06.05.2016

Đầu Tư Nước Ngoài Và Ô Nhiễm Môi Trường - Nguyễn Mạnh Trí

Đầu Tư Nước Ngoài Và Ô Nhiễm Môi Trường
Nguyễn Mạnh Trí

TỔNG QUÁT

Bài này mới được viết từ đầu tháng 5/2016 nhưng tác giả quyết định đưa lên mạng trước vì tính cách thời sự. Các bài đã viết xong sẽ được đưa vào những kỳ tiếp. Ba sự kiện ô nhiễm môi trường tiêu biểu được nêu lên: công ty Vedan và sông Thị Vải, dự án Bauxite Tây Nguyên và gần đây nhất là vụ cá chết hàng loạt tại Vũng Áng – Hà Tỉnh mà kết quả điều tra vẫn chưa được công bố.


ĐẦU TƯ TỪ ĐÀI LOAN-TRUNG CỘNG VÀ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

CÔNG TY VEDAN VÀ SÔNG THỊ VẢI

Xí nghiệp Vedan Đài Loan được thành lập từ năm 1954 tại Đài Trung, Đài Loan. Từ năm 1973 đến 1986 được phát triển thêm vào các xí nghiệp sản xuất thực phẩm khô và các ngành phụ trợ. Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam được thành lập từ năm 1991 tại tỉnh Đồng Nai, phía Đông Nam TP. HCM.
Trên diện đất rộng 120 ha, hiện nay công ty đã đưa vào hoạt động các công trình bao gồm: nhà máy tinh bột nước đường, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột biến tính, nhà máy Xút-axít, nhà máy Lysine, nhà máy phát điện có trích hơi, nhà máy PGA, nhà máy phân bón hữu cơ khoáng Vedagro dạng viên, cảng chuyên dùng Phước Thái Vedan, các công trình, cơ sở hạ tầng tại các khu vực hành chính, cư xá, giáo dục đào tạo.


Sông Thị Vải nằm ở hạ lưu thuộc lưu vực sông Đồng Nai có chiều dài khoảng 30 km, bắt nguồn từ huyện Long Thành (Đồng Nai) chảy qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu. Lưu vực sông Thị Vải có nhiều khu công nghiệp lớn của Đồng Nai tại Nhơn Trạch, Gò Dầu và tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp lớn. Trên thực tế Vedan từng là đơn vị có “lịch sử” liên quan việc xả nước thải chưa qua xử lý ra sông và chính quyền địa phương vì lý do nào đó cũng không tiên liệu biện pháp kiểm soát.

Thành lập từ 1991, công ty thực phẩm Vedan đã gây ra nhiều vụ ồn ào về ô nhiễm môi trường. Báo Việt Nam loan tin nhà máy của Vedan, chuyên làm bột ngọt và bột mỳ nằm sát sông Thị Vải đã từng gây ra hiện tượng tôm cá chết hàng loạt. Chủ đề nước thải từ tổ hợp công nghiệp Vedan làm cho sông Thị Vải ô nhiễm, khiến cá chết đã trở thành tranh cãi và đổ lỗi công khai trong nhiều năm giữa nhà máy và quan chức môi trường trong nước. Năm 1995, Vedan chấp nhận bỏ ra 15 tỷ đồng để trợ giúp ngành nuôi cá tại những nơi bị ảnh hưởng. Năm 2007 tại hội đồng thẩm định báo cáo xin cấp phép xả thải được tổ chức tại Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường), Vedan đều cam kết xả nước thải đã qua hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn cho phép rồi mới được xả thải ra nguồn tiếp nhận. Cuối cùng, vào tháng 9/2008, Công ty Vedan bị cảnh sát môi trường phát hiện xả nước thải chui ra sông Thị Vải trong nhiều năm. Theo nhận định ban đầu, việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải của công ty Vedan là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tại hiện trường, Phó Giám đốc phụ trách văn phòng Công ty Vedan Việt Nam đã thừa nhận sự vi phạm của công ty. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2009, công ty này vẫn được nhận giải thưởng "Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng" do Ban tổ chức "trao nhầm" khiến dư luận hết sức bực tức, giải bị thu hồi. Theo lời khai của ông Lin Mao Fu (cán bộ vận hành dung dịch sau lên men của nhà máy), mỗi ngày hệ thống này bơm chất thải ra sông Thị Vải khoảng hai giờ. Bất ngờ hơn khi ông Fu thừa nhận hệ thống bơm và đường ống kỹ thuật do Vedan lắp đặt vận hành đã 14 năm nay.

