05.06.2016

Học thức không thể khiến con người thành tử tế…- Fb Chau Doan

“Cứ theo cái lối suy nghĩ quan chức là cha, mẹ, dân là con và dân láo, hỗn thì ‘trừng trị” thì những người cầm quyền rất có thể sẽ không thương tiếc mà đàn áp người biểu tình một cách dã man.”

Học thức không thể khiến con người thành tử tế…

Xưa người ta dùng chiến thuật “chiến tranh nhân dân”. Những bà mẹ ngồi trên hầm, bên dưới có Việt Cộng ẩn nấp, nếu có chết thì bà mẹ chết đầu tiên. Việt Cộng núp trong hầm cùng phụ nữ, trẻ em nên mới có những chuyện thương tâm khi chính bà mẹ phải bóp mũi con mình để bảo vệ cho những người cùng hầm, chiến sỹ Việt Cộng trà trộn trong nông dân, người buôn bán, những chú bé làm liên lạc, tham gia cầm súng khi còn bé…

Giờ đây, người ta có từ cho việc đấy: “lá chắn sống”. Nói rộng ra thì người dân luôn là “lá chắn sống” kể cả bây giờ. Khi biển bị nhiễm độc, ngư dân là người chịu thiệt thòi đầu tiên, khi đất nứt nẻ bị hạn hán cũng người dân chịu đói đầu tiên, nhưng buồn thay chính người dân bị coi thường nhất, ho he mở miệng để nói lên sự bất công, nỗi lo lắng của mình là bị quy chụp là phản động, là bị xúi giục bởi kẻ xấu, rồi bị bắt bớ, đánh đập. Xưa những bà mẹ làm “lá chắn sống’ được yêu quý lắm nhưng khi hoà bình thì các bà mẹ hoàn toàn có thể một thành viên trong đội ngũ dân oan, mất nhà, mất đất.


Và, điều đáng nói ở đây là tầng lớp “trí thức” điếm đàng. Không ít người quen của tôi nhận xét công an đã “quá hiền” đối với người biểu tình. Chắc hẳn những người này cùng quan điểm với bà Tôn Nữ Thị Ninh khi bà nói trong tại buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2004: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”

Bà Tôn Nữ Thị Ninh. Ảnh DW

Hãy nhớ là bà Ninh dùng từ “trừng trị” khi dạy bảo con, cháu. Tôi rùng mình trước câu nói này. Cứ theo cái lối suy nghĩ quan chức là cha, mẹ, dân là con và dân láo, hỗn thì ‘trừng trị” thì những người cầm quyền rất có thể sẽ không thương tiếc mà đàn áp người biểu tình một cách dã man. Chẳng phải lãnh đạo Trung cộng đã mang cái lối suy nghĩ đáng sợ này vào trong việc tàn sát 10,000 sinh viên vào năm 1989 hay sao?

Tôi rất muốn một lúc nào đấy có cơ hội để phỏng vấn bà Ninh để có thể hiểu rõ con người này. Dân không bao giờ là những đứa con, cháu và các ông bà không bao giờ là cha, là mẹ dân. Quan chức nếu sống có lý tưởng thì phải cảm thấy vinh dự mình được phục vụ, cống hiến cho người dân, cho đất nước. Vinh dự vì mình được dân tín nhiệm mà trao trọng trách, nhưng đấy là trong một chế độ dân chủ khi người dân được bầu ra người lãnh đạo của mình. Bà Ninh được đảng tin yêu mà trao trọng trách nên mới có suy nghĩ quái dị như vậy.

Chúng ta đừng bao giờ quý trọng ai bởi địa vị, sự lịch lãm bóng bẩy của họ. Hãy lắng nghe xem họ nói gì, họ đứng ở đâu trong cả tâm thế xã hội, họ coi dân đối tượng phục vụ hay là đối tượng cai trị? Ngày xưa khi mới biết qua loa về bà Ninh, tôi nhìn thấy một chân dung nữ chính khách đẹp, lịch lãm và sang trọng, giờ đây tôi chỉ nhìn thấy một kẻ đáng sợ và tôi hy vọng là mình sai.

