11.01.2017

Việt Nam tiếp nhận thêm một bản đồ khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa

Việt Nam tiếp nhận thêm một bản đồ khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa


Một người Việt tại Mỹ vừa trao tặng UBND huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng, một tấm bản đồ được cho là có từ những năm đầu thế kỷ 19, trong đó xác định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Đế chế An Nam (Việt Nam).

Tin từ báo chí Việt Nam cho hay Tiến sĩ Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa – Giáo dục Việt Nam ở Mỹ đã mua được tấm bản đồ Partie de la Cochinchine do nhà địa lý học nổi tiếng Phillipe Vandemaelen, người sáng lập Viện địa lý Hoàng gia Bỉ, vẽ từ một người Mỹ với giá 100 đôla. Trong dịp về Việt Nam ăn Tết, ông Thắng đã tặng huyện Hoàng Sa tấm bản đồ vào ngày 10/1.


Tấm bản đồ nằm trong bộ Atlas Thế giới và được xuất bản năm 1827. Trong bản đồ có phần giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam và phần bản đồ xác định Hoàng Sa thuộc về đế chế này.

Một nhà nghiên cứu Biển Đông, ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư Thành đoàn thành phố Sài Gòn, nói đây là một cơ sở rất tốt để chứng minh chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa nếu tấm bản đồ trên được xác định là có giá trị.

Nếu mình có những bản đồ có giá trị thì đó là những cơ sở rất tốt để mình chứng minh đất nước Việt Nam là như thế nào. Cái đó rất cần thiết. Mà ở Việt Nam thì hiện nay chưa có nhiều thông tin về cái này”.

Theo ông Lê Công Giàu, Việt Nam hiện chưa phát huy được những tiềm lực từ dân chúng trong việc tập hợp các tư liệu chứng minh chủ quyền của mình ở Biển Đông. Ông cho biết:

Ở Việt Nam hiện nay chỉ có những thông tin về bản đồ do nhà nước công bố thôi. Còn của tư nhân nghiên cứu thì rất ít. Có thể có nhưng không được công bố. Đó là điều không được tốt lắm. Đáng lẽ những vấn đề như thế thì nên một mặt là nhà nước công bố, nhưng phải để cho tư nhân, những nhà nghiên cứu họ nghiên cứu được cái gì thì họ công bố để mọi người cùng tham khảo. Cái đó tốt hơn là chỉ có nguồn tin nhà nước”.

TS. Trần Thắng là người chuyên sưu tầm bản đồ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ông đã tặng cho Việt Nam 150 tấm bản đồ và 3 cuốn Atlas do Trung Hoa và nhiều nước trên thế giới xuất bản.

Đọc thêm:


Nhiều bằng chứng giá trị khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Nằm trong chương trình sưu tầm các bằng chứng pháp lý về chủ quyền biển đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức công bố bộ 6 tập Atlas Thế giới do nhà địa lý học Philippe Vandermaelen (Vương quốc Bỉ) vẽ cách đây gần 200 năm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi lễ

Bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Bruxelles là một bằng chứng hùng hồn về giá trị pháp lý quốc tế cao, bổ sung vào kho bằng chứng khổng lồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Ngày 13/5/2014, phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Nguyễn Bắc Son đánh giá bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen là tài liệu khoa học, pháp lý quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Là một trong những người có công sưu tầm, nghiên cứu và đưa bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen về Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển ĐHQGHN cho biết theo tập bản đồ này, Việt Nam được giới thiệu trong các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110 đều có ghi chú rõ ràng, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) thuộc chủ quyền của Đế chế An Nam (Empire d’An-nam).


Theo GS. Ngọc, tờ bản đồ Partie de la Cochinchine (tờ số 106 – Châu Á) là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa đã được quốc tế ghi nhận.

Bản đồ khu vực Châu Á được xếp trọn trong một tập (tập thứ hai) của bộ Atlas với 110 bản đồ của hầu hết các quốc gia Châu Á đương thời. Việt Nam hay Đế chế An Nam (Empire d’Annam) khi đó được giới thiệu thông qua 3 tấm bản đồ: Tờ số 97, trang 108 về Bắc Kỳ (Tunquin); tờ số 105, trang 115 về Campuchia và Nam Kỳ (Cambodge et Annam) và tờ số 106, trang 116 về vùng duyên hải, hải đảo và biển khu vực Trung Kỳ (Partie de la Cochinchine).

