19.04.2016

Bức tranh "rồng rắn" về chế độ toàn trị của cố Trung tướng Trần Độ 15 năm trước nay càng chính xác và rõ nét!

Bức tranh "rồng rắn" về chế độ toàn trị của cố Trung tướng Trần Độ 15 năm trước nay càng chính xác và rõ nét! 

Âu Dương Thệ
Vào năm Canh Thìn (2000) và Tân Tị (2001) cố Trung tướng Trần Độ đã viết Nhật ký Rồng Rắn. Khi ông hoàn thành tập hồi ký này cũng là lúc Đại hội 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) họp xong (cuối tháng 4. 2001). Đây là tác phẩm cuối cùng trước khi ông qua đời (8.2002). Khi ông mang bản thảo tập Nhật ký Rồng Rắn đi chụp lại thì bị công an đã phục sẵn và tịch thu bản thảo cùng bản sao.


Cố trung tướng Trần Độ đã từng là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam của ĐCSVN. Dưới thời Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư, ông là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương (nay là Ban Tuyên giáo trung ương) tán dương "cởi trói" cho trí thức và văn nghệ sĩ và sau đó là Phó Chủ tịch Quốc hội. Một người văn võ, ý thức chính trị và nhân cách kiêm toàn.

Trong hơn thập niên cuối cùng Trung tướng Trần Độ theo mệnh lệnh của trí tuệ và lương tâm đã rất can đảm lên tiếng công khai yêu cầu nhóm lãnh đạo CSVN phải đổi mới thực sự và toàn diện cả trong chính trị và kịch liệt kết án tệ trạng tham nhũng, bất tài và bạo ngược của những người có quyền lực trong chế độ. Ông đã bị khai trừ ra khỏi ĐCSVN và bị các đồng chí cũ theo dõi rất nghiêm ngặt. 

Trong "Nhật ký Rồng Rắn" Trung tướng Trần Độ không chỉ dẫn chứng những sai lầm, các tội ác mà các tầng lớp lãnh đạo từ trước tới nay ngày càng lún sâu; ông còn nêu ra các nguyên nhân và những thảm họa cho nhân dân và đất nước. Những điều ông nêu ra 15 năm trước nay ở mức độ còn tồi tệ hơn. Mọi người đều có thể kiểm chứng được: Từ tranh giành quyền lực ở trung ương, quan tham nhung nhúc như rươi, đội ngũ "lưu manh tư tưởng", công an lộng quyền, bầu cử quốc hội trá hình, dân oan khiếu kiện…

Ông so sánh sự tàn bạo của chế độ toàn trị ở VN hiện nay với nhiều bạo chúa và độc tài quân phiệt:

"Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thủy Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài. 

Nó tàn phá cả một dân tộc, hủy hoại tinh anh của nhiều thế hệ."

Đã từng bao năm nằm chung chăn nên Tướng Trần Độ hiểu rất rõ tư cách và lòng dạ từ người cầm đầu cho tới các cấp dưới chỉ biết lừa đảo:

"Lãnh đạo dối lừa, Đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối. Ôi, cay đắng thay!"

Từ đấy, ngay 15 năm trước Trung tướng Trần Độ đã rút ra được tổng kết về 60 năm thành quả "cách mạng": 

"Thế là ta đập tan một cái xấu xa và lại phải chấp nhận một cái xấu xa mới giống như hoặc tệ hại hơn tất cả những xấu xa mà ta từng chửi rủa, từng căm thù..."

Quan trọng nữa là Trung tướng Trần Độ còn đề nghị các giải pháp, ngõ ra thoát khỏi chế độ toàn trị để dân tộc ta đứng thẳng đi lên. Ông thiết tha kêu gọi tất cả "mỗi người Cộng sản có lương tâm phải biết xấu hổ", phải tham gia đấu tranh cùng với nhân dân thay đổi chế độ độc tài toàn trị và xây dựng một chế độ mới dựa trên 4 nền tảng:

"1. Thực hiện một xã hội công dân.
2. Một nhà nước pháp quyền.
3. Một nền kinh tế thị trường.
4. Một nền dân chủ thật sự."

