Formosa - Vũng Áng - Hà Tĩnh
Vụ
cá chết: Mối nghi Formosa là thủ phạm rất lớn
Khánh An (VOA)
Hội nghề cá Việt Nam khuyến cáo
người dân không dùng cá đánh bắt trong thời gian này. Kết quả phân tích mẫu
nước tại Lăng Cô cho thấy cá chết do nước biển có chất độc cực mạnh và nước biển
ở những khu vực này bị nhiễm kim loại nặng.
Cập nhật: 27.04.2016
21:34Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết có 2 nhóm
nguyên nhân chính gây ra cá chết hàng loạt: một là do tác động của độc tố hóa
học của con người trên đất liền và trên biển; hai là do hiện tượng dị thường
của thiên nhiên, kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng ‘tảo nở
hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’. Trước đó 1 ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh
Thừa Thiên – Huế cho biết cá
cho biết cá chết ở khu
vực biển Lăng Cô là do nước biển có chất độc cực mạnh và nước biển ở khu vực
này bị nhiễm kim loại nặng. Trong khi đó, người dân ở khu vực gần nhà máy của
Công ty Formosa Hà Tĩnh đa số tin rằng chính ống xả thải khổng lồ ra biển của
công ty này là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường chưa từng có tại Việt Nam
trước đây.
Theo kết
quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, hàm lượng
nitơ tính theo amoni (NH4+-N) và hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) trong nước
biển ở khu vực có cá chết vượt mức giới hạn cho phép của quy chuẩn quốc gia về
chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt.
Cơ quan chức năng của
tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng cho biết khả năng chất độc khiến cá chết tràn lan là
từ vùng biển phía Bắc của tỉnh này.
Nghi ngờ ngày
càng tăng
Formosa được cấp phép xả nước thải sau khi xử lý; thời
hạn giấy phép 10 năm với 12 thông số và giới hạn nồng độ gây ô nhiễm. Ảnh chụp
màn hình Vietnamnet
Thông báo chính thức
trong cuộc họp báo tối 27/4 của các Bộ, ngành có liên quan về nguyên nhân khiến
hàng chục tấn cá chết liên tục giạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung những tuần
qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết có 2 nhóm
nguyên nhân chính gây ra cá chết hàng loạt: một là do tác động của độc tố hóa
học của con người trên đất liền và trên biển; hai là do hiện tượng dị thường
của thiên nhiên, kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng ‘tảo nở
hoa’ hay ‘thủy triều đỏ’. Nhưng giới chức này cho biết chưa có bằng chứng khẳng
định có sự liên hệ giữa nhà máy Formosa ở Vũng Áng – Hà Tĩnh với tình trạng cá
chết hàng loạt.
VOA nói chuyện với anh
Tuấn, người hiện đang có mặt tại khu vực Vũng Áng – Hà Tĩnh tối 26/4 về tình
hình người dân tại đây. Anh Tuấn cho biết:
“Đa phần người dân ở đây tin rằng Formosa là thủ phạm, mặc dù dĩ nhiên
họ không phải là nhà khoa học, người ta không thể có những kết luận có tính
chất khoa học được, nhưng một số người làm thí nghiệm, họ lấy nước biển ở khu
vực gần nhà máy lên và cho cá còn sống vào thì đa phần cá đều chết. Không chỉ
cá mà các loại hải sản khác như khác như tôm, cua, ghẹ… cũng đều chết cả. Do đó
mà mối nghi ngờ càng tăng lên. Cộng với cả chuyện những ngư dân lặn biển phát
hiện ra đường ống xả thải của Formosa, đa phần sau khi lên bờ họ đều có những
triệu chứng về mặt bệnh lý, chẳng hạn vàng da, tức ngực, khó thở… Tất cả những
cái đó cộng lại khiến cho mối nghi ngờ đang rất lớn ở đây.”
Báo chí trong nước cho
biết ngoài một người thợ lặn biển để thi công xây dựng đê chắn sóng ở Khu công
nghiệp Formosa bị tử vong đột ngột sau khi lặn xuống biển hôm 24/4, có 5 thợ
lặn khác của Công ty Nibelc, một nhà thầu của Dự án Formosa – cũng đã phải nhập
viện vì có những dấu hiệu tức ngực, khó thở, ngứa ngáy bất thường tương tự như
thợ lặn trên.