Sau gần 15 năm, đoàn kiểm tra mới đi đến kết luận: Vedan thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải lỏng của nhà máy sản xuất lysin, nhà máy bột ngọt, nhà máy sản xuất PGA từ bể bán âm dung tích 6,000-7,000m3 và bồn chứa 15,000m3 để bơm và xả trực tiếp vào sông Thị Vải. Việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải của Vedan trái với quy trình kỹ thuật xử lý chất thải (nước thải, dịch thải lỏng), không đúng với nội dung báo cáo môi trường đã được phê duyệt và vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cuối tháng 11, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai quyết định truy thu Vedan 111 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường. Trước đó, Vedan cũng nộp phạt hành chính 267 triệu đồng.

Nếu đúng như báo chí nêu thì việc làm của doanh nghiệp này đã vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường. Đây là việc làm cố tình, nhưng tại thời điểm này, việc Vedan bị bắt quả tang xả nước thải không qua xử lý tức là Vedan đã bỏ qua tất cả những điều đã cam kết. Các đoàn thanh tra, kiểm tra thường đạt hiệu quả không cao vì doanh nghiệp vẫn bằng cách nào đó để biết trước và chủ động tìm cách đối phó. Việc xây dựng thiết bị quan trắc tiên tiến tại các cửa xả thải đều củ kỷ. Hệ thống quan trắc này không có khả năng giám sát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm.
.
Sông Thị Vải

Hiện nay, dòng sông đã hồi sinh trở lại trong nhọc nhằn. Theo người dân, từ đầu năm 2012, những chiếc ghe sau nhiều năm “nằm ngủ” đã được người dân sửa chữa lại, hàng trăm con người lại ngày đêm giăng lưới trên sông. Cuối cùng thì màu nước sông Thị Vải cũng được trả lại như xưa. Nguồn thủy sản dù chưa được đủ nhiều như trước nhưng người làm nghề cá mỗi ngày cũng có thể kiếm được 3-5 kg cá, tôm. Khoảng hai năm trở lại đây, tôm, cá trên sông ngày một nhiều. Đặc biệt, những loại hải sản quý hiếm như cá chìa vôi (hơn 1.6 triệu đồng/kg), tôm tít (giá khoảng 700,000 đồng/kg), tôm hùm … đã trở về. 

Dòng sông Thị Vải đang hồi sinh từng ngày, nhưng nỗi lo sông ô nhiễm trở lại vẫn cứ bám lấy tâm trí, cuộc sống của người dân. Bởi, với đặc thù nhiều KCN nằm ven sông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với hàng nghìn nhà máy đang hoạt động, nếu các cơ quan chức năng không tăng cường giám sát, xử lý nghiêm minh và triệt để những hành vi vi phạm môi trường, chuyện buồn về sông Thị Vải có thể lặp lại.

KHAI THÁC BAUXITE TÂY NGUYÊN


Năm 2007, theo tuyên bố của chính phủ Việt Nam thì CHALIECO (công ty TNHH Công trình quốc tế thuộc Công ty nhôm Trung cộng CHINALCO) đã ký hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN), tổng cộng đầu tư 460 triệu USD xây dựng một nhà máy bô-xit tại cao nguyên Trung Bộ Việt Nam. Tổng giá trị công trình là 466 triệu USD, thời hạn công trình là 24 tháng. Sản lượng bô-xit đợt đầu là 600,000 tấn/năm, tới năm 2015 sẽ đạt 1.2 – 1.8 triệu tấn.