Nhân dịp 41 năm "Giải phóng" và 30 năm gọi là "Đổi mới" đọc lại những gì Trung tướng Trần Độ đã cảnh báo 15 năm trước lại càng thấy chính xác và những lời ông kêu gọi toàn dân lại càng thấm thía mãnh liệt hơn!

Phần dưới đây trích trong tập "Nhật ký Rồng Rắn" của cố Trung tướng Trần Độ, từ trong Tạp chí Dân chủ & Phát triển (báo in) số 29, tháng 12.2004. Các phần trong [...] là của Tòa soạn DC&PT.

* * *

[Phần mở đầu Trung tướng Trần Độ đã đặt câu hỏi: "Tại sao chiếm được miền Nam 1975, một nửa đất nước trù phú như vậy mà chỉ vài năm sau đã đưa cả nước vào "nghèo đói, ngắc ngoải"?]

“... Hãy nhìn lại xem: từ năm 1975 đến 1985, mười năm xây dựng xã hội chủ nghĩa trong cả nước và nước có tên là: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” thì đất nước ra thế nào? Có phải suýt chết đói, suýt rơi xuống vực thẳm rồi không? Thắng lợi 1975, ta đã thu lại một nửa nước no đủ và đầy hàng hóa, thế mà ta đã phát huy thắng lợi đó ra sao, mà đến những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước đói nghèo, ngắc ngoải... 

Nếu chỉ lấy yêu cầu phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng nhất để xem xét, thì thử hỏi: 

Có nhất thiết chỉ có chủ nghĩa Mác- Lênin, chỉ có chủ nghĩa xã hội, mới làm cho đất nước phát triển hay không? Nếu chỉ cần nêu cao vai trò của Đảng, thì có nghĩa là đất nước phát triển hay không phát triển là không quan trọng. 

Vậy hãy cứ xem quanh ta: Đài loan, Đại Hàn, Singapore và thêm nữa, Thái lan và Malaysia, mấy nước này có do chủ nghĩa Mác- Lênin hướng dẫn không? Những nước ấy có cần có một Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối theo chủ nghĩa xã hội không? Thế mà cả 5 nước ấy, khi bắt đầu còn nghèo khổ, vậy mà chỉ sau khoảng 20-30 năm họ đã trở thành những nước phát triển rõ ràng, nhân dân đa số có đời sống khá phong lưu. 

Họ không có một Đảng cộng sản “tài tình”, “sáng suốt”, mà chỉ có những chính khách, có được chính sách kinh tế xã hội thông minh và có hiệu quả. Còn Việt Nam, kể từ khi toàn thắng trong cuộc chiến tranh đến nay đã hơn 25 năm và sắp sửa có hòa bình 30 năm, dài bằng thời gian chiến tranh rồi, mà vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Chậm hay nhanh không quan trọng, cứ phải là xã hội chủ nghĩa đã…

- Có người nói cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga thành công và Liên xô ra đời là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20. Vậy thì sự sụp đổ của cái “quan trọng” ấy lại càng “siêu quan trọng”. 

- Ở Việt Nam, từ 1975 đến 1985 ta chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Điều đó đã làm đất nước và nhân dân khốn khổ. May mà năm 1986, Đảng cộng sản phải nghe theo dân và phải đổi mới, nhưng sự đổi mới ấy lại cứ nửa vời, chập chờn, làm cho sự phát triển đất nước cũng cứ chập chờn, cứ nhùng nhằng, do đó đã qua đi 25 năm mà tương lai chưa hứa hẹn gì nhiều. Trong khi đó sự tụt hậu cứ càng ngày càng tụt xa, ta không sao theo kịp các nước không xã hội chủ nghĩa. Như vậy “xã hội chủ nghĩa” chỉ là một lý thuyết của một học thuyết chưa được chứng thực (chỉ mới có sự chứng thực của sự thất bại và đổ vỡ sau 70 năm tưởng rằng đã thành công). 