Trong chiến tranh, những người lãnh đạo dùng chiến thuật “chiến tranh nhân dân”, họ gắn sự thành bại vào trong những cạp váy của những bà mẹ, mẹ mẹ con con thân thiết như những bà mẹ ấy là mẹ của họ thật, chị chị em em như thể những phụ nữ và trẻ em đưa cơm cho họ là chị gái, em gái em trai thật, hoà bình thì họ xa lánh, coi bà mẹ, hay con cái của những bà mẹ ấy là con, cháu hư hỗn và cần phải trừng trị. Giá như không có con mắt canh chừng của xã hội dân chủ văn minh thì bà Ninh và các đồng chí của bà “trừng trị” khắc nghiệt “những đứa con cháu hư” còn khắc nghiệt đến đâu.

Vậy ra, học thức không khiến con người thành tử tế, mà nó chỉ phủ lên chân dung con người một lớp lụa là bóng mượt. Nhưng chính mạng xã hội, sự chia sẻ thông tin, quan điểm chính là kính chiếu yêu hữu hiệu, lột tả vứt đi cái bộ nhung lụa mượt mà ma mị.

Lại nhớ tới vụ xử tử người đàn bà đẹp Nguyễn Thị Năm, ân nhân của biết bao cán bộ Việt Minh, người hiến tặng bao tiền, vàng mà bị bắn chết đầu tiên.

Ai là kẻ bất nhân, ai là kẻ ăn cháo đá bát ở đây? Nghĩ mà buồn muốn khóc được.

Đọc thêm:

‘Mối tương quan mất dạy!’
 
Tạp Ghi Huy Phương

Trong nước càng ngày chúng ta thấy sự quan hệ giữa chính quyền cai trị và dân chúng càng ngày càng tồi tệ, và đảng đẩy quần chúng vào thế đối nghịch, coi dân như kẻ thù. Mặt nạ “nhân dân làm chủ” mị dân của cái thời xa xưa đã rơi xuống, phơi bày một sự thật, đó là, sự quan hệ giữa “dân-nhà nước” bây giờ được xem như là giữa con cái và cha mẹ, thậm chí là chó với chủ. Có hai người đàn bà tương đối có chức sắc, và cũng khá “sắc sảo” luôn luôn muốn tâng công với đảng nhà nước, nhưng đôi khi lại đi quá đà, “bảo hoàng hơn nhà vua,” là hai bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Tôn Nữ Thị Ninh, muốn đem Khổng Tử ra để coi chính quyền là cha mẹ dân: “Dân chi phụ mẫu,” đi ngược lại khẩu hiệu “nhân dân làm chủ” mà đảng Cộng Sản vẫn thường rêu rao.

Nguyễn Thị Hồng Ngát, hồi còn là cục phó Cục Ðiện Ảnh VN đã trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên Evan Williams đài truyền hình ABC tại Úc đã trả lời về những sự bất đồng của dân Việt Nam đối với chính phủ bằng câu trả lời: “Con cái không chê cha mẹ khó...” (cho nên không được chê trách, hỗn hào!). Câu nói này lại được Trương Ngọc Ninh, phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, phụ họa: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!

Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên đại sứ Ðặc Mệnh Toàn Quyền của VN tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), phó chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại của Quốc Hội Việt Cộng, tại buổi họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2004, đã biện bác rằng về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam bằng một câu nói khá hỗn xược: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.” Có nghĩa là những nhà tranh đấu cho dân chủ, cho sự bảo toàn lãnh thổ, những người dân kêu oan là những đứa con hỗn láo, bướng bỉnh mà đảng có quyền trừng trị riêng của đảng (đánh đập, đạp vào mặt, lôi đi như con chó, bắt bớ, tù đày...), người ngoài chớ có xía vô. Thành ngữ Việt Nam có câu “mồm loa mép dãi” dùng trong trường hợp của hai phụ nữ này quả là đúng chỗ.

Blogger Ðinh Tấn Lực ở trong nước đã cho rằng mối tương quan “cha mẹ-con cái,” “chó-chủ nhà,” theo lối nói này là thứ “tương quan mất dạy.”

Nguyễn Thị Hồng Ngát là “biên kịch” cuốn phim “Nhìn Ra Biển Cả” nói về tuổi trẻ của Hồ Chí Minh, đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,” kỷ niệm 120 năm ngày sinh của “bác” vào năm 2010, thì chúng ta cũng thấy tầm vóc nhai lại của một tay văn nô như thế nào, đã tâng bốc một thứ “đạo đức mắm tôm,” mà người có liêm sỉ phải lấy làm ngượng. Những cuốn phim như loại này chỉ dùng để báo cáo thành tích hằng năm, chứ phát vé đi xem không cũng chẳng ai thèm.

