19.04.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 19.04.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 19.04.2016)
Báo chí Trung cộng không muốn Thủ tướng New Zealand nói về Biển Đông
Thủ tướng New Zealand John Key.

Thủ tướng New Zealand John Key đã tới Bắc Kinh cùng một phái đoàn thương mại đông đảo, thực hiện chuyến thăm Trung cộng kéo dài 5 ngày. Theo lịch trình, ông gặp Thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường vào tối 18/4 và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 19/4.

Ngay trước khi ông Key lên đường đến Bắc Kinh, cả hãng thông tấn Tân Hoa Xã lẫn tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung cộng đã cảnh báo ông không nên nêu ra vấn đề tranh chấp Biển Đông trong chuyến thăm.
Một bài xã luận do cả hai cơ quan trên đăng tải viết rằng "Ông Key nên nhớ New Zealand hoàn toàn là người ngoài cuộc đối với tranh chấp và là bên không liên quan, và bất cứ nỗ lực nào của Wellington không giữ lời hứa là không đứng về bên nào đối với vấn đề này sẽ có nguy cơ làm phức tạp quan hệ thương mại đang phát triển tốt giữa Trung cộng và New Zealand”.
Biển Đông có các tuyến hàng hải thương mại quan trọng đi qua và là nơi diễn ra tranh chấp chủ quyền căng thẳng giữa Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân và một số nước khác.
Thủ tướng New Zealand nói ông sẽ vẫn nêu ra lập trường của nước mình với các nhà lãnh đạo Trung cộng. Ông Key phát biểu: “Quan điểm của New Zealand về Biển Đông chưa thay đổi, vẫn luôn nhất quán. Đó là chúng tôi muốn thấy một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp đang diễn ra. Vấn đề này có phần chắc sẽ được nêu ra trong cuộc thảo luận chung, nhưng tôi không nghĩ sẽ có những tin tức mới để nói với giới lãnh đạo Trung cộng”.
Thủ tướng Key cho rằng New Zealand không thể hiện mạnh mẽ như các nước khác về Biển Đông nhưng điều đó không có nghĩa nước ông ít quan tâm hơn đến vấn đề đó. Ông nói Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng đưa hàng hóa New Zealand đến các thị trường quốc tế.
Tin VOA (Theo Radionz.co.nz, Stuff.co.nz)

 

Cuộc chiến pháp lý về tranh chấp Biển Đông

Huy Bùi
Image copyright   Other   Image caption   Đá Subi thuộc Trường Sa: Trung cộng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngọn hải đăng ở đây
Thời gian gần đây, căng thẳng trên Biển Đông lại tiếp tục được đẩy lên khi Trung cộng triển khai tên lửa tại Hoàng Sa, khánh thành Hải Đăng tại đá Subi thuộc Trường Sa.
Trong một diễn tiến mới nhất, Trung cộng điều nhiều chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng đã điều Hạm đội hàng không mẫu hạm John C. Stennis tiến hành tuần tra tại khu vực từ nhiều tuần trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết Mỹ đã tiến hành tuần tra chung với Phi Luật Tân.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino, Bộ trưởng Ash Carter nói việc tuần tra chung “sẽ góp phần vào việc duy trì an toàn và an ninh hàng hải ở khu vực”.
Lo ngại của cộng đồng quốc tế về một cuộc xung đột quân sự là có thật và ngày càng rõ nét.
Bên cạnh đó, còn một cuộc chiến khác đang diễn ra song song, đó chính là cuộc chiến pháp lý.
Vụ kiện của Phi Luật Tân
Quyết định của Phi Luật Tân kiện Trung cộng ra Tòa trọng tài thường trực (PCA) Liên Hiệp Quốc ở Hague chính là sự thách thức đối với yêu sách chủ quyền của Trung cộng tại Biển Đông.