Như vậy nó không thể là con đường duy nhất để phát triển đất nước...

[Nhận diện về các tệ trạng của chế độ]

Nhưng còn xã hội ngày nay đã tốt đẹp chưa? Đã tự do, dân chủ chưa? thì không ai thấy được. Nhưng ai cũng thấy rằng: 

1. Xã hội hiện nay có một bộ máy quản lý to lớn kềnh càng quá, nhất là ở xã phường và huyện tỉnh. Bộ máy lại có nhiều Quan quá. Có một thời chữ Quan mất đi rồi, thay vào đó là chữ “Cán bộ”, “Đồng chí”. Nhưng ngày nay chữ “Đồng chí” chỉ còn trên giấy, còn thường ngày dân vẫn nói “các Quan” và “Quan càng to, càng nhiều bổng lộc”. Ngôn ngữ ấy trở lại như ngày xưa, trong xã hội rất nhiều người cũng cố gắng “phấn đấu” để được làm Quan. Vợ kiêu hãnh vì có chồng là Quan, con hãnh diện vì có bố, mẹ là Quan. Điểm này, xã hội ngày nay giống trước và trắng trợn, tệ hại hơn trước. 

2. Càng Quan to thì lễ lạt, biếu xén càng to và bổng lộc càng nhiều. 

3. Nhiều Quan to có mức độ sống không kém gì các quan ở những nước giàu có (nhà cửa, xe cộ, quần áo, ăn uống). 

4. Trong bộ máy, có nhiều người khiến nhân dân phải sợ, phải kiêng nể, có nhiều bộ máy to nhỏ đáng sợ. Dân phải sợ công an, sợ cán bộ Đảng, vì cán bộ Đảng giống công an quá, cũng hay dò la, xem xét, hay doạ nạt. Công an ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều nét của một hình ảnh khủng bố, là hình ảnh doạ trẻ con được “Ấy chết, chú Công an kia kìa!”. 

5. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng khá đông đảo, nhưng không bênh vực được nhân dân chút nào. Nhân dân vẫn phải khiếu kiện nhiều, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người (tức là biểu tình), vừa gửi đơn, vừa muốn trực tiếp đưa đơn, có rất nhiều trường hợp oan trái và oan khuất từ đời cha, đời ông đến đời con, đời cháu. 

Những điều đó, báo chí lẻ tẻ đều có nói đến, nhưng còn rất ít. Phải nghe nhân dân nói với nhau ở hè phố, góc chợ và khắp nơi mới thấy rõ được bức tranh xã hội thật. 

Vậy một xã hội mà ta mơ ước, ta lý tưởng hoá, lại tồn tại trong hiện thực như vậy, thì có thể coi là ta đã xây dựng được một xã hội tốt đẹp hay chưa?...

Ta đã từng mơ ước, và từng lý tưởng hoá, ta đã từng chỉ ra là xã hội tương lai sẽ không có thất nghiệp, không có cờ bạc, không có gái đĩ, không trộm cắp v.v... Nhưng xã hội ta ngày nay như thế nào? Vẫn có đầy đủ các tệ nạn của một xã hội cũ mà ta đã từng nguyền rủa và đã từng đập tan. Trước đây ta cho rằng chỉ có xã hội tư bản mới xấu xa như thế. Còn xã hội xã hội chủ nghĩa thì một trăm phần trăm tốt đẹp, một trăm phần trăm ngược lại với xã hội tư bản. 

Thực ra, chủ nghĩa Mác rất nhân đạo, rất nhiều lòng tốt, nó chỉ ra cho loài người một tương lai sáng lạn: sẽ không có tư hữu, do đó không có bóc lột, thế là cuộc sống xã hội hoàn toàn công bằng và dân chủ. 

