04.07.2016

Phỏng vấn Đặng Xương Hùng (1,2) - Nguyễn Thị Từ Huy

Phỏng vấn Đặng Xương Hùng (1,2,3)
(cập nhật 04.07.2016)

Nguyễn Thị Từ Huy (rfavietnam)

Được biết ông Đặng Xương Hùng đã từ bỏ tương lai nghề nghiệp trong ngành ngoại giao để dấn thân đấu tranh cho quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện với ông để hiểu thêm về cách thức vận hành và tổ chức của bộ máy quyền lực ở Việt Nam.


Ân huệ của nhà nước CSVN đối với ngành ngoại giao
(phỏng vấn Đặng Xương Hùng, phần 1)

Nguyễn Thị Từ Huy :
Trước tiên, ông có thể cho biết, ông đã đến với ngành ngoại giao như thế nào, là một lựa chọn cá nhân, hay là tuân theo mong muốn của gia đình… ?

Đặng Xương Hùng :
Tôi đến với ngành ngoại giao là do yếu tố gia đình. Bố và anh trai cả của tôi đều làm ở Bộ Ngoại giao. Bố tôi là bạn của ông Nguyễn Cơ Thạch, cố Bộ trưởng Ngoại giao. Hai ông là đồng hương với nhau, quê tại Nam Định, đã cùng nhau làm việc ởỦy ban kháng chiến liên khu ba (trước 1954). Khi Bộ ngoại giao được thành lập, ông Thạch đã rủ (hoặc đưa) Bố tôi về đây làm cùng nhau. Vốn tiếng Pháp của Bố tôi cũng khá.


Tôi vốn học giỏi ở những môn tự nhiên (toán, lý, hóa) hơn, nên khi thi vào đại học (năm 1978), tôi đã chọn thi vào Đại học Bách khoa. Lúc đó, đại học Ngoại giao không có trong danh sách để thi, mà họ đi thu nạp sinh viên từ con em trong ngành, có kết quả tốt ở các trường đại học khác. Năm đó, tôi được 21 điểm, chỉ thiếu nửa điểm là đi học ở nước ngoài (đây là sự đáng tiếc, tôi sẽ nhớ đến suốt đời, vì rằng trong bài thi toán tôi đã có sự nhầm không thể tưởng tượng được, đó là 2 :1=1/2, nếu không nhầm ở đây bài thi toán tôi sẽ có điểm rất cao). Sau đó, đã có một người của trường đại học ngoại giao (anh Nguyễn Hồng Phong) đã đến gia đình tôi, thuyết phục đưa tôi vào đại học ngoại giao. Tất nhiên, gia đình tôi ai cũng đồng ý, bản thân tôi không thích thú lắm, vì rằng nó đi ngược với ý thích muốn làm nghiên cứu khoa học của tôi. Tuy nhiên, cuối cùng cậu thanh niên mới có 17 tuổi cũng đã đồng ý theo ý kiến mọi người và cậu ta cũng phải thừa nhận rằng vào ngoại giao là một diễm phúc và danh giá thời bấy giờ.

Tuy nhiên, khi vào sơ tuyển tại đại học ngoại giao, tôi gặp khó khăn, do ngoại hình của tôi vô cùng tệ hại, mắt híp bẩm sinh, thấp bé, lúc đó tôi chỉ nặng có 38 kg, ngoại hình này không thể đủ để vào làm ngoại giao đại diện cho Việt Nam tiếp xúc với người nước ngoài. Nhưng số phận vẫn muốn đẩy tôi vào với ngành ngoại giao. Câu chuyện lại một lần nữa liên quan đến ông Nguyễn Cơ Thạch. Năm đó, ông Thạch đang làm Thứ trưởng, phụ trách trường đại học ngoại giao. Khi được nghe báo cáo về trường hợp của tôi, con ông Đặng Thế Xương, ông Thạch đã nói « Nó bé thì nó sẽ lớn và sẽ nên người, cứ cho nó vào ». Thế là tôi đã trở thành sinh viên trường đại học ngoại giao. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại học ngoại giao, tôi đã chính thức vào Bộ Ngoại giao, làm ở Vụ Châu Á 2 (phụ trách Lào và Cămpuchia).