Image copyright Reuters Image caption Mỹ và Phi Luật Tân mới đây đã tuần tra chung ở Biển Đông
Trên thực tế, Tòa trọng tài đã chấp thuận xem xét 7 trong số 15 luận điểm của Phi Luật Tân và sẽ ra phán quyết trong năm 2016 này, dù Trung cộng không chịu tham gia phiên tòa.
Thậm chí, Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị còn cáo buộc Manila khiêu khích chính trị và cho rằng “hành động của Manila là vô trách nhiệm với người dân Phi Luật Tân và tương lai của đất nước”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ) nói “dù Trung cộng cố tình tẩy chay tòa trọng tài thì Phi Luật Tân, các nước ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Úc và nhiều nước khác nữa cũng sẽ lấy phán quyết của Tòa Trọng tài làm cơ sở cho lập trường và các hoạt động của họ ở Biển Đông".
Lập luận của Trung cộng
Trung cộng Lập lập luận rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) và chủ quyền lãnh thổ dựa trên lịch sử là hai vấn đề độc lập nên Tòa trọng tài thường trực không đủ thẩm quyền phán xét.
Tiến sĩ Xiaoqin Shi thuộc Học viện khoa học quân sự Trung cộng, phản ánh lập trường của Trung cộng khi cho rằng “tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên nền tảng Trung cộng là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên, khám phá và khai thác”. Bà này đồng thời dẫn chứng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) không bao gồm các điều khoản về chủ quyền liên quan lịch sử cũng như vùng biển mang tính lịch sử-truyền thống.
Tuy nhiên, thực tế chưa thể xác định Trung cộng có phải là quốc gia đầu tiên phát hiện hay khai thác các quần đảo ở Biển Đông hay không cũng như chưa có bằng chứng nào về người Trung cộng sinh sống ở hầu hết các đảo trong khối quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Điểm mâu thuẫn kế tiếp là “đường chín đoạn” cũng mới chỉ được đưa ra trong thế kỷ 20 và không có tính ổn định.
Tờ Korea Times có bài phân tích chỉ rõ “trong các án lệ quốc tế, đường biên giới phải có tính ổn định và dứt khoát” như vậy, nếu nói Trung cộng chỉ tuyên bố chủ quyền dựa trên yếu tố lịch sử cũng đã có hai mâu thuẫn.

Image copyright EPA Image caption Tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino
Mâu thuẫn thứ nhất là nếu xem “đường chín đoạn” là đường biên giới thì nó không hề có từ xa xưa.
Mâu thuẫn thứ hai là nếu xem “đường chín đoạn” là đường cơ sở dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) thì cũng không được vì Trung cộng không công nhận sự áp dụng của Công ước này trong tranh chấp Biển Đông, chưa kể nếu áp dụng thì dựa vào các điều khoản 5,7 và 47, “đường chín đoạn” cũng không đạt yêu cầu.
Tự xét xử tranh chấp
Tiếp theo việc tuyên bố không công nhận và không tham gia phiên tòa xét xử vụ kiện của Phi Luật Tân, Trung cộng tuyên bố thành lập một Trung Tâm Luật pháp Hàng hải để xét xử các tranh chấp chủ quyền biển.
Theo BBC, trích lời Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung cộng Chu Cường nói việc thành lập Trung tâm xét xử là “nhằm bảo vệ chủ quyền Trung cộng, quyền hàng hải và các lợi ích cốt lõi khác”.
Nếu quốc tế công nhận sự phán quyết của Trung tâm xét xử thuộc Tòa án Tối cao Trung cộng, nghĩa là công nhận Biển Đông thuộc phạm vi lãnh thổ Trung cộng và chỉ được xét xử trong nội bộ quốc gia này.
Bên cạnh đó, cũng dẫn chứng của Tiến sĩ Xiaoqin Shi nói “từ trước đến nay chưa có một báo cáo nào về chuyện Trung cộng cản trở quyền tự do hàng hải ở Biển Đông” để khẳng định Trung cộng tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển là thiếu thuyết phục vì chưa không có nghĩa là sẽ không bao giờ có.
Tóm lại, tình hình Biển Đông trong tương lai phụ thuộc khá nhiều vào kết quả phiên tòa xét xử vụ kiện của Phi Luật Tân.
Tiến sĩ Alexander L. Vuving nhận định “phán quyết của tòa trọng tài rất có thể sẽ có lợi cho Phi Luật Tân và thế giới có xu hướng đồng thuận với phán quyết đó”.
Tiến sĩ Vulving cũng nói thêm rằng “nếu thế giới thể hiện được rằng phán quyết sẽ được cam kết để bảo vệ 'lẽ phải' thì Trung cộng phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình”.

