Danh sư hí khúc Mã Sư Tăng bái phục
Phùng Há
Soạn giả Nguyễn Phương
Phùng
Há trong vai Lữ Bố
Thời VNCH, chánh phủ tổ
chức cho văn nghệ sĩ biểu diễn với đoàn văn hóa nghệ thuật các quốc gia đồng
minh.
– Đoàn nghệ thuật ca múa
của Nhựt đến biểu diễn ở rạp Đại Nam, rạp Oscar, rạp Đại Quang (Chợ Lớn)
– Ban nhạc gõ percution
và Ban tứ cầm violoncelle của Pháp trình diễn ở rạp Adécaf (Viện Văn Hóa Pháp)
– Đoàn ca múa Ấn Độ
trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo và rạp Norodom.
– Đoàn hát của Trường
Quốc Lập Phục Hưng Hý Kịch Thực Nghiệm Học Hiệu của Đài Loan và đôi danh tài Mã
Sư Tăng – Hồng Tuyến Nữ đến từ Hồng Kông trình diễn tại rạp Đại Quang và sân
Tinh Võ, Chợ Lớn.
Năm 1958, 10 năm sau khi
Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ được thành lập, Hội có dịp đón tiếp phái đoàn văn nghệ Ấn Độ
và hai nghệ sĩ sân khấu tài danh Trung Hoa: Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ qua
thăm Việt Nam, trao đổi nghệ thuật. Cô Bảy Phùng Há lúc đó là Hội trưởng, cùng
Ban chấp hành Hội: Năm Châu, Duy Lân, Bầu Long, Út Trà Ôn tiếp đón Mã Sư Tăng
và Hồng Tuyến Nữ tại trụ sở Hội. Cùng có mặt trong buổi đón tiếp long trọng đó
có hầu hết các ký giả kịch trường, soạn giả, các diễn viên nam nữ nổi tiếng của
các đoàn Thanh Minh, Kim Chung, Khánh Hồng. . .
Qua thông dịch viên, Mã
Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ ngỏ lời ngưỡng mộ các nghệ sĩ Việt Nam, nhất là Năm
Châu và Phùng Há mà báo chí Hồng Kông có nhiều bài ngợi khen. Ông Mã giới thiệu
vài đoạn ca trong hí khúc Trung Hoa. Mã Sư Tăng nói:
– Mỗi thời đại Trung Hoa có một nền văn học tiêu biểu cho thời đại đó,
như: Sở có Tao (Ly Tao), Hán có Phú, Đường có Thơ, Tống có Từ, Nguyên có Khúc.
Nói đến Khúc thì hí khúc tức là tuồng hay kịch cổ điển là chủ yếu. Lần này qua
Việt Nam được sự bảo trợ của Hoa Kiều Tương Tế Hội, nên Mã Sư Tăng và Hồng
Tuyến Nữ sẽ hát mấy xuất hát ở rạp Đại Quang, đường Tổng Đốc Phương, để gây quỹ
cho Hoa Kiều Tương Tế Hội.
Ông mời hai nghệ sĩ tài
danh Việt Nam: Năm Châu, Phùng Há và 8 người trong Ban chấp hành và đại diện
báo chí kịch trường đến xem vở “Đậu Nga Oan”, vở hí khúc hay mà Mã Sư Tăng thủ
diễn vai “Đậu Thiên Chương” (vai cha) và Hồng Tuyến Nữ thủ vai “Đậu Đoan Vân”
(tức Đậu Nga, con gái của Thiên Chương). Tám người được đi dự gồm có anh Tư
Trang, Bầu Long (Kim Chung), Nguyễn Phương, Thu An (đại diện phân bộ soạn giả),
Trần Tấn Quốc (báo Tiếng Dội), Nguyễn Ang Ca (báo Sài Gòn Mới), Tô Yến Châu
(báo Tiếng Chuông) và Phùng Mậu (báo Thời Cuộc).