Nguyễn Thị Từ Huy :
Trong tư cách một người làm ngoại giao, hẳn ông đã có nhiều đóng góp ? Tại sao ông không tiếp tục đóng góp qua con đường ngoại giao mà lựa chọn từ bỏ hệ thống, nghĩa là lựa chọn một cuộc sống bấp bênh và cả nguy hiểm nữa ?

Đặng Xương Hùng :
Thật lòng, theo cách nghĩ của tôi, tôi đóng góp không nhiều cho ngành ngoại giao và cho đất nước. Tôi chỉ là một công chức hoàn thành nhiệm vụ. Tôi là một người làm ngoại giao rất xoàng, tầm thường. Ăn nói không thật trôi chảy, tiếng Pháp, tiếng Anh không thật giỏi. Ngoài ra, ngoại hình cũng làm tôi trở ngại rất nhiều, nhất là những năm đầu tiên. Tôi thực sự tự ti về hình ảnh của mình, đã có lúc, khi thấy một số người bạn rời bỏ ngành ngoại giao, tôi đã có ý định tương tự, nhưng quả thực tôi không có cơ hội và năng lực cần thiết nào khác để mà có thể từ bỏ được.

Hơn nữa, cùng với năm tháng, tôi đã tự trả lời cho chính mình câu hỏi tại sao mình không thành công trong ngành ngoại giao cho lắm. Mình sẽ không thể giỏi lên ở một môi trường mà mình ít có lòng yêu mến. Điều này thì có phần hơi bào chữa, nhưng vẫn có giá trị sự thật. Tiếp nữa, là việc có « thành công » ở một cơ quan nhà nước như Bộ ngoại giao thì ta phải có sự hiểu biết nhất định về « luật chơi » của nó. Những thứ luật chơi phải là người thật tinh quoái mới nhận biết hết được. Hoặc nếu anh không đủ tinh quoái thì chí ít anh phải đủ « hèn » để kìm nén những ý kiến cá nhân, răm rắp tuân thủ ý kiến lãnh đạo. Cả hai thứ trên tôi đều không có.

Tôi đã nhận thức ra từ khá lâu rằng Bộ ngoại giao mới chỉ dừng lại ở chỗ là môi trường để tôi kiếm ra đồng tiền nuôi sống tôi và gia đình, chứ nó ít là môi trường cho tôi sự thoải mái. Càng ngày tôi lại càng cảm thấy Bộ ngoại giao mất dần ký ức đẹp của nó trong tôi. Có một cái gì đó không thật ổn trong ngành ngoại giao. Những người tâm huyết vắng dần, đồng nghĩa với việc cán bộ « tinh khôn » tăng dần. Những cuộc đấu đá, chạy chọt để lên chức, lên quyền, đi luân chuyển nước ngoài ngày càng trở thành những câu chuyện thường ngày ở Bộ. Những câu nói thật tình chỉ nghe được ở những buổi chơi golf và những buổi rượu bia bạn bè vui vẻ. Ai cũng tỏ quan tâm tình hình khó khăn của đất nước, nhưng để chịu suy nghĩ sâu thêm hoặc thực thi ý nghĩ của mình thì ít người quan tâm thể hiện, hoặc không dám hoặc chặc lưỡi chấp nhận sự bình yên.

Đó là cái vòng luẩn quẩn của Bộ ngoại giao nói riêng và của cả hệ thống nói chung. Người thực sự yêu ngành nghề của mình hiếm lắm. Cả xã hội đang sống với cảnh nhanh tay kiếm lợi từ chỗ đứng riêng của mình. Công an, quân đội, bác sĩ, giáo viên, đều như vậy. Trong một lần phỏng vấn về chuyện visa của các sứ quán bên ngoài, tôi đã từng ví nó như thể công an giao thông đứng đường ăn chặn lộ phí vậy. Cái tệ hại của chế độ này là đảng cộng sản muốn mua sự trung thành và ngoan ngoãn của công chức nhà nước bằng việc ban phát bổng lộc nào đó cho từng ngành nghề, nếu không ban phát được họ bịt mắt cho qua những tiêu cực ngành nghề mà đó tạo ra. Thí dụ như họ bỏ qua cho công an những nhũng nhiễu mà công an gây ra cho nhân dân, thậm chí đổ lỗi là do người dân. Bỏ qua cho giáo viên việc dạy thêm. Bỏ qua cho bác sĩ trong việc nhận phong bì. Với ngoại giao chúng tôi được họ mua bằng những chuyến đi công tác nước ngoài và lệ phí visa. Trong bộ chúng tôi hay đùa nhau rằng, rốt cuộc chỉ là « vấn đề Cămpuchia » (mâu thuẫn nội bộ các sứ quán là vấn đề chia chác lệ phí visa).

