23.06.2016

Úc buộc một tàu chở người tị nạn Việt Nam phải quay lại

Úc buộc một tàu chở người tị nạn Việt Nam phải quay lại
Thụy My  (RFI) 

Một cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn tại Úc, 11/10/2015. ©REUTERS/David Gray

Đảng cầm quyền Úc hôm nay 22/06/2016 cho biết đã buộc một chiếc tàu chở thuyền nhân Việt Nam phải quay trở lại. Tổng cộng trong ba năm qua, Úc đã ngăn chận 28 tàu của người tị nạn tìm cách tới nước này.


Liên minh bảo thủ cầm quyền cảnh báo, sẽ có nhiều tàu chở di dân ra đi từ các cảng ở Nam Dương hơn nếu đảng Lao Động cánh trung tả chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 2/7.

Bộ trưởng bộ Bảo Vệ Biên Giới Peter Dutton cho biết, chiếc tàu vượt biên gần đây nhất có chở 21 thuyền nhân Việt Nam đã bị chận lại trong tháng này. Họ đã bị buộc phải trở về Việt Nam, sau khi yêu cầu tị nạn của họ đã được xem xét và bác bỏ ngay trên biển. Ông từ chối cho biết thêm chi tiết.

Hãng tin AP nói thêm, chính phủ Úc hiếm khi nói cụ thể về các hoạt động kiểu quân sự để ngăn chận các tàu chở người tị nạn trên biển. Indonesia luôn phản đối việc các chiến hạm Úc kéo các tàu chở người nhập cư nước ngoài đưa về vùng duyên hải Indonesia.

Giải quyết vấn đề thuyền nhân như thế nào, đó là một vấn đề chính trị quan trọng đối với chính phủ Úc. Ông Dutton nói rằng nếu lãnh tụ đối lập Bill Shorten chiến thắng, kế hoạch cấp visa dài hạn cho 30.000 người tị nạn đang ở trên lãnh thổ Úc, chỉ thu hút thêm nhiều tàu vượt biên mà thôi.

Theo ông Dutton, chính quyền đã cấp visa tạm trong ba năm, và đe dọa sẽ gởi trả về nước một khi thị thực hết hạn. Ông nói rằng nếu thay đổi, sẽ tạo hy vọng cho những kẻ đưa người vượt biên là chính phủ không còn quyết tâm ngăn cản thuyền nhân từ Trung Đông, Châu Phi và Châu Á đến Úc. Ông tuyên bố với báo chí : « Điều này cũng giống như việc bật đèn xanh, ông Bill Shorten cơ bản đã vẫy cờ trắng trước những kẻ buôn người ».

Lãnh tụ đối lập Shorten phản bác cáo buộc trên, nói rằng phe bảo thủ đã vô trách nhiệm khi nói thuyền nhân sẽ đông đảo hơn nếu ông thắng. Ông Shorten cho biết chính phủ đảng Lao Động vẫn duy trì chính sách cứng rắn nhằm ngăn trở người tị nạn đến Úc trong hai năm cầm quyền trước đây. Các thuyền nhân đến được Úc bị đưa vào các trại tị nạn tại các đảo quốc Thái Bình Dương như Nauru hay Papua New Guinea, với lời cảnh báo là sẽ không bao giờ tìm được một mái nhà trên đất Úc.