15.03.2016

Việt Nam đang bị hút sâu vào vòng xoáy nợ nần

Việt Nam đang bị hút sâu vào vòng xoáy nợ nần
Theo một báo cáo về nợ công do Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách của Việt Nam phát hành thì Việt Nam đang và sẽ còn bị hút sâu vào vòng xoáy do nợ nần.

Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách của Việt Nam cảnh báo, số tiền Việt Nam phải trả cho các khoản nợ đã vay càng ngày càng cao và đang khiến nguồn vốn dành cho phát triển teo tóp.


Trái phiếu do chính quyền Việt Nam phát hành. Phát hành vô tội vạ, chi tiêu vô tội vạ nên các lãi và nợ gốc phải trả càng ngày càng lớn. (Hình: TBKTSG)


Chỉ trong giai đoạn từ 2010 đến 2014, riêng số tiền lãi phải trả đã tăng hơn gấp đôi. Năm 2010, tiền lãi phải trả cho các khoản đã vay, chiếm 3.2 % tổng thu ngân sách. Ðến năm 2014, tỷ lệ này đã chiếm 6.7% tổng thu ngân sách.
Nếu qui số lãi phải trả thành tiền, các con số gây ấn tượng mạnh hơn rất nhiều. Năm 2011, chính quyền Việt Nam chi 29,876 tỉ đồng để trả lãi cho các khoản vay. Ðến năm 2014, số lãi phải trả cho các khoản vay đã vọt lên mức 68,059 tỉ đồng.

Ðáng ngại là tiền lãi phải trả tăng với tốc độ chóng mặt. So năm 2015 với 2014 thì chỉ trong một năm, số tiền lãi phải trả đã tăng gấp rưỡi. Năm 2014, tiền lãi phải trả cho các khoản đã vay, còn chiếm 6.7 % tổng thu ngân sách thì đến năm 2015, tỷ lệ này vọt lên thành 9.2% tổng thu ngân sách.

Nếu qui số lãi phải trả thành tiền, năm 2014, số lãi phải trả cho các khoản vay dù đã là 68.059 tỉ đồng nhưng sang năm 2015, vẫn còn vọt lên đến mức 83,410 tỉ đồng!

Ngoài lãi phải trả như vừa kể, Việt Nam còn phải dùng ngân sách để trả nợ gốc. Năm 2010, Việt Nam chi 62,600 tỉ để trả nợ gốc. Năm 2011 có 63,440 tỉ đồng được dùng để trả nợ gốc. Năm 2012, con số này là 55,405 tỉ đồng. Năm 2013 là 55,570 tỉ đồng. Năm 2014 là 50,691 tỉ đồng. Năm 2015 là 65,060 tỉ đồng.

Ðáng lưu ý là nợ gốc tới hạn phải trả quá lớn, chỉ trong ba năm từ 2010 đến 2013 đã tăng gấp đội (từ 62,600 tỉ đồng lên 125,800 tỉ đồng) nên chính quyền Việt Nam lại phải vay thêm 70,200 tỉ để đảo nợ (dùng nợ mới trả nợ cũ).

Ðến năm 2014, số tiền cần vay để đảo nợ tiếp tục vọt lên mức 77,000 tỉ đồng. Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách của Việt Nam giải thích, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là vì đa số trái phiếu phát hành trong năm 2009 có kỳ hạn quá ngắn - chỉ từ một đến ba năm nên kể từ 2011, số nợ phải trả tăng nhiều và nhanh. Ngoài trái phiếu ngắn hạn, để có tiền chi dùng, chính quyền Việt Nam còn phát hành tín phiếu ngắn hạn (kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng) cũng khiến áp lực do số nợ gốc tới hạn phải trả tăng lên.

Theo Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách của Việt Nam, phần lớn nợ nần của chính quyền Việt Nam được vay trong nước qua các loại trái phiếu, tín phiếu nên khả năng xảy ra khủng hoảng thanh toán nợ có thể không lớn. Tuy nhiên, nợ nần nói chung và những khoản vay trong nước nói chung đang tạo ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Chẳng hạn làm tăng lãi suất, các doanh nghiệp tư nhân không muốn mở rộng đầu tư khu vực tư nhân và sẽ tạo ra lạm phát.

Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách của Việt Nam nhận định, thực trạng vừa kể là con đẻ của chính sách tài khóa lỏng lẻo, chi tiêu thiếu hiệu quả. Nếu không được điều chỉnh sớm, trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối diện với khủng hoảng nợ nần.