Tôn Nữ Thị Ninh từng du học ở Pháp, Anh, dạy học ở Pháp. Trước năm 1975, bà dạy ở Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn và là người liên lạc giữa Viện Ðại Học Saigon với Tòa Ðại Sứ Mỹ, nhưng không biết vì sao vào giờ phút chót bà lại không có tên trong danh sách dược di tản. Những ngày cuối cùng của tháng 4, 1975, Tôn Nữ thị Ninh đã chạy đôn đáo nhưng không kiếm được ra đường đi, đành phải kẹt lại. Số phận tình cờ, bà gặp Xuân Thủy, lúc đó là trưởng Ban Ðối Ngoại Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam, người đã từng biết bà trong thời gian hội nghị Paris (1968-1972) nên được kéo về làm việc tại Ban Ðối Ngoại Trung Ương. Nhờ vốn liếng sinh ngữ, có cơ hội gần gũi với các cấp lãnh đạo trong đảng Cộng Sản, công danh của Tôn Nữ Thị Ninh thăng tiến vượt bực. Hà Nội khen ngợi bà đã có một số những “phản bác tương đối mạnh mẽ trước một số cáo buộc về vấn đề nhân quyền” từ phía Hoa Kỳ, như lối nói “để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó” như ở trên. Dù là mị dân, trong khi đảng kêu gọi đảng viên “trung với đảng, hiếu với dân” là đã công nhận nhân dân là cha mẹ, bây giờ quý ông, quý bà lại theo đảng, quay ngược theo thời thế, gọi dân là “hỗn láo,” “bướng bỉnh” cần phải đóng cửa để “trừng trị,” xem ra cái thời theo dân để xin gạo, xin vàng, xin nơi trú ẩn đã qua, bây giờ nắm quyền lực trong tay, đảng làm gì chẳng được. Tệ hơn nữa, người dân dưới mắt chế độ, như nhà văn Võ Thị Hảo ở trong nước đã nhận định: “...họ coi dân, những người nuôi nấng, làm vinh thân phì gia cho họ, như kẻ thù phải triệt hạ?”

Kinh Thi có câu “khởi đễ quân tử, dân chi phụ mẫu,” theo nghĩa thường đã có nhiều người giải thích đại ý là “quân tử là cha mẹ của dân.” Người chăm sóc, lo lắng cho dân thì được dân xem như cha mẹ, là người quân tử. Tư tưởng này truyền đến đời sau, cho nên những quan lại trị dân được gọi là “quan phụ mẫu,” xem mình như cha mẹ trị dân. Người trị dân nào mà có đức độ như cha mẹ dưỡng dục con mới được coi là quân tử, chứ không phải là loại người “bóp họng, nặn hầu” dân, vô lại, xem dân như cỏ rác mà được xưng tụng là cha mẹ dân. Ngày trước khi còn nằm trong hầm bí mật, chưa nắm chính quyền trong tay thì đảng mị dân, tự nhận là người đầy tớ trung thành, là công bộc dân, nhưng khi có quyền lực rồi thì cướp nhà, chiếm đất, gieo oan khuất cho dân, sao tự cho mình là cha mẹ được. Câu nói của Tôn Nữ Thị Ninh là một câu nói của bọn nha sai, nịnh bợ đám quan lại, đánh mất lòng tự trọng của một người trí thức, mà có lẽ ngay cả những người được Ninh coi là cha mẹ cũng lấy làm ngượng.

Còn như câu nói của một Ninh khác, Trương Ngọc Ninh, loại chức sắc nhỏ “vô văn hóa,” ví von dân với chính phủ như chó với chủ bằng một giọng miệt thị trong câu “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!” thì không thể bình luận gì hơn. Dân chưa cam tâm làm chó để cho chủ đánh đập, nhưng những loại cán bộ “ăn cơm Chúa múa tối ngày” này đã cam tâm vẫy đuôi lấy điểm với chủ. Thì cũng được đi, nhưng bọn này lại đem ví quần chúng ngày nay với đảng của chúng nó như chó với chủ thì quá xấc xược, khinh mạn.

Ðó là số phận thằng dân trong chế độ hiện nay ở quê nhà. Quê nhà hiện nay phải chăng là một nhà tù lớn, nói như Henry David Thoreau, một sử gia và cũng là một nhà thơ Mỹ vào thế kỷ XIX: Dưới một chính phủ mà họ bắt giam bất cứ ai một cách vô lý thì ngay chỗ ngồi của kẻ xử án cũng là một nhà tù rồi!”