một số cấu trúc, thuộc quần đảo Trường Sa của VN, đóng vai trò “tai mắt” để cảnh báo từ xa.

Cần mạng lưới liên kết mới

Tiến sĩ Satoru Nagao
Đó là ý kiến của tiến sĩ Satoru Nagao, chuyên gia của Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản – giảng viên ngành an ninh tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản), khi nhận định về những căng thẳng gần đây tại Biển Đông khi Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa.

Ông Nagao phân tích: „Suốt một thời gian dài, các liên minh song phương của Mỹ với Nhật, Hàn Quốc, Úc, Phi Luật Tân đã bảo đảm tình trạng cân bằng tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong khi đó, những đối tác trong các liên minh song phương với Mỹ lại không hợp tác mạnh mẽ hơn nhau. Ví dụ, cả Tokyo và Canberra đều là đồng minh thân cận với Washington, nhưng giữa Tokyo và Canberra lại không hợp tác chặt chẽ về an ninh, quân sự. Tất cả đều lệ thuộc vào nguồn lực quân sự của Washington. Vì thế, trước đây, khi Mỹ còn đủ nguồn lực quân sự để phân bổ thì mạng lưới đồng minh trên có thể phát huy tác dụng, nhưng nay tình hình đã thay đổi, tài nguyên quân sự bị suy giảm, phân bổ ra nhiều khu vực. Bởi vậy, hiện tại, mạng lưới đồng minh trên không còn đủ sức duy trì ổn định trong khu vực. Trong khi đó, Bắc Kinh đang thể hiện mưu đồ trỗi dậy, có nhiều hành động cứng rắn đối với các tuyên bố chủ quyền mà họ theo đuổi“.

Chính vì thế, tiến sĩ Nagao khẳng định cần hình thành một hệ thống liên kết mới nhằm đảm bảo hòa bình ổn định cho khu vực.

Tiến sĩ Nagao chỉ ra rằng: “Một hệ thống đồng minh mới đang dần nổi lên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nối liền Ấn Độ Dương”.

Cụ thể, theo ông, một số thỏa thuận hợp tác đa phương đã dần hình thành như: Nhật Bản – Ấn Độ – Mỹ, Nhật Bản – Úc – Ấn Độ, Nhật Bản – Mỹ – Úc, Nhật Bản – Ấn Độ – Mỹ – Úc – Tân Gia Ba… Ông dự báo: “Những thỏa thuận ba bên, đa phương sẽ kết hợp cùng các hợp tác song phương sẵn có để hình thành một tập thể liên minh mới. Năm 2015, lần đầu tiên Nhật – Ấn – Úc tổ chức đối thoại ba bên mà không có sự tham gia của Mỹ.


Cũng trong năm 2015, Tư lệnh Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ khẳng định hoan nghênh việc Nhật Bản tham gia tuần tra trên Biển Đông. Đó chính là những diễn biến cho thấy các đồng minh của Mỹ đã nối kết với nhau, để chia sẻ trách nhiệm cùng nhau”. 

Tiến sĩ Nagao cho rằng mạng lưới liên kết này nên có sự tham gia tích cực của nhiều nước khác trong khu vực.