Dự án khai thác bô xít và sản xuất alumin Nhân Cơ và Tân Rai của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, có rất nhiều thông tin trái chiều xoay quanh vấn đề hiệu quả kinh tế, môi trường, an ninh chính trị của hai dự án này.Ngày 1/11/2007, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định QĐ 167/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 (QHBX) tại Tây Nguyên do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đệ trình. Trong năm 2008 đã có hai dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina tổng công suất 1.2 triệu tấn/năm (600,000 tấn alumina/dự án) triển khai tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Một tháng sau, tháng 12/2007,Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án bảo vệ Môi trường lưu vực sông Đồng Nai (ĐA/SĐN) đến năm 2020. Theo đó, lấy phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và ngăn chặn suy thoái môi trường là chính; kết hợp xử lý, khắc phục từng bước các điểm nóng về ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên toàn lưu vực, đặc biệt là những nguồn nước được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Bảo vệ môi trường lưu vực SĐN phải được giải quyết tổng thể, thống nhất trên toàn lưu vực với sự kết hợp hài hoà của 12 tỉnh thành trên lưu vực.

Một năm sau nữa, ngày 3/12/2008,Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Uỷ ban Bảo vệ Môi trường Lưu vực sông Đồng Nai (UB/SĐN) để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng, thống nhất thực hiện ĐA SĐN. Việc thành lập UB/SĐN là một động thái tích cực triển khai thực hiện ĐA SĐN trong đó có Đăk Nông và Lâm Đồng – khai trường chủ yếu bauxite Tây Nguyên. Do được xây dựng trước khi ĐA/SĐN được phê duyệt và bỏ qua việc thực hiện báo cáo Đánh giá Môi trường chiến lược (ĐMC) mặc dù QHBX là quy hoạch liên tỉnh cần lập báo cáo ĐMC theo quy định của Pháp luật về BVMT, nhiều vấn đề môi trường của QHBX còn chưa được tính toán kỹ trong bối cảnh phát triển bền vững lưu vực hệ thống sông quan trọng này nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Đó chính là nguyên nhân gây ra những phản ứng trong xã hội về các vấn đề môi trường liên quan đến QHBX. Trong phần tham luận trước đó, nhiều đại biểu đã khuyến cáo Chính phủ xem lại các khía cạnh kinh tế- xã hội - môi trường của các dự án được cho là nằm trong "chủ trương lớn" của Đảng và Nhà nước. Một số chuyên gia cũng kiến nghị chỉ nên thực hiện thí điểm dự án Tân Rai. Có ý kiến cũng đề cập tới vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên là nơi triển khai các dự án. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng được trao trách nhiệm chỉ đạo chương trình khảo sát khai thác bauxite Tây Nguyên trong khuôn khổ hợp tác với khối COMECON của các nước xã hội chủ nghĩa những năm 1980, đã gửi điện tới cuộc hội thảo. Ông Giáp một lần nữa can ngăn "không nên khai thác" bauxite vì "đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng". Đại tướng cho đây là "vấn đề cực kỳ hệ trọng" và đã gửi thư khuyến cáo cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu dừng triển khai các dự án bauxite.

Ngày 28/3/2015, tại cuộc tọa đàm về bô xít do Trung tâm Thiên nhiên và Con người (Pan Nature) tổ chức ngày 28/3/2014, người theo dõi từ đầu dự án này là TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc New Technology Solutions Vietnam, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin đã có những phát biểu làm nóng buổi tọa đàm, hé lộ nhiều thực trạng về việc khai thác bô xít tại Tây Nguyên về trình độ công nghệ, ham đấu thầu giá rẻ và cái “bẫy” của nhà thầu Trung cộng.


VỤ CÁ CHẾT HÀNG LOẠT VŨNG ÁNG VÀ MIỀN TRUNG VIỆT NAM 2016

Vụ cá chết hàng loạt miền Trung Việt Nam 2016 là hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), chủ yếu là cá tầng đáy gần bờ, bắt đầu từ ngày 6 tháng 4 năm 2016 và sau đó lan ra vùng biểnQuảng BìnhQuảng TrịThừa Thiên-Huế. Một hội đồng khoa học, công nghệ cấp quốc gia vừa được thành lập với hơn 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước để tìm nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung Việt Nam. Ngày 2/5, các nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực hải dương học người Đức, Hoa Kỳ, Israel đã đến Việt Nam để cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nhà khoa học trong nước tìm nguyên nhân vụ ô nhiễm này.