Nguyễn Thị Từ Huy:
Câu chuyện visa cụ thể là thế nào, thưa ông?

Đặng Xương Hùng:
Chuyện visa, khi tôi tiết lộ những chi tiết cụ thể, tôi biết những người bạn tôi ở Bộ ngoại giao chắc sẽ trách tôi nhiều lắm. Vì rằng chỉ mới ba, bốn năm nay thôi, tôi vẫn còn sống vì nó và kiếm ra đồng tiền vì nó. Nhưng cái lòng tôi muốn nói ra vì rằng tôi có một người bạn còn trẻ ở Bộ mới lần đầu ra nước ngoài và khi tiếp xúc với câu chuyện visa, đã thốt lên rằng : « Thu tiền lệ phí visa như thế làm mất uy tín của Bộ Ngoại giao quá anh nhỉ ». Tôi đã trả lời : « Đi công tác ở sứ quán, không có tiền chia từ visa, mình không còn thừa ra đồng nào để mà tiết kiệm đâu em ạ. Rồi em sẽ quen dần thôi ». 

Và vì rằng cả hai chúng tôi đều cùng một ý nghĩ là thà nếu nhà nước cho chúng tôi hưởng một chế độ tiền lương chính đáng tương đương nào đó, còn hơn là dành cho chúng tôi một « chế độ mập mờ » để chúng tôi phải « gian dối » trong lệ phí visa. Nhưng từ lâu tôi đã có câu trả lời cho mình là, do nhà nước không thể có đủ để cung cấp cho chúng tôi một khoản tiền chính đáng nào đó, nên họ cho chúng tôi một «mảnh sân » để chúng tôi « tự do trong kín đáo » kiếm thêm để bù vào. Họ sẽ bịt mắt cho qua.

Câu chuyện visa có thể tóm tắt như sau :
Bộ Tài chính quy định một visa có giá là 35 đô la Mỹ. Số tiền này sẽ đưa vào ngân sách nhà nước. Có chia để lại cho Bộ Ngoại giao một phần. Bảng lệ phí visa theo giá nói trên lẽ ra phải treo công khai tại nơi làm lãnh sự của các sứ quán. Nhưng nếu chỉ thu như vậy, các sứ quán chỉ làm « không công » cho nhà nước, tức không có chênh lệch nào cả. Bộ Tài chính hàng năm có tổ chức đoàn sang kiểm tra các sứ quán nhất là những sứ quán có số thu lệ phí cao. Tuy nhiên, đấy là cái dịp để các bên đóng kịch. Sứ quán sẽ đóng kịch bằng việc treo bảng lệ phí visa lên để cho cán bộ Tài chính trông thấy rồi cất ngay đi. Nộp cho Bộ Tài chính đủ biên lai thu tiền visa đúng với giá 35 đô la đó.

(Chúng tôi có hai loại biên lai, một nộp cho bộ tài chính, một biên lai cho khách theo giá thực thu, cái này sẽ hủy đi ngay sau đó). Một lần kiểm tra như vậy cũng là dịp Bộ Ngoại giao « bồi dưỡng » cho cán bộ tài chính nói riêng và Bộ Tài chính nói chung về việc cho qua sự việc này. Theo tôi thì các Bộ Ngành của Việt Nam đều làm như vậy. Bỏ qua việc làm ăn mập mờ để thu về một « khoản thù lao » nào đó.

Giá thực thu một visa cho khách ở các cơ quan đại diện ngoại giao mỗi nơi một khác. Ngay cả trong một nước cũng có khi khác nhau. Thí dụ ở Genève, chúng tôi thu 70 CHF, sứ quán ở Bern thu 80 CHF. Tại Paris, hình như họ thu 70 euros. Để lý giải cho việc chênh lệch đó, có cơ quan đại diện bị bí khi bị chất vấn thì giải thích rằng phần chênh lệch là chi phí hành chính và chi phí xin chấp nhận xuất nhập cảnh từ một công ty du lịch trong nước. Phần lớn các công ty du lịch làm dịch vụ xin phép nhập xuất cảnh đều là có chân của Bộ Công an, vì như vậy việc xin phép sẽ được nhanh hơn.