Tin BBC

 

Biển Đông : Mỹ sẽ dựa nhiều hơn vào quân sự để ngăn Trung cộng ?

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter (T) và đồng nhiệm Phi Luật Tân Gazmin trên hàng không mẫu hạm Mỹ Stennis đang hoạt động trên Biển Đông. Ảnh ngày 15/04/2016.AFP/Adrian Cadiz

Ngày 14/04/2016, nhân chuyến ghé thăm Phi Luật Tân, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiết lộ việc lực lượng Hoa Kỳ và Phi Luật Tân đã quyết định cùng tuần tra trên Biển Đông, đã bắt đầu bằng các chiến dịch trên biển, và sẽ tiếp nối ngay với các chiến dịch trên không. Quyết định trên đây nằm trong một loạt thỏa thuận hợp tác quân sự với Phi Luật Tân và với Ấn Độ mà bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã thúc đẩy trong vòng công du lần này của ông, kết thúc hôm 15/04 với một cử chỉ đầy tính biểu tượng : Cùng đồng nhiệm Phi Luật Tân đi thị sát hàng không mẫu hạm Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông.

Theo nhật báo Mỹ The New York Times ngày 15/04/2016, tất cả những hành động và tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhân sáu ngày công du Ấn Độ và Phi Luật Tân đều là những tín hiệu cho thấy là chính quyền Obama đã quyết định dựa nhiều hơn vào sức mạnh quân sự để ngăn chặn tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung cộng trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông.

Tuy nhiên, The New York Times cho rằng cách tiếp cận mới cứng rắn hơn được phô trương nhân vòng công du lần này của ông Carter không phải là không hàm chứa rủi ro. Một mặt, đó sẽ là thông điệp cho biết là Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các đồng minh để thách thức sự bành trướng của Trung cộng tại vùng Biển Đông, nhưng một mặt khác, phản ứng cứng rắn hơn đó sẽ góp phần làm gia tăng mối lo ngại trong giới lãnh đạo Bắc Kinh về những nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung cộng.

Điều đó có thể đưa tới tình trạng là Lầu Năm Góc càng dấn thân sâu hơn vào khu vực, Trung cộng càng cảm thấy cần phải đẩy mạnh việc tăng cường sự hiện diện quân sự của mình, bao gồm cả việc xây dựng thêm các hòn đảo được trang bị radar và phi đạo ở Biển Đông.

Vừa phô trương uy lực, vừa tung ra sáng kiến cụ thể

Tổng kết về vòng công du của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter, The New York Times trước hết ghi nhận chiến thuật hai vế của Mỹ : Vừa phô trương uy lực, vừa tung ra sáng kiến cụ thể.

Đối với tờ báo Mỹ, cả tại Phi Luật Tân và trước đó tại Ấn Độ, ông Carter đã cho thấy rõ ràng là Hoa Kỳ đã quyết tâm củng cố các liên minh quân sự, đồng thời đưa thêm vũ khí và quân đội đến khu vực để chống lại tầm kiểm soát quân sự ngày càng mở rộng của Trung cộng.