Rộ tin về khả
năng mất dấu vết vì chậm trễ điều tra
Có thể suy đoán nguồn gây độc bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau đó
theo dòng hải lưu chất độc chảy đến đâu thì cá chết đến đấy.
Trả lời báo chí, chủ
đầu tư Formosa cho biết mỗi ngày Formosa xả khoảng 12.000 m3 nước thải ra biển
và các mẫu xét nghiệm nguồn nước xả thải của họ đều ‘đạt tiêu chuẩn’ của Bộ Tài
nguyên và Môi trường.
Nhưng việc lấy mẫu
nước thải của Formosa để kiểm tra chỉ được thực hiện mỗi quý một lần, các mẫu
kiểm định trong những năm qua đều ‘đạt tiêu chuẩn’ trong khi đường ống xả thải
lại đặt ngầm dưới biển đã khiến cho dư luận nghi ngờ và đặt câu hỏi về độ tin
cậy của quy trình kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Về việc nhập 300 tấn
hóa chất gần đây bị cho là để súc rửa đường ống xả thải, Formosa cho biết số
hóa chất trên được dùng làm mát hệ thống chứ không phải để súc rửa. Tuy nhiên,
không có cơ quan chức năng nào giám sát việc sử dụng số hóa chất trên của
Formosa.
Bên cạnh đó, việc chậm
trễ và lòng vòng trong cách xử lý càng khiến cho dư luận thêm bất bình.
Ông Nguyễn Tử Cương –
Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất
lượng nông lâm sản và thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn –
cho báo Vietnamnet biết “Có thể suy đoán nguồn gây độc bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau
đó theo dòng hải lưu chất độc chảy đến đâu thì cá chết đến đấy. Như vậy, tại
vùng Hà Tĩnh có dòng hải lưu dẫn chất độc đi. Nếu làm ngay thì có thể tìm ra
nguyên nhân, nhưng cho đến thời điểm này, hơn 10 ngày thì nguồn lây nhiễm có
thể đã bị phi tang”.
Trong khi đó, một cư
dân mạng cho biết những người làm việc cho Formosa đều biết về vụ thải chất độc
hóa học và ống xả thải ngầm từ lâu nhưng họ không dám tố cáo vì sợ mất việc và
sợ bị liên lụy vì có dính líu đến các quan chức.
Thiệt hại toàn
dân
Thủ
tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị các địa phương hỗ trợ cho nông dân
bị thiệt hại và nhanh chóng đưa ra kết luận để có biện pháp xử lý.
Trước áp lực của dư
luận, tân Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh phải nhanh chóng đưa
ra kết luận điều tra về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, đồng thời hỗ trợ
những người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại vì thảm họa này. Tuy nhiên cho tới nay,
người dân địa phương cho biết vẫn chưa nhận được trợ giúp từ chính quyền, trong
khi một số cá nhân và tổ chức dân sự đang kêu gọi và tìm cách huy động mọi
nguồn lực tài chính để giúp đỡ cho người dân đa số chỉ sống bằng nghề biển ở
khu vực miền Trung.
Chị Vẽ, một người kinh
doanh nhà hàng hải sản gần khu vực Formosa Hà Tĩnh, cho VOA biết như sau:
“Ở vùng chị, cá chết hai
ngày rồi sau đó mực cũng chết. Nói chung trước đây buôn bán khách khứa đông lắm
mà giờ là kể từ hôm cá chết (ngày 6/4) còn bán được khoảng 10 ngày nữa, còn 10
ngày trở về đây là không có một người khách nào hết. Vắng tanh luôn! Nhà hàng
của chị một ngày bán khoảng 15 đến 20 triệu (đồng). Không có khách là không có
doanh thu luôn. Quán hàng giờ ngồi chơi. Dân họ cũng không đi làm nữa, nghỉ
biển luôn. Chị buôn bán thì thiệt hại nhiều, còn người dân họ đi làm một ngày
năm ba trăm ngàn thì cũng bị thiệt hại. Người ít, người nhiều. Nói chung thiệt
hại toàn dân luôn.”
Người phụ nữ ở Hà Tĩnh
này ước tính sẽ phải mất doanh thu ít nhất cũng vài ba tháng nữa và khả năng đi
tìm công việc khác với chị là rất khó.