Tờ bản đồ Partie de la Cochichine vẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 (khu vực tương đương với tỉnh Khánh Hòa hiện nay, mà trên bản đồ có địa danh BINK-KANG (Bình Khang) và NHIATRANG (Nha Trang) đến vĩ tuyến 16 (khu vực tương đương với tỉnh Quảng Nam hiện nay, mà trên bản đồ ở phía ngoài bờ biển có địa danh CHAMPELLA (Cù Lao Chàm). Phía ngoài khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Quần đảo PARACELS trong bản đồ có các đảo I. Pattles, I. Duncan ở phía tây; Tree. I và I. Lincoln, Bocher au dessas de l’eau ở phía đông và Triton ở phía tây nam, ngay dưới vĩ tuyến 16; Investigateur ở sâu xuống phía nam khoảng vĩ tuyến 14,5 và đường đánh dấu phạm vi biển nông hay dải cát nằm ở độ sâu từ 5 đến 10 mét còn kéo dài đến vĩ độ 14, ngang với QUIN HONE (Quy Nhơn) nằm ở phía trong đường bờ biển.

Bên cạnh khu vực được xác định là Hoàng Sa (PARACELS), bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’An-nam), bao gồm các nội dung Phisique (tự nhiên), Politique (chính trị), Statistique (thống kê) và Minéralogie (khoáng sản).

Bắt đầu từ thế kỷ XVI đã có một số bản đồ phương Tây vẽ về khu vực Đông Ấn có đánh dấu địa danh Pracel hay Paracels (Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và khu vực bờ biển phía tây Pracel hay Paracels (tương đương với bờ biển miền Trung Việt Nam) được quan niệm là Costa de Paracel (bờ biển Hoàng Sa). Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng đó là minh chứng hùng hồn về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa đã có chí ít từ thế kỷ XVI.

GS Ngọc cho biết cùng trong bộ Atlas Thế giới, nhà địa lý học Philippe Vandermaelen cũng thể hiện rõ ràng đường biên giới của Trung Hoa. Cụ thể, tấm số 98 vẽ đường biên giới của Việt Nam với Trung Hoa và điểm cực nam của Trung Hoa kết thúc ở vĩ độ 22. Còn đường biên giới biển của Trung Hoa chỉ đến phía trên vĩ tuyến 18.

GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết tất cả các bản đồ của Trung Hoa và các bản đồ phương Tây từ thế kỷ XX trở về trước đều cho thấy cực nam của Trung Hoa là ở đảo Hải Nam, trên vĩ tuyến thứ 18. Và cách thể hiện biên giới của Trung Hoa tại Atlas của Philippe Vandermaelen cũng trùng với bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc (1904), hai bản đồ này đều thể hiện cực nam của Trung Hoa chỉ tới đảo Hải Nam. Còn khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels) là của Việt Nam.

“Bộ Atlas này có thể được coi là một tài liệu vô giá, là bằng chứng hùng hồn, có giá trị pháp lý cao khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Hoa dùng vũ lực cưỡng chiếm từ năm 1974”, GS Ngọc nhận định.

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam, bà Marguerite Sylvestre, là chuyên gia phụ trách phông lưu trữ Philippe Vandermaelen tại Thư viện Hoàng gia Bỉ cho biết, năm 1825, Philippe Vandermaelen bắt đầu thực hiện kế hoạch vẽ và xuất bản bộ Atlas thế giới. Đây là bộ Atlas đầu tiên trên thế giới được vẽ chung cùng một tỉ lệ, với kích thước lớn, và cũng là lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện một số vùng đất, ví dụ như Mỹ, bản đồ chung giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ, Australia v.v.. Bộ Atlas của Philippe Vandermaelen bao gồm 400 tờ với 6 tập trong đó Việt Nam có 4 tờ và một chú thích về Vương quốc An Nam vẽ năm 1826. Chú thích này viết bởi A.Detavaute, là người gốc Pháp. (xem bản dịch phía dưới bài)

Theo bà Marguerite Sylvestre: “bộ Atlas này được vẽ theo hình chiếu nón nên khi chúng ta cắt từng tờ và ghép lại, có thể tạo thành quả địa cầu có đường kính 7,75 m. Tôi xin chú thích thêm rằng đây là bộ Atlas đầu tiên trên thế giới được in litô với tỷ lệ lớn vì lúc đó việc in bản đồ bằng litô rất lâu và tốn kém. Philippe Vandermaelen đã sử dụng đường kinh độ và vĩ độ để vẽ bản đồ nên chúng ta có thể biết được vị trí chính xác của các vùng đất trên thế giới. Đây cũng là bộ Atlas đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ tọa độ chính xác ở thời kỳ đó”.

