18.03.2016

48 người tự ứng cử vượt qua vòng rào hiệp thương 2 ở Việt Nam

48 người tự ứng cử vượt qua vòng rào hiệp thương 2  ở Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Quang A trước tòa thị chính của một thành phố ở Trung Hoa lục địa với chiếc áo No-U phản đối đường lưỡi bò của Trung cộng ở Biển Đông. Ông là một trong những ứng viên đầu tiên tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam khóa tới.
Hôm 17/3, báo trong nước đưa tin Hà Nội thông qua danh sách sơ bộ 87 ứng viên Quốc hội Việt Nam, trong đó có 48 người tự ứng cử qua vòng hiệp thương thứ hai. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức để lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
Hàng chục người tự ứng cử trên địa bàn, trong đó có tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nằm trong danh sách gần 100 người đã được thông qua.

Ông Diện cho VOA Việt Ngữ biết:
Sáng hôm nay, 17/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị hiệp thương vòng hai để rà soát danh sách đó, và 100% các đại biểu dự hội nghị hiệp thương vòng 2 hôm nay đã biểu quyết và tán thành cả 87 người ứng cử vào đại biểu quốc hội khóa 14, trong đó có 39 người do các cơ quan đoàn thể giới thiệu, và 48 người, người ta tự ứng cử. Như vậy, có thể nói, đến 13 giờ chiều hôm nay, có thể khẳng định rằng trong 48 người tự ứng cử này thì không có một người nào được các thế lực thù địch, hay các tổ chức phản động, tài trợ cả. Nếu có như vậy thì người ta sẽ bị gạt trong danh sách ngay sáng hôm nay”. 
Một ngày trước đó, nhiều tờ báo trong nước dẫn nguồn tin giấu tên trong “tiểu ban an ninh Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng có tổ chức phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử cho một số người”.
Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin, trong một cuộc tiếp xúc cử tri cũng tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng “không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước những phần tử thế này thế khác”.
Cũng trong hôm 17/3, báo Thanh Niên dẫn lời thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7: “Nhìn vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội thì thấy ứng viên ngoài Đảng quá nhiều. Đây là tổ chức thứ tư của Đảng sau Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội chứ có phải ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra”.
Sau những tuyên bố như vậy, hôm nay, tin cho hay, nhiều ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã bày tỏ quan điểm, trong đó có Thiếu tướng Lê Mã Lương. Báo điện tử VnExpress dẫn lời ông Lương nói rằng: “Những người tham gia hội nghị hiệp thương lần thứ hai này, mấy hôm trước, họ còn nói loại người này, loại người kia, và họ cũng đưa những tin để lót đường cho việc loại này, nhưng mà sáng hôm nay, các vị tham gia hiệp thương đó đã thông qua mà không loại người nào cả. Trong bối cảnh hiện nay, theo quy định hiện hành, tôi nghĩ đấy là một dấu hiệu tốt”.
Truyền thông Việt Nam đưa tin, hôm nay, 100% đại biểu có mặt tại hội nghị Hiệp thương lần thứ hai bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 đồng ý thông qua danh sách 197 ứng viên đại biểu Quốc hội khối trung ương, trong đó có 19 uỷ viên Bộ Chính trị.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau hội nghị lần thứ nhất ngày 23/2, Thường vụ Quốc hội đã phân bổ khoảng 35 đại biểu là người ngoài Đảng ở địa phương, và đây là con số tối thiểu dự kiến.
Image copyright  JB Nguyen Huu Vinh   Image caption  Nhà báo Phạm Thành và bà Nguyễn Thúy Hạnh là hai trong 48 ứng viên tự do vừa qua vòng hiệp thương thứ hai tại Hà Nội

“Trong 48 người tự ứng cử, bên cạnh những tên tuổi có đóng góp nhất định cho đơn vị như ông Trần Đăng Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xã hội - Từ thiện “trò nghèo vùng cao”, ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam, còn có tới bảy người là lao động tự do, có người nghỉ ở nhà, không rõ nghề nghiệp” theo VNExpress viết.
Trong số bảy người này có nhà báo kỳ cựu Phạm Thành (đăng ký hồ sơ với tên thật Phạm Chí Thành, sinh năm 1952) từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng là chủ trang blog Bà Đầm Xòe và diễn viên hài Vượng Râu (đăng ký với tên thật Nguyễn Công Vượng).
'Hoàn toàn khác biệt'
Hôm 17/3, trao đổi với BBC qua điện thoại từ Hà Nội, ông Phạm Thành nói: “Cam kết tranh cử của tôi rất mạnh mẽ và hoàn toàn khác biệt so với những ứng viên tự do còn lại. Tôi nguyện dốc lòng, dốc sức, nguyện phấn đấu đến cùng cho một nền dân chủ thực sự hiện diện ở Việt Nam. Chế độ độc tôn do cộng sản cầm quyền phải bị xóa bỏ”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Vượng nói với BBC: “Tôi sẽ lên tiếng để làm giảm sự vô cảm trước tình hình đất nước cũng như thúc đẩy việc cải cách giáo dục đến nơi đến chốn”.
Nghệ sĩ này cũng cho hay: “Tuy chưa từng hoạt động đoàn thể nhà nước và cũng chẳng đặt mục tiêu trở thành nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân, nhưng trong những chuyến lưu diễn đến các vùng sâu, vùng xa, tôi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng mà người dân muốn đặt lên vai đại biểu Quốc hội”.
VnExpress hôm 17/3 còn dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Hòa Bình TP Hà Nội Đào Thanh Hương: “Trong số tự ứng cử đợt này, phải nói có người rất xứng đáng, rất tâm huyết với đất nước, dân tộc và có đóng góp nhất định trong đơn vị của mình. Tuy nhiên, cũng có người cảm giác như là chơi chơi thôi!”.
Chính quyền chưa công bố con số ứng viên tự ứng cử, nhưng theo các nguồn tin, có gần 100 người tự ứng cử trên toàn quốc.

Theo tin VOA, BBC Tiếng Việt