“Nếu kéo dài thì như chị ở
đây phải nghỉ thôi chứ biết làm cái gì, trong gia đình chủ yếu làm về biển, với
lại chừ nghề nông là nhà máy họ lấy hết rồi, không có đất đai làm nữa.”
Cũng như nhiều người
dân ở Hà Tĩnh, chị Vẽ hy vọng không bị cắt ‘đường sống’ vì những thảm họa môi
trường như hiện nay.
“Nếu nhà máy Formosa để xảy ra sự việc này thì đề nghị họ trước hết phải
bồi thường cho người dân, sau đó phải đóng cửa không được hoạt động nhà máy,
hoặc là làm sao chứ nếu mà để tình hình như hiện nay thì dần dần người dân sẽ
không còn đường để sống nữa."
Một số người dân địa
phương cho Báo Thanh Niên biết họ bất ngờ khi biết tin về đường ống xả thải
ngầm của Formosa và cho biết chính quyền và công ty Đài Loan đã không hề hỏi ý
kiến người dân về việc xây dựng đường ống này.
Formosa là một tập
đoàn đa ngành của Đài Loan. Khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh là một trong nhiều dự
án được tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, trong đó có khu liên hợp sản xuất thép,
nhiệt điện và cảng nước sâu Vũng Áng. Đã có đến 3.500 ha đất liền, 1.200 đất
mặt nước được thu hồi và khoảng 15.000 hộ dân tại đây phải di dời khi dự án khu
công nghiệp này được tiến hành xây dựng.
Tin VOA
Nhà cầm quyền Việt Nam không có khả năng giải quyết vụ cá chết
Ngày 28 tháng 4, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển
Nông Thôn của Việt Nam thu hẹp nguyên nhân khiến cá chết trắng một đoạn bờ biển
dài ở phía Bắc miền Trung từ hai còn một.
Theo Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của Việt
Nam thì chỉ có một nguyên nhân dẫn tới thảm họa cá chết trắng biển là do nước
biển có độc tố.
Dân chúng xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh
Quảng Bình, biểu tình, đòi trả lại biển. (Hình: FB JB Nguyễn Hữu Vinh)
|
Nói cách khác, trong vòng chưa đầy một ngày, hai bộ
hữu trách của Việt Nam đã thay mặt nhà cầm
quyền Việt Nam đưa ra hai tuyên bố mà tự chúng đã thóa mạ lẫn nhau.
Vào ngày 27 tháng 4, 2016, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam, khẳng định, thảm họa cá
chết trắng biển là do: (1) Tác động của các độc tố thải ra từ hoạt động của con
người và (2) Do sự dị thường trong tự nhiên kết hợp với tác động của con người
mà tạo thành hiện tượng tảo nở hoa thường được gọi nôm na là thủy triều đỏ.
Kết luận của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường khiến cả báo
giới lẫn dân chúng sôi lên vì bất bình. Một số chuyên gia đưa ra hàng loạt dẫn
chứng nhằm chứng minh, từ 6 tháng 4 - thời điểm cá bắt đầu chết cho đến nay,
không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy, vùng biển chạy dọc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế có thủy triều đỏ.
Cách mà chính quyền Việt Nam ứng phó với sự kiện cá
chết trắng biển cho thấy, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương
không có khả năng giải quyết thảm họa.
Hai tuần sau khi cá chết trắng biển khiến hàng trăm
ngàn gia đình, hàng triệu người điêu đứng vì không thể kiếm sống bằng việc đánh
bắt, mua bán cá, hoặc cung cấp đủ loại dịch vụ cho ngư nghiệp, du lịch (tắm biển,
nhà hàng, khách sạn, vận tải), các viên chức Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện trước
công chúng, hứa hẹn sẽ “xem xét, giải quyết.”
Cũng kể từ đó, bắt đầu xuất hiện tình trạng “trống
đánh xuôi, kèn thổi ngược.” Trong khi một số cơ quan và cá nhân hữu trách khuyến
cáo chính quyền các địa phương có cá chết phải ngăn chặn dân chúng ăn hay mua
bán cá thì một số cơ quan và cá nhân khác bảo rằng, cá chưa chết thì vẫn có thể
ăn, dù khả năng nước biển bị nhiễm độc chất cực mạnh nhưng những cơ quan và cá
nhân khuyến khích ăn cá vẫn khuyến khích công chúng tắm biển, dẫu cho vừa có một
thợ lặn đột tử, năm thợ lặn khác vào bệnh viện cấp cứu vì có các dấu hiệu bị
nhiễm độc.
