06.05.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 06.05.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 06.05.2016) 
Biển Đông : Trung cộng tập trận quy mô, huy động cả lực lượng ở Hoàng Sa và Trường Sa 

Khu trục hạm Trung cộng 052CẢnh : Wikipedia
Tân Hoa Xã hôm nay 05/05/2016 loan báo, ba khu trục hạm của Hạm đội Nam Hải đã rời cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam hôm qua để tiến hành cuộc tập trận thường niên tại Biển Đông và các vùng biển lân cận. Bản tin không cho biết cụ thể thời gian và địa điểm, nhưng nói rằng huy động cả các lực lượng ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong số các chiến hạm tham gia tập trận, có hai khu trục hạm loại 052D có tên lửa dẫn đường Hợp Phì (Hefei) và khu trục hạm loại 052B mang tên lửa đa năng Quảng Châu (Guangzhou). Bên cạnh đó là hai chiến hạm đa năng Tam Á (Sanya) và Ngọc Lâm (Yulin) Type 054A, và tàu tiếp liệu Hồng Hồ (Hongshu).
Báo mạng The Diplomat (Nhật Bản) cho biết, khu trục hạm loại 052D thuộc loại chiến hạm hiện đại nhất của Trung cộng. Truyền thông nhà nước gọi loại này là « Trung Hoa Thần Thuẫn (chiếc khiên thần thánh) » , trang bị radar AESA và hỏa tiễn phòng không tầm xa, có thể so sánh với khu trục hạm lớp Arleigh Burk của Mỹ.
The Diplomat ghi nhận, điều đáng chú ý là cuộc tập trận này cũng huy động cả lực lượng đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Hiện nay trên đảo Phú Lâm (tức Woody Island, thuộc quần đảo Hoàng Sa, cưỡng chiếm được sau trận hải chiến với quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974), Trung cộng đã đặt một đội quân chiếm đóng, bố trí hỏa tiễn chống hạm YJ-62 và các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư tại đây. Tờ báo không rõ lực lượng trên đảo Phú Lâm sẽ tham gia như thế nào.
Tân Hoa Xã nói rằng cùng với ba trực thăng và mấy chục đặc công, hạm đội chia làm ba nhóm đến Biển Đông, phía đông Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương để tiến hành các cuộc tập trận đa dạng, « nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, và phối hợp tàu chiến, máy bay và các lực lượng khác ». Các phi cơ của Hải quân, và Hạm đội Bắc Hải cũng được điều động tham gia.
Theo Tân Hoa Xã, Trung cộng sẽ tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn tại Biển Đông trong tháng này, với các chiến hạm tiên tiến và tàu ngầm.
Thụy My (RFI)



Thượng đỉnh G7 'bàn về Biển Đông'

Image copyrightReuters
Hội nghị G7 mở rộng diễn ra tại Nhật cuối tháng 5 có thể sẽ ra tuyên bố về “pháp quyền trên biển, tự do hàng hải, hàng không”.
Đây là thông báo của Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida khi gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội ngày 5/5.
Thủ tướng Việt Nam là một trong các khách mời sẽ dự hội nghị G7 từ 26 đến 27/5.
Ngoại trưởng Nhật đã có chuyến công du châu Á, đến cả Lào, Thái Lan, và Miến Điện (Myanmar).
Tại Hà Nội, ông Fumio Kishida được trang web chính phủ Việt Nam dẫn lời nói hai bên “chia sẻ mối quan ngại về việc đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông thông qua san lấp quy mô lớn, xây dựng căn cứ với mục đích quân sự”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng “đánh giá cao và mong Nhật Bản tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu chung là bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không”.
Nhật Bản đứng thứ hai về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng là nhà tài trợ nhiều nhất cho Việt Nam.
Hai nước cũng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một khi hoàn tất, thỏa thuận TPP có thể chiếm tới 40% GDP toàn cầu.
Tin BBC



Trung cộng  cảnh báo Nhật về Biển Đông
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng, nói tại cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Tư rằng Trung cộng cảnh báo Nhật Bản không tiếp tục tăng cường sự hiện diện của họ tại Nam Hải (Biển Đông).
Ông Hồng Lỗi đã phát biểu như vậy trong lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công du châu Âu và Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đang thăm các nước tại khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Ông Hồng Lỗi nói: "Nhật Bản là bên đứng ngoài đối với vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Nhật Bản gần đây kể như là hoang tưởng về "vài trò hiện diện" của mình ở Biển Đông.“
"Họ đã đạt được điều gì khi làm như vậy? Làm thế chỉ có nghĩa là Nhật tiết lộ quá khứ xấu xa của mình từng chiếm đóng bất hợp pháp các đảo và rạn san hô tại Biển Đông trong Thế chiến II; Làm vậy là Nhật chỉ tiết lộ động cơ thầm kín của mình đối với chủ đề Biển Đông hiện tại.“
„Tôi có lời khuyên cho Nhật Bản thế này: Đừng có tiếp tục tăng cường sự hiện diện đó nữa.