Tóm lại, nhà nước định ra một giá cho visa, các sứ quán lẽ ra chỉ được thu như thế hoặc hơn lên đôi chút về những chi phí hành chính. Nhưng nếu làm như thế cán bộ ngoại giao đi công tác nước ngoài sẽ không còn có thêm được gì. Đã nhiều năm Bộ Ngoại giao đã rất muốn điều chỉnh tìm ra một phương cách thu sao cho hợp lý, cho chính đáng hơn. Nhưng đều bất lực. Cuối cùng, đều chấp nhận nhắm mắt cho qua chấp nhận như vậy. Cũng là ân huệ mà nhà nước muốn đổi lấy sự trung thành của các cán bộ ngoại giao và cũng là cách mà các quan chức ngoại giao đủ sống khi ở nước ngoài. Họ chỉ có lương cơ bản chừng khoảng 500 USD/tháng. Cuối hàng tháng, chúng tôi dùng phần chênh lệch, chia cho các nhân viên sứ quán. Đây cũng là câu chuyện gây mẫu thuẫn nội bộ do chia chác. Ai được chia, chia tỷ lệ bao nhiêu ? Có những nơi phần chia visa mới là phần quan trọng nhất trong các khoản thu nhập. Trước khi xin đi luân chuyển, mọi người đều tìm hiểu thu nhập visa ở nơi đó là bao nhiêu. Có những nơi rất cao ở khoản này, thí dụ ở San Fancisco, Washington, London, Paris… Vậy nên, người ta mới lý giải được tại sao ông Thứ trưởng Ngoại giao, ủy viên trung ương đảng lại đi làm Tổng Lãnh sự tại San Fancisco, một chức vụ trong ngoại giao chỉ hơn cấp Lãnh sự của tôi một cấp.

Tôi cũng chỉ mong rằng một ngày nào đó, đất nước thay đổi, để những người đi làm ngoại giao không còn phải cam chịu những chê trách trong visa, hộ chiếu, thay vào đó là những khoản thu nhập chính đáng, xứng đáng với công việc và năng lực của họ.


Cái khóa của Bộ Ngoại giao
(phỏng vấn Đặng Xương Hùng, phần 2)

Nguyễn Thị Từ Huy:  
Các chính sách đối ngoại đã được xây dựng như thế nào ở Bộ Ngoại giao, thưa ông?

Đặng Xương Hùng: 
Cũng như các cơ quan nhà nước khác, Bộ Ngoại giao cũng chỉ đơn thuần là cơ quan làm minh họa cho một chính sách đối ngoại đã có sẵn mà các kỳ đại hội đảng vạch ra. Các hoạt động đối ngoại hầu như chỉ có tính chất tô vẽ minh họa hoặc phân bua, ngụy biện bào chữa, đối phó. Những người phát ngôn Bộ Ngoại giao như Nguyễn Phương Nga, Lê Dũng, Lê Hải Bình, họ đều là những người khá giỏi. Nếu để họ được nói theo cách của họ, chắc rằng họ sẽ không bị mang tiếng là những "quan ngại". Như vậy, công việc phân tích độc lập để đề ra những thay đổi chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình không phải là nhiệm vụ chính của Bộ Ngoại giao.

Đảng và Nhà nước chưa dành cho Bộ ngoại giao một cơ chế nghiên cứu, phân tích thật sự độc lập để có thể đề ra một chính sách đối ngoại phù hợp với đất nước và phục vụ lợi ích của dân tộc, của nhân dân.

Bộ ngoại giao Việt Nam khác với Bộ ngoại giao các nước văn minh khác. Bộ Ngoại giao các nước phụ trách toàn bộ công việc đối ngoại của một quốc gia, từ những hoạt động đối ngoại cụ thể, cho đến việc họ là cơ quan chính nghiên cứu tình hình, nghiên cứu, phân tích các đối tượng, để đề ra một chính sách đối ngoại.