Ngày 15/04 vừa qua, bộ trưởng Carter đã dùng trực thăng bay ra thăm một biểu tượng của sức mạnh Mỹ trên Thái Bình Dương : Hàng không mẫu hạm nguyên tử lực John C. Stennis thuộc lớp Nimitz, hiện đang đi qua Biển Đông, gần vùng biển mà Trung cộng đòi chủ quyền.

Ông cũng cho biết Hoa Kỳ đã bắt đầu tuần tra chung trên Biển Đông với hải quân Phi Luật Tân và sẽ sớm cùng tiến hành các chiến dịch tương tự với lực lượng không quân của đồng minh.

Trước đó tại Ấn Độ, ông Ashton Carter cũng đã lên thăm một hàng không mẫu hạm Ấn Độ, đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có hành động như vậy. Ông Carter đã thông báo việc Mỹ sẽ giúp Ấn Độ nâng cấp hàng không mẫu hạm, và cho biết là hai bên đã đạt được thỏa thuận chia sẻ hậu cần quân sự và cùng hợp tác trong lãnh vực công nghệ quân sự.

Chính Trung cộng đã đẩy các láng giềng vào vòng tay Mỹ

Theo New York Times, nhìn trong tổng thể, các biện pháp được loan báo cho thấy hướng gia tăng tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ ở một khu vực mà Trung cộng cho rằng ảnh hưởng của họ tất yếu sẽ qua mặt Mỹ. Chính quyền Obama dường như đang đánh cược rằng Trung cộng sẽ lùi bước thay vì tiếp tục những hành động chỉ khiến cho các láng giềng cầu viện quân đội Mỹ.

Nhân vòng công du, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã nhiều lần nhắc lại rằng chính các hành động của Trung cộng là động lực chủ yếu làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, hàm ý rằng đó là nguyên do thúc đẩy các nước láng giềng của Trung cộng ngày càng hợp tác nhiều hơn với Ngũ Giác Đài. Thế nhưng ông Carter luôn cho rằng Trung cộng không nên coi sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ là một sự khiêu khích.
« Chúng tôi đã có mặt ở đây từ thập kỷ này qua thập kỷ khác. Lý do duy nhất khiến cho vấn đề được đặt ra là những gì đã xảy ra trong năm qua, và đó là một câu hỏi về hành vi của Trung cộng. Việc tàu sân bay Mỹ hiện diện ở khu vực này không mới. Cái mới là bối cảnh và tình trạng căng thẳng mà chúng tôi muốn làm dịu ».

Bắc Kinh lên gân

Trung cộng đã theo dõi chặt chẽ vòng công du của ông Carter, vốn bao gồm một chặng dừng tại Bắc Kinh trước khi bị hủy bỏ cách nay vài tuần lễ.
Trong một tuyên bố vào khuya hôm 14/04, bộ Quốc Phòng Trung cộng tố cáo Hoa Kỳ là đã có lại một « tâm lý Chiến Tranh Lạnh », đồng thời đe dọa rằng quân đội Trung cộng sẽ « theo dõi chặt chẽ tình hình và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung cộng ».

Chính quyền Obama không coi cách tiếp cận của mình đối với Trung cộng là sự hồi sinh của chính sách « kềm tỏa », một chiến lược thời Chiến Tranh Lạnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản. Trái lại, ông Carter xác định rằng các sáng kiến quân sự mới trong khu vực đều phù hợp với chính sách mà Mỹ đã có từ lâu : Đó là hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chung ý hướng.

« Chính sách của Mỹ tiếp tục dựa trên các nguyên tắc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, hoặc ở bất cứ nơi nào khác, tôn trọng tự do hàng hải, tự do thương mại ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nói tiếp : « Quốc gia nào mà không chấp nhận những điều đó, thì sẽ tự cô lập mình... Đó sẽ là tự cô lập, chứ không phải là bị Mỹ cô lập ».