Thiệt hại sơ khởi: Từ ngày 6/4 đến 8/4, trên địa bàn 3 xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh (đều thuộc thị xã Kỳ Anh) có tổng cộng 14 hộ nuôi cá bè, với 18 lồng nuôi các loại cá (cá hồng, cá bớp, cá giò, cá mú, cá chẽm, cá hồng mỹ...) bị chết hàng loạt với khoảng 37,200 con cá giống, 2,120 kg cá thương phẩm, thiệt hại trên 1 tỉ đồng. Tại xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, toàn xã có gần 100 tấn nghêu của hơn chục hộ dân đã chết sạch. Trên bờ biển Quảng ĐôngVũng Chùa có đến hàng trăm cá thể cá mú loại từ 40 – 50 kg trôi dạt vào bờ và chết. Thống kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển bất ngờ chết dạt bờ. Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản suất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của cư dân miền Trung.

Vai trò của công ty Formosa: Tập đoàn Formosa được thành lập năm 1954 dựa trên nguồn viện trợ của Mỹ với Đài Loan. Đến nay, Formosa trở thành một tập đoàn quốc tế với các chi nhánh tại Đài Loan, Trung cộng, Việt Nam và các nước khác kể cả Mỹ. Năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chấp nhận đề nghị của Hà Tĩnh cho tiến hành nghiên cứu cảng Vũng Áng, bao gồm cả khu vực Sơn Dương. Tập đoàn DAJCA (Nhật Bản) cùng Viện Quy hoạch vận tải biển thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã được chọn vào khảo sát, và sau đó đưa ra kết luận rằng Vũng Áng là nơi có cảng nước sâu và các điều kiện tự nhiên tốt hàng đầu của Việt Nam, rất phù hợp cho mô hình tổ hợp công nghiệp - cảng biển hiện đại.Điều đặc biệt là công ty Formosa của Đài Loan, được cho là “hoàn toàn không có kinh nghiệm” về lĩnh vực đúc luyện kim loại này mà  lại được chính phủ  Việt Nam chấp thuận dự án đầu tư vào dự án gang thép Hà Tĩnh, theo một chuyên gia từ Hội Khoa học, kỹ thuật Đúc - luyện kim của Việt Nam. Thành thử cũng không ngạc nhiên khi Formosa phải nhờ công ty China Steel của Đài Loan chống lưng.

Vai trò của công ty Formosa là trọng tâm của nhiều nguồn dư luận. Ngay sau khi nội vụ xảy ra, trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ về chất thải ra biển, ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) tại Hà Nội phát biểu vào sáng 25-4: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…".

Chiều 26-4, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo về việc công ty này xả nước thải ra biển và đã xin lỗi về phát ngôn gây sốc của ông Phàm. Cả ông Phàm cũng có mặt trong buổi họp và cũng xin lỗi về lời nói của mình. Ngày 27.4, ông Phàm cho biết, đã bị cho thôi việc.


Tiếng xấu về Công ty Formosa của Đài Loan được thế giới biết đến từ năm 2009 khi công ty này bị Tổ chức Bảo vệ Môi trường Đức (Ethecol) trao cho giải “Hành tinh đen” vì “thành tích” tàn phá môi trường. Ethecol cho rằng Formosa coi thường tính mạng và ức khỏe người dân, thái độ này không hề có cải biến dù cho danh sách bất tận các lệnh phạt hàng triệu USD, cũng như các cuộc biểu tình của người dân. Khi trao giải “Hành tinh đen 2009”, Ethecol công bố kèm theo một lá thư nêu rõ lịch sử hủy hoại môi trường gắn liền với các hậu quả về xã hội trên phạm vi toàn cầu với các ví dụ điển hình:


– Lợi dụng xu thế quốc tế đang chối bỏ các sản phẩm PVC vì thuộc tính nguy hại cố hữu của chất này, Formosa càng đẩy mạnh sản xuất PVC và trở thành nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm này, thậm chí coi thường cả việc cấm một số sản phẩm PVC tại Đài Loan.