Trong khi đó, Bộ ngoại giao Việt Nam nặng về phần làm công việc minh họa cho chính sách đối ngoại của đảng đã định sẵn. Họ làm công tác nghiên cứu, nhưng mới dừng ở mức đưa ra những kiến nghị nằm trong một khuôn khổ đã được định hình từ trước trong chính sách đối ngoại. Phần lớn những kiến nghị của Bộ ngoại giao chỉ mang tính chất sách lược, nằm ở khâu đề ra giải pháp chứ chưa mang tầm một thay đổi chiến lược.

Những thay đổi chiến lược trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thường gắn với việc thay đổi xác định bạn và thù. Thường xảy ra sau một tranh cãi nội bộ của đảng gay gắt. Ví dụ, như những thay đổi thời hội nghị Thành Đô 1990, mà chính trong các sự kiện liên quan đến việc thay đổi chiến lược với Trung Quốc trong thời gian này, tiếng nói của Bộ Ngoại giao đã bị gạt ra ngoài, để các tiếng nói của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và của Bộ Quốc phòng trùm lên. Những phân tích tình hình thế giới và những bước đi cần thiết của đất nước trong bối cảnh đối ngoại lúc đó đã được các ông Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ phân tích đều không được lắng nghe. Thậm chí, người ta còn gạt ông Thạch đi để thực thi một đường lối đối ngoại mới.

Như vậy có thể nói chính sách đối ngoại của Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều về yếu tố ý thức hệ là chính, tức vẫn còn chịu tác động bởi sự phục vụ cho lợi ích của đảng nhiều hơn là phục vụ lợi ích dân tộc, lợi ích của người dân. Nếu để Bộ được quyền nghiên cứu tình hình một cách độc lập, ít nhiều đất nước ta đã không rơi vào tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc như hiện nay. Các mối quan hệ với Mỹ và Phương Tây cũng sẽ được tăng cường thực chất hơn, nền kinh tế của Việt Nam cũng được phát triển cởi mở hơn.

Nguyễn Thị Từ Huy:
Như vậy là tương đối rõ ràng: Bộ Ngoại giao thực hiện chính sách đối ngoại do đảng đề ra và đặt lợi ích của đảng lên trên hết. Điều này hẳn là một trong những lý do khiến ông rời khỏi Bộ?

Đặng Xương Hùng:
Ngay từ đầu khi mới vào ngành tôi đã được dạy: Bộ Ngoại giao là Bộ cộng sản. Câu "Bộ Ngoại giao là Bộ cộng sản" là câu mà các lãnh đạo Bộ Ngoại giao thường xuyên nhắc tới trong giai đoạn những năm 1980. Câu nói này lúc đó mang tính tự hào, đề cao vị thế của Bộ Ngoại giao, là Bộ quan trọng của đảng. Ngày đó yếu tố đảng hết sức quan trọng trong mọi lĩnh vực. Bộ trưởng Ngoại giao thường là một trong những người đứng đầu trong Bộ Chính trị của đảng cộng sản Việt Nam, thí dụ như ông Nguyễn Duy Trinh, ông Nguyễn Cơ Thạch. Những năm đó, cán bộ ngoại giao phải là đảng viên. Muốn nắm một chức vụ phải là đảng viên. Việc vào đảng lúc đó cũng khá chặt chẽ và khắt khe.

Sau này, câu nói trên ít được nhắc đến nữa. Cũng có thể là do yếu tố cộng sản không còn là một khái niệm mang đến tự hào nữa, nhất là khi khối cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, và sự mất điểm của đảng cộng sản Việt Nam đối với chính dân chúng của mình. Tuy nhiên, yếu tố đảng vẫn nặng trong các hoạt động đối ngoại. Các báo cáo, đề án quan trọng của Bộ đều phải qua Bộ Chính trị và Ban Bí thư là chính chứ không phải báo cáo Thủ tướng chính phủ là chính. Trong những buổi kiểm điểm định kỳ, chúng tôi luôn phải tuyên bố tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản. Việc này, trong những năm gần đây, cùng với hình ảnh đã thay đổi tệ hại của đảng cộng sản thì nó đã giảm dần ý nghĩa của nó, nhưng nó vẫn là câu tuyên thệ bắt buộc và vô hình chung nó nhưng một cái khóa, khóa chúng tôi lại với vòng luẩn quẩn đó.

