30.06.2016

Dân làng Đông Yên: tấm gương về những anh hùng cảm tử vì dân tộc Việt Nam - Vì Dân

Dân làng Đông Yên: tấm gương về những anh hùng cảm tử vì dân tộc Việt Nam

Vì Dân 
Sau khi được tiếp xúc, được đãi ăn, được lo ngủ, được che chở và bảo vệ. Tôi viết những điều dưới đây, bằng tất cả sự cảm phục, biết ơn và kính trọng nhất đối với bà con Đông Yên - Vũng Áng. Mọi người đã khiến cho ngọn lửa đấu tranh dân chủ trong tôi bùng cháy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Và tôi mong, sẽ truyền ngọn lửa ấy cho tất cả bạn bè, cho những người đọc được bài này!

*
Trước khi Formosa đến Vũng Áng, đây là vùng đất màu mỡ. Ngư dân ra biển chỉ cần quăng lưới là có cá tôm. Trên bờ thì sỏi đá cũng bán được tiền. Biển ở đây có một loại sỏi mà thương lái thua mua với giá 350đ/kg (xem hình 1,2). Nghĩa là nếu trẻ con không có tiền ăn quà vặt thì chỉ cần ra biển hốt 10 kí sỏi đem bán là có tiền mua kem, thanh niên không có tiền điện thoại thì ra biển hốt 100 kí sỏi là có 20 nghìn nghìn mua thẻ cào rồi còn dư 15 nghìn tiền ăn sáng. 




Bờ biển ở đây rất đẹp, cát trắng trải dài nhiều cây số, nên đã có thế lực muốn qui hoạch toàn bộ khu vực này để làm khu du lịch nghĩ dưỡng (và có thể là mục đích khác)... Thế nhưng ngoài việc đền bù không thỏa đáng, cái cách mà chính quyền làm việc với dân, rồi nhất là việc chủ đầu tư mang rất nhiều nhân công Trung cộng đến khiến cho người dân không đồng tình. Đã có máu đổ khi nhà thầu đem máy móc đến giải tỏa.

Bị quấy rối, đập phá liên tục, nhiều người không chịu nổi đã chuyển đi. Đến khu tái định cư cách đó rất xa (dưới chân đèo Ngang), nhưng vẫn phải đưa thuyền về đây đánh cá, do ở nhà mới không biết làm gì để sống. Còn 166 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu vẫn ở lại. Con cái của họ 2 năm nay không được đi học. 

Những người ở lại, càng bị quấy phá, gây rối càng khiến họ đoàn kết để bảo vệ nhau. Bây giờ, nếu công an, người lạ vào đây mà không có giấy tờ, không được giới thiệu rõ ràng thì "chắc chắn có chuyện". Vì đa số những người này xuất hiện là có mục đích xấu với dân làng.

Cuộc sống đang yên lành bỗng trở nên khó khăn bởi cái nhà máy kia, chưa nói tới vụ biển chết, hằng ngày chúng thải bao nhiêu khói độc ra không khí. Rồi sự tiếp tay của chính quyền khiến con cái họ không được học hành đàng hoàng (2 năm nay 155 em nhở không được tới trường). Vậy mà họ vẫn trụ lại!

Và khi cá chết, biển nhiễm độc, họ cũng biết mình đã và đang nhiễm độc, họ biết càng trụ lại càng mau chết. Vì nguồn nước sinh hoạt cũng chỉ lấy từ mạch nước ngầm tại địa phương. Nguồn nước này vẫn chưa có cơ quan nào đến kiểm tra, đánh giá suốt 3 tháng nay! 

Nếu là chúng ta, chắc chắn sẽ có người nhận tiền đền bù rồi dọn đi. 
Nhưng không, HỌ VẪN Ở LẠI!

Họ ở lại vì ai các bạn biết không?
HỌ - Ở - LẠI - VÌ - TÔI, VÌ - BẠN, VÌ -DÂN - TỘC - NÀY đấy! 

Từ trẻ sơ sinh đến cụ già, từ đứa bé đang học đánh vần đến anh thanh niên tới tuổi cập kê, cô nàng đang tuổi thanh xuân đến bà mẹ hằng ngày bán bưng, từ ông ngư dân đến người trí thức việc làm ổn định, TẤT CẢ ĐỀU CHỌN Ở LẠI.

Tất cả đã vứt bỏ tương lai của mình để bảo vệ tương lai của chúng ta!