– Năm 1998, Formosa bị bắt quả tang khi định xả 3,000 tấn rác độc tại vùng cảng biển Sihanoukville của Campuchia.

– Formosa thường xuyên để xảy ra các tai nạn sản xuất gây chết người, nhiều vụ nổ tới mức cận thảm họa buộc phải di tản dân chúng.

– Formosa nằm trong nhóm 10 thủ phạm gây ô nhiễm lớn nhất tại Đài Loan, gây ra 25% trên tổng số khí nhà kính do Đài Loan phát ra.


Formosa nhận giải Hành tinh đen năm 2009

Trong thư, Ethecol còn nói thái độ coi thường luật pháp, môi sinh và hòa bình, cộng đồng và quyền con người của Formosa có thể thấy rõ trong một ví dụ tại Delaware, Mỹ. Danh sách bất tận các lệnh phạt tới cả triệu đôla cũng không hề làm thay đổi thái độ của các lãnh đạo Formosa. Họ coi thường các cuộc biểu tình phản đối của quần chúng tại tất cả các nước, kể cả nhiều cuộc biểu tình tại Đài Loan. Thành tích phá hoại môi trường của Formosa đến mức hiệp hội thương mại của ngành hóa công nghiệp Mỹ cũng phải từ chối hợp tác. Cuối thư, Ethecol cáo buộc rằng các thành viên họ tộc Wang, Chủ tịch Formosa Lee Chih-Tsuen, và hội đồng quản trị của Formosa phải chịu trách nhiệm về các tội lỗi phá hủy môi trường và sức khỏe con người trên quy mô lớn, đe dọa dân chủ, hòa bình, tính mạng và quyền con người. Formosa phạm tội chống lại nhân loại và môi trường vì tính ích kỷ, lòng tham lam vô độ, bất chấp cả luật pháp và đạo đức, xứng đáng được “bêu dương”.

Thời điểm nhận giải “Hành tinh đen 2009″, Formosa bị Cơ Quan Bảo vệ Môi trường Mỹ phạt 2.8 triệu USD, đồng thời phải bỏ chi phí khoảng 10 triệu USD để khắc phục ô nhiễm do công ty này gây ra tại Bang Texas và Louisiana. Gương mặt của Formosa cũng đã trở thành ví dụ minh họa phá hoại môi trường trong bộ sách giáo khoa của Luật Môi Trường ở Mỹ. Trước đó, vào năm 1998 ở thị trấn Sihanoukville, nơi được xem là thiên đường nghỉ dưỡng của Campuchia nhưng đã bị Formosa phá hủy. Formosa đã chuyển 5,000 tấn chất thải đến đây, trong đó có 3,000 tấn có chứa thủy ngân, mức thủy ngân vượt quá giới hạn an toàn đến 20,000 lần. Khi kiểm tra thì Formosa đã dấu những bao nhiễm thủy ngân đi. 7 người dân Campuchia bị thiệt mạng, hàng chục ngàn người hoảng sợ rời bỏ thành phố, 10,000 người tiến về thủ đô Phnom Penh, bạo loạn đã xảy ra làm chết thêm 5 người. Người dân biểu tình phản đối Formosa, cuối cùng Formosa phải chuyển 3,000 tấn chất độc ra khỏi Campuchia để xử lý.


Thái độ của Formosa: Vào tối ngày 27 tháng 4, trong một cuộc họp báo kéo dài 10 phút, mà các cơ quan báo chí không có cơ hội để đặt câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có hai nhóm nguyên nhân chính. Một là do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển. Thứ hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Ngoài ra "Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này". Sau đó, tác động của hiện tượng thủy triều đỏ đã được loại ra.

Các điểm chính trong các buổi họp gần đây của Formosa:

Về hóa chất nhập vào, chiều 25/4, ông Hoàng Giật Thuyên - GĐ Phòng An toàn Vệ sinh môi trường của Tập đoàn FHS ở Việt Nam - cho biết, Cty Formosa có nhập 296 tấn hóa chất, gồm 45 loại, trong ba tháng đầu năm 2016. Việc này được Bộ Công Thương cấp phép nhập, sau đó mới được thông quan qua Hải quan. GS.TSKH Lê Huy Bá - chuyên gia độc học môi trường, Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết hơn 40 chất được cho là Formosa nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay và sử dụng trong sản xuất thì đặc điểm đầu tiên của các chất này là độc và cực độc đối với con người, động vật, trong đó có các loài tôm cá ...

