08.07.2016

LS. Nguyễn Thị Thúy - Viện trưởng gốc Việt đầu tiên tại đại học Hoa Kỳ

„Tại Hoa Kỳ, thống kê mới đây nhất của Hội Đồng Giáo Dục Mỹ Châu cho thấy con số viện trưởng gốc Á tại các đại học 2 năm hoặc 4 năm chỉ vào khoảng 1,5% mà thôi, bà Nguyễn Thị Thúy là khuôn mặt phụ nữ Mỹ gốc Việt trong số hiếm hoi đó.“
LS. Nguyễn Thị Thúy - Viện trưởng gốc Việt đầu tiên tại đại học Hoa Kỳ
Thanh Trúc (RFA)
Đại Học Cộng Đồng Foothill College tiểu bang California, Hoa Kỳ.  Hình do Luật sư Nguyễn Thị Thúy cung cấp

Foothill College là một trong những Đại Học Cộng Đồng  của tiểu bang California, liên tục 3 năm qua được báo Chronicle of Higher Education đánh giá là trường Đại Học Cộng Đồng uy tín và có chất lượng giáo dục cao.
Thành công của người Mỹ gốc Việt
Ngày 1 tháng Bảy vừa qua, Đại Học Cộng Đồng Foothill chính thức có một viện trưởng người Mỹ gốc Việt, bà Nguyễn Thị Thúy.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy đã vượt qua ba ứng viên khác để trở thành viện trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại một trường đại học ở California nói riêng và trên toàn nước Mỹ nói chung.
Luật sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên giáo dục, Hội Đồng Giáo Dục học khu Garden Grove, Nam California, chia sẻ:
Việc bổ nhiệm luật sư Nguyễn Thị Thúy vào chức vụ viện trưởng một viện đại học lớn như vậy phản ảnh khả năng đặc biệt của luật sư Thúy cũng như sự trưởng thành của cộng đồng Việt Nam nói chung về phương diện giáo dục.
Là một người tị nạn, một thuyền nhân, đến định cư tại Hoa Kỳ trong hoàn cảnh khó khăn như bao người Việt Nam nhưng  luật sư Thúy đã thành công từ những trường đại học lớn . Cô đã quay trở lại, dùng khả năng chuyên môn của mình để đấu tranh cho quyền lợi, không những của người Việt Nam mà cho những người thiểu số thấp cổ bé miệng. Nhờ sự hiểu biết như vậy luật sư Thúy mới được tin tưởng và được bổ nhiệm những chức vụ cố vấn cho trường đại học cũng như hiện nay là chức vụ viện trưởng như vậy.
Đặc biệt khi bổ nhiệm thì trường đại học cũng muốn luật sư Thúy có thể hướng dẫn sinh viên giáo sư ở đó vươn lên, đưa đại học này đến một đỉnh cao hơn trong lãnh vực giáo dục.
Từ Bắc California, tiến sĩ Judy Miner, hiệu trưởng tiền nhiệm của Foothill College trước khi luật sư Nguyễn Thị Thúy nhậm chức, cho biết việc tuyển chọn khởi sự từ năm 2015 và là một tiến trình không đơn giản:
Tiến trình tuyển chọn có sự tham dự của những ủy viên đại diện sinh viên các cấp, các học giả chuyên môn, các nhân viên hành chính và cả những người đại diện cộng đồng.
Điều tôi thấy được rõ nhất là sự hào hứng và đồng tình trong việc tuyển chọn luật sư Nguyễn, một trong ba finalists, vào chức vụ viện trưởng của Đại Học Cộng Đồng Foothill. Tôi quen  luật sư Nguyễn nhiều năm nay, với tôi cô ấy là người có đức, có tài lãnh đạo, một người tận tụy với công việc. Tôi thật hài lòng khi biết cô ấy nộp đơn vào chức vụ viện trưởng hầu có thể mang tài năng của mình phục vụ cho đại học cộng đồng như Foothill College.