Nhiều năm trước, qua truyền thông trong nước, tôi vẫn nghĩ họ không đi vì muốn có tiền, muốn nhận nhiều tiền đền bù hơn. Nhưng không, gặp họ, tôi hiểu rằng họ ở lại là do không muốn Trung cộng thâu tóm toàn bộ vịnh Vũng Áng. Rồi bây giờ, kẻ ác xả độc muốn giết dân, lấy vịnh. Cái chết cận kề, họ vẫn chọn ở lại, phải ở lại để giữ lấy vị trí chiến lược mà bọn giặc muốn đầu tư làm cảng nước sâu. 

Nếu có được cảng nước sâu theo ý đồ của chúng tại dãy đất hẹp nhất Việt Nam này thì đất nước ta sẽ ra sao?

Buổi tối, vẫn có người ngủ trước cổng vào làng để đề phòng "kẻ lạ" vào quấy phá dân. Đặc biệt là nhiều nam thanh niên ở đây ra bờ biển, trải tấm chiếu manh để ngủ (hình 3). Ngủ để giữ biển, khi có "tàu lạ" tiếp cận bờ biển ở đây, họ sẽ báo động và sẵn sàng tử thủ. 


Bạn đã thấy họ yêu nước thế nào chưa?

Ý thức dân tộc, ý thức của những người ở đây là vậy, nhưng đổi lại, họ được gì?

Hãy nhìn những căn nhà bị đập bỏ vì chính quyền muốn giải phóng mặt bằng; những bức tường đã không còn nguyên vẹn do đập nhà này rồi phá luôn nhà bên; cột kèo liêu xiêu, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Mà, cả gia đình vẫn ăn, vẫn ngủ ở đấy (hình 4,5). Hãy nhìn những lớp học hoang tàn do bị đập bỏ để giải tỏa, bàn ghế chỏng chơ mà vẫn có người lót giấy báo nằm ngủ (hình 6,7). Hãy nhìn đứa bé đang tuổi đến trường phải ngồi bơ vơ trước cửa nhà (hình 8).






Bạn đã thấy họ kiên cường chưa?

Tôi không muốn đề cập tới việc bất mãn, cũng chẳng nói tới cộng sản trong bài này, tôi chỉ nhắc tới nhà cầm quyền! 

Chính quyền ơi, các ông đang làm gì dân tôi vậy? 

Hãy nhìn những lá Quốc kỳ, Đảng kỳ (hình 9) mà ngư dân cắm lên trên tàu bè, trên tấm bạc che lưới đi! Ba tháng trước, dân cắm cờ là vì rất tin vào các ông, chết đến nơi mà dân vẫn cắm cờ để khẳng định chủ quyền bờ biển! Chết đến nơi họ vẫn muốn giữ nước, giữ Đảng cho các ông! Thế nhưng các ông im lặng, để 3 tháng nay, cờ đã rách, lòng dân đã hết! Các ông muốn giữ Đảng thì phải thương dân chứ! 


Lòng tự tôn dân tộc của các ông ở đâu? Trái tim các ông ở đâu? Lý trí và tình yêu Tổ Quốc của các ông ở đâu? 

Bây giờ Formosa gập đầu xin lỗi, gập đầu trước báo chí và truyền thông là xong hả? 

Bồi thường 500 triệu đô, bao nhiêu trong đó sẽ tới tay dân khi mà ba tháng nay chưa hề có ai đến thăm hỏi, động viên người dân?

Xin lỗi mà huy động quân đội, công an làm gì?

Công an là bảo vệ dân, quân đội là bảo vệ Tổ quốc chứ không phải bảo vệ bất kỳ tập đoàn, thế lực hay chế độ nào cả!

Những kẻ đầu độc, những kẻ tiếp tay, những kẻ im lặng, tất cả các người phải quỳ xuống chân từng nạn nhân để xin lỗi họ! Tất cả các người phải đi tù vì tội diệt chủng! 

Viết tới đây tự nhiên nước mắt chảy không ngừng, không thể tiếp được nữa, mời các bạn tự cảm nhận!

Đừng share bài này, hãy copy và đăng lại trên facebook của các bạn, giống như những gì tôi đang đăng. Như vậy sẽ có nhiều người đọc hơn!

Có thể ghi nguồn "Vì Dân" hoặc không ghi cũng được. Tôi không cần nổi tiếng, tôi viết là để đánh vào trái tim các bạn, thức tỉnh lương tri của các dư luận viên, thức tỉnh lòng tự tôn dân tộc của nhân dân Việt Nam!

Tin rằng làng Đông Yên sẽ có một chỗ thật trang trọng trong sách giáo khoa lịch sử Việt Nam sau này!