Thanh
Trúc (RFA)
Ảnh chụp màn hình bài báo của thông tấn
xã Đài Loan cho thấy cảnh 40 thuyền nhân Việt Nam đang bị lực lượng biên phòng
Đài Loan cầm giữ tối 6/1/2017. Screenshot
of CNA
Chiếc tàu cá Đài Loan chở 46 người, trong
đó 40 là người Việt Nam, 6 người kia là chủ tàu và thủy thủ, bị tuần duyên
bản xứ phát hiện và bắt giữ tối ngày 6 tháng một tại vùng biển Nghi Lan gần một
cảng cá lớn của Đài Loan.
Qua Đài Loan để làm gì?
Nhà chức trách Đài Loan công bố tin tức và hình ảnh
những người Việt nhập cư Đài Loan trái phép bằng đường biển trong một cuộc
họp báo. Thông tin được trình chiếu lại trên hệ thống truyền hình Đài Loan.
Một công nhân Việt Nam ở Đài Trung, yêu cầu được giấu
tên, cho đài Á Châu Tự Do biết trong số những người Việt bị bắt có người nhà và
người quen của cô:
Tại vì hôm đấy em xem video thì em
nhận ra được chị của em với một anh bạn đi cùng với chị của em ở trong video đấy,
em biết là chuyến tàu đã bị bắt. Người ta nói là bắt ở Yilan, đi 40 người
mà mỗi người hết 6.000 Đô, bây giờ mất hết mà người cũng không biết ở
đâu. Em không biết làm thế nào mà em rất sợ, không biết chị em bây giờ
đang ở đâu.
Bạn em bảo bây giờ nên gọi cho cha, cha
tên là cha Hùng, thì may ra cha giúp chứ em ở đây cũng chẳng biết ai mà cũng chẳng
nhờ được ai. Em chỉ mong chị em bình an và về lại quê thôi.
Người mà chị công nhân vừa nói tới, linh mục Nguyễn
Văn Hùng, giám đốc văn phòng trợ giúp pháp lý cho công nhân và cô dâu Việt đến
Đài Loan, nói rằng đây không phải lần đầu tiên chuyện người Việt vượt biển đến
Đài Loan xảy ra, tuy nhiên đây là lần đầu tiên có một lúc 40 người bị bắt
như vậy:
Đây là sự tiếp nối việc nhập cảnh lậu của
người Việt Nam đến Đài Loan bằng thuyền. Chuyện như vậy thỉnh thoảng xảy ra
nhưng không phải một lần 40 người như lần này. Tôi nghĩ lần này là lần người nhập
cư bất hợp pháp bị bắt nhiều nhất.
Khoảng thời gian trước thì người Việt
Nam, có người làm nghề đánh cá, một số không phài người đánh cá, họ mua tàu đến
Đài Loan xong rồi bỏ tàu nhảy xuống biển và họ bơi vô. Nhưng lần này họ có thuyền
của người Đài Loan đưa từ Trung Quốc qua. Khi tàu này còn cách Yilan chừng
9 hải lý thì bị tuần duyên Đài Loan phát hiện, họ bí bắt và đưa ra cuộc họp
báo. Tôi được biết một người từ Việt Nam đi theo dạng này phải trả khoảng 6.000
Đô Mỹ, Đi như vậy thì không được bảo đảm sẽ đi đến nơi hoặc trong trường hợp bị
trả về thì được hoàn trả lại tiền.
Vẫn theo lời linh mục Nguyễn Văn Hùng, nếu nhập cảnh
lậu mà không bị bắt đi nữa thì những người Việt này vẫn là những lao động bất hợp
pháp rất vất vả ở Đài Loan:
Những người này sẽ lên các vùng núi, làm
việc trong các nông trại của người Đài Loan, đó là những gì mà tôi biết.
Được hỏi nhà chức trách nước sở tại sẽ xử lý như thế
nào đối với 40 người nhập cảnh lậu bị bắt tuần trước, linh mục Nguyễn Văn Hùng
nói theo chỗ ông biết thì:
Thông thường bên cơ quan thi hành luật
pháp họ chuyển cái án này lên tòa án. Trong thời gian điều tra thì không ai được
tiếp xúc trừ khi những người này có luật sư vào thăm. Sau khi họ ra tòa một lần,
xử án xong thì người ta đưa những người này đến các trại giam dành cho người nhập
cư bất hợp pháp. Trong khi ở các trại giam thì những người này phải tự lo kiếm
tiền mua vé máy bay để về nước.
Trước kia văn phòng cũng có đi thăm viếng
những trường hợp như thế này. Cho những người không có thân nhân ở Đài Loan thì
văn phòng cũng giúp cho họ tiền máy bay để họ có thể trở về Việt Nam.