Được hỏi về những điều bà kỳ vọng nơi viện trưởng tân cử Nguyễn Thị Thúy, tiến sĩ Judy Miner cho rằng cân bằng việc học và giảm bớt khoảng cách học vấn giữa các cộng đồng thiểu số, làm sao nâng số sinh viên gốc Châu Mỹ La Tinh, đang chiếm đa số trong học khu, lên cao hơn mức 23% hiện tại là  điều mà ban giám hiệu Đại Học Cộng Đồng Foothill tin rằng luật sư Nguyễn Thị Thùy có thể thực hiện được, chưa  kể mong đợi là từng đô la đầu tư mà trường chi ra phải mang lại kết quả tương xứng:
Tôi cũng hy vọng Foothill hấp dẫn người trẻ Việt Nam trong các cộng đồng Mỹ gốc Việt quanh đây khi trường có một viện trưởng tiêu biểu và gương mẫu như luật sư Thúy. Tôi đã tiếp xúc với khá nhiều người Mỹ gốc việt trong vùng, tôi thấy họ có vẻ phấn khởi khi Foothill có một vị nữ hiệu trưởng gốc Việt Nam mà theo tôi biết thì  trước giờ cả California và cả nước Mỹ chưa bao giờ có. Chúng tôi hãnh diện vì Thúy Nguyễn đã chọn trường chúng tôi và cho chúng tôi cơ hội tuyển chọn cô.
Muốn giúp cộng đồng thiểu số
Bà Nguyễn Thị Thúy (phải), viện trưởng tân cử Đại Học Cộng Đồng Foothill, và viện trưởng tiền nhiệm, tiến sĩ Judy Miner. Hình do LS Nguyễn Thị Thúy cung cấp.

Foothill Community College là Đại Học Cộng Đồng nổi tiếng của vùng Silicon Valley, San Francisco, San Jose và Oakland Bay Area. Liên tục trong ba năm, trường Foothill được Chronicle of Higher Education, tờ báo uy tín về giáo dục ở địa phương, đánh giá cao về học trình cũng như chất lượng giảng dạy tốt, đặc biệt những chương trình học gọi là online classes.
Ngày 1 tháng Bảy cũng là ngày đầu tiên tôi nhận chức vụ viện trưởng của trường Đại Học Foothill. Là viện trưởng Mỹ gốc Việt đầu tiên nên đó cũng là niềm hân hạnh cho tôi với gia đình tôi. Đại Học Foothill là một trường được nhiều phần thưởng hạng nhất hạng nhì của nước Mỹ trong tất cả các Đại Học Cộng Đồng về mọi môn. Foothill có hơn 13.000 sinh viên, có hơn 300 nhân viên và thầy cô. Trong hơn 13.000 sinh viên mỗi năm thì khoảng 5% là sinh viên Mỹ gốc Việt.
Từ năm 3 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Thúy cùng gia đình vượt biên và đến Mỹ năm 1978. Năm 14 tuổi, cô là học sinh xuất sắc của trung học Castlemont của thành phố Oakland. Tốt nghiệp thủ khoa từ Castlemont High, Nguyễn Thị Thúy vào đại học Yale chuyên ngành triết học, tiếp đến văn bằng  Luật tại UCLA Đại Học California ở Los Angeles.
Thoạt đầu, luật sư Thúy kể, là bà muốn trở thành bác sĩ, nhưng khi  dấn thân vào những sinh hoạt cộng đồng bà chợt nhận ra ngành Luật có lẽ thích hợp với cá tính của mình hơn:
Đặc biệt là đòi hỏi những quyền lợi cho những cộng đồng thiểu số. Nước Mỹ là một nước có cơ hội, trọng người tài,  ai cũng có thể có cơ hội học hành để tiến thân được hết.