Các nước sợ Trung cộng hơn sợ Mỹ

Trong nhiều thập kỷ trước đây, cả Ấn Độ hay Phi Luật Tân đều không mấy quan tâm đến việc hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Thế nhưng cả hai nước này đều đã ngày càng lo ngại trước đà vươn lên về mặt quân sự của Trung cộng.

Theo New York Times, những sáng kiến mà ông Carter thông báo với Ấn Độ phần lớn mang tính tượng trưng, nhưng cũng có thể cho thấy khả năng hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai, như tuần tra chung ở Biển Đông , mua bán vũ khí hạng nặng và các trang thiết bị khác.
Trong một chính sách cứng rắn hơn một cách rõ rệt, Ấn Độ đã đàm phán với Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, để nâng cấp hạ tầng cơ sở dân sự trên vùng đảo Andaman và Nicobar, một quần đảo thuộc Ấn Độ được xem là có tiềm năng chiến lược trong nỗ lực đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung cộng.

Một thỏa thuận bao quát sau 10 năm thương lượng với Phi Luật Tân, và được Tòa Án Tối Cao nước này chấp thuận vào tháng Giêng năm 2016, sẽ cho phép lực lượng Mỹ xây dựng cơ sở, đưa binh lính, máy bay, tàu thuyền đến những căn cứ hiện có ở Phi Luật Tân. Ông Carter đã thông báo là hơn 200 phi công Mỹ và cùng phi hành đoàn, cũng như 6 chiếc phi cơ và 3 trực thăng sẽ ở lại Phi Luật Tân.

Tuy nhiên những nhà phân tích ở Trung cộng thì cho là những bước đi của chính quyền Obama sẽ khó đạt được mục tiêu là buộc ông Tập Cận Bình lùi bước. Trái lại, các động thái đó có thể làm tăng lo ngại trong giới lãnh đạo Trung cộng là Washington lợi dụng việc Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông như là một cái cớ để bao vây và chặn đứng sự vươn lên của Trung cộng.

Tô Hạo (Su Hao), một giáo sư Đại Học Ngoại Giao ở Bắc Kinh phân tích : « Trung cộng xem hành động của mình ở Biển Đông là chính đáng trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ... Trung cộng sẽ không thay đổi thái độ hay kế hoạch chỉ vì Mỹ mà thôi ».

Tin RFI

 

Hoa Kỳ có ý định đưa tàu ngầm tự hành đến Biển Đông để đối phó với Trung cộng

Tàu ngầm tự hành Echo Voyager do hãng Boeing sản xuất, có khả năng hoạt động nhiều tháng liên tục dưới đáy biển mà không cần nạp điện. Boeing

Trước việc Trung cộng tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, quân đội Mỹ đang đặt cược vào công nghệ mới, trong đó có các tàu ngầm tự hành. Tờ Financial Times ngày 17/04/2016 nhận định, sáu tháng gần đây Ngũ Giác Đài đã công khai đề cập đến việc sử dụng tàu ngầm không người lái để đối phó với âm mưu thống trị khu vực của Bắc Kinh.

Khi lên thăm chiến hạm USS Stennis tại Biển Đông hôm thứ Sáu 15/4, bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đã nhấn mạnh đến vai trò của tàu ngầm tự hành trong chiến lược quân sự Mỹ ở châu Á, có thể được sử dụng tại Biển Đông vốn có đa số diện tích là vùng biển nông. Ông cho biết Bộ Quốc Phòng đầu tư vào nhiều loại tàu ngầm tự hành mới có kích thước và trọng tải đa dạng tại các vùng biển nông, nơi các loại tàu ngầm thông dụng không thể hoạt động.

Với việc vén màn bí mật về các công nghệ mới như loại tàu ngầm tự hành có thể đưa vào hoạt động vào cuối thập kỷ, Ngũ Giác Đài hy vọng răn đe được các đối thủ tiềm năng như Trung cộng và Nga. Chuyên gia Shawn Brimley của Center for a New American Security nhận xét, trong trường hợp xảy ra xung đột tại Biển Đông, ưu thế quân sự của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh bớt hung hăng.