Nhưng thực tiễn cuộc sống chỉ ra rằng nó không thể đơn giản như vậy. Hình ảnh ấy chỉ là một cái bánh vẽ khổng lồ. Thực tiễn cuộc sống khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Loài người cứ phải tìm kiếm và tìm kiếm, tạo ra cho mình những kinh nghiệm và những giá trị tốt đẹp. Xã hội tư bản có những cái xấu, nhưng trong xã hội đó, nhân dân cũng tạo ra những giá trị tốt đẹp cho mình, miễn là nhân dân được tự do. Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng có nhờ nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm được mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người, chỉ là một ảo tưởng hão huyền.

Thế mà Đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân. 

Đảng cộng sản Việt Nam cứ gân cổ gào lên cái định hướng xã hội chủ nghĩa theo kiểu như vậy, thật ra là một sự mù quáng, một sự điên cuồng. 

Nhân dân cần được tự mình làm chủ cuộc đời của mình, nghĩa là phải được tự do sống, tự do làm ăn, rồi mọi việc của cuộc sống sẽ được giải quyết dần, không cần một lý thuyết, một chủ nghĩa nào cả. 

Nói đúng hơn là nhân dân cần đến tất cả các học thuyết, các chủ nghĩa, rồi nhân dân sẽ chọn lọc, cân nhắc, so sánh chúng với nhau để tìm ra cái nào có lợi cho đường đi của mình. 

Đảng nào sáng suốt và tài tình là đảng tạo ra được những tự do như vậy cho nhân dân. Chứ còn đảng nào mà cứ bắt nhân dân phải nghe theo và sống theo các nghị quyết của mình thì đảng ấy chỉ là duy ý chí một cách dốt nát và tàn bạo. 

Đảng ấy quyết không thể tồn tại...

[Ông nêu một câu hỏi rất quan trọng khác: "Cách mạng VN đã đem lại được cái gì cho nhân dân Việt Nam?"]

Tiếp tục câu hỏi lớn: cuộc cách mạng Việt Nam đã đem lại được cái gì cho nhân dân Việt Nam? 

Cứ xem xã hội Việt Nam hiện nay, cuộc sống Việt Nam hiện nay, thì có thể thấy một nét lớn rất đau lòng là: Tất cả những gì xấu xa, tàn bạo, mà cách mạng đã có lúc xóa bỏ và đập tan thì nay đang được khôi phục lại hoàn toàn, mà khôi phục lại còn mạnh hơn, cao hơn, nhân danh cách mạng. 

Bộ máy quản lý xã hội thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính. 

Đó là chuyên chính tư tưởng, sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những “lưu manh tư tưởng”. Chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói... Những điều luật quy vào các tội: có hại cho lợi ích cách mạng, không lợi cho sự nghiệp cách mạng, nói xấu chế độ, nói xấu lãnh đạo v.v... để đàn áp tàn khốc mọi tiếng nói. 

Nền chuyên chính tư tưởng này đang làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, hoặc ít nhất cũng không muốn suy nghĩ gì, nói năng gì. Thực ra, nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ, giáo điều. Nó làm cho nền giáo dục khô cứng, làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng, nó làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng và nô dịch. 

Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc, lệ thuộc vào nhà nước, lệ thuộc vào Đảng, lệ thuộc vào cán bộ, và một tâm lý phải tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục một cái gì bí và hiểm. 

Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài. 

Nó tàn phá cả một dân tộc, huỷ hoại tinh anh của nhiều thế hệ. 

Xét đến cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống của con người mà nó huỷ hoại cuộc sống rất nhiều người, đó là cuộc sống tinh thần, cuộc sống tư tưởng của cả dân tộc. 

Nó đang làm hại cả một nòi giống...

[Nguyên nhân: Tầng lớp lãnh đạo bất tài, vô đức, tham lam và kiêu căng!]

Vì thế, đặc điểm bao trùm của chế độ chính trị xã hội này là: 

a) Nói một đàng, làm một nẻo. 

Nói thì “dân chủ, vì dân” mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề “nói vậy mà không phải vậy”. 

Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò, ở đâu cũng thấy các vai hề, ở đâu cũng thấy các trò lừa bịp. Suốt ngày đêm, suốt năm tháng cũng lúc nào cũng chỉ nghe thấy những lời nói dối, nói lừa. 

Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò, bắt tất cả trẻ con phải đóng trò, bắt nhiều người già phải đóng trò. 

Đặc điểm này đã góp phần quyết định vào việc tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa: Lãnh đạo dối lừa, Đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối. Ôi, cay đắng thay!

b) Đặc điểm thứ hai là quá lợi dụng quá khứ thắng lợi. 

Quả thật nhân dân ta có một lịch sử đấu tranh hết sức quyết liệt và đã thắng lợi vẻ vang. Trong đó Đảng cộng sản có vai trò quan trọng và Đảng cộng sản đã tự nói về điều đó một cách quá đầy đủ rồi. Thế mà đến nay đã gần 30 năm hoặc đã gần 80 năm vẫn còn ngày đêm phất cờ đánh trống, ngày đêm hò hét tự biểu dương, và cũng ngày đêm vơ vét các thành tựu nhân dân làm ra dồn vào cái túi “thắng lợi vẻ vang” và cái túi “sáng suốt, tài tình”. Lúc nào cũng bắt nhân dân phải tung hô, phải chào mừng, phải ca ngợi. 

- Chào mùa xuân cũng phải mừng Đảng, mừng Xuân

- Kỷ niệm nông dân, phụ nữ, thanh niên cũng phải biểu dương thành tích Đảng, Đảng là nguyên nhân thắng lợi.

- Nhân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tổ tiên và vui chơi cũng phải tưởng nhớ công lao Đảng và chào mừng Đảng.

- Đám cưới, đám ma cũng phải tưởng nhớ và chào mừng Đảng. 

Một câu ca dao rất tuyệt vời của nhân dân nói lên bản chất của tình hình và nói lên chân lý thời đại: 

Mất mùa thì tại thiên tai,
Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta!

Nhắc đi nhắc lại mãi “chân lý” này càng làm nó sáng rõ. Thực ra, mỗi người cộng sản có lương tâm phải biết xấu hổ về cái “chân lý” ấy. 

Có người đã nói rằng: Đảng đã ăn cái “xái” (xái thuốc phiện) của thắng lợi quá nhiều lần. Người ta ăn xái thuốc phiện thì ăn đến xái ba, xái bốn là hết, còn xái thắng lợi thì Đảng ta ăn đến xái 100 rồi mà còn chưa chán. 

c) Đặc điểm thứ ba là bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội này (cả Đảng và nhà nước) càng ngày càng đuối, càng bộc lộ trình độ kém cỏi của mình trước “nhiệm vụ dân chủ” giàu mạnh của đất nước. 

Tất cả những nhu cầu, những thiết yếu hàng ngày của một người dân muốn nhờ vào bộ máy lãnh đạo và quản lý gỡ rối cho, giải quyết cho thì đều gặp: 

- Giải quyết sai làm cho đời sống dân khó thêm, rắc rối thêm

- Giải quyết chồng chéo, không biết giải quyết thế nào, cứ bộ phận nọ bắn sang bộ phận kia, kéo dài vô tận. 

- Không giải quyết được.

- Đòi hỏi dân phải tốn kém nhiều mới chịu giải quyết. 

Vì thế mới nhiều khiếu kiện, nhiều oan khuất, nhiều điểm nóng…

Cũng do đặc điểm độc tài, độc đoán, cho nên mỗi người dân không được độc lập bộc lộ tài năng của mình (tuy rằng tài năng đó không hiếm). Việc chọn lựa những người có trách nhiệm cứ theo lối phe phái, theo lối ăn cánh, theo lối nịnh bợ, cơ hội, theo lối “bầu cử có lãnh đạo”, (Đảng cử dân bầu) thì các tài năng cứ bị vùi dập, bị thui chột, và đó là tai họa cho toàn dân tộc. 

Trong thực tế, đây là một trong những tội ác lớn nhất của Đảng đối với đất nước, dân tộc...

d) Đặc điểm thứ tư là đặc điểm lớn nhất, tai ác nhất, dã man nhất. Đó là độc quyền tư tưởng, độc quyền ý thức hệ. 