Khi tôi lựa chọn từ bỏ, bạn tôi có vài người đã cho tôi là dại. Vì rằng tôi còn một lựa chọn khác, chờ đến khi trọn vẹn về hưu rồi thì hãy muốn làm gì thì làm, muốn lên tiếng gì thì lúc đó mới lên tiếng, như lựa chọn của một số công chức nhà nước hiện nay. Làm như vậy mình được cả đôi đường. Nghe ra, đây là lựa chọn số đông và bao giờ cũng có phần có lý của họ. Ông Trần Quang Cơ, ông Nguyễn Trung cũng lựa chọn như vậy. Mà làm như vậy cũng đã để chúng ta rất đáng kính trọng rồi. Ít ai dám như ông Trần Xuân Bách, ông Nguyễn Cơ Thạch. Các ông đã lựa chọn được cả, không thì thôi không còn ý nghĩa gì hết, trả về cho gió cuốn đi và chỉ cần thế là đủ làm các ông mãn nguyện.

Là người trong cuộc và thuộc giới hưởng lợi, tôi luôn hằng mong rằng đảng cộng sản sẽ thay đổi, để lựa chọn đi với thế giới văn minh, từ bỏ ảo tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhưng không, những diễn biến xảy ra trước mắt mình cho thấy, cho tôi tự rút ra kết luận rằng, cộng sản sẽ không bao giờ thay đổi. Vì vậy, nếu cộng sản đã khăng khăng quyết tâm như vậy, tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc sẽ từ bỏ nó. Như một bài học ta thường được nghe thấy, nếu ta không tự cải tạo được điều gì thì ta nên rời bỏ nó hoặc tránh xa nó ra. Câu chuyện đối với tôi, chỉ còn là thời điểm nào tôi sẽ quyết định. Một số bạn bè của tôi đã từng được nghe tôi bày tỏ dự định này của tôi. Cuối cùng tôi đã đi đến quyết định rằng, khi các anh chị của tôi đã hoàn toàn về hưu, tôi sẽ thực hiện dự định này, vì rằng trong chế độ cộng sản, họ thường sử dụng chiêu dùng người nhà làm nhụt chí những ai có ý đồ chống đối. Tháng 10/2013, khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua giữ điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi, và khi ông Nguyễn Phú Trọng thản nhiên tuyên bố chủ nghĩa xã hội một trăm năm nữa không biết nước ta đã có chưa, thì tôi đã thất vọng hoàn toàn. Tôi đã quyết định không chần chừ được nữa. Tôi đã tự nhủ với mình rằng, cũng như một quyết định đi tự tử, nếu bỏ qua giây phút quyết định, mình sẽ không bao giờ quay lại được nữa. Tôi đã chọn đây là thời điểm hành động. Cũng nên thành thật rằng, tôi có một sự thuận lợi hơn so với người khác là vợ con tôi lúc đó đã ở Châu Âu được hơn chục năm rồi.



Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng
(phỏng vấn Đặng Xương Hùng, phần 3)