Nhưng cái đẹp đó cũng đòi hỏi rất nhiều, trong đó cái đòi hỏi của những cộng đồng thiểu số có cơ hội để vươn lên. Tôi làm luật sư vì tôi muốn giúp cộng đồng thiểu số. Trong cả 13 năm làm việc thì tôi có nhiều vai trò, một trong những vai trò đặc biệt là làm luật sư chính gọi là General Counsel của một số cơ quan trong Đại Học Cộng Đồng. Và chức vụ mới đây là luật sư chính Interim General Counsel của hệ thống Đại Học Cộng Đồng tiểu bang California ở Sacramento.
Khi tôi làm luật sư cố vấn cho một cơ quan của Đại Học Cộng Đồng vùng Oakland thì tôi thấy chỉ khoảng chừng 20% luật sư tại Cali là người thiểu số mà tiểu bang lại hơn 60% là người thiểu số. Trong vai trò cố vấn luật tôi cảm thấy nên làm sao để khuyến khích chỉ dẫn học sinh thiểu số để các em muốn đi đường luật để làm luật sư. Vì đó mà tôi làm việc với State Bar, cơ quan cai quản các luật sư ở tiểu bang.
Trong thời gian đó, luật sư Nguyễn Thị Thúy đã tiếp xúc và làm việc với 6 trường luật ở California, trở thành người sáng lập và chủ tịch California L.A.W Pathway, một tổ chức vô vị lợi:
Thì trong chương trình có 29 trường Đại Học Cộng Đồng ở Cali, 6 trường undergrade và 6 trường luật ký một hợp đồng để giúp các học sinh đi vào đường luật.
Chiều dài hoạt động và bề dày kinh nghiệm như vậy khiến luật sư Nguyễn Thị Thúy dễ dàng trúng tuyển chức vụ viện trưởng Đại Học Cộng Đồng Foothill.
Về áp lực và  thử thách khi đảm nhận chức viện trưởng Foothill College,  luật sư Thúy nói:
Trước đó thì mình cố vấn những viện trưởng khác và có một thời gian tôi là giám đốc điều hành của Liên Đoàn Đại Học Cộng Đồng California, cơ quan đó đặc biệt giúp tranh đấu cho ngân khoản. Trong việc làm đó thì tôi được hiểu biết rất nhiều về những đòi hỏi của các trường học, các học sinh, các nhân viên  vân vân...
Nhưng bây giờ trong vai trò viện trưởng tôi có cơ hội giúp đỡ sinh viên một cách trực tiếp hơn. Nói về thử thách trong việc làm của một viện trưởng thì tất nhiên nó nhiều lắm. Chức vụ viện trưởng bao gồm mọi việc liên hệ tới trường, có thể chia làm hai là nội vụ và ngoại vụ.
Nội vụ, như tôi nói, có hơn 13.000  học sinh, có hơn 300 nhân viên, mình phải bảo đảm công tác, việc làm hoàn mỹ cho học sinh, nhiều cái chẳng hạn trường lớp, hệ thống PC, chọn lựa những môn học cho sinh viên có nhu cầu và khi các em ra trường có việc làm. Đó coi như là nội vụ của trường.
Còn ngoại vụ thì cũng nhiều lắm, ví dụ nói chuyện với báo chí như ngày hôm nay, kêu gọi những lãnh đạo trong cộng đồng, chú ý về ngân khoản hoặc cho tiền, sách cho các sinh viên. Ngoại vụ cũng là một trong những khó khăn trong việc làm của một viện trưởng.
"Tiếng Việt còn thì nước còn..."
Luật sư Nguyễn Thi Thúy (thứ tư từ trái) cùng các nhân viên của trường Foothill College. Hình do LS Nguyễn Thị Thúy cung cấp.