Trong cuộc chạy đua quân sự Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương, tàu ngầm đã trở thành một trong những lãnh vực chủ chốt. Đầu tư ồ ạt của Trung cộng vào hỏa tiễn đã khiến các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực và một số chiến hạm Mỹ bị đe dọa. Ông Carter cho biết như thế nên Ngũ Giác Đài sẽ đầu tư 8 tỉ đô la trong năm tới để « bảo đảm lực lượng tàu ngầm và chống tàu ngầm của Hoa Kỳ là vũ khí sát thương hiện đại nhất thế giới ».

Thụy My (RFI)

Trung cộng tập trận ở Biển Đông, gây thêm căng thẳng
Ảnh tư liệu: Tàu chiến Trung cộng bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ngoài khơi Biển Đông.

Tờ nhật báo Giải phóng Quân (PLA Daily) của Trung cộng  hôm 17/4 đưa tin các hạm đội của nước này ở Biển Đông đã tiến hành tập trận mô phỏng các điều kiện tác chiến thực tế để tăng hiệu quả chiến đấu.
Tin cho hay các cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 7/4, bao gồm các phương pháp tác chiến mới trong đó có huấn luyện trong môi trường điện tử.
Trước đó các hạm đội này đã tập trận mô phỏng tác chiến trong mọi thời tiết, huấn luyện tác chiến ngoài tầm nhìn, cũng như các bài bay thấp, tốc độ cao để luyện phi công.
Bài báo không nói rõ các cuộc tập trận đã diễn ra ở nơi nào trên Biển Đông. Một số báo Việt Nam đã đăng lại tin này nhưng không có tin gì về phản ứng của Việt Nam.
Bài báo của PLA Daily nói các hạm đội Trung cộng sẽ xem xét thêm việc tập trận tấn công hàng hải trong suốt 24 giờ, xuất kích phòng thủ ở độ cao trung bình và các chiến thuật khác.
Ngoài ra, họ sẽ phối hợp với các binh chủng khác về cảnh báo sớm trên không, phòng thủ đối với tàu chiến và phòng không.
Tin tức này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ nêu quan ngại về hoạt động bồi đắp và quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tin VOA (Theo Channelnewsasia.com, Presstv.ir)

 

Trường Sa : Lần đầu tiên máy bay quân sự Trung cộng đáp xuống Đá Chữ Thập

Đá Chữ Thập- Fiery Cross Reef- Trường Sa. Ảnh vệ tinh của Viện CSIS chụp ngày 03/09/2015Reuters

Báo chí Bắc Kinh đưa tin, ngày 17/04/2016 quân đội Trung cộng lần đầu tiên sử dụng đường băng có chiều dài 3.000 mét trên Đá Chữ Thập ( Fiery Cross Reef). Đây là một trong ba phi đạo do Trung cộng xây dựng trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa nơi đang có tranh chấp chủ quyền.

Trang nhất nhật báo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung cộng số ra ngày 18/04/2016 cho biết, hôm qua một chiếc máy bay quân sự Trung cộng đang tuần tra trên Biển Đông thì nhận được tin nhắn khẩn cấp yêu cầu đáp xuống bãi Đá Chữ Thập để chở ba công nhân bị bệnh nặng. Cả ba sau đó được đưa về đảo Hải Nam điều trị.
Tháng 1/2016 Trung cộng đã cho máy bay dân sự đáp thử xuống đường băng vừa được hoàn tất trên Đá Chữ Thập. Nhưng báo chí Bắc Kinh nhấn mạnh đây là lần đầu tiên máy bay quân sự Trung cộng sử dụng đường băng này.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, đường băng trên Đá Chữ Thập được xây dựng theo tiêu chuẩn quân sự và trong trường hợp xảy ra chiến tranh, đây có thể là căn cứ cho quân đội. Hoa Kỳ từng lên tiếng phê phán Trung cộng xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông và lo ngại Bắc Kinh sử dụng đảo nhân tạo vì mục đích quân sự. Nhưng Trung cộng luôn khẳng định không có ý đồ quân sự hóa Biển Đông.