Hí
khúc Trung Hoa Tây Sương Ký
Sau phần giới thiệu về
hí khúc Trung Hoa, Mã Sư Tăng dùng bút Tàu (cọ thật lớn mà ông đem theo và mực
Tàu mài sẵn đựng trong lọ) viết hai chữ triện thật lớn, thật đẹp để nghệ sĩ
Việt Nam lưu niệm. Chữ Mã, ông viết phóng tay như con Thiên lý mã tung vó cuốn
bụi mù và chữ Hồng, đẹp bay bướm như hoa đào lả lơi trước gió. Hai chữ Mã và
Hồng là họ của hai nghệ sĩ tài danh Trung Hoa: Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ,
được lồng kiếng, treo trang trọng trong trụ sở Hội, đến nay vẫn còn được giữ
gìn như một bảo vật.
Để đáp lại, phía nghệ sĩ
Việt Nam không có chuẩn bị giới thiệu ngành sân khấu Việt Nam và nghệ thuật
biểu diễn, anh Năm Châu đành phải xuất trận. Đại khái anh nhắc lại lịch sử thời
kháng Nguyên Mông, có bắt được kép hát Lý Nguyên Cát, đã dùng ông này để truyền
nghề hát cho binh sĩ Việt Nam thời đó. Lúc bài Mãn phục Minh, người Minh Hương
bên Tàu chạy qua Hà Tiên, Mỹ Tho, Đồng Nai, có mang theo nghệ thuật hát Quảng
mà dân chúng rất ưa thích. Thời Nguyễn, tướng quân Lê Văn Duyệt có đoàn hát
bội, hát tuồng, có nghệ nhân Hứa Văn và Đào Tấn hát hay, soạn tuồng giỏi, và
đặc biệt ở miền Nam đã có những lối hát, hò, lý, nói thơ…
Đến thời đại gần đây
được du nhập thêm kịch Pháp, kịch Anh… nhưng nói chung dù du nhập từ Trung Hoa
hay của Tây, của Anh, tất cả các điệu hát, lối hát đến Việt Nam đều được Việt
Nam hóa hết. Cái nào không biến thành Việt Nam đều bị đào thải.
Anh đưa thí dụ nhạc
guitare của Tây Ban Nha, khi móc phím thì đàn được nhạc Việt Nam, nói được
tiếng Việt Nam, đàn violon khi lên dây theo ngũ cung thì cũng đàn vọng cổ và
bài bản Việt Nam, còn các nhạc cụ như kèn lá, hầu cuổn, chập chỏa, bạt… dần dần
không còn dùng trong ca nhạc và sân khấu Việt Nam. Các bài ca Tiều, Quảng, như
Tây Thi Quảng, Xang Xừ Líu, Khốc Hoàng Thiên thì đã được ca theo lối Việt Nam,
có âm sắc Việt Nam. Người Trung Hoa khi ca các bài trên đây, những đoạn ngân
dài, hơi cao thì dùng tiếng”A .Á .À .A . A “, người Việt ca ngân dài và hơi cao
thì “Ơ , Ớ , Ờ , Ơ, Ơ,” bài nào mà “Ơ” nghe không êm tai thì bài đó uổng tử,
chết non trên sân khấu Việt Nam, thí dụ bài Xái Phỉ thường dùng để ca điều quân
khiển tướng thì “Ơ” nghe không được, bài đó hết được xài đến. Hát tuồng Tàu,
tích truyện Tàu, nhưng theo phong cách Việt, mang tâm sự nỗi niềm theo kiểu
Việt Nam.
Anh Năm Châu thao thao
bất tuyệt, báo hại hai thông dịch viên trẻ, một nam, một nữ, thay phiên nhau, hỗ
trợ nhau để thông dịch lại bằng tiếng Quan Thoại. Có những lúc tôi thấy hai cô
cậu thông dịch nói sùi bọt mép, có lúc nói bằng cả hai tay, ra dấu, có lúc như
cà lăm, không biết dịch có đúng không mà thỉnh thoảng cô Bảy phải chen vào vài
câu tiếng Quảng Đông để nói rõ ý của anh Năm Châu. Hồng Tuyến Nữ thì luôn miệng
nói “Hào a… Hào a...” (tốt). Khi nghe cô Bảy nói tiếng Tàu thì Hồng
Tuyến Nữ cười: “Xế xế nị ” (cám ơn).