PHILIPPE VANDERMAELEN (1795-1869)

Sinh 23/12/1795 tại Bruxelles trong một gia đình giàu có vùng Louvain, có thiên bẩm về bản đồ học.
Năm 1816 thành chuyên gia lớn, dồn toàn bộ tâm sức cho vẽ và in bản đồ. 1827 hoàn thành bộ Atlas Thế giới.
Năm 1829 là thành viên Viện Hàn lâm Hoàng gia các ngành khoa học và mỹ văn Vương quốc Bỉ.
Năm 1830 sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bruxelles, thành lập công ty bản đồ và xưởng in litô.



Trong một bài báo từ năm 2011 về Hoàng Sa, Trường Sa, GS. Nguyễn Quang Ngọc đã viết: Dưới thời Nguyễn, những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa phong phú, đa dạng với nhiều thông tin cụ thể trên cả hai khu vực tài liệu chính thức của Vương triều và tài liệu của các học giả.
Bộ sách đồ sộ và có nhiều thông tin hơn cả về Hoàng Sa, Trường Sa là bộ Đại Nam thực lục Chính biên. Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã nhiều lần quan tâm đến việc kiểm tra, kiểm soát Hoàng Sa được sách ghi lại như: “sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa” năm 1803; “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” năm 1815 và năm 1816; nhận địa đồ đảo Hoàng Sa từ thuyền Mã Cao năm 1817...

Hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã phát triển lên trình độ cao hơn dưới thời trị vì của vua Minh Mệnh. Năm 1833, ông lập kế hoạch phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây. Các năm 1834, 1835, ông cho người ra dựng miếu, đền thờ thần, lập bia đá và xây bình phong ở khu vực toà miếu cổ. Năm 1836, ông quyết định hàng năm phái người ra Hoàng Sa xem xét, đo vẽ tỉ mỉ và lập thành bản đồ các đảo, hòn, bãi cát. Khi ra đo đạc ngoài Hoàng Sa, đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 bài gỗ, trên mặt khắc dòng chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”. Liên tục từ năm 1834 đến năm 1839 vua Minh Mệnh thưởng công cho những người đi vẽ bản đồ ở ngoài đảo Hoàng Sa về. Đối với những người không may gặp gió bão ngoài biển mà bảo toàn tính mạng trở về cũng có thưởng; còn những người không hoàn thành nhiệm vụ tuần phòng ngoài biển thì bị phạt nặng...

Bên cạnh Đại Nam thực lục Chính biên, dưới thời Minh Mệnh, Quốc sử quán còn được giao nhiệm vụ biên soạn bộ Minh Mệnh chính yếu, trong đó quyển 25 có chép nhiều vụ tầu đắm ở ngoài Biển Đông, trôi dạt vào bờ đã được cứu giúp chu đáo. Chẳng hạn vào năm 1836 thuyền buôn nước Anh gặp gió bão ở Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định, đã được nhà vua “sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn…”. Điều này không chỉ nói lên lòng nhân đạo cao cả của người Việt, mà quan trọng hơn chính là nghĩa vụ, trách nhiệm cứu hộ trên biển của Nhà nước và cư dân Việt Nam với tư cách là chủ nhân của vùng biển đảo này.

Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ cho thấy điểm cực nam của Trung Hoa là điểm cực nam của đảo Hải Nam

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục bộ về điển chương, pháp luật.... được hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1843 đến năm 1851. Trong sách có đoạn chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực, về cơ bản không khác so với Đại Nam thực lục chính biên.

Quốc triều chính biên toát yếu là bộ sử trích các phần quan yếu của Đại Nam thực lục chính biên, trong đó quyển III có các đoạn chép về việc xây miếu và dựng bia, đo vẽ bản đồ và việc cứu hộ tàu Anh bị mắc cạn ghé vào bãi biển Bình Định.

Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn nhất của thế kỷ XIX, được hoàn thành vào năm 1821 có phần Dư địa chí chép về bãi Hoàng Sa và đội Hoàng Sa cũng giống như Phủ biên tạp lục.

Việt sử cương giám khảo lược là bộ sách địa lý lịch sử của Nguyễn Thông chép về Vạn Lý Trường Sa ngoài những đặc điểm địa lý, tự nhiên và dấu tích của người Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, ông còn nói khá cụ thể về đội Hoàng Sa như việc tuyển đinh tráng các xã An Vĩnh, An Hải, thời gian tồn tại của đội Hoàng Sa...

Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865 đến năm 1882. Hoàng Sa, Trường Sa được giới thiệu trong quyển 8 (tỉnh Quảng Ngãi) phỏng theo Phủ biên tạp lục và những tư liệu tập hợp được trong Đại Nam thực lục. Riêng đoạn cuối sách cung cấp thêm: “Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2.000 cân”.

Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng cũng chép “đảo Hoàng Sa (ở giữa bể, thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), dài rộng vài nghìn dặm)”.

Bộ Trưởng Bộ TTTT nhận bộ Atlas Thế giới từ ông Ngô Chí Dũng, tổng giám đốc Công ty Dược phẩm ECO (đơn vị tài trợ cho việc sưu tập) trước sự chứng kiến của đông đảo các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Bài thơ Vọng kiến Vạn Lý Trường Sa của Lý Văn Phức có một đoạn chú dài viết khá cụ thể về khu vực biển đảo mà chính tác giả suýt mắc nạn. Theo nguồn tài liệu này thì ngay từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã từng thuê các thuỷ thủ dày dạn kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của phương Tây trực tiếp dẫn dắt một số con thuyền vượt Biển Đông. Điều này cũng góp phần giải thích bản đồ khu vực biển đảo của Việt Nam tuy vẫn giữ phong cách vẽ truyền thống, nhưng đã sớm cập nhật những thông tin mới và độ chính xác cao của bản đồ hàng hải các nước phương Tây đương đại.

Cũng thuộc nguồn tài liệu thư tịch và có giá trị cao để khẳng định quá trình các Nhà nước Việt Nam dưới thời Nguyễn thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa là các Châu bản triều Nguyễn. Qua nghiên cứu khảo sát 144 tập của hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị, chúng tôi tìm ra được một số tư liệu là bằng chứng rõ ràng về quá trình thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam ở hai quần đảo này như bản dụ của vua Minh Mệnh (13/7/1835 và 13/7/1837) về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa; các bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng về việc thuyền của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa (21/6/1830); các bản tấu của Bộ Công về việc phạt những người đi Hoàng Sa không lập xong bản đồ (13/7/1837), về việc phái đoàn công vụ lên đường ra Hoàng Sa nhưng do gặp gió lớn mà không xuất phát được... Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (21/6 /1838) cho biết đoàn khảo sát Hoàng sa trở về báo cáo đã đến được 25 đảo (trong 3 sở), còn 1 sở hơi xa lại gặp gió lớn nên chưa tới được...

Dưới thời Nguyễn bên cạnh việc triển khai đo vẽ thực tế ở Hoàng Sa, Trường Sa là việc nhà nước cho hoàn thành nhiều bộ bản đồ quan trọng, trong đó tiêu biểu nhất là Đại Nam nhất thống toàn đồ hoàn thành trong khoảng từ năm 1838 đến năm 1840 dưới thời vua Minh Mệnh. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ được vẽ chung thành một cụm hình lưỡi dao kéo dài gồm khoảng ba chục đảo lớn, trong đó Hoàng Sa ở phía cực bắc được nối liền với Vạn Lý Trường Sa (tức Trường Sa) ở phía nam trong một chuỗi các đảo chưa có dấu hiệu phân tách. Vào năm 1830 cũng đã xuất hiện tấm Bản đồ vẽ theo phong cách này, nhưng đang còn ở dạng bản thảo và sau này thời Thiệu Trị có Đại Nam toàn đồ, dưới thời Tự Đức có Đại Nam nhất thống toàn đồ (Nam Bắc kỳ hội đồ) là sự tiếp nối của phong cách vẽ bản đồ hiện đại.