Vùng nhận dạng phòng không của Trung cộng tại Biển Đông : Lợi bất cập hại

Đòi hỏi chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông.Nguồn : US defense department
Từ khi Bắc Kinh tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông cuối năm 2013, nhiều người tự hỏi liệu Trung cộng sẽ dấn lên tương tự tại Biển Đông hay không. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung cộng đang huy động nhiều chiến hạm hiện đại tập trận rầm rộ ở Biển Đông, bên cạnh đó còn huấn luyện ngư dân thành « dân quân » trên biển.
Nhà nghiên cứu Felix K.Chang của Foreign Policy Research Institut nhận định trên Eurasia Review, từ đầu năm nay, Hoa Kỳ đã công khai cảnh cáo Trung cộng, sẽ không chấp nhận, nếu Bắc Kinh tự tiện lập ADIZ trên Biển Đông. Lời cảnh báo của Washington có vẻ như nhằm lường trước phản ứng của Bắc Kinh, vào thời điểm phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye trong vụ Phi Luật Tân kiện có thể được tuyên trong tháng Năm.
Felix K. Chang cho rằng, ngoài mục đích xoa dịu Mỹ, còn có các lý do khác khiến Trung cộng không muốn lập ADIZ tại Biển Đông. Đó là vì việc này còn liên quan đến hai thành viên có ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN : Mã Lai và Nam Dương.
Nếu ADIZ Trung cộng tại Biển Hoa Đông chỉ nhắm vào Nhật Bản, thì một ADIZ Trung cộng khác trên Biển Đông sẽ tác động không chỉ vào hai đối thủ Việt Nam và Phi Luật Tân, mà còn ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực, trong đó có Mã Lai và Nam Dương.
Từ nhiều thập kỷ qua, Mã Lai đã gượng nhẹ trong tranh chấp quần đảo Trường Sa với Trung cộng. Thay vì đối đầu với Bắc Kinh như Phi Luật Tân và Việt Nam, nước này cố gắng âm thầm dùng biện pháp ngoại giao để thuyết phục về lợi ích của một giải pháp đa phương cho tranh chấp trong khu vực.
Chiến lược này đạt đến đỉnh điểm vào năm 2002, khi Trung cộng chịu ký Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông với ASEAN, không mang tính ràng buộc. Mặc dù sau đó Bắc Kinh đã vi phạm, Mã Lai vẫn trung thành với chủ trương trên. Thậm chí hai lần Trung cộng tập trận hải lục quân gần bãi cạn James mà Mã Lai đòi hỏi chủ quyền (James Shoal, Trung cộng gọi là Tăng Mẫu) chỉ cách bờ biển Mã Lai có 80 km, Kuala Lumpur vẫn chọn lựa không gây căng thẳng.
Tương tự, Nam Dương cũng giảm các tranh cãi với Trung cộng. Các nhà ngoại giao nước này luôn nhắc đi nhắc lại rằng Jakarta không tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Dù đúng là không tranh chấp chủ quyền, nhưng tranh chấp trên biển thì có. Đường lưỡi bò do Trung cộng vẽ ra bao trùm lên cả một số mỏ dầu khí lớn nhất ngoài khơi Nam Dương. Hơn nữa, Bắc Kinh còn gia tăng sự hiện diện trong khu vực. Chỉ mới tháng trước, hai tàu hải cảnh Trung cộng đã dùng vũ lực xông vào giải thoát cho một tàu cá xâm nhập vùng biển Nam Dương khỏi bị cơ quan chức năng bắt giữ. Sự việc này khiến giới quân sự Nam Dương phải cảnh giác, nhưng Jakarta vẫn do dự chưa muốn tăng cường phương tiện cho quân đội để bảo vệ khu vực quần đảo Natuna.
Một vùng nhận dạng phòng không của Trung cộng bao trùm lên toàn bộ Biển Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả Mã Lai lẫn Nam Dương. Sẽ rất khó cho Bắc Kinh để biện minh, và điều này cũng đi ngược lại chiến lược dài hơi của Trung cộng về Biển Đông.
Từ nhiều năm qua, Trung cộng luôn tìm cách chia rẽ các đối thủ Đông Nam Á, khuyến dụ từng nước nên giải quyết tranh chấp riêng rẽ với Bắc Kinh. Một ADIZ được tuyên bố trên toàn Biển Đông sẽ khó giúp đạt được mục đích này, thậm chí còn ngược lại !
Quyết định này có thể đẩy Mã Lai và Nam Dương vào tình thế « cùng hội cùng thuyền » với Việt Nam và Phi Luật Tân, khiến các nước liên quan phải đoàn kết lại. Hơn nữa, vùng nhận dạng phòng không trên toàn Biển Đông sẽ làm những ai tin rằng thái độ dịu nhẹ sẽ làm Trung cộng bớt hung hăng với mình, phải suy nghĩ lại.
Tác giả Felix K.Chang kết luận, như vậy trước khả năng ADIZ, dù toàn phần hay bán phần, có thể khiến cho các nước chủ chốt của ASEAN liên kết với nhau để chống lại mình, Trung cộng có lý do để tỏ ra thận trọng.
Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông có thể tạo ra nhiều vấn đề cho Bắc Kinh hơn là giải quyết. ADIZ có thể đẩy Mã Lai ra khỏi giới hạn tự đặt lâu nay, và khiến Nam Dương chính thức lao vào cuộc tranh chấp. Các nước xung quanh như Úc và Nhật Bản cũng ngờ vực hơn, và làm thế nào có thể tin vào thiện chí của sáng kiến « Một vành đai, một con đường (tức Con đường tơ lụa trên biển) » do Bắc Kinh đưa ra ?
Nhìn rộng hơn, một ADIZ bao trùm lên Biển Đông có thể đánh dấu một bước ngoặt thực sự, trong chủ trương của Trung cộng không chỉ về tranh chấp chủ quyền trên biển, mà cả đối với khu vực Đông Á. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đã trở nên quá tự tin để hành động, bất chấp các hậu quả trên trường quốc tế.
Trong trường hợp này, dù Trung cộng vẫn đối phó được, nhưng theo Felix Chang, Bắc Kinh cần phải học được một điều là vùng lên thì có nguy cơ bị những làn gió ngược mãnh liệt quật lại. 
Thụy My (RFI)