Đặc điểm này của chính quyền là trước mắt tạo ra một xã hội tẻ nhạt, khô cứng, nó vùi dập khoa học và văn nghệ, ép buộc thiếu nhi và thanh niên, làm cho không một giá trị tinh thần nào được xuất hiện và phát triển, về lâu dài nó làm cùn mòn cả nhiều thế hệ và do đó cùn mòn cả một dân tộc, một giống nòi. Nhưng những tai ác của đặc điểm này không duy trì được lâu. Đã có nhiều người trong thế hệ thanh niên và trung niên được tiếp xúc với nhiều thông tin thế giới bắt đầu nhận rõ tình hình và đang tìm cách rũ bỏ cái ách này. Chính quyền chỉ có một tiền đồ là bị phản đối và sẽ tan rã. Ta đã tha thiết mong mỏi biết bao nhiêu; chính quyền này đừng phản lại lịch sử nữa, hãy thích ứng với thời đại và tự đổi mới. Được như thế thì dân tộc ta gặp may mắn. Nhưng hình như những lực lượng bảo thủ, giáo điều, và cuồng tín còn quá nhiều và nhiều tham vọng nên còn đang kìm hãm nhịp sống bình thường của toàn dân tộc. 

e) Đặc điểm thứ năm là Đảng đã độc đoán và toàn trị, lại xử lý các việc theo kiểu bí mật và nội bộ, rất sợ công khai, sợ dân biết.

Càng bí mật nội bộ thì càng tha hồ tùy tiện, muốn duy trì độc đoán nên càng sợ hãi và cấm đoán công khai, không dám tranh luận công khai, không dám thông tin công khai. 

g) Đặc điểm thứ sáu là thích hình thức, phô trương. 

Bệnh hình thức thì Hồ Chí Minh lên án từ lâu, nhưng ngày nay, bệnh cứ ngày càng phát triển nặng, ngày càng phổ biến, trở nên nhàm chán, kệch cỡm, đến nỗi dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội phải lên tiếng. 

Suốt ngày, ta chỉ thấy kỷ niệm “chào mừng”, “lễ hội”, “mít tinh long trọng”,... Những người lãnh đạo suốt ngày phải đi biểu diễn “mở miệng nói”, không thấy có lúc nào họ có thì giờ để suy nghĩ và chuẩn bị được ý tưởng để lãnh đạo...

Tóm lại, sự thật của mấy chục năm qua là: 

Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội chưa tốt đẹp, còn nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, của một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ. 

Thế là ta đập tan một cái xấu xa và lại phải chấp nhận một cái xấu xa mới giống như hoặc tệ hại hơn tất cả những xấu xa mà ta từng chửi rủa, từng căm thù...

[Trung tướng Trần Độ đề nghị một lối ra cho dân tộc và đất nước]

Bây giờ phải làm gì? 

Sự thật không có gì khó khăn, và không có gì đảo lộn cả. Các vị lãnh đạo đã nói được nhiều điều tốt đẹp. Những điều tốt đẹp đó cũng là nói theo dân mà thôi. Dân căm ghét tham nhũng thì lãnh đạo cũng phải hò hét “kiên quyết chống tham nhũng”. Dân thấy tình hình đang bê bết, lãnh đạo phải nói tự phê bình, và các văn kiện đều phải nói về sự yếu kém nhiều hơn. Dân yêu cầu dân chủ và kêu ca tình trạng thiếu dân chủ thì lãnh đạo cũng phải thêm chữ dân chủ vào khẩu hiệu chiến lược. 