Anh Năm Châu ngưng nói,
hai cô cậu thông dịch viên thở một hơi dài khoan khoái, lấy khăn tay lau mồ hôi
trán (dù phòng họp có nhiều quạt máy).
Mã Sư Tăng ghi chú nãy
giờ, buông viết, vỗ tay, Hồng Tuyến Nữ và mọi người cùng vỗ tay. (Không hiểu vỗ
tay khen anh Năm Châu lanh trí, ứng phó hay, hiểu biết nghề nghiệp rành rọt hay
là vỗ tay mừng cho hai cô cậu thông dịch viên khỏi bị khảo tra về chữ nghĩa).
Tôi nói với Thu An: “Đừng bao giờ học làm thông dịch viên, hãy nhớ cái gương
bị chữ nghĩa tra khảo của hai cô cậu đó nhe!”
Cô Bảy Phùng Há được anh
Năm Châu giới thiệu diễn lớp “Lữ Bố hí Điêu Thuyền”. Kim Cương được mời đóng
vai Điêu Thuyền một cách bất ngờ. Dù không có hóa trang, không xiêm y mũ mão,
không cả trống phách, nhạc thì chỉ có cây đàn kìm (Năm Châu đàn), đàn cò (Năm
Bửu kéo) để hỗ trợ, cô Bảy Phùng Há và Kim Cương, một già một trẻ diễn tận tình
như đôi tình nhân say đắm, như bướm vờn hoa, hoa lơi lả bướm… Lữ Bố – Phùng Há
lúc bước đi, khi khoa tay hùng dũng, dáng vẻ oanh oanh liệt liệt, lúc trêu đào,
khều tay, liếc mắt thì đa tình hết chỗ nói!
Tôi lầm bầm: “Dê
như kiểu Lữ Bố dê Điêu Thuyền là dê đạo lộ, dê quá cỡ…”
Ngọc Hương liếc mắt nhìn
Thu An, nói: “Hồi nẩm, ổng dê tui như vậy đó”
Thu An mắc cỡ: “Ê! Để
coi, đừng nói xàm”.
Trên sàn diễn, Điêu
Thuyền cũng đa tình không kém. Kim Cương nhõng nhẽo, cười e thẹn, mắt lúc đa
tình, lúc thì tỏ ra lo âu như sợ Đổng Trác tới bất ngờ… Kim Cương đúng là kỳ
nữ, duyên dáng, đa tài, diễn nhịp nhàng, tung hứng ngoạn mục với vị danh sư
Phùng Há.
Không biết Mã Sư Tăng
đánh giá như thế nào về lời phát biểu của anh Năm Châu và phần biểu diễn của cô
Bảy Phùng Há và Kim Cương, chỉ thấy ông ta chăm chú nghe, ghi bút ký bằng chữ
Tàu khi anh Năm nói và buông viết, múa tay, gật đầu, liếc mắt như đang cùng
diễn với cô Phùng Há.
Hồng Tuyến Nữ cũng múa
may nhè nhẹ, miệng “Á..A…” hát theo
lối của bà ta, cũng liếc mắt, ẹo qua, ẹo lại… như cùng Mã Sư Tăng thả hồn mộng
theo vai diễn Điêu Thuyền – Lữ Bố.
Tiếng vỗ tay như pháo nổ
chấm dứt màn diễn mà Phùng Há – Kim Cương, Mã Sư Tăng – Hồng Tuyến Nữ vẫn còn
ngây ngất bàng hoàng. Họ như còn chới với trong khung trời mộng ảo của mối tình
trai tài gái sắc ngàn năm trước.