Về nước thải từ quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại, cũng trong buổi họp báo trên, ông Khâu Nhân Kiệt (giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường Formosa) cho rằng phía công ty không dùng hóa chất để tẩy rửa đường ống mà chỉ để phục vụ hệ thống làm mát. Nguồn nước dùng xử lý sục rửa đường ống đã xử lý đảm bảo an toàn và hệ thống riêng này không cần sục rửa. Toàn bộ nước thải của Formosa đều được tập trung vào khu nhà máy xử lý. Sau khi được xử lý sẽ qua trạm quan trắc tự động. Tại đây trạm quan trắc dữ liệu nước đạt chuẩn sẽ được thải ra biển. Tuy nhiên trước đó vào ngày 22/4 chính ông Kiệt nói chuyện với báo VietNamNet có cho biết: "Có việc nhập về lượng lớn chất tẩy rửa, vì khi hoạt động một thời gian dài, phải có chất tẩy rửa để tẩy đường ống, tránh tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên, chúng tôi không dùng nguyên chất axit mà có pha với nước." Theo lời ông ta, hiện nay chỉ có duy nhất một ống xả thải trong KCN rộng 1 m, dài 1.5 km, nằm sâu dưới lòng biển khoảng 17 m, cách bờ biển 1.5 km, mỗi ngày tập đoàn xả ra 12,000 m³. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý hóa chất cho các nhà máy công nghiệp, danh sách hóa chất Formosa nhập về từ đầu năm 2016 do Hải quan Hà Tĩnh cung cấp cho thấy, có ít nhất 2 loại hóa chất chuyên dùng để tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại các đường ống, thiết bị trong nhà máy. Nước thải từ quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại này rất độc hại do chứa các kim loại nặng, do vậy cần phải được xử lý theo quy trình riêng. Tuy nhiên, chi phí cho quá trình xử lý này rất đắt đỏ. Với quy mô nhà máy của Formosa, chi phí có thể lên tới 2 triệu USD. Đây là lý do khiến các nhà máy thường bỏ qua khâu xử lý và tìm cách đẩy loại nước thải từ quá trình này thẳng ra môi trường. Theo dự kiến, vào cuối tháng 6/2016, nhà máy thép của Formosa sẽ chính thức khánh thành và vận hành. Do vậy, đây chính là thời điểm mà Formosa phải tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại các đường ống, thiết bị trong nhà máy. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa tìm ra được loại độc tố khiến cá chết cụ thể là gì.

Về đường ống xả thải ngầm, chiều 23/4, bên lề cuộc họp với lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định đường ống xả thải của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã được cấp phép, trong khi đó, ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khi làm việc với lãnh đạo Formosa, đã khẳng định, luật pháp Việt Nam không cho phép hệ thống xả thải lắp đặt ngầm và đề nghị giám sát hệ thống này. Trước đó, ngày 23 tháng 4, ông Hoàng Dương Tùng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - nói với báo Tuổi trẻ, Formosa báo cáo đường ống xả thải này chưa hoạt động: “Đến tháng 6-2016 họ mới khánh thành, khi đó họ mới hoạt động, nhưng tất cả mọi vấn đề về môi trường phải đạt tiêu chuẩn thì mới được phép hoạt động”. PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học và kỹ thuật biển Việt Nam cho là, khi xem xét thiết kế để cấp phép, phải xem thiết kế có thể dễ dàng để chính quyền có thể kiểm tra, kiểm soát, giám sát bất kỳ lúc nào về lượng thải cũng như chất lượng nước thải đó đổ ra biển.