Hãng tin Anh, Reuters lưu ý : đường băng 3.000 mét đủ dài để máy bay ném bom, vận tải hay máy bay quân sự của Trung cộng sử dụng. Đây là bằng chứng cho thấy sự hiện diện quân sự của Trung cộng trong vùng Biển Đông này càng rõ nét.

Thanh Hà (RFI)

 

Báo chí quốc tế nói gì về chuyến đi Trường Sa của tướng Trung cộng?

Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Trung cộng ( phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerrey tại Bắc Kinh ngày 16/5/2015. REUTERS/Saul Loeb/Pool

Bộ Quốc Phòng Trung cộng hôm 15/04 đã loan báo rằng tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung cộng vừa thực hiện một chuyến đi thị sát Biển Đông. Theo nhận xét chung, đây là một động thái mới của Bắc Kinh nhằm thách thức Mỹ trên vấn đề Biển Đông.

Bản thông báo không nói là ông Long đi lúc nào, và đã ghé những hòn đảo nào, nhưng cho biết là nhân vật này đã dẫn đầu một phái đoàn đi thăm Nam Sa (tên Trung cộng gọi quần đảo Trường Sa), và đã thị sát một số công trình xây dựng trong đó có hải đăng, trạm khí tượng.

Trong một bài viết được cập nhật ngày hôm nay, 17/04/2016 trên trang web của mình, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post đã nêu bật sự kiện đây là một chuyến thăm chưa từng thấy của nhân vật đứng hàng thứ hai trong cơ chế lãnh đạo quân đội Trung cộng, chỉ sau duy nhất chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo tờ báo Hồng Kông, tướng Phạm Trường Long như vậy đã trở thành lãnh đạo Trung cộng cao cấp nhất đặt chân đến Trường Sa. Trước đó, theo tình báo Đài Loan, vào tháng 09/2014, cũng có một viên tướng nhưng cấp thấp hơn – đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh Hải Quân Trung cộng - đến Trường Sa thanh tra công việc bồi đắp đảo nhân tạo.

Nhật báo Hồng Kông đặc biệt ghi nhận là chuyến thị sát Trường Sa của tướng Long trùng hợp cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Phi Luật Tân có sự tham gia của Úc, Nhật Bản trong khu vực. Ngoài ra, thông tin về chuyến đi được loan báo đúng vào hôm bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cùng đồng nhiệm Phi Luật Tân bay ra thăm tàu sân bay Mỹ John C. Stennis đang hoạt động trên Biển Đông.

Nhật báo Mỹ The New York Times hôm 15/04 cũng phân tích về chuyến thị sát Trường Sa của ông Phạm Trường Long và ghi nhận ý đồ khiêu khích của Trung cộng: « Chuyên thăm dường như nhằm mục tiêu chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bác bỏ bất kỳ thách thức nào chống lại các yêu sách của Trung cộng đối với quần đảo Trường Sa vốn cũng được Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei và Đài Loan đòi chủ quyền ».

Đây là một bước leo thang mới của Bắc Kinh, vì theo New York Times, trong thời gian qua, giới chức lãnh đạo quân sự hay dân sự Trung cộng cũng từng đi thăm Biển Đông, nhưng là đến quần đảo Hoàng Sa gần lục địa Trung cộng hơn.

New York Times cũng gắn liền thông tin về chuyến thị sát Trường Sa của nhân vật số hai trong quân đội Trung cộng, với chuyến thăm hàng không mẫu hạm Mỹ trên Biển Đông của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter.


Trọng Nghĩa (RFI)