Đêm hát vở “Đậu Nga
Oan”, tại rạp Đại Quang, Chợ Lớn đông nghẹt khán giả. Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến
Nữ cắt băng khai mạc đêm hát gây quỹ bằng hai cái kéo bằng vàng y, mỗi cái 10
lượng vàng ròng mà Hoa Kiều Tương Tế Hội đặt làm để tặng cho đôi tài danh Mã –
Hồng. Nhưng hai tài danh này đã có một cử chỉ rất đẹp, sau khi cắt băng, nhận
kéo vàng, cảm ơn Hội, liền tuyên bố tặng kéo vàng lại giúp Hội Hoa Kiều Tương
Tế Hội và mong khán giả người Hoa góp tặng thêm cho quỹ Hội được dồi dào hơn
nữa.
Chưa bước ra sân khấu mà
hai tài danh Mã – Hồng đã được khán giả vỗ tay ngợi khen hành động đẹp của họ.
Tiếng vỗ tay rất dài, rất lâu, lại được phụ họa bằng tiếng hoan hô nhịp nhàng,
đầy nhiệt tình, đầy khí thế.
Đèn khán phòng bỗng vụt
tắt. Tiếng trống, chập chỏa, đồng lố, não bạt đánh một chập, chói tai, đinh óc,
báo hiệu màn hát bắt đầu. Đèn sáng dần, khán giả cũng im dần. Tiếng đàn tam
thập lục, đàn gáo tấu lên một khúc nhạc êm êm, tiếng sáo hòa theo nghe vi vu
như gió lay cành lá.
Mã Sư Tăng trong y phục
nho sinh nghèo, vai mang lều chõng đi thi, thất thểu bước ra. Một tràng pháo
tay chào nghệ sĩ tài danh rồi khán phòng được trả lại sự im lặng. Mã Sư Tăng
cất tiếng hát, buồn thảm, nghe chơi vơi mênh mang như tiếng kêu của một con
mểnh hoang lạc trong rừng thẳm.
Ông hát: “Ta họ
Đậu, tên Thiên Chương, thông kinh sử thi thư, khổ nỗi thời vận chưa thông, công
danh chẳng đạt, vợ lại qua đời nên dẫn con gái lưu lạc đến châu Sở này! Ta muốn
vào kinh ứng thí, muốn có lộ phí đành cho con cho lão Thái làm dâu… Nói làm
dâu, chớ thực ra là bán con đó con ơi…”
(ca) “Ngã dã chỉ
vi vô kế doanh sinh bích bần,
Nhân thử thương cát xã
đắc thân nhi tại lưỡng xử phân.
Tòng kim nhật viễn tiễn
Lạc dương trần,
Hựu bất tri qui kỳ định
chuẩn.
Tác lạc đích vô ngữ ám
tiêu hồn”
(tạm dịch) “Nghèo vì không kế kiếm ăn, chịu phân ly bỏ
rơi con như thế này. Lạc dương vương bụi trần ai. Làm sao biết được có ngày về
không? Một thân đau xót chập chờn”.
Tiếng hát của Mã Sư Tăng
nghe như có tiếng nước mắt rào rạt trong lòng. Đâu đó nghe tiếng khóc sụt sùi
của khán giả. Một tràng pháo tay nổi lên khen Mã tiên sinh.
Tài danh họ Mã liếc mắt
nhìn xuống hàng ghế danh dự của khách Việt Nam. Tôi dõi theo ánh mắt của Mã Sư
Tăng… Mọi người đều vỗ tay nhiệt liệt. Anh Năm Châu, Tư Trang, Trần Tấn Quốc,
Thu An, tôi và các bạn đều nhiệt tình vỗ tay, trừ cô Bảy Phùng Há! Vâng! Trừ cô
Bảy Phùng Há đang trân trân nhìn Mã Sư Tăng, mắt âu lo, mắt băn khoăn, mắt bàng
hoàng… Cô Bảy nghĩ gì mà quên vỗ tay vậy? Và tôi chợt phát hiện ra… Mã Sư Tăng
cũng phát hiện ra… Ông ta thủ vai một thư sinh nghèo, không tiền đi ứng thí đến
độ phải bán con, vậy mà trên tay vẫn còn đeo một vòng ngọc thạch quý giá. Vòng
ngọc thạch màu xanh thẳm có vân mây, đáng giá bảo ngọc trân châu. Trong phút
giây này, vòng ngọc thạch bỗng biến thành chiếc còng vô duyên, xích tay chàng
nghệ sĩ hào hoa họ Mã.