Nhận định: Ngày 27/4/2016, trong buổi thảo luận với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và các chuyên gia kinh tế về thu hút đầu tư ngành dệt nhộm vào địa phương này, ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên thực tiễn lĩnh vực quản lý, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, lấy thí dụ thảm họa môi trường này, phát biểu: " Thu hút đầu tư nhưng phải biết cân nhắc trước sự đánh đổi giữa công nghiệp hóa, phát triển kinh tế với sự tổn thương về môi trường, xã hội… Phải đánh giá là liệu chúng ta có kiểm soát được vấn đề các dự án đó tác động xấu môi trường; đừng để tác động tiêu cực của dự án lớn hơn tác động tích cực của nó." Ngoài ra còn phải phải kiểm tra thường xuyên và đầy đủ để hạn chế các vi phạm tác động dến môi trường, xã hội như tại các vụ Vedan (gây ô nhiễm sông Thị Vãi), Hyundai - Vinashin (gây ô nhiễm vùng biển Hòn Khói, Khánh Hòa), Nhiệt điện Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận)…
Kịch bản giải quyết khủng hoảng:

Thứ nhất: Hiện tượng thủy triều đỏ là nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt là có thực và Formosa vô can: giả thiết này đã được loại bỏ dù rằng có những áp lực từ quan hệ kinh tế, chính trị hoặc thậm chí là từ tiêu cực. Một nghiên cứu độc lập do tổ chức quốc tế, dù  rằng tốn kém thời gian, tiền của, công sức nhưng rất cần thiết để sữa đổi hệ thống chính trị tiềm ẩn nhiều sai lầm căn bản.

Thứ hai: Formusa là nguyên nhân chính: làn sóng phản đối sẽ tăng cao, do tiền sử các vụ về xâm hại môi trường của Formusa đã từng bị các nước trên thế giới, người dân sẽ đòi bồi thường tương tự như vụ Công ty VEDAN xả thải trên sông Thị Vải, hệ thống công quyền sẽ phải căng mình để giải quyết các yêu cầu đòi bồi thường của người dân và khả năng trụ lại để tiếp tục đầu tư dự án lớn nhất cả nước của của Formosa sẽ là một dấu hỏi lớn có thể ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi dầu tư nước ngoài của Việt Nam

Thứ ba: Hợp đồng có những kẽ hở khiến Việt Nam không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho Formosa. Chính phủ Việt Nam phải ngậm đắng nuốt cay mà đơn phương bồi thường cho thiệt hại cho người dân bằng tiền thuế cũng do chính người dân đóng góp và chắc là sẽ kêu gọi Formosa hỗ trợ một phần thiệt hại đồng thời xây dựng lại toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn về xử lý nước thải hiện nay.

Thứ tư: Không thể đưa ra kết luận chính xác và dư luận sẽ luôn đặt dấu hỏi vào niềm tin vào bộ máy chính quyền, vào trình độ 24,000 tiến sĩ, năng lực của các Viện nghiên cứu, Viện hàn lâm trong con mắt người dân mặc dù hiện tượng cá chết hàng hoạt đã từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và không phải ngay lập tức có thể đưa ra kết luận chính xác kể cả từ những nước khoa học tiên tiến như nước Mỹ.
.
NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN


Dù rằng vụ án cá chết hàng loạt Vũng Áng và Miền Trung Việt Nam 2016 chưa có kết luận chính thức nhưng nhìn vào 3 vụ trên cũng dễ dàng thấy được khá nhiều điều:

·         Công ty Vedan Việt Nam đã thừa nhận sự vi phạm của công ty gần 14 năm nhưng mãi đến tháng 9/2008 mới bị cảnh sát môi trường phát hiện xả nước thải chui ra sông Thị Vải.

·         Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng được trao trách nhiệm chỉ đạo chương trình khảo sát khai thác bauxite Tây Nguyên trong khuôn khổ hợp tác với khối COMECON của các nước xã hội chủ nghĩa những năm 1980, đã can ngăn "không nên khai thác" bauxite vì "đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng". Đại tướng cho đây là "vấn đề cực kỳ hệ trọng" đã gửi thư khuyến cáo cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu dừng triển khai các dự án bauxite nhưng chẳng ai nghe.

·         Công ty Formosa của Đài Loan, được cho là “hoàn toàn không có kinh nghiệm” về lĩnh vực đúc luyện kim loại này mà  lại được chính phủ  Việt Nam chấp thuận dự án đầu tư vào dự án gang thép Hà Tĩnh.