Nguyễn Thị Từ Huy :
Có một điều đáng ngạc nhiên khi quan sát bộ máy quyền lực của Việt Nam, đó là điều mà ông Lê Đăng Doanh tóm gọn trong nhận xét « Chính phủ có bộ nào, cục ban nào, Đảng có hết tất cả thứ ấy ». Quả thật là bên cạnh Bộ Ngoại giao ta thấy có thêm một Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao (BNG) và Ban Đối ngoại (BĐN) của Đảng gần như tương tự, BNG có Vụ nào thì BĐN cũng có Vụ đó.
Thưa ông, điều mà tôi muốn hỏi là : vậy thì công việc của hai bên có chồng chéo lẫn nhau không ? Tại sao đã có BNG rồi, mà lại còn phải thêm BĐN ? Chức năng, nhiệm vụ của hai bên có gì khác nhau ? Và liệu có phải là BNG phải chịu sự giám sát của BĐN ? Và nếu quả thực BNG làm việc dưới sự giám sát của BĐN thì phải chăng quyền lực của Bộ trưởng BNG sẽ ít hơn quyền lực của Trưởng BĐN ? Hay là BNG và BĐN là hai tổ chức độc lập, hoạt động song song, không liên quan gì đến nhau ?
Đặng Xương Hùng :
Cơ cấu hành chính của Việt Nam mang đủ những đặc điểm của một nước cộng sản. Đó là sự chồng chéo nhau giữa bên đảng, bên chính phủ. Điều ông Lê Đăng Doanh tóm gọn hoàn toàn đúng với sự thật.  Ban Đối ngoại trung ương của đảng và Bộ Ngoại giao của chính phủ cùng tồn tại là nằm trong sự chồng chéo vô lý và tốn kém này.
Điều vô lý với thế giới bên ngoài, lại là phần « có lý » của một cơ chế độc đảng như ở Việt Nam hiện nay. Đây là cách mà đảng cộng sản thiết lập sự  khống chế toàn diện lên toàn bộ xã hội. Ví dụ, Ban Tuyên giáo trung ương quan trọng hơn là Bộ thông tin tuyên truyền. Ông Trương Minh Tuấn là Bộ trưởng Bộ bốn T này, nhưng chỉ là Phó Ban Tuyên giáo. Rõ ràng chúng ta thấy là Ban Tuyên giáo đang vẫn bao trùm lên Bộ TTTT.
Bộ ngoại giao và Ban đối ngoại trung ương cũng thuộc loại chồng chéo chung này. Người ta cũng đã từng tính đến việc sáp nhập hai cơ quan này làm một. Nhưng có thể vì những mắc mớ về quyền lợi, cơ quan nào bao trùm lên cơ quan nào và nhiều khó khăn khác như vấn đề biên chế, người ta đã bỏ qua kế hoạch này.
Ban đối ngoại có từ thời trên thế giới còn tồn tại nhiều đảng cộng sản, và công việc chủ yếu BĐN là phụ trách quan hệ giữa đảng cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản quốc tế. Nay khi còn rất ít đảng cộng sản, thì  nó vẫn còn giữ nhiệm vụ theo dõi và giữ quan hệ với các phong trào « tiến bộ » ở các nước trên thế giới. Do vậy, trên thực tế công việc BĐN không bao trùm lên Bộ Ngoại giao, không giữ vai trò giám sát BNG trong công việc đối ngoại của nhà nước, như trường hợp Ban Tuyên giáo và Bộ TTTT như đã nói ở trên. Trừ thời gian, trước và sau Hội nghị Thành Đô. Do Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ra mặt chống lại sự bình thường hóa quan hệ bất bình thường với Trung Quốc, nên giai đoạn đó, Bộ ngoại giao có lép vế với BĐN, vai trò của ông Hồng Hà, trưởng BĐN, được đề cao hơn Bộ trưởng Ngoại giao.
Nhưng dù sao BĐN và BNG vẫn là việc tồn tại sự chồng chéo nhau về mặt tổ chức giữa bên đảng và chính phủ. Nó cho thấy bộ máy hành chính của VN rất cồng kềnh, đã thành căn bệnh, nên tạo thêm những gánh nặng cho nền kinh tế VN. Nhưng do nội dung công việc có phần khác biệt như đã nói ở trên, BĐN và BNG là hai tổ chức có tính chất hoạt động tương đối độc lập với nhau. Các đề án, báo cáo của Bộ Ngoại giao được gửi thẳng lên cấp trên, gửi kèm cho BĐN để tham khảo, chứ không có câu chuyện BNG phải báo cáo BĐN.
Cũng chính từ cơ chế này mà thời gian qua, thời gian giữa đại hội 11 và đại hội 12, là một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai nhóm đảng và chính phủ do Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Để thiết lập lại sự khống chế của đảng với nhóm chính phủ do ba Dũng đứng đầu, ông Trọng đã kéo Nguyễn Bá Thanh từ Đà nẵng ra, kéo Vương Đình Huệ, từ Bộ Tài chính sang để thành lập Ban Nội chính trung ương và Ban Kinh tế trung ương, với ý định nhằm làm đối trọng và rút dần vai trò của chính phủ về hai Ban này, phần nào muốn vô hiệu hóa vai trò của Ba Dũng. Sau đại hội 12, để giảm vai trò của vị trí thủ tướng, ông Trọng đưa ông Phúc, một thủ tướng kém cỏi hẳn về mọi mặt, để dễ bề quản lý, thao túng. Nhắc lại những câu chuyện này để thấy cơ cấu hành chính của Việt Nam có sự lẫn lộn khá phức tạp.
