30.05.2016

Hạn hán và chủ trương ‘gạo trước nhất’ đẩy nông dân Việt Nam vào chỗ hiểm nghèo - Jan Perlezmay

“Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trồng lúa hàng đầu của Việt Nam, đang bị hạn hán tồi tệ nhất kể từ khi chính quyền thực dân Pháp bắt đầu ghi số liệu thống kê năm 1926.”
Hạn hán và chủ trương ‘gạo trước nhất’ đẩy nông dân Việt Nam vào chỗ hiểm nghèo

Jan Perlezmay (New York Times)
Song Phan dịch
Huỳnh Anh Dũng, 34 tuổi, tại trang trại của gia đình ông ở tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Lúa của ông thất bại trong tháng 2 vì nước mặn. Nguồn: NYT

SÓC TRĂNG, Việt Nam – Khi chồi lúa bắt đầu khô héo trên cánh đồng của bà Lâm Thị Lợi ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, một vùng thường xanh tươi của Việt Nam, bà phải đối mặt với một  lựa chọn khó khăn: để lúa chết trong đất khô hạn, hoặc bơm nước mặn ở sông vào để may ra chúng sống sót.

Giống như nhiều nông dân dày dạn ở đây, bà thử liều với nước mặn. Lúa đã bị héo chết trong vòng vài ngày.


Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trồng lúa hàng đầu của Việt Nam, đang bị hạn hán tồi tệ nhất kể từ khi chính quyền thực dân Pháp bắt đầu ghi số liệu thống kê năm 1926. Những vết nứt nẻ to, một số sâu hơn 3 tấc, xẻ rảnh nền đất cứng; thân lúa chết rải rác các cánh đồng; và sự khô hạn nghiêm trọng đến mức ngay cả sâu bọ cũng nằm dăn dúm trên mặt đất.

Bà Lợi, 38 tuổi, nói lúc ngồi trong căn phòng khách gọn gàng: “Tôi đã trồng lúa từ hồi 13 tuổi, và chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này. Tháng 2 rồi tôi được một bao lúa. Còn măm ngoái chúng tôi thu hoạch 1,4 tấn”.

Các nhà khoa học nói rằng ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của El Niño, hiện tượng thời tiết gây ra nóng bức quá mức và lượng mưa sụt giảm ở  Đông Nam Á, là lý do chính cho sự mất mùa ở đồng bằng. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất.

Bản đồ miền Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: NYT

Việc Chính phủ Cộng sản một mực yêu cầu nông dân trồng ba vụ lúa mỗi năm, thay vì một hoặc hai vụ như trước đây, đã làm suy kiệt các chất dinh dưỡng trong đất, làm tác động của hạn hán càng tệ hại hơn, họ nói.
Và nước biển đã xâm nhập vùng hạ lưu sông Cửu Long vốn cạn hơn bình thường, đẩy nước mặn vào đồng bằng lên xa hơn trước đây và xoá trắng các ruộng lúa.

Chính phủ cho biết cả 13 tỉnh đồng bằng, với 17 triệu người, hay 1/5 dân số của Việt Nam, đang bị nước mặn ở các vùng đất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo hồi tháng 3 rằng có 200.000 hộ gia đình phải nếm trải tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, và rằng con số đó đang tăng lên.

Nước mặn từ lâu đã xâm nhập các vùng đồng bằng, nhưng do hạn hán nên không có đủ nước ngọt ở sông và các nhánh của nó để làm loãng nước biển. Muối đang có một tác động độc hại hơn, các nhà khoa học nói.

Cuộc khủng hoảng lúa đã làm rõ sự cần thiết việc chính phủ phải điều chỉnh sự chú trọng quá lớn vào việc trồng lúa, và  khuyến khích nuôi tôm như là một giải pháp thay thế có lợi hơn và thực tế, ông Nguyễn Hữu Thiện, một nhà tư vấn cho Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế nói.

Bà Lâm Thị Lợi, 38 tuổi, tại nhà bà ở Sóc Trăng. Bà Lợi nói: “Tôi đã trồng lúa kể từ khi 13 tuổi và tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này”. Nguồn: NYT

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai sau Thái Lan. Nhưng chẳng có vinh quang về điều đó bởi vì nông dân không phát đạt, và có rất nhiều di dân đi khỏi đồng bằng này”. Ông Thiện nói khi đề cập đến khu vực Đông Nam Á.

Chính phủ đang bị dính khắng ở chủ trương “gạo trước nhất” vốn đưa ra từ thập niên 1970, sau khi cộng sản giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam, lúc đó người dân bị đói và đất nước bị cô lập, mất hết đối tác thương mại và không có khu vực sản xuất gia công.

Trong những ngày đó, chính phủ huy động các nhóm làm việc để đắp các đê bằng đất ven các kênh rạch lớn ở đồng bằng này để ngăn nước mặn và để tạo điều kiện tốt hơn cho việc trồng lúa, Timothy Gorman, một nhà nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long – Đại học Cornell nói.

Các cửa cống do chính phủ tài trợ được xây dựng vào những năm 1990, ông nói. Vào khoảng năm 2001, một số nông dân đã quá chán ngán với những nỗ lực ngăn mặn đến mức họ tấn công phá huỷ các cửa cống này, mở đường cho việc nuôi tôm sú ở vùng phía tây đồng bằng song Cửu Long.