Những người bị bắt ở Nghi Lan đã khai như thế nào được
chị công nhân giấu tên kể lại như sau:
Họ hỏi là tại sao đến Đài Loan, sang bên
này hết bao nhiêu tiền thì người bạn của chị em nói là đi từ Việt Nam
sang Trung Quốc đóng 1.500, xong đi từ Trung Quốc sang Đài Loan là đóng 4.500,
tất cả là 6.000 (Đô La).
Em cũng đã khuyên chị em là đừng có đi bởi
vì sợ người ta lừa, nhưng chị nói là những bạn của chị ở quê vừa rồi
cũng đi nhiều lắm mà sang đến bên này cứ gọi điện cho chị nói là sang đi
không sao đâu. Chị em ở Vĩnh Phúc còn anh kia thì ở Hà Tĩnh, hầu như chúng em
tuyền ở vùng quê thôi, phần đa là người miền Bắc với miền Trung nhiều.
Vì sao họ phải ra đi?
Lao động Việt tại Đài Loan biểu tình phản
đối công ty Formosa hôm 10 tháng 8 năm 2016. AFP photo
Nghèo, không tiền, không việc làm là lý do những người
ra đi viện tới để biện minh cho hành động vượt biên của họ:
Bởi vì ở quê bọn em làm ăn khó khăn lắm,
kiếm được đồng tiền rất chi là cực khổ, làm ruộng chẳng được bao nhiêu, chẳng
có đủ ăn nữa.
Thực ra sang đây cũng khổ lắm, tuyền đi
theo người ta, đàn ông đi xây nhà, mình đi phụ vữa với lại dọn dẹp trong công
trình người ta xây nhà. Cực khổ lắm nhưng một tháng người ta cũng trả cho được
khoảng độ 1.000 Đô, suông sẻ thì làm cũng nhanh hơn ở quê, gởi về Việt Nam thì
được nhiều hơn.
Vài năm trở lại đây có những người trong nước,
không chỉ vượt biển qua Đài Loan mà còn đi xa hơn, tới tận Úc hay Tân Tây
Lan. Điển hình là vụ vượt biên gồm 21 người đi từ cảng Long Hải, tỉnh Bà
Rịa, Vũng Tàu, hồi tháng Năm 2016, bị tàu hải quân Úc bắt trả về Việt Nam.
Theo giới thẩm quyền Úc thì Việt Nam cam kết không
trừng phạt và bỏ tù những người bị trả về mà sẽ tạo điều kiện công ăn việc làm
đồng thời cho con cái họ đi học bình thường.
Thế nhưng hôm 13 tháng Mười Hai 2016, tòa án
Bà Rịa Vũng Tàu mở phiên sơ thẩm xét xử 4 bị cáo can tội dùng thuyền
đưa 21 người vượt biển đến Tân Tây Lan nhưng bị nhà chức trách Úc bắt
trả về Việt Nam.
Kết quả người tên Nguyễn Giao Thông bị 3 năm 6 tháng
tù giam, người thứ hai tên Nguyễn Tuấn Kiệt 30 tháng tù giam. Hai bị can còn lại
mỗi người 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Trước đó, tháng Năm 2016, tòa án La Ghi tỉnh Bình
Thuận mở phiên xét xử vụ 46 người, trong đó có trẻ em mà cháu nhỏ nhất là 4 tuổi,
dùng thuyền vượt biển đến Australia hồi tháng Bảy năm 2015. Tàu của họ bị hải
quân Úc chận bắt và sau đó gởi trả về về Việt Nam. Khi đó Úc cũng được Việt Nam
hứa sẽ không trả thù. Sau đó tòa Bình Thuận tuyên phạt án tù đối với nhóm
4 người tổ chức vụ vượt biên này.
Luật sư Võ An Đôn, nhận bào chữa cho cả hai vụ án vừa
kể, nói rằng những người vượt biên trình bày chỉ muốn một cuộc sống tốt hơn cho
họ và con cái của họ.
Trở lại vụ 40 người Việt nhập cảnh lậu Đài Loan, đã
bị bắt giữ hôm thứ Sáu ngày 6, chị công nhân giấu tên ở Đài Trung có người thân
trong số những người bị bắt, bày tỏ:
Em khuyên mọi người đừng có bao giờ đi
như vậy nữa, rất nguy hiểm. Ở quê chị em đã bị môi giới lừa mất bốn năm nghìn
đô rồi, sang đây bây giờ lại năm sáu nghìn đô nữa.
Sang đây bất hợp pháp, ốm đau cũng chẳng
được khám, rất nhiều người bõ mang bên này, sợ ơi là sợ.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng cũng cho hay đang theo dõi
trình tự pháp lý của vụ việc để có thể giúp đỡ hỗ trợ phần nào cho nhóm
40 người bi bắt mới nhất này ở Đài Loan.