Đối với học sinh sinh viên Việt Nam, đã tốt nghiệp trung học ở Mỹ hoặc  mới từ Việt Nam sang, lựa chọn vào Community College  Đại Học Cộng Đồng nhiều phần là một quyết định  hợp lý do tiền học phí thấp. Luật sư Nguyễn Thị Thúy giải thích:
Và phần đông học sinh Mỹ gốc Việt được Financial Aid trợ cấp tài chính. Thứ nữa mình cứ nghĩ các em sẽ giỏi môn này môn kia nhưng thực sự các em cần học bổ túc, cần những giáo sư có thể dạy các em được. Nhiều sinh viên di dân nếu không vững tiếng Anh thì có thể đến với Đại Học Cộng Đồng, vì vậy Đại học Cộng Đồng có nhiều di dân từ mọi nước đến học. Đó là một trong những ví dụ để sinh viên người Mỹ gốc Việt có cơ hội tiến thân. Đặc biệt từ  Foothill College vẫn có cơ hội chuyển qua đại học Stanford hoặc UC Berkeley nếu các em muốn đi.
Tại Hoa Kỳ, thống kê mới đây nhất của Hội Đồng Giáo Dục Mỹ Châu cho thấy con số viện trưởng gốc Á tại các đại học 2 năm hoặc 4 năm chỉ vào khoảng 1,5% mà thôi, bà Nguyễn Thị Thúy là khuôn mặt phụ nữ Mỹ gốc Việt trong số hiếm hoi đó.
Điểm thú vị là năm 2000, cô sinh viên Luật Nguyễn Thị Thúy từng là đồng tác giả quyển sách Anh ngữ “25 Vietnamese Americans in 25 Years”, “25 Chân Dung Mỹ Gốc Việt Trong 25 Năm”. Đây có thể được coi là một trong những quyền sách đầu tiên nói về sự thành công của người Việt ở Hoa Kỳ:
Tưởng niệm ngày 30 tháng Tư thì báo chí phần đông đều nói về chiến tranh Việt Nam, cái đó cũng quan trọng nhưng   cũng nên nói về người Việt Nam ở Mỹ. Nên khi 25 năm tới thì tôi cảm thấy mình phải viết một quyền sách để nói về những đóng góp của cộng đồng Việt Nam cho nước Mỹ. Quyển sách đó phỏng vấn 25 người Mỹ gốc Việt, đặc biệt nói lên cái tiểu sử của người Việt Nam tại nước Mỹ. Tôi hân hạnh được 70 bạn trẻ cùng với tôi, lúc đó tôi còn học trường Luật, ra cuốn sách này. Hiện tại quyền sách đang ở Library Congress, Thư Viện Quốc Hội, ở Washington DC.
Cô cũng là người nói tiếng Việt trôi chảy không thua tiếng Anh là ngôn ngữ cô học cũng như giao tiếp hàng ngày:
Đến Mỹ lúc 3 tuổi nhưng làm sao tôi biết tiếng Việt? Tác giả Phạm Quỳnh từng nói “Tiếng Việt còn thì nước còn, tiếng Việt mất thì nước mất, cái mất đó không sao vãn hồi lại được.”
Bố mẹ tôi thấy rất quan trọng cho tôi nói tiếng Việt, bố mẹ cho đi học trường Giáo lý Việt ngữ. Gia đình tôi cũng thích xem phim bộ Tàu với Đài Loan dịch ra tiếng Việt, những  phim đó lại bổ túc thêm vào tiếng Việt của tôi. Đặc biệt nữa là tôi thích nghe nhạc Việt. Nhạc Việt rất sâu sắc rất tình cảm. Tôi cứ chạy nhạc rồi viết những chữ xuống, coi như tập chính tả luôn.
Đó là lý do tại sao hôm nay  tôi có thể nói tiếng Việt đến cộng đồng Việt Nam. Biết  một ngôn ngữ khác, đặc biệt ngôn ngữ của mình, là có nhiều cơ hội cho mình tiến thân.
Đó là luật sư Nguyễn Thị Thúy, viện trưởng gốc Á đầu tiên của Đại Học Cộng Đồng Foothill, cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên  được chọn vào chức vụ hiệu trưởng một trường đại học trên toàn nước Mỹ.