Khi làn sóng chỉ trích trở thành dữ dội, số lượng
người tham gia chỉ trích thái độ vô trách nhiệm và chê trách khả năng của hệ thống
công quyền tăng lên thành nhiều triệu (không xác định được nước biển có nhiễm độc
hay không, nếu có thì nhiễm (những) độc tố nào, từ đâu (?). Bộ Tài Nguyên-Môi
Trường hứa ngày 27 tháng 4 sẽ công bố nguyên nhân làm cá chết.
Kể từ trưa ngày 27 tháng 4, khoảng 150 phóng viên của
hệ thống truyền thông Việt Nam đã kéo đến trụ sở Bộ Tài Nguyên-Môi Trường chờ
nghe kết luận về nguyên nhân làm cá chết trắng biển. Ðến giữa buổi chiều, những
phóng viên này được thông báo, cuộc họp báo công bố nguyên nhân làm cá chết trắng
biển mà trước đó Bộ Tài Nguyên-Môi Trường từng hứa hẹn sẽ thực hiện đã bị hủy.
Chẳng riêng báo giới mà công chúng cùng xúm vào chửi. Cuối buổi chiều ngày 27
tháng 4, các phóng viên nhận được một thông báo khác là cuộc họp báo mới được
loan báo bị hủy vào giữa buổi chiều sẽ được tổ chức vào lúc bảy giờ tối. Khoảng
tám giờ tối, một trong những thứ trưởng của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường bước vào
phòng họp, đọc hai trang giấy, xác định chưa tìm thấy bằng chứng nước thải từ
Formosa khiến nước biển nhiễm độc và hai nguyên nhân làm cá chết như đã kể rồi
vội vàng tháo lui. Chỉ kéo dài có 7 phút, không ai dự “họp báo” kịp đưa ra câu
hỏi nào.
Cuộc “họp báo” đó trở thành một thứ ngòi nổ, kích động
thêm bất bình. Sự bất bình tiếp tục dâng cao khi tờ Thanh Niên công bố thêm một
tình tiết khác.
Sau cuộc họp báo được nhận định là chẳng giống ai, một
phóng viên của tờ Thanh Niên đã bám theo ông Võ Tuấn Nhân - người chủ trì “họp
báo” để tra vấn thêm về khả năng cá chết do nhiễm kim loại nặng. Ông Nhân đã cắt
ngang câu hỏi, ra lệnh tắt máy ghi âm và cảnh cáo rằng câu hỏi đó “gây tổn hại
cho đất nước của mình.”
Cần lưu ý rằng do kim loại nặng tồn tại rất lâu
trong đất, nước, không khí nên khi vượt quá mức cho phép, chúng sẽ nhiễm vào
con người qua đường hô hấp, niêm mạc da và chuỗi thức ăn. Kim loại nặng chính
là yếu tố gây ung thư, nếu mức độ nhiễm cao, não sẽ tổn thương não, hệ cơ co
rút, nạn nhân sẽ phát điên và tử vong sớm. Kim loại nặng có thể ảnh hưởng đến
quá trình phân chia DNA, dẫn đến quái thai.
Cũng cần lưu ý rằng trước đó chỉ vài ngày, Sở Tài
Nguyên-Môi Trường tỉnh Thừa Thiên-Huế từng loan báo, kết quả phân tích các mẫu
nước ở tỉnh này cho thấy, hàm lượng chromium - một kim loại nặng vượt giới hạn
cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển và nước mặt!
Dẫu ông Nhân không muốn “gây tổn hại cho đất nước
mình” nhưng lối ông hành xử không chỉ “gây tổn hại cho đất nước mình” mà dường
như sẽ... gây tổn hại cho... chính quyền.
Sự bất bình nay đã chuyển thành căm phẫn trước hàng
loạt thông tin dồn dập khác. Sau Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế,
người ta bắt đầu thấy cá chết tại vùng biển thuộc thành phố Ðà Nẵng. Rồi chim
trên Hòn Gió, một đảo đá thuộc tỉnh Quảng Bình, cách Vũng Áng - khu vực có nhà
máy thép của tập đoàn Formosa, nơi khởi đầu của thảm họa cá chết - khoảng 20 hải
lý đã chết sạch.
