„“Ai đó” đã xóa từng phần lịch sử Việt Nam chống giặc phương Bắc ra khỏi
trí nhớ các thế hệ một cách rất hệ thống, âm mưu bỏ phần giáo dục lịch sử của
quê hương, ghép vào môn Công dân. Và “ai đó” cũng cổ vũ việc in sách ca ngợi
các kẻ xâm lược khát máu Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… cho các thế hệ mới. “Ai đó” cũng dựng nên các câu chuyện dối
trá như Lê Văn Tám nhưng không quên trừng mắt chà đạp các nhân vật có thật như
Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký. Lê Văn Duyệt, Bá Đa Lộc...“
“Ai đó”
tuankhanh
Bằng một giọng buồn rầu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình
Đầu nói rằng “ai đó” đã đọc cuốn sách viết về Trương Vĩnh Ký (1837-1898) của
ông chưa kỹ, nên ra lệnh ách lại. Tuy vậy, ông vẫn nuôi hy vọng rồi mọi thứ sẽ
trở lại bình thường khi cuốn sách nhận được lệnh cần phải sửa đổi gì đó, và được
tái phát hành.
Cuốn sách "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" do
nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chủ biên, một công trình tập hợp các bài viết của
nhiều tác giả và dù đã được Cục Xuất bản cấp giấy phép, cho phát hành khoảng
hơn một tháng, đột nhiên bị lệnh miệng của “ai đó”, khiến mọi thứ ách tắc vào đầu
tháng 1/2017. Chương trình ra mắt vào ngày 8/1 tại Sài Gòn bị gọi hủy một cách
gấp rút.
Ông Nguyễn Đình Đầu
nói về “ai đó”. Người mà ông cũng thật sự không biết là ai, nhưng có đủ
quyền lực để rút lại quyền được lưu hành hợp pháp công trình nghiên cứu của các
nhà trí thức. “Ai đó” cũng là một lối nói ám chỉ
khá phổ biến của người dân Việt Nam trong xã hội từ nhiều năm nay. Cách nói chừng như rất mập mờ, nhưng hầu như
mọi người đều hiểu “ai đó” nghĩa là gì.
Đây không phải là lần đầu những mệnh lệnh giấu mặt kỳ
quặc như vậy, chen ngang vào đời sống Việt Nam. Giới nghệ sĩ âm nhạc, văn
chương hay kịch nghệ, điện ảnh… từ Bắc chí Nam, hầu như đều đã có kinh nghiệm về
các loại lệnh miệng của “ai đó”. Lối can thiệp bất thường, mà hầu hết lý do đưa
ra đều ngớ ngẩn, nhưng lại luôn tỏ vẻ hết sức quan trọng để phục vụ cho các kiểu
tư tưởng-chính trị.
Sự kiện của sách "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ"
nhắc cho người ta nhớ lại vấn nạn quen thuộc trong xã hội Việt Nam từ nhiều năm
nay, kể từ sau năm 1975. Trong một xã hội đói khát sự minh bạch, những chỉ thị
thập thò từ bóng tối vẫn khiến xã hội nơm nớp và trở thành u ám hơn. “Ai đó” có nhiều loại,
nhưng dễ tìm thấy là hạng người thích phô trương tư tưởng, quyền lực hoặc cả đời
xuẩn động theo chủ nghĩa nô bộc trung thành. Cả hai loại đó thường hành động mà
bất cần dân tộc hay tổ quốc.
Trong nhiều lời bàn về việc thu hồi sách
"Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ", hầu hết đều cho rằng do ông Trương Vĩnh
Ký dính líu nhiều đến người Pháp, nhà Nguyễn, Phan Thanh Giản… Không biết từ
khi nào, những người cầm quyền đã dựng nên nên các phiên tòa với các nhân vật lịch
sử Việt Nam, không khác các cuộc đấu tố. Vua Gia Long (1762-1820) bị phủ nhận,
thậm chí xóa luôn công lao thống nhất đất nước và mở mang bờ cõi của ông. Suốt
trong nhiều năm, báo chí và và văn nô hằn học tấn công Phan Thanh Giản
(1796–1867), bất chấp các nghiên cứu nhận định lại cuộc đời và sự nghiệp của
ông. Và cũng như Phạm Quỳnh (1892-1945), Trương Vĩnh Ký… bị gọi tên là tay sai
của thực dân, xóa bỏ các giá trị xây dựng ngôn ngữ Việt và đời sống xã hội mà
các ông đã dựng nên.