Bản đồ Việt Nam đầu thế kỷ XIX đường biên giới Trung Hoa và Việt Nam được phân định rõ ràng

Xuất hiện trước và sau Đại Nam nhất thống toàn đồ có khá nhiều bản đồ khác vẽ Hoàng Sa, Trường Sa vẫn theo phương pháp truyền thống như Nam Việt bản đồ, Thiên tải nhàn đàm, An Nam dư địa chí, Khải đồng thuyết ước, Nam Việt địa dư trích lục, Nam Việt địa đồ cựu lục... Các bản đồ này tuy không cung cấp thông tin mới, nhưng lại xác nhận một thực tế là suốt trong thế kỷ XIX, Hoàng Sa, Trường Sa đã được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh hay dùng làm sách phổ biến kiến thức để mọi người dân Việt Nam ghi nhớ phần lãnh thổ không thể tách rời của nước Việt Nam thống nhất.

Ngay từ khi mới bắt đầu thiết lập Vương triều, Nguyễn Ánh tiếp tục công cuộc thám sát và phòng thủ biển nhằm củng cố chính quyền. Một người Pháp trở thành một đại thần trong triều là Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) trong khi làm quan ở Huế xác nhận: "Xứ Đàng Trong mà Quốc vương ngày nay mang danh hiệu Hoàng đế bao gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc của Cao Miên, một vài đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Hoàng Sa, gồm có những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở. Chỉ đến năm 1816 thì nhà vua hiện nay mới chiếm hữu được quần đảo này".

Tư liệu cho biết các Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức và biện pháp khác nhau như vãng thám kiểm tra kiểm soát, khai thác các hoá vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội Thuỷ quân, Biền binh, Vệ giám thành mà cả binh đinh, dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa Trường Sa đều phải có quyết định của Nhà nước dưới hình thức “tờ sai để thi hành công vụ” và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô để báo cáo tình hình, khai nộp hoá vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá và tuỳ mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Những người hoàn thành nhiệm vụ đều được Nhà nước cấp bằng xác nhận. Công việc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm, nhiều trường hợp có đi mà không có về. Thậm chí có khi người ta phải làm lễ truy điệu sống, làm đám tang trước để an ủi người đi. Ý thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm với quê hương đất nước, nhiều người thản nhiên đi vào cái chết, tự giác coi đó là trách nhiệm của chính mình. Trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng máu, được đánh đổi bằng cả cuộc đời của lớp lớp những con người như thế.

GS. Nguyễn Quang Ngọc trả lời báo chí tại buổi công bố bộ Atlas Thế giới của Philippe Vandermaelen

Để kết luận bài báo, GS. Nguyễn Quang Ngọc đã mạnh mẽ khẳng định, chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những trang đẹp nhất, bi hùng nhất của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, mà bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng cần phải biết trân trọng và gìn giữ, không chỉ cho hôm nay, mà còn cho muôn đời sau.

GS. Nguyễn Quang Ngọc cho biết, việc sưu tầm bộ bản đồ này rất đặc biệt, bộ bản đồ được một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp, phát hiện tại hiệu sách cổ Sanderus, số 32 Nederkouter, thành phố Gent, nước Bỉ.
Ông Ngô Chí Dũng, tổng giám đốc Công ty Dược phẩm ECO, đã tài trợ kinh phí cho việc khảo sát 5 bộ Atlas Thế giới của Philippe Vandermaelen ở các thư viện quốc gia Pháp, Bỉ, thư viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, thư viện Trường ĐH Y Paris. GS. Nguyễn Quang Ngọc đã tham khảo, thảo luận và thống nhất đánh giá với các chuyên gia địa lý học, bản đồ học, sử học, luật học, thư viện học ở Paris, Bruxelles để có cơ sở xác định bộ Atlas này là bộ gốc xuất bản tại Bruxelles năm 1827.
Sau khi khẳng định nguồn gốc đây là bản gốc, bộ Atlas này đã được mua và đưa về Việt Nam giúp nâng cao giá trị khoa học, cơ sở lịch sử và giá trị pháp lý quốc tế, đóng góp vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.  
  
GS. Nguyễn Quang Ngọc với bộ Atlas Thế giới tại Thư viện Quốc gia Pháp


Vương quốc An Nam (Bản dịch từ tiếng Pháp tại tờ bản đồ số 106)





  
 Bùi Tuấn - VNU Medi