Ngoài cá nuôi trong bè chết sạch, cá sống ở những tầng
sát đáy biển chết trắng biển, tới lượt nghêu, sò chết trên diện rộng. Tại rất
nhiều nơi ngoài khu vực cá chết trắng biển, dân chúng bắt đầu xếp hàng mua muối
vì biển bị ô nhiễm thì muối sẽ khan hiếm do không thể làm muối như trước. Cũng
thời điểm này, chính quyền tỉnh Quảng Bình ra lệnh cho chính quyền các địa
phương trực thuộc phải cấp phát ngay 500 tấn gạo cứu đói cho những gia đình đã
kiệt quệ do bế tắc về sinh kế kể từ khi cá chết trắng biển.
Sáng 28 tháng 4, tiểu thương chợ Cảnh Dương ở huyện
Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đổ ra đường biểu tình. Cảnh Dương là xã sống nhờ
biển (đánh cá, mua bán cá, đan lưới, sửa tàu,...). Biển chết nên họ điêu đứng.
Công an địa phương để cho những con người khốn khổ này giương cao biểu ngữ đòi
trả lại biển đi từ các con đường làng ra đến tỉnh lộ thì buộc họ giải tán,
không cho họ kéo về Vũng Áng, nơi có nhà máy thép của Formosa.
Mới đây, sau khi những mùi dùi chĩa vào nhà máy thép
của Formosa - nơi bị công chúng tình nghi gây ra ô nhiễm, khiến cá chết trắng
biển - xoay sang phía chính quyền Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã “điều chỉnh
chiến thuật.”
Lúc đầu, khi công chúng phát giác Formosa đặt một đường
ống dài khoảng 1.5 cây số chạy dưới đáy biển để tống nước thải ra biển, Bộ Tài
Nguyên-Môi Trường của Việt Nam khẳng định, họ đã biết điều đó ngay từ đầu vì
chính họ cấp giấp phép cho Formosa xả nước thải theo kiểu như vậy.
Vài ngày vừa qua, khi công chúng nhận ra, chính
chính quyền có lỗi khi chọn Formosa, dành đủ thứ ưu đãi để Formosa xây dựng nhà
máy thép ở Vũng Áng, cho dù sự hủy diệt môi sinh, môi trường là tất yếu, cuối
ngày 28 tháng 4, bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường của Việt Nam bảo rằng, Formosa
sai khi đặt đường ống xả chất thải chạy dưới đáy biển.
Trước hậu quả càng lúc càng nghiêm trọng và lối hành
xử càng ngày càng khó có thể chấp nhận của chính quyền Việt Nam trong sự kiện
cá chết trắng biển, dân chúng Việt Nam đang kêu gọi nhau “xuống đường vì môi
trường.”
Những người sử dụng Internet để vận động “xuống đường
vì môi trường” nhấn mạnh, đây sẽ là dịp bày tỏ yêu cầu giữ môi trường an toàn
cho đương đại và hậu thế, bởi “chưa khi nào Việt Nam phải đối mặt cùng lúc với nhiều
thảm họa về môi trường đến như thế.” Ngoài yếu tố chính quyền đem môi trường sống
để đổi thành tích về phát triển, hàng loạt thảm họa về môi trường trong thời
gian vừa qua còn do nhiều người Việt chưa ý thức rằng chính họ phải bảo vệ môi
trường sống của mình.
“Xuống đường vì môi trường” dự trù sẽ diễn ra vào
ngày 1 tháng 5 tại Nhà Hát Lớn ở Hà Nội và Công Viên 30 tháng 4 ở Sài Gòn. Nhiều
người sử dụng Internet tại Việt Nam nhấn mạnh, nếu không thể tham gia biểu tình
thì hãy ủng hộ nó bằng cách treo các khẩu hiệu kêu gọi cứu lấy môi trường sống
trên trang blog hay trên facebook cá nhân.
Tình hình tại Việt Nam càng ngày càng hỗn loạn. Với
những diễn biến như đã kể, có thể chính quyền Việt Nam sẽ trở mặt, triệt hạ
Formosa để xoa dịu dân chúng, tái lập trật tự. (G.Ð)
(Người
Việt)