Nhưng nói thêm chữ thêm nghĩa vào chỗ này chỗ khác thì tốt đấy, nhưng hầu như chưa có ý nghĩa gì. Vì ta vốn đã có một thói tệ trầm trọng là nói một đàng, làm một nẻo. Cứ căn cứ vào chủ nghĩa thì ta có bao nhiêu là tốt đẹp. Ví như để trả lời điều nhận xét là ta kém dân chủ, thì một nhà lãnh đạo (hoặc một người phát ngôn thay mặt lãnh đạo) nói trên diễn đàn rằng nước tôi có đầy đủ dân chủ, chứng cứ là các quyền dân chủ ghi đầy đủ ở Hiến pháp và các bộ luật, có cả một văn bản pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sỏ. Và thế là các vị lãnh đạo đã “yên chí lớn” về nền dân chủ của nước nhà. Trong khi đó, những người trí thức và người dân thường, từng ngày từng giờ cứ phải tiếp sức với sự bưng bít thông tin, cứ phải đối phó với công an, thuế vụ, và dân phòng, Vậy thì họ chỉ thấy những lời nói tốt đẹp kia là vô nghĩa. 

Quả thật là đất nước ta, xã hội ta đang ở tình trạng không yên. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ ai cũng có thể nghe thấy những lời phàn nàn về tham nhũng, về đạo đức, về tệ nạn và về mất dân chủ. 

Xét cho cùng thì cũng là do thiếu dân chủ.

Nhân dân (và nhất là giới lão thành và giới trí thức) có rất nhiều ý kiến hay. Nhưng vì không có dân chủ, nên không thu hút được những ý kiến hay, bổ ích, thiết thực đó. Vì vậy, phải giải quyết từ vấn đề đường lối. Đại hội IX đã qua rồi và không giải quyết vấn đề đường lối. Vậy thì Ban chấp hành Trung ương phải bắt tay vào chuẩn bị vấn đề đường lối (có thể cho Đại hội sau). 

Đường lối sắp tới, theo ý tôi phải là đường lối dân chủ hoá:

Dân chủ hoá không phải là một số công tác, một số quyết định luật lệ. Dân chủ hoá phải là vấn đề đường lối, vấn đề chiến lược, vấn đề chính trị xã hội. 

Ta biết có những nhà trí thức quan trọng đã vẽ ra một bức tranh xã hội tươi đẹp cho nước ta ngay trước mắt, không cần phải định hướng, cũng không cần xã hội chủ nghĩa. 

Bức tranh xã hội đó là: Một xã hội có 4 yếu tố thiết yếu và quan trọng sau: 

1. Thực hiện một xã hội công dân, tức là một xã hội mà trong đó mỗi người dân thực sự làm chủ thân phận, cuộc sống của mình, có một sự độc lập tương đối trong làm ăn và sinh sống. Nó khác hẳn hiện trạng xã hội ta ngày nay, một xã hội mà trong đó mỗi người dân chỉ là một người tuân phục. Xã hội ta bây giờ chỉ có thần dân, không có công dân. 

2. Một nhà nước pháp quyền. Đó là một nhà nước có kỷ cương tinh nhuệ, không phải là một nhà nước cồng kềnh và bất lực như hiện nay. nhà nước đó phải thực sự là công bộc của nhân dân, phục vụ từng người dân, chứ không phải là một nhà nước chỉ biết cai trị dân, sai bảo dân, và tìm cách đục khoét của dân. 

3. Một nền kinh tế thị trường. Đó là một nền kinh tế hoàn chỉnh chứ không cần định hướng gì hết. Nền kinh tế đó có đủ các yếu tố của thị trường và được vận hành theo quy luật vận động của nó. Nền kinh tế này sẽ kích thích phát triển xã hội nhanh chóng tức là thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sức sản xuất. Rồi mỗi khi có một bước phát triển khách quan của nó thì lại có chính sách thích hợp cho nó phát triển, khắc phục mọi yếu tố kìm hãm. Vì vậy càng không nên “định hướng”. 

4. Là một nền dân chủ thật sự. Nền dân chủ này bao gồm cả xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. Nhưng một điều nữa là bảo đảm tất cả mọi quyền công dân đã ghi trong Hiến pháp và các Công ước quốc tế. Chủ yếu nhất là thực hiện ngay (thực hiện chứ không phải ban bố) quyền tự do ngôn luận, tự do ứng cử, bầu cử, và quyền tự do lập hội..."


19.04.2016
Âu Dương Thệ