Nhiều nông dân biết nước mặn là tốt cho sản xuất tôm, ông Gorman nói, nhưng họ lại nhận được trợ cấp cho trồng lúa chứ không được khuyến khích chuyển sang nuôi tôm.

Ảnh: Vụ lúa của ông Huỳnh Anh Dũng ở tỉnh Sóc Trăng – đồng bằng sông Cửu Long, đã bị hạn hán hủy hoại. Nguồn: NYT

Việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn và các đập nước ở tỉnh Vân Nam miền nam Trung Hoa lục địa, đang góp thêm phần vào tai ương này.

Một nghiên cứu năm 2010 do Ủy ban sông Mekong uỷ nhiệm đã cảnh báo chống lại việc xây 11 đập thủy điện tại Lào và Campuchia vì các đập này sẽ giữ phù sa có giá trị lại, ngăn không cho đi tới vùng châu thổ sông Cửu Long. Báo cáo này đã bị phớt lờ, hai trong số các đập đó đang được xây dựng, và số còn lại cũng có kế hoạch làm tới.

Một sự nhượng bộ hiếm hoi cho Việt Nam là người Tàu cộng đã xả nước ở các đập thủy điện thuộc  tỉnh Vân Nam hồi tháng 3, tuy nhiên dòng chảy quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt cho các cánh đồng lúa đang khô hạn, nhà chức trách Việt Nam cho biết.

Sự bất mãn đối với chính phủ đang tăng lên trong dân chúng ở các làng quê.
Chính quyền tỉnh giấu kín mọi tin tức, người dân cho biết. Trong tháng 10, mực nước trong hồ Tonle Sap ở Campuchia, nơi tiếp nước cho sông Cửu Long, thấp một cách nguy hiểm.

Hai hồ chứa nước lớn khác ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp của Việt Nam giúp những cánh đồng lúa có nước cũng ở mức rất thấp.

Ảnh: Một con kênh khô cạn vì hạn hán tại tỉnh Sóc Trăng. Một năm trước đây, tàu thuyền vẫn còn có thể đi lại trên đó được. Nguồn: NYT

Bà Lợi nói bà không được cảnh báo trước. Bà cứ tiếp tục cày bừa rồi gieo cấy. Bà đã mất hơn $ 1.000 vào hạt giống, phân bón và nhân công, bà nói.
Tuy nhiên, khi bà tham dự một cuộc họp gần đây do cán bộ huyện triệu tập để thảo luận về vấn đề này, dân làng đã bị khinh miệt, bà cho biết. “Họ đưa cho tôi chỉ có $120. Đó chỉ là số không. Chúng tôi không có quyền thương thảo với họ. Họ nói rằng nông dân chẳng biết gì. Nhưng chúng tôi biết rõ công việc của mình”. Bà nói.

Trên bờ sông cách hai giờ đi xe, một nông dân khá giả hơn, Huỳnh Anh Dũng, 34 tuổi, chủ khoảng 2.5 ha đất, phần được chia từ một gia tài lớn do ông nội của ông gầy dựng gần 100 năm trước đây.

Khi vụ lúa bị hư hại hồi tháng 2 vì nước mặn, ông đã quyết định không làm vụ ba. Ông biết cố làm lại là điều điên rồ.

Ông nói: “Một người bạn có một máy đo độ muối trong nước. Mức chuẩn là 4,8‰. Chỉ cần hơn 2‰ là làm chết cây cối”.

Ảnh: Chợ nổi Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nơi có nhiều người dân sinh sống bằng cách bán sản phẩm của mình. Nguồn: NYT

Một số nông dân đã bỏ quê đi thành phố Sài Gòn để tìm việc làm, khiến nhiều làng chỉ còn một nửa dân số.

Trong một số thị trấn và làng quê, những nông dân như ông Dũng có nhà cửa tiện nghi với đồ gỗ đánh bóng, TV, xe máy để chạy tới lui trên đường và xuồng máy đuôi tôm chạy trên sông. Trà đá ngọt dịu, với đá bào, được dùng như một thức uống mời khách viếng nhà.

Ông Dũng vẫn ở lại, gắn bó với vùng đất của cha ông. Ông đã dành dụm đủ tiền từ các vụ mùa trước nên không cần phải làm việc bán thời gian. Chú của ông đã bắt đầu trồng dưa đắng (khổ qua) hữu cơ trên một phần đất thuộc đất đai của gia đình, một dự án đang tiến triển tốt.

Vào một buổi sáng gần đây, ông ấy nhờ một người làm thuê đào các rãnh cạn trong khu đất để khi có mưa thì muối đang ngấm trong đất sẽ tháo đi nhanh hơn.

Ông Thiện, một trong những tác giả của báo cáo năm 2010 về các đập nước, nói rằng, các dấu hiệu của tình trạng khả quan sẽ không kéo dài. Với rất nhiều đập nước xuất hiện trên dòng thượng lưu, việc thiếu vắng phù sa cuối cùng sẽ giết đồng bằng này, biến nó thành vùng đất hoang trong vòng 100 năm tới.

Tác động của các đập nước không thể khắc phục được,” ông nói.
Ông Dũng không thể nhìn thấy một tương lai xa. Khi ông dự tính những thiệt hại vì mặn, và mảnh đất khô cháy của mình, thì sấm rền ở phía xa. Mây xám treo trên đỉnh đầu, lần đầu tiên nhìn thấy trong sáu tháng. “Hy vọng trời sẽ mưa”, ông nói.