Trung cộng bực tức yêu cầu Anh, Mỹ ngưng can thiệp vào Biển Đông
Ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung cộng tại Anh, tỏ ra giận dữ khi các chính trị gia và truyền thông Anh, Mỹ bày tỏ quan điểm của họ đối với tranh chấp ở Biển Đông, đa phần là chỉ trích Bắc Kinh gây hấn.

Đại sứ Trung cộng ở Anh chỉ trích chính trị gia Anh và Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông Đại sứ quán Trung cộng tại Anh
Vấn đề Biển Đông đang được thổi bùng lên bởi những người ở Mỹ và Anh, cáo buộc Trung cộng gây căng thẳng. Việc họ tuyên bố tự do hàng hải và hàng không là định kiến và thiên vị, chỉ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này”, Tân Hoa xã ngày 4.5 dẫn phát biểu của ông Lưu.
Đại sứ Trung cộng tại Anh nói rằng “thật là vô căn cứ” khi chỉ trích rằng “đường lối cứng rắn” của Trung cộng chỉ làm tăng căng thẳng ở Biển Đông, Trung cộng là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên cho các đảo, bãi đá ở Trường Sa và cũng là quốc gia đầu tiên kiểm soát quần đảo này (?).
Ông Lưu còn cáo buộc hơn 40 hòn đảo và bãi đá ở Trường Sa “đang bị chiếm đóng bất hợp pháp bởi nhiều nước khác”, nhưng Bắc Kinh “vẫn kiên trì đàm phán với các nước láng giềng để giải quyết sự khác biệt. Điều này thể hiện mong muốn của Trung cộng mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực” (!), theo Tân Hoa xã.
Ông này cũng tuyên bố rằng các hoạt động xây dựng trên các đảo và bãi đá của Bắc Kinh là “vấn đề của Trung cộng”, không nhắm vào quốc gia nào. Các cơ sở quân sự được ông Lưu mô tả là “cơ sở nhỏ” và vì “mục đích dân sự”.
Nhiều nước quan ngại hoạt động quân sự của Trung cộng ở Biển Đông là mối đe dọa có thể nhìn thấy đối với tự do hàng hải của thế giới. Đại sứ Trung cộng cho rằng đó là sự cáo buộc “sai trái” và đưa ra dẫn chứng hơn 100.000 chuyến tàu thuyền đi qua vùng biển này mỗi năm.
Phải chăng tự do hàng hải là mỗi nước có quyền đối với vấn đề ở Biển Đông? Hay một số quốc gia tự cho mình quyền tự do thể hiện sức mạnh quân sự bằng cách điều tàu chiến đến cửa nhà người khác và cho máy bay bay qua không phận lãnh thổ của nước khác?”, ông Lưu lên giọng với hàm ý chỉ trích Mỹ.
Nếu đó là quyền tự do, thì nó đáng bị lên án như là một hành động thù địch trắng trợn và cần phải dừng lại”, ông Lưu tuyên bố.
Liên quan đến luật pháp quốc tế, điều mà Trung cộng bị thế giới lên án là “coi thường và chà đạp lên nó”, Đại sứ Trung cộng ở Anh dõng dạc tuyên bố rằng Trung cộng tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 2006 (UNCLOS) và rằng sự tuân thủ đó nằm ở việc Bắc Kinh “loại trừ trọng tài tham gia giải quyết tranh chấp chủ quyền và phân định lãnh hải”.
Hơn 30 quốc gia, trong đó có nước Anh cũng đã đưa ra những tuyên bố như thế. Thế giới sẽ nhìn thấy rõ ràng ai đang gây rối ở Biển Đông. Các quốc gia này nên chấm dứt việc can thiệp và gây náo loạn, những hành động đó mới chính là mối đe dọa cho sự ổn định của khu vực và hòa bình thế giới”, ông Lưu nói tiếp.