·         Việc nhà thầu Đài Loan-Trung cộng đưa ra mức giá thầu rất thấp để trúng thầu, rồi sau đó thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, rồi ký hợp đồng với mức giá cao hơn giá trúng thầu là việc làm thường nhật của nhà thầu Trung cộng, không chỉ ở dự án khai thác bô xít mà hầu hết các dự án khác cũng thế. Nhưng có điểm lạ là biết thế rồi nhưng Đảng và nhà nước Việt Nam vẫn chấp nhận cạm bẫy của họ, khi nhà thầu Trung cộng không thực hiện đúng mức giá bỏ thầu, hay phát hiện họ không đủ kinh nghiệm làm thì cũng không hề có biện pháp chế tài theo luật đấu thầu?

·         Lời tuyên bố của ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) tại Hà Nội phát biểu vào sáng 25/4: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…" có thể là lời nói thẳng thắn. Chắc chắn cả công ty Formosa và chính quyền Việt Nam đã biết trước những hệ lụy sẽ xảy ra về môi trường nhưng quyết định xem là ưu tiên thấp so với những quyền lợi lớn hơn.

·         Ba dự án trên khởi đầu trước thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng dù ông Phúc hay các ông X, Y, Z nào đó thì hệ lụy do cơ chế vẫn xảy ra. Khác hẵn với 2 vụ trước, trong vụ cá chết tại Vũng Áng, báo chí lề trái cũng như lề phải tại quốc nội đều loan truyền rộng rãi về biến cố này. Biểu tình của dân chúng cũng ở quy mô lớn hơn.


Nói tóm lại, các dự án trên là điển hình của thảm kịch mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm. Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng như ý kiến của các chuyên gia chỉ đóng vai trò trung cấp, phát biểu theo lệnh của Đảng và Nhà nước. Chính quyền địa phương thì cũng có những ưu tiên khác vì quyền lợi riêng của họ. Nhà nước thì phải hội ý với Bộ chính trị và Trung ương Đảng. Hậu quả sẽ tiếp tục được nhận định là bài học kinh nghiệm … rút mãi không hết.


THAM KHẢO

1.    Bài viết “Vụ Vedan "giết" sông Thị Vải: ‘Thành công’ suốt 14 năm”  đăng trên mạng Tuổi Trẻ ngày 16/09/2008.

2.    Bài viết “Dòng sông Thị Vải đã hồi sinh sau những nhọc nhằn” đăng trên Vietnam+ ngày 15/04/2014.

3.    Bài viết “Tin của Trung cộng về bô-xit Tây Nguyên Việt Nam: Chalieco là nhà hợp tác đầu tư” đăng trên mạng Bauxite Vietnam ngày 31/5/2009.

4.    Bài viết “Lại tranh luận nảy lửa về dự án bauxite” đăng trên mạng Người Lao động ngày 02-04-2015.

5.    Bài viết “Dự án bô xít: Hơn 95 triệu đô la bay theo bụi đỏ Tây Nguyên” đăng trên mạng Đại Kỹ Nguyên ngày 30/03/2015.

6.    China Steel - Taiwan from Wikipedia, the free encyclopedia.

7.    Formosa Plastics Group from Wikipedia, the free encyclopedia.

8.    Bài viết “Formosa – Kẻ phá hoại môi trường bậc nhất thế giới” đăng trên mạng NTD.ORG ngày 01-05-2016.

9.    Bài viết “Chuyên Gia Đức, Hoa Kỳ, Israel đến Việt Nam tìm nguyên nhân cá chết” đăng trên mạng SBTN ngày 03-05-2016.

10.  Bài viết “Từ câu chuyện Formosa: Nhu cầu minh bạch và ứng xử văn minh” đăng trên mạng Petrotimes ngày 03-05-2016.

11.Bài viết “Cá biển chết ở Việt Nam: Hệ lụy có thể kéo dài 50 năm” đăng trên mạng RFI ngày 04-05-2016.


Nguyễn Mạnh Trí
Tu chỉnh: 5 tháng 5 năm 2016