Nhiều năm trước, khi cùng với nhà thơ Trần Tiến Dũng
và họa sĩ Trịnh Cung về Bến Tre để tìm thăm mộ cụ Phan Thanh Giản, chúng tôi đã
rất khó khăn mới đến nơi. Thậm chí khi tôi hỏi thăm, có một quan chức ở Sở văn
hóa còn mang ra một tập photo và cắt từ báo, các bài tấn công, miệt thị ông
Phan Thanh Giản, đồng thời hỏi rằng “Phan Thanh Giản là nhân vật có vấn đề, anh
tới thăm làm gì?”.
Rồi chúng tôi cũng tìm đến được ngôi trường hiếm hoi
mang tên Phan Thanh Giản, có bức tượng bán thân của ông. Nhưng khi hỏi các học
sinh về tên của trường và ý nghĩa của bức tượng, không ít em đã lắc đầu. Nến
văn minh cộng sản đã bao vây và tiêu diệt lịch sử Việt Nam như vậy đó. Thậm chí
nền văn minh đó đã rượt đuổi và hăm dọa những ai quan tâm điều họ không muốn,
như cách mà chúng tôi sau đó bị người bảo vệ của trường xông tới với dáng vẻ
hung hăng khi ông Trịnh Cung đang chụp lại bức tượng, khiến cả nhóm phải lên xe
chạy đi lập tức.
“Ai đó” đã xóa từng phần lịch sử
Việt Nam chống giặc phương Bắc ra khỏi trí nhớ các thế hệ một cách rất hệ thống,
âm mưu bỏ phần giáo dục lịch sử của quê hương, ghép vào môn Công dân.
Và “ai đó” cũng cổ vũ việc in sách ca ngợi
các kẻ xâm lược khát máu Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… cho các thế hệ mới.
“Ai
đó” cũng dựng nên các câu chuyện dối trá như Lê Văn Tám nhưng không
quên trừng mắt chà đạp các nhân vật có thật như Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký. Lê
Văn Duyệt, Bá Đa Lộc...
“Ai đó” nghe chừng rất nặc danh, nhưng có lẽ nhân
dân nghe qua đều hiểu. Trong tác phẩm Sống và chết ở Thượng Hải của nữ sĩ Niệm
Niệm, bà cũng có nói đến hiện trạng kiểu “ai đó” trong xã hội cộng sản tại
Trung Hoa. Hiện trạng có tên là open secret, tức chuyện tưởng chừng vô cùng bí
mật, nhưng thật ra nhân dân, ai cũng biết và ai cũng hiểu. Dân chúng trước mặt
thì luôn vâng dạ, kính cẩn, nhưng khi quay lưng thì văng tục và nguyền rủa
trong sự khinh bỉ về “ai đó”.
“Ai đó” đang kiểm duyệt, chận,
bỏ, xóa và phán xét mọi thứ trên đất nước Việt Nam, dựa trên những tiêu chí
không mang giá trị phụng sự thuần túy cho tổ quốc, dân tộc.
Cũng như việc “ai đó” đã thu hồi, đình bản sách "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ"
để chận lại việc sách làm rõ câu chuyện lịch sử, con người lịch sử, để
minh bạch và cân nhắc lại mọi phán xét.
Và hôm nay, đã đến lúc chúng ta cũng nên đặt lại vấn
đề, minh định lại sự tồn tại của chính chúng ta bằng câu hỏi: Rằng những “ai
đó”- các ông bà - có tư cách gì để thay đổi và phán xét tổ tiên và lịch sử người
Việt của chúng tôi?