04.03.2016

Việt Nam có thể trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới hậu TPP

Việt Nam có thể trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới hậu TPP
VOA
Công nhân Việt Nam lột vỏ tôm tại công ty thủy sản Kim Anh ở Sóc Trăng.

Nhờ tham gia hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP, lợi thế xuất khẩu của Việt Nam đã được tăng cường để trở thành trung tâm xuất khẩu của thế giới, thu hút luồng tiền đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Thế giới ước tính chỉ nhờ TPP, xuất khẩu của Việt Nam từ hàng dệt may, giày dép cho đến cà phê và hải sản sẽ tăng 30% và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của đất nước thêm 10% cho đến năm 2030.
Hiện nay, Việt Nam đã là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ tư thế giới và sẽ được tiếp cận tốt hơn với những điều kiện ưu đãi hơn vào thi trường 11 nước còn lại của TPP cũng như 28 nước thành viên EU theo hiệp định thương mại tự do EU-Vietnam.

Mặc dù TPP còn cần được Mỹ và một số nước khác thông qua, trì hoãn việc thi hành đến năm 2017, cũng như theo hiệp định FTA Việt Nam-EU phải mất 7 năm thuế của EU đối với hàng dệt may Việt Nam mới được xoá bỏ hoàn toàn, song lúc này nhiều nước sản xuất dệt may ở châu Á đã bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi hơn nhiều so với họ nhờ các hiệp định thương mại kể trên.
Trong số các nước sẽ bị ảnh hưởng khi Việt Nam có lợi thế mạnh hơn là Campuchia và Miến Điện, 2 nước sản xuất hàng dệt may chủ chốt trong khu vực, tiếp đến là Trung Hoa lục địa và Bangladesh, 2 nước xuất khẩu các mặt hàng này lớn nhất thế giới, bên cạnh đó là Nam Dương và Pakistan, hai nước đang có ngành dệt may gặp khó khăn.
Trong 6 nước vừa kể, Campuchia gặp nguy cơ lớn nhất từ Việt Nam. Ken Loo, tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất May mặc ở Campuchia, nói ngành này đã mất thị phần ở Mỹ vào tay Việt Nam vì Việt Nam có chi phí lao động và năng suất tốt hơn.
Hai nước Miến Điện và Campuchia thời gian qua đã tăng mạnh xuất khẩu dệt may sang EU khi khối này giảm thuế hồi năm 2013 theo một chương trình tiếp cận thị trường dành cho các nước phát triển thấp. 20% hàng xuất khẩu dệt may của Miến Điện đi tới EU và sẽ còn tăng.
Campuchia cũng vậy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của họ, lượng hàng xuất tới EU chiếm 28% năm 2011 và đã tăng vọt lên 42% vào năm 2014.
Nhưng EU sẽ giảm dần thuế với hàng dệt may Việt Nam, hiện ở  mức 11,7%, trong khi năng suất lao động của Việt Nam cao hơn Campuchia. Sau hiệp định FTA với EU, Việt Nam đang xuất tới 23 tỷ đôla về trị giá hàng may mặc.
Ngoài tiềm năng rất thực tiễn từ thị trường EU, các chuyên gia ngành dệt may cho hay Việt Nam có thể tăng gấp đôi xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ một khi TPP có hiệu lực. Các chuyên gia dự báo các mặt hàng này của Việt Nam sẽ đạt giá trị xuất khẩu sang Mỹ lên đến 55 tỷ đôla vào năm 2025.
Ở một góc độ khác, TPP cũng đồng nghĩa là chính quyền độc đoán Việt Nam sẽ phải cho phép các nghiệp đoàn được hoạt động và trao thêm các quyền cho công nhân.
Ông Paul Huynh, một giám đốc tại hãng tư vấn, kiểm toán KPMG Vietnam, nói các hiệp định thương mại tự do sẽ có tác động to lớn đến các công nhân. Ông cho rằng họ sẽ có cơ hội cải thiện các điều kiện lao động, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cũng như sẽ có các cải cách về các tiêu chuẩn lao động.
Nếu Việt Nam thực hiện đúng các cam kết, Việt Nam sẽ hưởng lợi vì có danh tiếng tốt hơn so với các nước cạnh tranh trong khu vực. Bangladesh đã bị tiếng xấu vì một số tai nạn thảm khốc ở các nhà máy may mặc, trong khi các vụ biểu tình và đình công về điều kiện lao động và lương bổng thường xảy ra ở Miến Điện và Campuchia, dẫn đến những đợt tăng lương tối thiểu.
Các nhãn hiệu của phương Tây vốn muốn tránh bị tổn hại danh tiếng vì các cáo buộc đã mua hàng ở các công xưởng bóc lột có thể sẽ chọn cách đẩy mạnh sự hiện diện của họ ở Việt Nam.
Nhưng rất có thể Hà Nội vẫn ngần ngại việc cho phép giới công nhân tuỳ nghi hành động, vì họ xét thấy rằng các hoạt động công đoàn ở các nước khác, như ở Campuchia, thường gắn với các chính đảng đối lập.