Thật không hổ danh bậc
thầy trong nghề hát, Mã Sư Tăng bình tĩnh, đưa tay cao, nhìn sững vòng ngọc
thạch và hát cương một đoạn tài tình:
“Hỡi ngọc thạch, báu
vật gia truyền của mấy dòng họ Đậu… đến đời ta, hoạn lộ mãi long đong, mỗi lần
nhìn mi, ta lại đau lòng, nhớ lòng kỳ vọng của huyên đường khuất núi. Ôi, ta đã
phụ người! Ta đã phụ ta! Phải hủy đi vòng ngọc với lời thề son sắt, quyết đạt
thành ý nguyện của cha mẹ ta nơi chín suối”
Hát xong, ông đập mạnh
tay nơi góc bàn, vòng ngọc thạch vỡ tan. Cô Bảy Phùng Há bật dậy như bị điện
giật, vỗ tay rất mạnh. Cả khán phòng, khán giả cũng vỗ tay. Tôi nghĩ khán giả
người Hoa và anh em đại biểu Việt Nam đều thông cảm chỗ sơ xuất của Mã Sư Tăng
lúc đầu và khâm phục cách ông ta chữa lỗi. Trong khi đó Mã Sư Tăng như không có
gì xảy ra, tiếp tục ca:
“Mang mang đại mộng trung. Duy ngã độc tiên giác ” (Trong
mộng lớn mênh mang. Một mình ta biết trước.)
Tiếng cô thông dịch viên
vẫn đều đều, không có vẻ gì nhấn mạnh ý nghĩa câu hát, nhưng tôi nghe vang dội
trong lòng: “Mang mang đại mộng trung. Duy ngã độc tiên giác”. Phải chăng câu
hát nhắn nhủ riêng với cô Phùng Há: “Ta biết lỗi! Ta đập vòng ngọc để tạ bạn
tri âm”.
Ôi! chiếc vòng ngọc, trị
giá cả triệu đồng lúc đó, cả một cái gia tài đồ sộ đối với nghệ sĩ Việt Nam, vì
để bảo vệ danh dự cá nhân hay vì tôn trọng nghệ thuật mà ông Mã đang tay hủy
hoại bảo vật của mình? Dù sao thì trong trang sử nghệ thuật sân khấu, hành động
của Mã Sư Tăng cũng là một viên ngọc sáng ngời, chói chang phẩm cách của một
tài năng lớn.
Trước khi tiễn hai danh
sư nghệ thuật sân khấu trở về Trung Hoa, cô Bảy xin một miếng bể của vòng ngọc
thạch để đóng khung lưu niệm tại trụ sở Hội Ái Hữu Sân Khấu.
Trong khi tôi viết lại
giai thoại này, thì có lẽ hai tài danh Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ đã ra người
thiên cổ, nhưng những bảo vật lưu niệm tại trụ sở Hội Ái Hữu Tương Tế vẫn còn
đó. Các nghệ sĩ Việt Nam ra vô nhà Hội, nhìn thấy bút tích và miếng ngọc thạch
bể của Mã sư phụ, chắc chắn trong lòng mỗi chúng tôi đều dâng lên niềm yêu kính
và chúng tôi cũng hãnh diện được có một danh sư, một đại thụ của ngành mình: đó
là nghệ sĩ tài danh Phùng Há.
Phùng Há không có điều
gì ước riêng cho mình. Gần 90 năm qua, ai cũng biết cô Bảy Phùng Há đã cống
hiến trọn đời cho nghệ thuật, đã cống hiến công sức để làm việc từ thiện, giúp
đồng bào nghèo, hoạn nạn, thiếu đói và giúp các nghệ sỉ kém may mắn hơn mình.
Có mấy ai trên cõi đời
này, đến tuổi của Phùng Há mà lại có cuộc sống tràn đầy ý nghĩa như vậy?
Tưởng nhớ viên ngọc quý
của nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Soạn giả Nguyễn Phương