Cơ cấu hành chính Việt Nam hỗn độn và phức tạp đến mức, việc giảng dạy về cơ cấu này không dành cho người dân bình thường để họ có thể nắm được cơ cấu nhà nước để hiểu được cơ chế hoạt động của chính quyền. Quyển sách hướng dẫn về cơ cấu hành chính là một tài liệu mật -lưu hành nội bộ của Học viện Hành chính quốc gia, chỉ dành cho những chương trình giảng dạy cho cán bộ chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp từ các bộ cử đến học.
Nguyễn Thị Từ Huy :
Dư luận đồn đại rằng trong các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, có một bộ phận không nhỏ là an ninh và an ninh mật. Đồn đại này có đúng không, thưa ông ? Nếu đúng thì những an ninh này đến từ đâu : họ là an ninh của quân đội, của công an, hay của Trung ương Đảng ; hay là tất cả các bộ phận an ninh này đều có ở Sứ quán Việt Nam tại các nước ? Và nếu đúng như vậy thì điều đó hẳn phải ảnh hưởng rất lớn đến công việc của các nhà ngoại giao, và ông có thể trình bày những kinh nghiệm cá nhân khi phải làm việc dưới sự giám sát của bộ máy an ninh, hay nói cụ thể hơn, ông có thể miêu tả cách thức mà ông đã tiến hành công việc khi ông còn tại vị ?
Đặng Xương Hùng :
Mỗi cơ quan đại diện của Việt Nam ở bên ngoài đều có ít nhất một nhân viên an ninh, dưới vỏ bọc một cán bộ ngoại giao. Phần lớn họ từ Cục đối ngoại Bộ Công An cử sang.
Về công việc, đối với ngành dọc của họ, đó là câu chuyện hoàn toàn bí mật, các cán bộ ngoại giao khác đều khó biết, có lẽ chỉ trừ ông đại sứ. Còn về công việc bề nổi, họ sang các sứ quán phần lớn họ phụ trách công việc liên quan đến lãnh sự và cộng đồng. Qua phần công việc này, họ có thể theo dõi được các đối tượng xuất nhập cảnh Việt Nam, và theo dõi những diễn biến của cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Gồm việc theo dõi cả hai đối tượng chính : các tổ chức « phản động » và các tổ chức gọi là Việt kiều yêu nước.
Sự giám sát của họ với những cán bộ ngoại giao còn lại có còn là một nội dung công việc của họ nữa không ? Theo tôi quan sát, nhiệm vụ này đã giảm dần. Trước đây, khi tiếp khách đối ngoại, chúng tôi phải có hai người để giám sát lẫn nhau. Đi đâu hoạt động gì cũng cần phải có hai người. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc này đã không còn là bắt buộc nữa. Các cán bộ ngoại giao đã có thể độc lập tác chiến trên phần công việc của mình.
Tôi cho rằng công việc giám sát của họ giảm dần ở các cơ quan đại diện ngoại giao, nhưng có thể vẫn còn là một phần công việc của họ, dù không là công việc trọng tâm. Đó là công việc mà công an đang áp dụng cho toàn xã hội nói chung hiện nay. Họ đều là những người bạn của tôi. Có người đã từng học với tôi trong trường đại học ngoại giao. Hàng năm Bộ CA vẫn cử sinh viên ngành mình sang trường ngoại giao để học.
Cũng như chúng tôi, việc họ được cử ra nước ngoài, ngoài phần hoàn thành công việc, thì họ cũng đều coi đây là một cơ hội để chú tâm kiếm được số tiền nào đó, người này thì làm giầu lên cho khối tài sản của mình, người khác thì dành đó làm lương khô cho cuộc sống lâu dài của gia đình mình. Mà số tiền đó đều từ phần chia lệ phí visa mà chúng tôi thu được. Họ cũng được chia những khoản visa này.
Khi tôi làm Lãnh sự Việt Nam tại Genève, tôi không có trở ngại gì trong công việc đối với những nhân viên an ninh này. Họ là bạn của tôi. Thậm chí họ phải hỏi thông tin từ tôi về danh sách visa, hộ chiếu và tham khảo với tôi về thông tin cộng đồng người Việt, có thể là họ dùng những thông tin này để làm báo cáo với cơ quan ngành dọc của họ.


Paris - Genève, tháng 6/2016

Nguyễn Thị Từ Huy